Được gì và mất gì?

Một lời bình phẩm cay chua tưởng cào xé đến tận tim gan phế phủ, nhưng khốn thay đó lại là sự thật. Còn nhớ ngày xưa tôi có xem cuốn truyện dịch Thế giới người mù kể chuyện một thanh niên sáng mắt bị lạc vào một thung lũng, trong đó là cả một cộng đồng người mù đang sống. Bản tính hăng hái, thương người, anh hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng người mù ấy, được họ cưu mang, dựng cho một căn nhà, và cưới cho một cô vợ mù. Nhưng rồi dần dần, những điều anh mách bảo cho tập thể cư dân này dựa vào đôi mắt nhìn xa trông rộng của anh, làm họ đâm nghi ngờ và ghen ghét, ngỡ anh là một phù thủy, một người không hiểu vì sao lại khác với mình. Cuối cùng họ nhờ cô vợ của anh ngấm ngầm dò tìm và cô tìm ra nguyên nhân là ở đôi mắt khác người của anh. Thế là họ bàn nhau tìm cách bắt anh để dùng dao khoét đi cái vật nó là nguyên nhân làm cho anh thấy những điều cộng đồng không thấy. May sao anh dò ra được âm mưu đó và bằng mọi giá trốn thoát khỏi thung lũng.

Hiện tại, công đồng người Việt đang ở vào tình cảnh oái oăm của một “thế giới người mù” chăng? Tôi không tin điều đó. Người Việt Nam vốn có sức sống cường tráng trong mấy nghìn năm lịch sử quyết không thể là một tộc người yếu kém giác quan “nhìn” đến nỗi phải rơi vào thảm kịch triệt tiêu những người sáng mắt. Nhưng quả là trong một thời đoạn đặc biệt, có những yếu tố ngẫu nhiên đóng vai trò chi phối làm cho một dân tộc bỗng nhiên mất phương hướng khiến phải trả cái giá rất đắt. Yếu tố ngẫu nhiên trở thành gánh nặng đối với dân tộc chúng ta là gì? Người Buôn Gió không tiện giải thích và chúng ta cũng không ai cần giải thích, bởi từ bao nhiêu lâu nó đã sờ sờ ra đấy như một sức ám ảnh. Oái oăm là “cái không hợp lý” vẫn cứ tồn tại và dân tộc này vẫn cứ phải oằn lưng gánh chịu.

Nguyễn Huệ Chi

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh: CTV

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh: CTV

Tuần báo Vietnamnet đưa bài về số phận của Người Đương Thời thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã có hồi kết như người đời thường nói ‘’đấu tranh tránh đâu’’.

Sau 4 năm đấu tranh với tiêu cực trong ngành giáo dục, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ngậm ngùi từ giã nghề giảng dạy với day dứt – Được gì và mất gì?

Nhiều năm bị xếp hạng không hoàn thành nhiệm vụ cùng với vợ con, gia đình nhìn anh với con mắt kỳ thị. Thiên hạ bảo anh ‘’hâm’’ Thầy giáo Đỗ Việt Khoa dứt tình với nghề giáo dục. Một hiện tượng nổi bật như Đỗ Việt Khoa là khó chấp nhận trong thời kỳ mà Đảng đang nêu khẩu hiệu – Phát triển bền vững, hài hòa, ổn định.

Đã gọi là hài hòa, ổn định thì một tổ chức có đầy dẫy cái xấu mà ai đó muốn vạch rõ khuyết điểm của toàn bộ tổ chức ấy, ngõ hầu mong muốn cuộc đổi thay mạnh mẽ, cho dù với mục đích tốt cũng không thể được. Vì như thế sẽ không là hài hòa, ổn định.

Số phận của Đỗ Việt Khoa rất đáng khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ về bản thân mình và xã hội. Về nhân sinh quan của cá nhân chúng ta cần có cái gì để định hướng. Phải chăng chỉ có hai vấn đề sau là cốt lõi để chúng ta sống. Một là cá nhân chúng ta được gì? Hai là cá nhân chúng ta mất gì?

Ở xã hội Việt Nam ngày nay, hai vấn đề này đang là tiêu chí cho đa phần dân chúng.

Những bạn nào viết blog, viết báo, đi biểu tình phản đối Bauxite, Biển đảo khi bị người chính quyền triệu lên, hẳn các bạn đều nghe câu hỏi của cán bộ:

– Anh (chị) làm thế thì anh chị được cái gì?

