Viết cho người ôm cây

Bạn thương mến, năm 2007, những người bạn cùng lớp tôi xuất hiện trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở đối diện nhà văn hoá thanh niên để biểu thị ý kiến của họ.

Tôi vẫn còn nhớ, hậu trường của buổi xuống đường là những giảng viên đại học, những thạc sĩ, tiến sĩ gọi chúng tôi về và “răn đe”. Ở nhiều trường, đi biểu tình đồng nghĩa với đuổi học.

Thậm chí, có trường viết hẳn thông cáo và tổ chức họp. Người đứng trên bục cấm chúng tôi đi cùng nhau ra Hồ Con Rùa ngày ấy là giảng viên – những người được gọi là thầy.

Năm đó, bạn bè tôi đã tranh cãi với chính người họ gọi là thầy – vì ông thông báo họ không được phép quay lại nơi họ bày tỏ ý kiến.

Từ 2007 định mệnh ấy, tôi và hàng ngàn người bạn khác như tôi, đã luôn luôn bỏ qua những lần trong đầu dấy lên suy nghĩ hay ý muốn được suy nghĩ tự do mỗi khi nghĩ tới những giảng viên – và cái lệnh đuổi học lăm lăm trong tay họ.

Vâng, xin cúi chào tuổi trẻ.

Trong một buổi nhiều người đi tuần hành về Lãnh sự quán TQ mới ở Hai Bà Trưng, tôi bắt gặp chính bạn bè và đồng nghiệp của mình.

Chúng tôi ở đó, chụp ảnh, quay phim, và đứng nhìn nhau im lặng. Chúng tôi đã nhìn nhau rất nhiều lần im lặng. Thế hệ của tôi, có lẽ là biểu trưng hùng hồn nhất của sự bất lực trong tâm can. Nỗi sợ và sự khôn ngoan nhiều hơn tất cả. Sự chấp nhận và số lần im lặng cũng nhiều hơn tất cả. Tôi đã học cách tin vào nỗi sợ – những kẻ sợ khôn ngoan và toan tính trong con ốc an toàn.

Những đêm muộn ngồi uống ở cổng trường Kiến Trúc, tôi bần thần nghe bạn kể trường của bạn những ngày có sự việc biểu tình, cả trường như hoá thành trại lính.

Sự răn đe hằn học khắp nơi, khiến bạn co lại, và lờ đi tất cả. Bạn hát khi đã say. Chúng tôi hát khi đã say. Chúng tôi không còn tỉnh nữa vì không đủ tỉnh táo để bình tĩnh với ý nghĩ mình chưa một lần suy nghĩ tự do đúng với trái tim khờ khạo và thiếu toan tính của mình. Chúng tôi trở thành kẻ tính toán trước khi được thơ ngây biểu đạt điều mình cho là đúng vào thời điểm đó.

Cuối tuần rồi, những bạn trẻ ở Đại học Sài gòn và cầm mấy cái biển ra đường. Có những cô ôm chặt cây xanh vào lòng. Áo dài hẳn sẽ nhăn mất. Nhưng lần này, dường như họ đã không còn là 8x yếu đuối và sợ hãi nữa. Họ là những 9x biết mỉm cười, vô tư, thậm chí không sợ cả những lời nặc danh người ta gán vào thân thể mình.

Họ không sợ bị gắn mác là ai, theo phe nào, bày trò gì, nhận tiền của ai.

Họ ôm cái cây, vì nó che mát cho con đường cây xanh mênh mông đã hoá thành khung trời kỷ niệm của hàng triệu con người bao năm qua.

Họ im lặng cầm tấm bảng thể hiện điều họ nghĩ: Chặt cây xanh là tội ác, tôi yêu cây. Thuần tuý, đơn giản, chậm rãi, và tâm trí họ mở rộng trong tự do.

Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/truongdaihocsaigon/photos/pcb.990044627755377/990044544422052/?type=3&theater

(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1865053260388133&set=a.1396967237196740.1073741828.100006504312070&type=3&theater)

 

Sẽ đến một lúc nào đó, những thế hệ lãnh cảm như chúng tôi chắc phải chết hết đi, để những người ôm cây không biết đến mùi sợ hãi, sạch nước cản, và lớn lên tự do vô cùng trong dòng suy nghĩ của họ.

Họ sẽ chất vấn khi những giảng viên doạ đuổi học họ.

Họ sẽ tranh biện với ông thầy – khi ông nhân danh cái gì – để giáo dục họ về sự tự do của suy nghĩ.

Họ sẽ hỏi những kẻ gán ghép người khác bằng các danh từ sặc mùi âm mưu – rằng liệu có gì ẩn giấu sau mật ngữ “tôi yêu cây xanh”?

Chẳng có gì cả, khi những tâm hồn tự do lớn lên.

Trong khi ấy, ở Văn khoa Sài Gòn (aka trường Nhân Văn) – nơi đã sản sinh ra một thế hệ hát vì tự do hàng chục năm trước, nơi đã sinh ra những thế hệ giảng viên đấu tranh vì tự do và hoà bình – chúng tôi được dạy hãy câm mồm và lờ đi tất cả.

Như lần này, họ cũng lờ luôn cả cái hàng cây chạy thẳng tới cổng trường – với bao nghìn câu thơ họ đã oai hùng đã viết về hàng cây.

K.Đ.

Nguồn: https://www.facebook.com/khaidon/posts/10207048987076934

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.