Cá chết. Vũng Áng. Chất độc kim loại nặng. Nước xả của Formosa. Hủy hoại môi trường. Đại thảm họa. Tìm nguyên nhân… Tôi đã vài lần bàn về nguyên nhân gốc của các tệ nạn, nay xin bàn thêm vài điều nhân vụ việc này.
Hiện các Bộ chức năng huy động nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước vào việc tìm kiếm. Tôi nghĩ các nhà khoa học dù có tài giỏi đến đâu cũng chỉ tìm ra một mặt của nguyên nhân, đó là mặt khoa học, xem độc tố là chất gì, được cấu tạo phân tử như thế nào, gây ra nguy hại gì, phản ứng hóa học ra làm sao, tồn tại bao lâu v.v. Việc tìm kiếm này đang bị một số người vừa tìm cách trì hoãn, vừa lợi dụng để làm lu mờ một mặt khác quan trọng hơn, quyết định hơn. Mặt này các nhà khoa học ít quan tâm mà chỉ mới được vài người đề cập qua loa, đó là nguyên nhân từ phía con người. Những ai, hoàn cảnh nào, động cơ gì tạo điều kiện cho sự xả thải một lượng rất lớn chất độc. Tìm nguyên nhân về khoa học để biết cách ngăn ngừa và khắc phục, tuy khó nhưng cũng có thể tìm ra vì môi trường, chất độc không có khả năng tự che giấu. Tìm nguyên nhân về con người để quy kết trách nhiệm và cũng để ngăn ngừa, công việc đã khó càng khó thêm vì con người có khả năng che giấu, phi tang và bao che cho nhau. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân về con người mới thật sự là nguyên nhân gốc, nguyên nhân cơ bản, mà hiện nay đang có nhiều mưu đồ tìm cách bưng bít hoặc xóa dấu vết. Để tìm nguyên nhân này không dễ chút nào, cần các chuyên gia khác các nhà khoa học kể trên, đó là các thám tử, các nhân vật tài ba như kiểu Sherlock Holmes, Lê Phong (nhân vật của Conan Doyle và của Thế Lữ ), những phóng viên, những điều tra viên và nhà chính trị thứ thiệt, biết truy tìm và tôn trọng sự thật. Tôi không thuộc loại người trên, chỉ là một Giáo sư bình thường có hiểu biết chút ít về phương pháp NCKH, nên chỉ có thể nêu ra vấn đề để trao đổi.
Liên quan đến thảm họa có 2 nhóm người chủ yếu. Nhóm 1 là bọn chủ mưu, lập ra, chỉ đạo các kế hoạch và mưu mô lừa đảo. Nhóm 2 là những kẻ cho phép , tiếp tay, che giấu, đó là các quan chức CS từ cấp dưới đến Trung ương. Nhóm 1 thể hiện tương đối rõ, tôi chỉ xin tập trung phân tích nhóm 2.
Vì tự hạn chế độ dài của bài, hơn nữa không xem đây là tác phẩm NCKH nên tôi xin bỏ qua các bước nêu giả thuyết, suy luận trung gian, các luận cứ và luận chứng, chỉ xin đưa kết luận (luận đề) để mọi người tham khảo và bình luận. Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của các thảm họa (trong đó có thảm họa cá chết) về phía do con người (thuộc nhóm 2) chính là sự độc tài trong việc kết hợp 3 tính chất: ngu, tham và đểu. Phải là sự kết hợp đầy đủ, chặt chẽ giữa 3 tính chất ấy trong thể chế độc tài mới đủ sức gây ra thảm họa rộng lớn và kéo dài. Nếu thiếu một vài trong 4 nhân tố (3 tính chất + thể chế) thì cũng có thể tạm thời gây ra tai họa nhưng sẽ khắc phục được nhanh chóng. Thí dụ để xẩy ra một đám cháy phải hội đủ 3 yếu tố: vật cháy được, nguồn cấp ôxy ( không khí ) và nhiệt độ lớn (ngọn lửa), nếu thiếu chỉ 1 trong 3 thì không thể có đám cháy, còn để đám cháy lây lan thì còn thêm yếu tố là không có người hoặc phương tiện chữa cháy kịp thời.
Xin phân biệt tính chất ngu, tham, đểu của một con người P nào đó với bản chất của họ. Nói trong P có tính chất ngu có chỗ giống và khác với việc nói P là một người ngu. Nói trong P có tính chất ngu không loại trừ khả năng trong P còn có những tính chất như khôn ranh, dễ tính, xuề xòa, chăm chỉ…, cũng như vài tính tốt hoặc tính xấu khác. Tính chất ngu không phải thể hiện thường xuyên mà chỉ bộc lộ trong một số trường hợp nào đó . Thí dụ P quá tham khi nhận hối lộ để tạo cơ hội cho người khác làm một việc gì đó, đã mờ mắt, tối lòng vì lợi nên tính chất ngu lộ ra, bị lừa mà không biết công việc đó sẽ gây thảm họa cho đất nước. Nhưng cũng P đó lại rất khôn, có nhiều mưu mẹo trong việc củng cố quyền lực, trong việc dùng sự dối trá để lừa người khác.