Tôi nghe câu này nhiều, không riêng cán bộ công an mà bạn bè, người thân trong gia đình hay hỏi tôi câu như vậy. Tôi không trả lời như kiểu làm thế này vì dân tộc, vì lợi ích tương lai con cháu, vì đất nước… vì những người hỏi tôi sẽ bảo tôi điên khi làm với mục đích cho những thứ đó. Tôi chỉ có cách trả lời đơn giản. Tôi viết như một thú chơi, như tôi từng đam mê nuôi gà chọi, đọc sách, đánh cờ… những việc chả có ích lợi gì chỉ tốn tiền bạc thời gian nhưng tôi thích thế.

Trả lời như vậy lại ổn mới lạ lùng. Chả ai vặn vẹo được tôi, vì cùn tôi sẽ nói ông, bà đi mà hỏi bọn nghiện rượu, thuốc phiện, bọn đam mê những thú chơi vô bổ nhan nhản xem chúng làm vậy được cái gì?

Nhưng nếu tôi viết để ca ngợi chính quyền, ca ngợi Đảng, lãnh tụ Đảng thì không ai hỏi tôi làm thế để được gì. Vì ai cũng hiểu là làm thế chỉ có được cho bản thân chứ không có mất. Nên người ta không hỏi, vì họ hỏi thế thì chính họ lại là dở hơi theo đúng quan điểm họ vẫn nghĩ.

Chúng ta đừng trách xã hội quay đi khi nhìn thấy kẻ móc túi trên xe buýt của một cậu sinh viên nghèo, đừng bận tâm đến chuyện cháu bé nào đó bị hành hạ.. . vì nếu chúng ta đứng ra ngăn kẻ móc túi, chúng ta phải suy nghĩ xem được gì, mất gì. Nếu tên móc túi có dao, có đồng bọn, ta bị xiên một nhát có phải uổng đời ta không? Nếu ta ngăn được cùng lắm chỉ lời cảm ơn rồi xe xuống bến, đường ai nấy đi. Chúng ta quan tâm đến một cháu bé bị hành hạ ở nhà hàng xóm được gì? Mất tình nghĩa, rồi nhà nọ thù ghét chúng ta, hại chúng ta. Cho nên chúng ta để sự việc móc túi diễn ra, việc hành hạ trẻ thơ diễn ra từ năm này sang năm khác. Bao giờ Nhà nước, báo chí can thiệp thì chúng ta lúc đó hùa theo lên án chưa muộn nỗi niềm tỏ ra là người tốt có trách nhiệm với xã hội, lúc đó an toàn hơn, được tiếng hơn.

Làm việc gì cũng nên nhìn ngóng chủ trương của Đảng. Đảng đã ra khẩu hiệu ‘’Ổn đinh – Hài hòa’’ mà bỗng dưng khiếu nại, đơn từ, phản đối việc nào đó có phải làm mất đi sự hài hòa, ổn định không. Cả cái ngành giáo dục từ trước đến nay thế nào đi nữa cũng vận hành đều đều, sách giáo khoa hàng năm thay đổi đều, học thêm, học phí đều đều, chạy điểm bằng tiền, bằng tình cũng đêu đều, có ai chết đâu mà thầy Khoa đi đấu tranh nhằm thay đổi sự ổn định, hài hòa đó. Cho nên kết quả như vậy là đúng với thực tiễn nhận thức xã hội, đi ngược với đường lối chung.

Sở dĩ phải ổn định, hài hòa là quan trọng, vì nếu không những việc phát hiện tiêu cực sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng để phá hoại đất nước ta. Cho nên những vụ nào mà có dấu hiệu bị thế lực thù địch can thiệp, nhằm phá hoại sự ổn định của đất nước ta, Đảng ta sẽ được  ‘’chìm xuồng ‘’vì mục tiêu cao cả, lợi ích chung.  Hơn ai hết các quan tham trong các vụ tham nhũng chớm bị phanh phui đã tịt ngòi phải chân thành cám ơn các ‘’thế lực thù địch’’ đã gián tiếp cứu nguy chọ họ.

Vì lý do Ổn định – Hài hòa đó mà Đỗ Việt Khoa không được cái gì, chỉ có mất đi.

Nguồn:  http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/461

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.