“Đạo lý của sự loạn và sự mất” (Mênh mông thế sự 30)

Trong lan man suy ngẫm về nhiễu nhương thế sự của chiếu bạc tàn canh, mọi con bạc dù khát nước hay ngậm miệng ăn tiền, đều làm cho tình hình rối như canh hẹ, bỗng nhớ đến Hoàng Lê nhất thống chí. Tác phẩm văn xuôi đầu tiên với quy mô của một sử thi miêu tả lại một giai đoạn của những biến động dữ dội trong 30 năm cuối thế kỷ XVIII, xã hội tanh bành, hệ thống giá trị bị đảo lộn, vua không ra vua, quan không ra quan, nghĩa quân thần “nhạt như nước ốc, bạc như vôi, dân tình điêu đứng lầm than, “tiền tài hai chữ son khuyên ngược, nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi! (1)

Về quan thì như Nguyễn Cảnh Thước, trấn thủ Kinh Bắc, trắng trợn trấn lột hết “đồ ngự dụng” của vua còn “cho người đuổi theo lột chiếc áo ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt cởi áo ngự bào trao cho chúng…”. Một viên huyện lệnh, để có được tước “Tráng Nghĩa hầu thêm chức Trấn thủ Sơn Tây” đã phủi lời thầy uỷ thác mà nói toẹt ra với chúa Trịnh Tông trong bước đường cùng “Từ xưa đến nay, hưng phế là việc thường, ông cũng không thể tránh khỏi, đừng có làm gì nữa cho nhọc mình” rồi đem nộp Đoan Nam Vương cho quân Tây Sơn. Khi bị Lý Trần Quán quở trách, “Chúa là chúa chung của thiên hạ mà ta lại là thầy anh. Vua tôi là nghĩa lớn, sao anh nỡ làm thế”, y nói ráo hoảnh: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình, tôi không để cho quan lớn làm cho lầm lỡ đâu”.

Về vua, có đoạn sau đây nói về Lê Chiêu Thống chắc nhiều người nhớ: “Nước Nam ta từ khi có đế có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên Tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Tới nay tức là tới ngày 16 tháng 10, mùa đông năm thứ 58 niên hiệu Càn Long bên Tàu (1792) cách Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) hơn hai thế kỷ, chính xác là 224 năm. Vậy nên, mọi so sánh đều khập khiễng cả nên chớ có bóng gió liên hệ vớ vẩn mà phạm huý, tội chém đầu chứ chả chơi. Gợi lại chỉ để nói đến một chi tiết mà các tác giả của Hoàng Lê Nhất thống chí hai lần nhắc đến nhưng xem ra có thể nhiều người không để ý. Đó là chuyện trái tim của Lê Chiêu Thống.

Vâng, trái tim chính hiệu chứ không bóng gió gì cả. Xin chép nguyên văn: “Năm Giáp Tý (1804) vua Thanh [tức là Gia Khánh, kế vị Càn Long] giáng chỉ cho đưa di hài của vua Chiêu Thống về táng ở quê nhà…Tháng giêng năm ấy, các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống thì thấy da thịt đã nát hết chỉ có trái tim không nát, mà màu sắc vẫn còn tươi. Tính từ khi quàn đến bây giờ đã hai năm [] Ngày 13 tháng 8 mùa thu năm đó, di hài vua Lê đưa về đến cửa ải [] Ngày 12 tháng 10, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác. Thấy trái tim vẫn còn y nguyên”. Trước đó đã có đoạn miêu tả tâm trạng Lê Chiêu Thống qua lời trăng trối: “Trẫm gặp lúc vận nhà suy kém, không thể giữ được xã tắc, phiêu bạt ở đất nước người để hòng tính chuyện khôi phục, lại bị đứa quyền gian lường gạt, uất ức đến mãi bây giờ, phải ôm hận mà chết, thật do lòng trời gây nên. Sau này nếu các người được về nước, thì nên đèo nắm xương tàn của trẫm cùng về, chôn ở cạnh lăng tẩm của các vị thánh hoàng đời trước, để tỏ rõ chí hướng của trẫm”.

Vậy đó. Liệu đọc lại những điều nói trên độc giả có thể tất phần nào cho lỗi lầm một tội đồ của lịch sử? Thể tất, vì ông vua tệ hại nhất trong số những “đấng quân vương” từng ngự trị trên ngai vàng để thần dân nước Việt buộc phải tung hô ấy cũng có một trái tim! Hãy để sang một bên chuyện “hư cấu” khi lịch sử được chuyển thành truyện, thành tiếu thuyết cho dù có nâng tác phẩm lên hàng “sử thi”. Hãy cứ tạm thừa nhận cái hình tượng trái tim trong thi hài sau hai năm “vẫn còn y nguyên, màu sắc vẫn còn tươi khi da thịt đã nát hết” để luận đôi điều về hình tượng giàu gợi ý đó. Vì khi nói về trái tim, cho dù trái tim của một người từng bị nguyền rủa về tội bán nước cầu vinh, liệu có đáng được hưởng chút bao dung trong suy ngẫm: “Quả tim tội nghiệp của con người vẫn là quả phao để cứu giữ ít nhiều thơ mộng khỏi sa xuống vực tối” như một nhà văn Pháp đã viết?

