“Vượt qua thù hận nhưng không được quên lịch sử”

Trịnh Đình Hùng

TS. Sử học, cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu

Đặt tiêu đề như trên đây, chúng tôi trích trọn câu của chính ông Bob Kerrey, người được dư luận xã hội quan tâm nhiều trong những ngày vừa qua, về việc ông được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.

Cá nhân tôi có ý kiến như sau:

1. Trong chiến tranh, tội ác là điều không tránh khỏi từ cả hai phía. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cũng phân loại và quy định rõ những hành động trong chiến tranh liên quan đến đối xử với dân thường, tù binh, sử dụng loại vũ khí nào v.v. thì bị xếp vào tội ác chống nhân loại, phi nhân đạo, tội ác chiến tranh. Cho nên đã có những tòa án quốc tế như Tòa án Nuremberg sau Chiến tranh Thế giới thứ II đối với tội ác của Phát xít Đức, Tòa án Bertrand Russell đề nghị xét xử hành động của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Những hành động cụ thể ở xã Thạch Phong năm 1969 do lính của ông Bob Kerrey tiến hành theo lệnh của ông như tàn sát dân thường bằng cắt cổ, mổ bụng moi gan… nếu bị xét xử có thể bị liệt vào loại tội ác chiến tranh.

Sau chiến tranh mấy chục năm, ông Bob Kerrey đã sám hối, xin lỗi nhân dân Việt Nam và nỗ lực góp phần vào cải thiện quan hệ với Việt Nam, muốn đóng góp trong lĩnh vực giáo dục trên cương vị sáng lập viên và Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam là điều đáng trân trọng ở tư cách con người mà nói.

2. Việc chấp nhận ông Bob Kerrey ở cương vị đó trên lãnh thổ nước ta thuộc thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam. Đây là điều tế nhị vì nó đụng chạm đến lòng tự trọng dân tộc. Xử lý không khéo thì đang yên đang lành gợi lại vết thương chiến tranh, bất lợi cho chính sách của Nhà nước, đồng thời làm khổ cho chính bản thân ông Kerrey. Chính phủ quyết định thế nào để chứng tỏ chính sách nhân đạo, thiện chí của Nhà nước nhưng đồng thời tôn trọng tình cảm dân tộc của nhân dân nước mình và lịch sử, để “ngoại bang” nhất là các nước lớn đã từng gây chiến tranh với Việt Nam tôn trọng – đó là việc làm rất khó, nhưng là phép thử.

Ý kiến 2 điểm trên đây của tôi chính là dựa vào và hoàn toàn phù hợp với phát biểu của chính ông Bob Kerrey rằng: “cần phải vượt qua thù hận nhưng không được quên lịch sử”.

T.Đ.H.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.