Tản mạn chuyện tự ứng cử và bầu cử ở Việt Nam

Trong lúc trà dư tửu hậu vào dịp cuối tuần, tôi và một số bạn bè cũng có theo dõi những sinh hoạt chính trị ở quê nhà. Lan man khi nói đến câu chuyện tự ứng cử Quốc hội, đã nẩy ra những cuộc tranh luận…  chưa đến hồi kết. Trong khi  trao đổi chúng tôi đã tự phân hóa thành hai nhóm với quan điểm khác nhau. Xin được  chia sẻ như sau:

Nhóm I: Bầu cử ở VN là một trò hề rẻ tiền không hơn không kém. Không nói lên được điều gì cả ngoài việc tốn kém tiền bạc của dân trong việc tổ chức bầu cử. Bởi vì  hệ thống chính trị của VN là “đảng cử dân bầu”, người dân không hề có một chút tự do nào để lựa chọn. Mọi ứng viên đều đã được «cơ cấu». Ủy ban MTTQ cứ theo đó mà thi hành trong phần hiệp thương sau cùng để loại những người mà đảng CS không muốn cho vào danh sách ứng cử. Ngoài ra, những ứng viên tự ứng cử ngay cả khi đã vượt qua vòng hiệp thương sau cùng cũng chỉ là tiếp tục làm quân xanh cho đến khi có kết quả bầu cử, để chứng tỏ cho thế giới thấy VN cũng là một quốc gia dân chủ.

Nhóm I đã dựa vào những thông tin chính thống để bảo vệ quan điểm của mình như: báo QĐND trong đoạn Phía sau chiêu trò “tự ứng cử”?  đã viết

…Trên cơ sở đó, các cơ quan bầu cử phải chủ động sàng lọc, kiên quyết loại bỏ những người có hành vi lợi dụng bầu cử để chống phá hoặc không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hồ sơ ứng cử, tránh “gây nhiễu” cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.

Ngoài ra trong số 162 người tự ứng cử chỉ còn lại 11/162 người đã may mắn vượt qua vòng hiệp thương thứ 3. Câu hỏi tiếp theo là trong số 11 người thì có bao nhiêu người sẽ trúng cử ĐBQH? Kết quả cuối cùng chúng ta đã có thể đoán được  khi những thông tin về cơ cấu đại biểu đã được định sẵn. Do đó làm sao mà chúng ta có thể tự hào Việt Nam là một quốc gia dân chủ pháp quyền khi điều gì cũng được định sẵn từ con người cho đến thể chế. Ngoài ra cái mũ thế lực thù địch, phá hoại vẫn được dùng như là lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu người dân. Nó chính là một lá bùa hộ mệnh cho một cái đảng luôn ngồi chồm hổm lên mọi dư luận, lẽ phải và lương tri của con người nhưng lúc nào cũng tự ra rả tuyên  bố  rằng VN chúng tôi dân chủ đến thế là cùng.

Nhóm II:  Nhóm này thì ủng hộ những người tự ứng cử. Tin rằng những người tự ứng cử là lực lượng góp phần dân chủ hóa, mong muốn đất nước được dân giàu và nước mạnh, bất chấp những khó khăn và thử thách, sẵn sàng tranh đấu cho dân chủ. Với dẫn chứng rằng nếu chúng ta dấn thân, tranh đấu với cái bất hợp lý, cái sai của chính quyền một cách hợp pháp bằng tiếng nói chính thống trên nghị trường thì vẫn tốt hơn là phản biện bên lề xã hội. Ngoài ra nó cũng có thể là tác nhân hay tạo ra một hiệu ứng Domino dân chủ cho mọi người dân, khuyến khích mọi người nên và biết sử dụng quyền dân chủ của mình.

Và cũng có thể xem phong trào tự ứng cử là một dấu hiệu khởi sắc cho tiến trình dân chủ trong tương lai khi những người tự ứng cử đa phần thuộc giới  trí thức, văn nghệ sĩ thường quan tâm các vấn đề xã hội của đất nước, không kể tuổi tác  và địa vị trong xã hội, kể cả những người đảng viên cộng sản. Họ đã thấy những bất công và tha hóa của xã hội nên muốn dấn thân, không vì quyền lợi cho bản thân mà là muốn làm tác nhân thúc đẩy cho quá trình dân chủ hoá và nhất là muốn phơi bầy cho thế giới thấy mức độ dân chủ ở Việt Nam có đúng như những người lãnh đạo tại Việt Nam đã từng phô diễn hay không.

Tản mạn của riêng mình

Cá nhân tôi đã xác định việc tự ứng cử hay tẩy chay bầu cử thì quan niệm mỗi người có thể khác nhưng chúng ta nên tôn trọng quan điểm của nhau. Riêng trong lòng mình tôi vẫn có niềm tin vào sự dấn thân dù con đường vẫn còn đầy chông gai, khúc khuỷu. Cái tâm những người tự ứng cử dưới lăng kính của tôi giống như hiệp sĩ Don Quichotte. Khác nhau là Don Quichotte ngày xưa chỉ chiến đấu  một mình với cối xay gió. Don Quichotte ngày nay họ phải đương đầu với cả một hệ thống chính trị đương quyền, nhưng không vì thế mà chúng ta không nuôi hy vọng mối quan hệ có thể hoán đổi bất ngờ giữa ảo tưởng và thực tế. Xin hãy ủng hộ những Don Quichotte với bản tính yêu tự do, bình đẳng của họ hơn là chê trách cái tính gàn dở, hay mơ mộng và thiếu thực tế của những Don Quichotte hiện đại ấy, như một số bạn bè tôi đã thường nghĩ.

Tôi luôn kính trọng họ, mặc dù những người tự ứng cử khó có thể vượt qua được cuộc chơi trong khi mình không thế lực và quyền bính trong tay, chỉ có tấm lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết. Họ đã phải trăn trở, biết trước muôn vàn khó khăn trên hành trình tìm dân chủ và biết chắc mình sẽ thua ngay từ đầu, nhưng với tôi họ đã chiến thắng. Chiến thắng của những người tự ứng cử đáng trân trọng bởi vì họ đã dám vượt qua nỗi sợ ở chính bản thân mình như những nỗi sợ mà cách đây 41 năm người dân miền Nam đã từng trải qua khi ngày 30.04.75 đến.

Ít nhất những người tự ứng cử cũng đã giải được phần nào bài toán về  dân chủ. Còn hơn bài toán với phương trình “Độc lập -Tự do – Hạnh phúc” thì vẫn cứ mãi loay hoay mà không tìm ra đáp số sau 41 năm, bởi những nhà thông thái kinh điển đầy lý luận và giáo điều + tư tưởng u mê = nghèo nàn và lạc hậu. Cho nên 41 năm để xây dựng đất nước dân chủ và giàu mạnh vẫn còn là một đáp án được bỏ ngỏ, hay là  một Thiên Đường Mù như nhà văn DTH đã từng viết!

Người xa xứ, Stavanger

Tham khảo

  http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bau-cu/300396/11-nguoi-tu-ung-cu-lot-danh-sach-bau-dbqh.html

http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/bai-2-dieu-gi-phia-sau-trao-luu-o-at-tu-ung-cu-468654

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.