Ở đây không có ít nhiều thơ mộng, ở đây là nỗi tuyệt vọng của một số phận lầm lỗi trong sự mê muội, lú lẫn về “chí hướng”. Đó là chí hướng “tính chuyện khôi phục” cái ngai vàng đã quá mục ruỗng của thời Lê mạt mà sự cáo chung chỉ là sớm muộn. Hãy cứ cho là chí hướng đó là khả thủ, thì không thể không chỉ rõ cách lựa chọn giải pháp để thực hiện “chí hướng” là quá ngu muội với tội rước voi về giày mả tổ. Gợi lại sự ngu muội và đê hèn của Lê Chiêu Thống không những nhục nhã luồn cúi vua tôi Càn Long nhà Thanh mà còn rước Tôn Sĩ Nghị đem mười vạn quân Tàu vào giày xéo đất nước, là để một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những Lê Chiêu Thống của thế kỷ XXI.

Nếu cái khát vọng cuối cùng của Lê Chiêu Thống là di hài của mình được “chôn ở cạnh lăng tẩm của các vị thánh hoàng đời trước” rồi cũng được thực hiện “Vua Thanh sai dùng lễ Quốc công an táng vua Lê ở khu Quảng Lăng, ngoài cửa Tây Trực”, Hoàng Lê Nhất thống chí chép rất rành rọt. Thì ra từ xa xưa bọn xâm lược cáo già từng rất thành thục mua chuộc kẻ cam phận làm tay sai, đặc biệt là kẻ đứng đầu hoặc nắm quyền cai trị ở cấp cao nhất, vì đó là cái giá rẻ nhất cho việc biến một đất nước thành chư hầu.

Xưa đã vậy, nay càng như vậy, cho dù biến thái có khác nhau. Thời buổi văn minh của thế kỷ XXI, tuy có công nghệ điện táng thi hài, nhưng “nghi trượng” oai phong lẫm liệt của đám tang những “tứ trụ” hoặc những bậc công thần đời mới vẫn cứ hấp dẫn ai đó hơn. Cái tâm lý “một ngày tựa mạn thuyền rồng…” xem ra vẫn còn ám ảnh trong não trạng của chẳng ít người bỗng dưng như chuột sa chĩnh gạo, chó ngáp phải ruồi, một phát ngất ngưởng ngồi trên đầu thiên hạ, khiến đêm nằm ngủ còn nhờ vợ véo tai xem thử mình đang mơ hay đang ngồi trên cái ghế ấy thật!

Thì nghe đâu đã từng có một ông tướng nọ bị ung thư giai đoạn cuối đúng vào lúc “cơ cấu lãnh đạo” đã cấm tiệt bác sĩ tuyệt đối không được kể bệnh mà phải ghi là “sức khoẻ đang hồi phục tốt” đó sao. Tội nghiệp cho vị bác sĩ phụ trách bệnh viện, vì thương thủ trưởng, muốn thủ trưởng không sớm ra đi, đã cưỡng lệnh mà kê đơn bốc thuốc nên nghe đâu đã bị cách chức. “Quân lệnh như sơn” chớ có dại. Mà đây lại là “quân lệnh” đặc biệt nhằm thẳng tiến đến chức chủ tịch gì gì cơ đấy. Cách chức là còn nhẹ, may mà rồi ông ấy toi thật, chứ không thì hoạ “tru di” là nhỡn tiền. Dĩ nhiên hình thức “tru di” cũng văn minh lịch sự chứ không máu chảy đầu rơi như thời phong kiến thối nát đâu. Chỉ là thanh tra thuế “làm việc với công ty” nhằm triệt đường làm ăn của con, tác động dây chuyền đến việc học hành, thăng tiến xã hội của cháu. Nhẹ nhàng thế thôi.

Người viết bài này có “diễm phúc” được diện kiến vị tướng nọ trong một buổi báo cáo về một đề tài khoa học trước các vị lãnh đạo cấp cao, để rồi nghe ông hạch: “Này anh TL, để tính ra hệ số mà anh gọi là Gini gì gì đó là từ đâu mà ra không? Từ Mỹ, từ Úc, từ Canada đó”. Đây là ông nói về kiều hối, chuyện này đã nói trong “Cảm nhận và Suy tư” xin không nhắc lại.

Ông hạch, vì ông muốn dạy dỗ phải kiên định lập trường, không “mơ hồ địch ta, mơ hồ diễn biến hoà bình”. Tôi cho là ông có ý tốt, muốn uốn nắn “tư tưởng chuyên môn thuần tuý rất có hại cho Đảng”. Chỉ có điều, yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau. Thì cũng đại loại như cách uốn nắn, dạy dỗ của ông Nguyễn Phú Trọng dạo nào: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không?… Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.

Thì cứ cho là ông rất chân thành đi, rất tâm huyết đi, rất kiên định “tỏ rõ chí hướng” đi, thì rồi sao? Chí hướng gì đây? Phải chăng là chí hướng “tính chuyện khôi phục” cái thể chế chính trị đang bị lung lay tận gốc, mà nguyên nhân, đồng thời cũng là hệ luỵ của nó thì ai cũng thấy, miễn phải thuyết minh. Vấn đề có ý nghĩa sống còn là phương cách tỏ rõ chí hướngtính chuyện khôi phục cái còn sót lại của một hệ thống đã sụp đổ tan tành như lâu đài xây trên cát. Hình như ông quên bẵng đi câu nói bất hủ vốn giấu kín trong trái tim tội nghiệp về sự dao động, hoang mang “đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa!

Có lẽ từ trong tim, chính ông không tin, nhiều người trong các ông cũng không tin. Nhưng nếu không bám vào cái mô hình xã hội chủ nghĩa đã đẩy đất nước dấn sâu vào lạc hậu sau 40 năm để rồi muốn đuổi kịp một nước mà năm 1975 xuất phát điểm về kinh tế cũng chỉ bằng ta, nhưng nay ta phải mất 35 năm may ra mới đuổi kịp họ với một giả thiết là họ đứng yên để chờ ta, thì làm sao giữ được cái ghế quyền lực của ông đang ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa?

Chính vì vậy mà phải chọn một giải pháp cực kỳ nguy hiểm là bám lấy người đồng chí cùng chung ý thức hệ mà trong thâm tâm chắc ông cũng như cả bộ sậu của ông đôi khi cũng thấy bất an. Cái trò đu dây đầy phiêu lưu mà hệ luỵ cực kỳ khó lường thì ngày càng lộ ra. Đành rằng đã trót phóng lao thì phải theo lao, nhưng nỗi bất an đang ngày càng tích luỹ theo cấp số nhân nên mới lâm vào thế “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” mà trong “Mênh mông thế sự 29” đã có dịp nói đến, chắc khỏi phải bàn thêm.

Nếu có bàn, thì bàn thêm vào những câu nói có tính ngẫu hứng, nhưng vì thế mà hiểu được rõ hơn diện mạo, trí tuệ và bản lĩnh của người nói, Bởi lẽ, như các cụ ta xưa từng nhắc nhở “một lời nói làm cho nước hưng thịnh” nhưng “một lời nói làm cho mất nước” (3) như biện giải của cụ Lê Quý Đôn sẽ dẫn ra dưới đây. Có lẽ phải mạn phép cụ để thêm vào: một lời nói làm tăng thêm sự ngớ ngẩn của một chính khách! Ví như câu nói, đúng hơn là câu hỏi nóng hổi “Ai chạy? Chạy ai? Đằng sau nó là cái gì? Có khi biết mà không nói ra được hay là không dám nói” (báo Tuổi Trẻ ngày 27.3.2016). Ai, cái gì, không nói ra được hay là không dám nói, thì người hỏi đã biết quá rõ rồi, việc gì còn phải đặt ra nữa. Cách nay đúng mười năm, ông Nguyễn Đức Tâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nói rất rành rẽ, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh ngày 16.4.2006 đã đăng: “Chạy chức chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hóa cán bộ”.

Chỉ có cán bộ đảng viên của ông mới chạy chức và chạy quyền, “không chỉ ở cơ sở mà trên nữa. Chức thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn” chứ dân đen thì dính vào đây sao được. Mà dính vào làm gì mặc dầu họ biết rõ, biết tường tận, chẳng cần đợi đến khi trên mạng phơi ra nhân chứng, vật chứng không lẫn vào đâu được nào nhà cửa, chứng từ, nào ảnh chụp đủ mặt vợ chồng con cái đấy thôi. Quả là “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” nhằm trả lời câu hỏi ngài Tổng Bí thư đặt ra “đằng sau nó là cái gì” rồi đấy.

Ngài “biết mà không nói ra được” chứ đâu phải là “không dám nói”! Chỉ dân thì mới không dám nói vì họ sợ bị ghép vào điều 258 của Bộ Luật hình sự, chứ ngài thì luật nào dám đụng đến. Biếtkhông nói ra được vì sợ gậy ông đập lưng ông, “ném chuột vỡ bình” làm vỡ lở chuyện “không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư gần như 100% tuyệt đối”.