Trong sự kiện Vũng Áng, cái sự tham, ngu đã xẩy ra từ trước, bây giờ hậu quả mới hiển hiện. Nếu khi cầm khoản tiền do Formosa biếu mà ông P nào đó thấy trước được cảnh tượng hiện nay (đại thảm họa, phản ứng của toàn dân…) thì chắc cũng chùn tay. Thế là tính chất tham đã kết hợp với ngu. Còn tính chất đểu. Đó là việc ngăn cản những người thông minh, trung thực tìm hiểu, góp ý chân thành với họ, cho rằng những người có ý kiến ngược lại là phản động để đàn áp, tạo ra không khí sợ sệt bao trùm lên mọi lúc mọi nơi.
Vấn đề là phân tích xem 4 yếu tố trên ở đâu ra, nó kết hợp và gây tác hại như thế nào. Thể chế độc tài thì rõ rồi. Ba tính chất (ngu, tham, đểu) thì phải chăng là do “sự thoái hóa, biến chất của đảng viên, cán bộ” như trong nghị quyết 4, hoặc do sự “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như trong báo cáo ở ĐH Đảng.
Không, không phải như vậy. Đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân ở ngọn chứ chưa phải nguyên nhân gốc. Những người đưa ra, tuyên truyền các nguyên nhân vừa nêu, cho đó là nguyên nhân cơ bản thì hoặc họ là người suy nghĩ quá thiển cận, chỉ thấy lá và hoa độc hại mà không thấy bệnh của cây từ gốc, từ rễ, từ hạt giống; hoặc họ là người giỏi về ngụy biện, chỉ dựa vào một phần sự thật, đưa ra kết luận phiến diện để lừa những người dễ tin, cố tình che giấu bản chất.
Tôi cho rằng những tính xấu như ngu, tham, đểu đã có sẵn dưới dạng hạt giống trong bản chất của một số người, đó là những yếu kém trong văn hóa người Việt. Những hạt giống đó thường nằm im, nếu môi trường không thuận lợi thì không nẩy mầm được và theo thời gian sẽ bị thui chột. Khi hạt giống gặp môi trường thuận lợi nó sẽ nẩy mầm, được chăm bón sẽ phát triển thành cây lá sum suê. Quyền lực, đặc biệt quyền lực độc tài là môi trường tốt cho các hạt giống ngu, tham, đểu. Nhưng quyền lực độc tài ở VN hiện tại ở đâu ra. Không khó để chỉ đúng gốc gác của nó, đó là những yếu tố độc hại trong chủ nghĩa Mác Lênin về chuyên chính vô sản. Những độc hại này tạo ra sự mất dân chủ trong mọi sinh hoạt, tạo ra sự độc quyền lãnh đạo của ĐCS, mà thực chất là sự độc đoán, sự toàn trị.
Như vậy nguyên nhân gốc về việc hủy hoại môi trường cũng nằm trong nhận định chung mà tôi đã có vài lần đề cập: “Nguyên nhân gốc của nhiều tai họa của xã hội Việt Nam hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc với những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lênin”.
Người ta vận dụng đủ loại ngụy biện, sự dối trá kết hợp đàn áp để chứng minh sự cần và đủ về độc quyền lãnh đạo của ĐCS mà cố tình bưng tai, bịt mắt để không thấy, không nghe rằng sự độc quyền ấy sẽ tạo ra một đội ngũ người cầm quyền mà phần lớn đã có sẵn các hạt giống ngu, tham, đểu. Nếu có lọt được vài người chân chính, có tài năng và trung thực thì rồi sớm hay muộn họ cũng bị loại hoặc rất khó phát huy được tác dụng tích cực .
Khi hỏi ông Lý Quang Diệu về bí quyết làm cho Singapore phồn vinh, nhiều người nhận được câu trả lời là phải chọn và dùng được có hiệu quả những người tài giỏi và liêm khiết để đưa vào các cơ quan chính quyền. Đảng CSVN luôn đề cao khẩu hiệu sáng suốt lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để bầu vào chức này vị nọ, phải để cao lòng trung thành với ý thức hệ, phải kiên trì Chủ nghĩa Mác Lênin, phải bầu theo cơ cấu, không được bầu người thế nọ thế kia, phải tổ chức thi vào cấp này cấp nọ một cách nghiêm chỉnh. Thế nhưng vì độc quyền, vì quá mất dân chủ mà mọi cuộc thi và bầu chủ yếu chỉ là hình thức. Không triệt bỏ được độc quyền thì sự mua quan bán tước vẫn thao túng chính trường. Không thật sự dân chủ trong bầu cử thì rồi còn bầu ra nhiều kẻ bên ngoài được ngụy trang bằng hình thức tốt đẹp nhưng bên trong ẩn chứa tính chất ngu, tham và đểu. Bọn chúng là những kẻ cơ hội tài ba. Khi dân trí còn thấp, khi sự sợ chính quyền còn bao trùm lên nhiều người thì ngu, tham và đểu của những bọn cơ hội còn hoành hành, thảm họa có tạm dẹp được chỗ này thì rồi sẽ tòi ra ở chỗ khác. Làm sao để phát hiện và loại được tính chất ngu, tham và đểu trong mọi cơ quan chính quyền thì may ra mới có điều kiện tránh bớt tai họa.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN