Mai Tú Ân
Thấy gì qua ba cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Đó là có sự khác biệt rất lớn của chính quyền trong các cuộc biểu tình ngày 1/5, ngày 8/5 và ngày 15/5/2016. Đó là sự bạo lực, bạo hành của các lực lượng thực thi pháp luật ngày càng tăng cao, rộng khắp và xuyên suốt đối với người xuống đường.
Cuộc biểu tình đầu tiên (1/5) lúc đầu gần như là một cuộc diễu hành lễ hội của mọi tầng lớp người Sài Gòn. Có rất nhiền nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, các em sinh viên… Có đến hàng ngàn người tham gia với đủ các biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu đòi minh bạch hóa, đòi điều tra Formosa, đòi cá sạch, v.v. Nhưng vẫn là một cuộc biểu tình ôn hòa do người dân tự phát xuống đường vì bức xúc vụ cá chết hàng loạt, vì môi trường bị hủy hoại…
Các lực lượng công an, Thanh niên Xung phong… lúc đầu chỉ đi theo và cố gắng ngăn cản một cách ôn hòa những người biểu tình. Đó là điều phải công nhận. Nhưng đáng tiếc là vào giai đoạn cuối khi người biểu tình sắp giải tán sau gần hai tiếng đồng hồ xuống đường thì các lực lượng an ninh vừa mặc sắc phục lẫn mặc thường phục bắt đầu tấn công đoàn người biểu tình. Họ vây bắt những người mà họ cho rằng là người cầm đầu, thủ lĩnh. Đây là một quyết định hết sức sai lầm vì như đã nói, cuộc xuống đường là tự phát nên chẳng có ai cầm đầu cả. Nhưng máu đã đổ, và các cuộc đánh người diễn ra liên tục vào lúc cuối của biểu tình. Rõ ràng các cuộc bắt bớ, đánh đập đó dứt khoát được ra lệnh bởi các ông quan chức ngây thơ và không hiểu biết đã gây một hình ảnh phản cảm về lực lượng công an, Chính quyền… Hình ảnh của các lực lược Thanh niên Xung phong đánh đập không thương tiếc người biểu tình trước sự giả vờ không liên quan của các lực lượng công an mặc sắc phục đã lan ra khắp mạng xã hội, và gây sự bất bình lớn của người dân.
Nói một cách thật tình thì nếu chính quyền không bất ngờ đàn áp vào lúc cuối thì đoàn biểu tình cũng tự giải tán, ai về nhà đó và chắc cũng không có biểu tình tiếp theo. Nhưng quyết định bạo lực của chính quyền đối với người biểu tình đã khiến cho người dân sửng sốt và căm phẫn. Và nó đã kích động lý do cho các cuộc biểu tình vào mỗi chủ nhật sau.
Một tuần lễ để những người lãnh đạo thành phố, lãnh đạo công an suy nghĩ, suy gẫm về vụ việc biểu tình môi trường này. Nhưng đáng tiếc là họ đặt trên một quan điểm vừa xưa cũ, vừa sai lầm rằng có thể do các tổ chức phản động xúi giục, kích động, v.v. Và rồi phương án dùng bạo lực với người biểu tình đã diễn ra với cuộc xuống đường 8/5/2016. Các lực lượng chức năng ngày ấy đã tấn công thẳng vào đoàn biểu tình ôn hòa ngay khi nó mới bắt đầu, đánh đập họ một cách công khai và rộng khắp. Thậm chí đánh cả đàn bà trẻ con, người già và cả cha xứ. Bắt giữ người để đưa lên xe bus và từng đoàn xe bus ào ào đưa những người bị bắt về sân vận động Hoa Lư. Người dân cả nước rúng động khi nhìn thấy những cảnh bạo hành đó, nhất là hình ảnh hai mẹ con chị Uyên bị đánh đập. Đó là sự kiện chưa từng có ở nơi chốn vốn an bình của thành phố Sài Gòn, cũng như bạo hành một lúc với hàng trăm người biểu tình ôn hòa như một cái tát của chính quyền vào mặt những người có lương tri của cả dân tộc Việt Nam.
Cuộc biểu tình thứ ba ngày 15/5 thì chính quyền đã đàn áp từ trong trứng nước nhưng những người không bị bắt thì vẫn kiếm chỗ khác để biểu tình, rồi tọa kháng ở nhà. Ngọn lửa lan ra các địa phương khác như Nghệ An, Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bùng phát các cuộc biểu tình khi Sài Gòn, Hà Nội bị đàn áp. Không khí sặc mùi khủng bố với những hình ảnh vô cùng phản cảm của lực lượng an ninh chìm nổi trấn áp dã man người biểu tình đã được đưa lên mạng xã hội.
Người dân Việt Nam vốn không quen biết chuyện biểu tình, và lại càng không quen thấy những cảnh đàn áp biểu tình như vậy nên đa số là bất ngờ, choáng và không hiểu nổi. Tại sao chính quyền càng lúc như càng bao che, bưng bít về vụ cá chết hàng loạt đó cùng với nghi án Formosa. Chính quyền đã hành động thiếu minh bạch, thiếu kiên quyết trong vụ cá chết nhưng tại sao lại cương quyết quá trong việc đàn áp người dân xuống đường vì vụ việc cá chết đó.
Cuộc biểu tình lần dự kiến ngày 22/5 và có thể còn có sau đó nữa đã được người dân cả nước đặt lịch xuống đường. Và đa phần là giới trẻ, những người không tham dự biểu tình trước đây thì giờ là những thành phần cốt cán và nhiệt tình nhất. Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/5 cũng bị ảnh hưởng lây khi có nhiều người dân tẩy chay để phản đối. Cũng như chuyến đi thăm của tổng thống Mỹ Obama sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đúng vào lúc căng thẳng này. Không khí khủng bố rờn rợn khắp mọi nơi cùng hàng trăm điểm nóng đã được dựng lên để cấm người dân tụ họp. Nhưng còn nói chi được nữa khi giờ đây biểu tình đã ngấm vào máu của rất nhiều người dân của cả nước Việt Nam rồi.
Bạo lực thì chỉ kéo thêm bạo lực. Đàn áp sẽ chỉ có thêm đấu tranh. Bởi những cái đầu nóng của lãnh đạo chính quyền mà sự việc này kéo dài không biết đến bao giờ, và hệ quả của nó không biết sẽ đi tới đâu…
M. T. A.
Tác giả gửi BVN.