Ấy vậy mà, “thanh khí gốc ở trời và có liên quan với thời đại. Nó tan vào lòng người, thần thông cảm ứng rất linh diệu, rất tinh vi, khó có thể hình dung ra được như Lê Quý Đôn chỉ ra. Vả chăng, “nói lời không khó, làm nên việc mới khó. Thiên hạ thay đổi, chí hướng mỗi người mỗi khác. Rót vào bên đông sẽ chảy về bên tây, bịt chỗ này lại vọt ra chỗ khác, làm sao bắt được mọi cái đều theo ý mình… Không thể có sự làm điều bất nhân giành thiên hạ mà hưởng lộc nước lâu dài được”. Để nói lên cái quy luật muôn đời ấy, Lê Quý Đôn dẫn lời Tôn Quyền luận về đạo lý của sự loạn và sự mấtcủa các triều đại trong lịch sử: “Xưa nay đâu có chuyện bốn năm người cùng giữ quyền chính mà không chia rẽ, đả kích nhau rồi quay ra cắn xé lẫn nhau, kẻ mạnh thì lăng mạ bạo ngược, kẻ yếu thì xin cứu viện. Đó là đạo lý của sự loạn và sự mất”.

Chao ôi! Lời người xưa nói chuyện thời xưa, nhưng sao cứ như thế sự đang diễn ra trước mắt rõ mồn một thế này? Mà đâu chỉ chuyện thế sự nước ta. Chuyện thế giới cũng vậy thôi. Nhân nói về hình tượng trái tim xin gợi ra đây một trái tim được nhắc đến trong diễn văn của Tổng thống Obama tại Cuba ngày 22.3.2016 nói về những người Cuba từng phải bỏ nước ra đi: Họ “đang cưu mang trong tim bao nhiêu ký ức đau thương của những cuộc cách ly đầy máu và nước mắt. Họ yêu Cuba, và một phần của họ luôn luôn xem nơi đây là chốn quê nhà. Chính vì vậy mà nỗi đau của họ rất sâuLịch sử giữa Hoa Kỳ và Cuba có cách mạng, chiến tranh, đấu tranh, hy sinh, ân oán, và bây giờ là hoà giải. Đã đến lúc chúng ta bỏ quá khứ lại sau lưng. Đã đến lúc chúng ta cùng quay hướng nhìn về tương lai”.

Vì thế mà Obama nói rõ: “Hôm nay tôi đến đây để chôn những di vật cuối cùng của cuộc Chiến tranh lạnh. Tôi đến đây để bắt tay và kết bạn với người dân Cuba”. Ông nhắc đến lời José Martí của Cu Ba “Tự do là quyền được sống thật, được suy nghĩ và phát ngôn mà không cần phải ra vẻ đạo đức giả”. Tổng thống Mỹ lưu ý rằng: “Những lý tưởng cách mạng của Hoa Kỳ, của Cuba, của bao cuộc nổi dậy khác trên thế giới, tôi tin rằng chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng được đặt trên nền tảng dân chủ. Tôi tin như vậy không phải vì nền dân chủ của nước Mỹ là hoàn hảo, mà bởi vì nó không hoàn hảo. Đất nước chúng tôi, cũng như bao quốc gia khác, cần không gian rộng lớn của dân chủ để tự điều chỉnh. Bất cứ người dân nào cũng có thể là nhân tố cho sự thay đổi, đưa ra những ý tưởng mới, sáng lập những mô hình xã hội tốt đẹp hơn. Ngay lúc này và ngay trong nước Cuba, một sự tiến hoá cũng đang ngầm xảy ra; một thế hệ người dân Cuba mới đang thành hình.

Thì ra, có những nguyên lý mà cách nay cả nghìn năm người xưa nói ra đến nay lại cứ như cố tình răn đe cho lũ hậu sinh thế kỷ XXI là chúng ta đây. Đó là lời Lê Quý Đôn trong Quần Thư khảo biện: “Nếu cứ cố chấp vào một thuyết mà không biết lường thời thế, không biết linh hoạt thì không tránh khỏi thất bại vậy”. Xin mạn phép cụ để lấy làm lời kết vậy.

T. L.

Tác giả gửi BVN.

____________________

Chú thích:

(1) Thơ Nguyễn Công Trứ.

(2) Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. NXB Văn Học, Hà Nội, 2006. Từ đây, tất cả trích dẫn nói về thời Lê mạt là theo bản này.

(3) Lê Quý Đôn. Quần thư khảo biện. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 50. Từ đây, tất cả trích dẫn từ Lê Quý Đôn là theo bản này.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.