Dư luận thành phố Hà Nội chưa hết tiếc nuối khi hàng loạt viên gạch đỏ xung quanh hồ Gươm bị đào lên để lát đá xanh, thì vào những ngày này, người dân lại bất ngờ trước việc dự án bị tạm dừng để lấy ý kiến người dân.
Theo Ban quản lý khu vực hồ Gươm, dự án lát đá xanh quanh khu vực hồ được UBND quận Hoàn Kiếm khởi công ngày 10/4. Đây là một trong những công trình hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, có trị giá trên 40 tỷ đồng.
Dân không đồng tình…
Tiếp xúc với Đất Việt, hầu hết người dân trong quận Hoàn Kiếm cũng như khách thập phương có mặt tại hồ Gươm trong những ngày này đều tỏ ra không hài lòng trước việc những lớp gạch đỏ xung quanh hồ bị đào xúc lên để thay thế bằng đá xanh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, một người dân sống ở phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, thường xuyên ra hồ Gươm tập thể dục vào sáng sớm, phàn nàn: “Toàn bộ gạch đỏ xung quanh hồ Gươm mới được thành phố Hà Nội lát lại trong kế hoạch chỉnh trang các tuyến phố để phục vụ Hội nghị cấp cao APEC vừa qua nên vẫn đẹp và tốt lắm. Nay, quận Hoàn Kiếm cho máy móc xới tung lên để lát những phiến đá khô cứng, xám xịt chẳng ăn nhập vào đâu – thật là tiêc nuối! Điều này không hề mang lại vẻ đẹp cho hồ Gươm mà chỉ đốt tiền ngân sách”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành, một người dân ở tổ dân phố số 9, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng: “Nếu muốn đẹp thì thành phố chỉ cần rửa, sơn quét hoặc hỏng viên nào thay viên đó là được. Gạch đỏ rất hợp với cảnh quan hồ Gươm và không trơn trượt, vì vậy nên giữ lại. Với số tiền dự định tu bổ hồ Gươm, thành phố nên dành đầu tư cho các tuyến đường cũ nát, ngập nước triền miên lâu nay để những hôm diễn ra Đại lễ 1.000 năm, nếu có mưa, người dân vẫn có thể đi dự được”.
Chung quan điểm, nhiều Tổ trưởng tổ dân phố ở quận Hoàn Kiếm tỏ ra không đồng tình với dự án. Ông Lê Văn Sinh, Tổ trưởng tổ dân phố 20, phường Tràng Tiền, nhận xét: “Ngoài làm xấu cảnh quan hồ Gươm, nếu trời nắng nóng, các viên đá này hấp – phả nhiệt, sẽ khiến khách thập phương không thể ngồi trên ghế đá, cũng như đi dạo”.
Tạm dừng lấy ý kiến: Hành động hiếm gặp!
Khi được biết dự án tạm dừng để lấy ý kiến người dân, nhiều Tổ trưởng tổ dân phố và người dân ở quận Hoàn Kiếm tỏ ra lạc quan và bày tỏ rằng, “giá trước khi thi công, quận, thành phố lấy ý kiến người dân thì tốt biết mấy. Đến lúc dư luận phản đối, quận mới nghĩ đến điều này thì có muộn không, bởi tiền cũng đã đầu tư…”
Ông Nguyễn Văn Thanh, một người dân ở phường Hàng Bạc, nói: “Tôi không tin lắm vào việc lấy ý kiến người dân lần này, dường như đây chỉ là việc làm hình thức, còn dự án sẽ vẫn triển khai lại thôi”. Theo ông Thanh, có dự án nào triển khai rồi lại dừng lại để lấy ý kiến người dân, nên hành động này của quận Hoàn Kiếm thật là hiếm gặp, không khác gì “một anh đẽo cày giữa đường”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ dân phố, số 9 phường Tràng Tiền, vẫn mong muốn: “Tuy chưa nhận được công văn lấy ý kiến của quận gửi, tôi và hầu hết người dân trong tổ dân phố đều mong muốn thành phố, quận nên để nguyên cảnh quan hồ Gươm như cũ vì gạch lát hiện nay không chỉ sạch, bền, mà còn mang lại không khí mát, dễ chịu cho khu vực xung quanh”.
Kỹ sư phạm Thế Minh, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Viêt Nam cũng cho rằng, về độ bền đá xanh sẽ không bằng gạch đỏ vì đá có hàm lượng cacbon, canxi nhiều nên sự phai mòn sẽ cao hơn, khi trời mưa độ chống trơn cũng không bằng gạch. Bên cạnh đó, vào mùa hè, sự hấp nhiệt của đá xanh rất lớn. “Gạch đỏ sẽ hài hòa với quang cảnh tự nhiên hồ Gươm. Thông thường ở các nước trên thế giới, đá xanh chỉ được lát nhiều ở các khu vực như lăng tẩm, cung đình, nhà khách…”, Kỹ sư Minh dẫn chứng.
