Hiện tượng này rằng đầu tiên chỉ một cái vẫy cánh của con bướm, rồi nhiều con đã tạo ra làn gió nhẹ và rồi cả bầy đàn thì đã tạo nên một cơn gió và hiệu ứng đồng loạt sẽ thành cơn bão.
Vâng, lúc đầu chỉ 10 thanh niên khi đọc báo thấy đưa tin rằng ngày 26-3 TP. HCM sẽ hạ đốn và di dời 300 cây đại thụ hơn 100 năm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng để làm đường metro trên cao và ga tàu. Nhóm nhỏ này tự động làm biểu ngữ và 4 giờ chiều ngày 25-3-2016 đã đứng trước cổng Đại học Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng giơ biểu ngữ phản đối việc đốn hạ cây xanh. Các bạn trẻ mong muốn gây được chú ý và mong muốn người dân Sài Gòn cùng lên tiếng. Các bạn trẻ đã thuyết phục các sinh viên Sài Gòn cùng tham gia và một số em đã tham gia cùng giơ biểu ngữ phản đối chặt cây và kêu gọi giữ lá phổi xanh cho Thành phố.
Thông tin đưa lên facebook đã được share rộng lan tràn và nhiều ý kiến đồng ý với cả hơn 2000 like hưởng ứng. Ngày hôm sau là thứ 7 ngày 25-3 nhóm bạn trẻ đã lên đến hơn 20 người tham gia, và cũng có một nhóm thanh niên Green Trees cũng đã chăng biểu ngữ đòi giữ gìn cây xanh. Và rồi chiều và tối từng tốp nhỏ đứng giơ biểu ngữ trên đường Tôn Đức Thắng vẫn liên tiếp nối nhau.
Và sáng chủ nhật 27-3 hơn 40 người tham gia giữ cây. Rồi trang facebook của Đại học Sài Gòn cũng kêu gọi các sinh viên có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường với lời cuối: Chặt cây là tội ác. Một số báo cũng đưa tin “Người dân Sài Gòn phản đối việc chặt cây đại thụ 100 tuổi”.
Nhưng cũng có một số phản bác việc làm này và cho đó là vì công trình metro nên mới phải chặt và sao không ngay từ đầu phản bác dự án này. Tôi đã viết trên FB:
TẠI SAO KHI BẮT ĐẦU LÀM DỰ ÁN KHÔNG TÍNH TOÁN MÀ CHỈ NGHĨ PHƯƠNG ÁN CHẶT CÂY?
Một số phản ánh nói rằng từ khi làm dự án cũng đã chặt hơn 100 cây rồi sao không phản ứng lúc đó, giờ làm rồi mới phản ứng? Vậy thông tin chặt cây để làm đường metro có loan rộng rãi cho Dân biết không? Có trưng cầu ý Dân trước không? Người Dân chỉ biết khi báo đưa tin, lúc đó mới biết mà phản ứng.
Việc tính toán ban đầu khi làm công trình phải nghĩ đến việc bảo tồn cây cả trăm năm và phá đi ảnh hưởng thế nào với môi trường chứ? Sao lại trách Dân là khi làm rồi mới phản ứng? Người Dân có phải người vẽ ra dự án này đâu mà biết tường tận mọi việc?
Như Hà Nội đốn cả gần 3000 cây, trơ cả mấy con đường thì người Hà Nội mới biết và biểu tình rầm rộ. Dân Sài Gòn cũng vậy thôi.
ĐỪNG NGỤY BIỆN VÀ ĐỔ TẠI DÂN LÊN TIẾNG MUỘN.
Và chiều ngày Chủ Nhật dù trời rất nắng nóng, những nữ sinh Sài Gòn với chiếc áo dài truyền thống vẫn ra đứng cùng các bạn trẻ giơ biểu ngữ phản đối. Cả ba ngày đó luôn có một lực lượng công an, dân phòng theo dõi bao vây chặt chẽ những người dân Sài Gòn đứng phản đối việc chặt hạ cây xanh của Thành phố; họ không có động thái bắt bớ hay đàn áp tuy vẫn lăm lăm máy quay phim như để lấy bằng chứng sau này xử lý. Bất chấp, các bạn trẻ vẫn xuống đường.
Dư luận càng lúc càng ủng hộ việc làm của các bạn trẻ. Người dân không chỉ ở Sài Gòn, mà cả Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác lên tiếng. Hôm sau, thứ hai ngày 28-3, lãnh đạo Thành phố tổ chức họp giao ban báo chí đã cho đăng tin ngưng việc chặt cây và sẽ di dời cây đến Thảo Cầm Viên, và hứa rằng sau này việc làm chặt đốn cây sẽ tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Đó là một việc làm chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, các bạn trẻ vẫn chưa yên lòng. Làm sao di dời cây đại thụ 100 năm tuổi với hơn hai vòng tay ôm như vậy? Việc di dời có làm cây sống được không hay vô Thảo Cầm Viên cây sẽ chết và vẫn thành gỗ? Với chiến lược lâu dài, các bạn đã tổ chức lấy ý chữ ký phản đối trên mạng (ở đây) kiến nghị lên UBND TP của nhóm VÌ SÀI GÒN XANH (do nhóm bạn trẻ mới thành lập) trên trang facebook, đã có hơn 700 thành viên tham gia.
Dù rằng từ nhận thức đến lên tiếng và rồi hành động là cả một khoảng cách. Nhất là xưa nay những việc này luôn bị các nhà chức trách bưng bít thông tin và ngăn cản, đe dọa và cả bắt bớ làm người Dân trở thành hèn nhát và thụ động dẫn đến vô cảm. Nhưng nếu biết trách nhiệm công dân, vượt qua nỗi sợ và hiểu được QUYỀN CON NGƯỜI thì chỉ cần như một cái vỗ cánh của một con bướm cũng có thể gây ra cơn bão để quét đi những điều làm tai hại cho môi trường, cộng đồng và cả xã hội.
S. Q.
Tác giả gửi BVN.