Cần khởi tố công dân Trần Ngọc Bái về hành vi làm nhục người khác và hành vi cản trở việc thực hiện quyền ứng cử

Theo văn bản Yêu cầu khẩn cấp của ông Nguyễn Quang A – một công dân ứng cử tự do – đề ngày 21/3/2016, gửi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đống Bầu cử TP. Hà Nội, Giám đốc Công an TP. Hà Nội và theo một số báo chí trong nước thì đêm 19/3/2016 ông Trần Ngọc Bái, Tổ trưởng tổ dân phố số 13, Phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội – nơi công dân Nguyễn Quang A cư trú – đã đem phát cho từng hộ gia đình tập tài liệu mang tên “Hành trình tội lỗi của Nguyễn Quang A”, có nội dung bôi nhọ công dân Nguyễn Quang A (tập tài liệu này đăng trên trang mạng Vietvision – trang mạng của những người tự xưng là Dư luận viên lập ra hồi đầu năm 2016). Báo Dân Luận đã công bố bức ảnh chụp tài liệu kể trên.

Đây là hành vi bôi xấu, làm nhục và cản trở người ứng cử tự do của ông Trần Ngọc Bái, một loại hành vi mang tính chất hết sức nguy hiểm đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều 121 Bộ luật hình sự quy định tội làm nhục người khác như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến 3 năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người pham tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

(Trích Bộ luật hình sự, Chương XII, Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người).

Như vậy trong trường hợp này, hành vi đem phát cho từng hộ gia đình tập tài liệu có nội dung bôi nhọ công dân Nguyễn Quang A, của ông Trần Ngọc Bái đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự công dân Nguyễn Quang A và đã vi phạm Khoản 1 của điều luật 121: xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác. Ông Trần Ngọc Bái còn vi phạm tiết c) của điều luật này vì ông Bái là người có chức vụ quyền hạn – Tổ trưởng Tổ dân phố 13, Phường Gia Thụy, Quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Chưa hết, hành vi của công dân Trần Ngọc Bái còn vi phạm Điều 126 Bộ luật hình sự.

Điều 126 Bộ luật hình sự quy định tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân như sau:

“Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 1 năm.

1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến 2 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ quyền hạn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng’

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến năm năm”.

(Trích Bộ luật hình sự, Chương XIII, Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân)

Trong trường hợp này, ông Trần Ngọc Bái đã vi phạm khoản 1 của điều luật, cụ thể là dùng thủ đoạn khác (ở đây là tán phát tài liệu đến từng hộ gia đình bôi nhọ công dân Nguyễn Quang A, vào đêm 19/3/2016.). Ông Bái còn vi phạm tiết b) điều 126 vì đã lợi dụng chức vụ quyền hạn Tổ trưởng Tổ dân phố để bôi xấu công dân Nguyễn Quang A – một công dân đang thực hiện quyền ứng cử của mình.

Xét về động cơ mục đích của hành vi, có thể nhận thấy trong cả hai trường hợp trên, hành vi của ông Trần Ngọc Bái thể hiện rõ sự cố ý chứ không phải là sự vô ý hay khinh xuất phạm tội. Là Tổ trưởng Tổ dân phố, ông Bái thừa biết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đến đâu, như thế nào; ông Bái cũng thừa biết rằng việc bôi xấu, hạ nhục người khác là việc làm trái luân thường đạo lý đồng thời cũng trái với pháp luật, nhất là thực hiện hành vi này trong mùa bầu cử hiện nay. Là Tổ trưởng Tổ dân phố, đáng ra ông Bái phải thực hiện nghiêm túc, đúng đắn tất cả những quy định của luật pháp (Luật hình sự và Luật bầu cử) và những quy định của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như các quy định của Hội đồng bầu cử thành phố Hà Nội để góp phần làm cho cuộc bầu cử đạt kết quả đúng đắn; cụ thể là, ông Bái phải góp phần, tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình để các công dân thực hiện quyền ứng cử và bầu cử của mình nhưng ông Bái đã không làm như vậy mà lại cản trở, hơn thế, làm nhục người ứng cử là công dân Nguyễn Quang A.

Trong vụ này, rất có thể phải xem xét đối chiếu với tiết a) của cả hai điều luật – đó là trường hợp phạm tội có tổ chức. Ở đây, thật khó có thể nói rằng ông Bái thực hiện hành vi phạm tội một mình. Phải chăng ông ta có tư thù gì với công dân Nguyễn Quang A nên ông ta tự ý làm như vậy? Nếu có tư thù thì tại sao ông ta lại không thực hiện hành vi trả thù vào dịp khác và bằng một cách khác? Phải chăng, đã có kẻ nào đó lôi kéo, xúi bẩy ông Trần Ngọc Bái hạ nhục, cản trở công dân Nguyễn Quang A ứng cử đại biểu quốc hội? Tại sao ông Bái lại có thể ngang nhiên tán phát tài liệu bôi xấu công dân Nguyễn Quang A đến từng hộ gia đình mà không hề lo sợ?. Và hành động của ông Bái có liên quan gì đến những hành vi cố tình cản trở công dân Nguyễn Quang A ứng cử đại biểu quốc hội bấy lâu nay, ở đây đó hay không?

Nếu xâu chuỗi một loạt hành vi khác từng xảy ra bấy lâu nay, đặc biệt là trong mùa bầu cử này thì người ta lại thấy chúng có mối liên hệ nhất định trong chiến dịch tấn công người tự ứng cử. Phán đoán này không phải là không có cơ sở. Và nếu đúng như vậy thì dấu hiệu của tội phạm có tổ chức cũng đã bộc lộ.

Báo chí đã thông tin về vụ việc nghiêm trọng này. Công dân Nguyễn Quang A – là người bị hại trong việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm – cũng đã có văn bản Yêu cầu khẩn cấp tố cáo và đề nghị làm rõ vụ này. Như vậy, Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội cần khởi tố vụ này với tư cách là một vụ án hình sự mà ở đây đối tượng đã phạm hai tội danh: Tội làm nhục người khácTội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân (cụ thể ở đây là xâm phạm quyền ứng cử). Ở vụ này, đối tượng có hành vi phạm pháp có tên tuổi, địa chỉ, chức danh và hành vi cụ thể; người bị hại là người ứng cử tự do – công dân Nguyễn Quang A – cùng nơi cư trú với người phạm pháp đã tố cáo; nhân chứng thì khá nhiều, đó là các hộ gia đình ở Tổ dân phố số 13, Phường Gia Thụy, Quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Thiết nghĩ, Quốc hội cũng cần phải vào cuộc để làm rõ vụ này. Các vị phải phối hợp với Cơ quan điều tra Công an Hà Nội hoặc tiến hành điều tra một cách độc lập. Cả hai cơ quan này cần sớm hoàn thành việc điều tra xử lý và thông báo trên công luận để đảm bảo tính đứng đắn của công tác bảo an ninh, trật tự nói chung và an ninh, trật tự mùa bầu cử nói riêng. Và cũng là để chứng minh rằng các vị thực sự có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ an ninh, trật tự một cách nghiêm túc cho mùa bầu cử chứ không phải là sinh ra chỉ để làm vì hoặc chỉ để làm những việc theo sự chỉ đạo của ai đó./.

26/3/2016

C. D. N. V.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng, Pháp Luật. Bookmark the permalink.