Không thể để công trường lát đá xanh làm xấu Hà Nội
Trọng Đảng
Một là phải làm cho xong, hai là phải bóc hết những lớp đá đã lát trả nguyên trạng cảnh quan hồ Gươm, không thể để công trường ngổn ngang như vậy… Nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và chuyên gia xây dựng nêu ý kiến.
Trao đổi với Đất Việt, các đại biểu cho rằng, không thể để cảnh quan hồ Gươm linh thiêng, trái tim của Thủ đô lại “chình ình” một công trường xây dựng dở dang trong dịp 1.000 năm tuổi.
Ông Vũ Đức Tân, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, công trình phải tạm dừng là sai sót của chủ đầu tư khi thực hiện dự án mà không hỏi ý kiến nhân dân, các chuyên gia đô thị. “Nếu thấy sai và nhân dân phản ứng mạnh thì nên sửa, thậm chí là phải bóc hết những lớp đá đã lát để trả lại cảnh quan vốn có cho hồ Gươm, tránh những hệ lụy xấu. Còn nếu dừng đến sau Đại lễ mới triển khai tiếp thì càng không có ý nghĩa”, ông Tân nói.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thành, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho biết, khu vực hồ Gươm là khu vực nhạy cảm. Đây là trung tâm Thủ đô, mang những yếu tố văn hóa, lịch sử, vì vậy mọi tác động đến cảnh quan, kiến trúc cần phải được bàn tính kỹ càng. Không thể để một dự án chỉnh trang “chẳng ăn nhập vào đâu” tồn tại như vậy, nếu không giải quyết sớm thì đây sẽ là một nhân tố làm xấu hình ảnh Thủ đô.
Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến Trúc Hà Nội cũng cho rằng, thành phố cần tiếp thu ý kiến người dân để đưa ra quyết định rõ ràng, làm cho xong, hoặc sớm dọn dẹp, không thể để công trường ngổn ngang như vậy.
Cũng theo ông Hanh, thành phố có chủ trương chỉnh trang đô thị để hướng đến Đại lễ là đúng, tuy nhiên, về mặt mỹ quan dự án lát đá xanh ở hồ Gươm “không ổn lắm”. Vì đây là những con đường đi dạo nhỏ, lát những phiến đá lớn sẽ không phù hợp và rất dễ gây ra trơn trượt cho người dân.
“Nếu cho triển khai tiếp thành phố nên điều chỉnh lại dự án bằng cách cho lát những loại đá xanh nhỏ có kích cỡ dài, ngang khoảng 10 – 15 cm, loại đá này vừa đảm bảo mỹ quan, vừa có nhiều mạch xi để chống trơn. Hiện quảng trường Đỏ ở Nga cũng đã lát loại đá này và hiệu quả đẹp, an toàn”, ông Hanh nói.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc không khỏi lo lắng, đá xanh được lát ở trong nhà mỗi gia đình mặc dù được đánh nhám nhưng khi đánh đổ nước mọi người còn rất bị trượt ngã, nếu loại đá này được lát ở ngoài trời, bụi, nước thường xuyên bám vào liệu có an toàn cho người đi bộ. “Nếu xung quanh hồ Gươm mà lát hết loại đá này chắc trời mưa tôi không dám ra đây nữa”, ông Phúc bày tỏ.
Sau khi có thông tin dự án sẽ dừng đến sau Đại lễ, nhiều người dân và tổ trưởng tổ dân phố ở quận Hoàn Kiếm cho rằng, đây có thể là “kế hoãn binh” của đơn vị thi công khi thấy Đại lễ đến gần và có khả năng không đáp ứng được tiến độ nên tạm dừng để sau tháng 10 triển khai tiếp cho hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, nói: “Chúng tôi không đồng tình với việc triển khai dự án, việc chủ đầu tư dừng để lấy ý kiến người dân chỉ là hình thức, đây là kế hoãn binh của họ mà thôi”.
Ông Lê Văn Sinh, Tổ trưởng tổ dân phố 20, phường Tràng Tiền, cũng cho rằng, chủ đầu tư đánh tiếng tạm dừng dự án để lấy ý kiến nhân dân chỉ là đối phó với dư luận, còn dự án vẫn sẽ được triển khai như kế hoạch.
TĐ