Đừng dùng sai để tiếng Việt nghèo đi

…không thể phủ nhận việc ngôn ngữ Việt Nam đang bị ai đó hữu ý hay vô tình phá hoại, làm cho nghèo nàn đi; và việc này rất nhiều bậc trí thức có lòng với văn hóa dân tộc đã phân tích nhiều…

Kim Nguyên (Belgium)

Xin nêu một vấn đề để cùng nhau suy nghĩ về một số từ ngữ bị sử dụng không thích hợp. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu bởi nhiều người, và câu trả lời là ngôn ngữ nào cũng có sự thay đổi, có những chữ mới sinh ra và những chữ không còn dùng sẽ bị biết mất.

Thiết nghĩ những từ ngữ nào hay, đúng, chính xác và trong sáng thì ta dùng, quảng bá. Những từ ngữ làm mất đi sự trong sáng, phong phú hoặc làm thô tục hóa tiêng Việt thì ta không nên sử dụng hay phổ biến. Ngôn ngữ luôn có sự thay đổi. Nhưng ta chỉ nên chấp nhận thay đổi theo chiều hướng tiến hóa. Những thay đổi có tính cách thoái hóa thì cần phải loại trừ. Việc gìn giữ sự trong sáng, phong phú và thanh tao của tiếng Việt chính là bổn phận của những người làm công tác văn hóa, mà các đài truyền thanh, truyền hình các cơ quan báo chí đóng vai trò tiên phong.

Tôi không đặt vấn đề những chữ được dùng trước 1975 hoặc sau 1975. Trước 1975 nếu sai ta cũng nên loại bỏ: thí dụ như “antibiotic” trước 75 gọi là “trụ sinh”, cái này sai!“kháng sinh” mới đúng. Trước 75 môn vẽ trong ngành kỹ thuật có tên “kỹ nghệ họa” đây là cách nói theo tàu, giống như “Dân Chủ Đảng” thay vì “Đảng Dân Chủ”. Sau 75 dùng chữ “vẽ kỹ thuật” tôi cho là hợp lý hơn. Nói vậy để chứng minh rằng không có vấn đề trước hay sau 75 mà chỉ có vấn đề đúng hay sai, hay hoặc dở.

Hẳn chúng ta không thể phủ nhận việc ngôn ngữ Việt Nam đang bị ai đó hữu ý hay vô tình phá hoại, làm cho nghèo nàn đi. Việc này rất nhiều bậc trí thức có lòng với văn hóa dân tộc đã phân tích nhiều. Tôi không lạm bàn hơn, chỉ xin nêu lên những thí dụ điển hình về việc dùng sai tiếngViệt, phá hoại sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ chúng ta:

– Bây giờ ở trong nước, cái gì họ cũng dùng chữ “hoành tráng” từ ngôi nhà, ngọn núi đến bữa ăn, đám rước, buổi lễ. Riết rồi người ta sẽ bỏ những chữ vốn rất hay, rất phong phú trong ngôn ngữ Việt dùng để miêu tả một cái gì đó to lớn: thí dụ tòa nhà nguy nga, tráng lệ; bữa tiệc thịnh soạn, linh đình, sang trọng; cánh rừng bạt ngàn (hay ngút ngàn), lễ hội tưng bừng, huy hoàng; ngọn núi hùng vĩ;… nếu cái gì cũng “hoành tráng” thì chỉ trong vài chục năm nữa những tính từ này sẽ đi vào quên lãng. Có phải tiếng Việt đang bị làm cho nghèo đi không?

– Kịch tính: chữ “kịch” nó gợi cho người ta ấn tượng cái gì không thật, được dàn dựng (thí dụ: nó đóng kịch). Thú thật, khi nghe câu:“một trận bóng đầy kịch tính” tôi cứ nghĩ rằng đó là một trận bóng được dàn xếp tỷ số trước (hay bán độ) và các cầu thủ chỉ là những diễn viên trong vở “kịch” ấy. Tiếng Việt mình đâu có thiếu từ trong sáng hơn, rõ ràng hơn và hay hơn nhiều: trận đấu hào hứng, ngoạn mục, hấp dẫn, căng thẳng, nghẹt thở… Thay vì nói “trận đấu đầy kịch tính”, quý vị nói “trận đấu vô cùng ngoạn mục” tôi bảo đảm không ai là không hiểu. (nhưng tôi sẽ không phản đối nếu quý vị nói “một Đại hội 12 đầy kịch tính”, cuộc bầu cử QH đầy kịch tính!)

Chữ “khả năng” bây giờ người ta dùng rất bừa bãi, thay cho chữ có thể, có triển vọng. Xin đưa ra vài thí dụ: “sau khi thất nghiệp, anh ta có khả năng không còn khả năng trả tiền nhà” (đã “có khả năng” mà lại “không còn khả năng”) . Hoặc: “Sau cuộc giải phẫu, ông ta có khả năng bất lực” . Còn câu này: “ông Trump có khả năng làm tổng thống” nghĩa của nó phải là: “ông Trump có đủ tài, đức để làm tổng thống” . Nhưng không! Hiện giờ trong nước hiểu câu ấy là: “ông Trump có triển vọng (hay “nguy cơ”) làm tổng thống”!!

– Chữ “chất lượng” trong nước dùng sai: “quality” là “phẩm”; “quantity” là “lượng” . Bởi vậy chữ quality tiếng việt phải nói là “phẩm chất” mới đúng.

– Đá: nghĩa của từ này là một vật liệu vô cơ, cứng, có sẵn trong thiên nhiên. Nó chưa bao giờ mang ý nghĩa một thực thể nổi lên giữa biển. Nếu bảo sáng chế để làm phong phú thêm thì sẽ không thuyết phục nếu sáng chế chữ “đá” để cho những chữ như “đảo”, “cù lao”, “hòn”, “bãi”… đi vào quên lãng. Xin quý vị khách quan đánh giá trong các chữ sau đây chữ nào hay và chỉnh hơn: đá Chữ Thập, hòn Chữ Thập, bãi đá Chữ Thập, đảo Chữ Thập… Dùng chữ “đá” thay chữ “đảo”, e rằng với đà này họ sẽ dùng chữ “nước” thay cho chữ “sông”: bây giờ có “đá Chữ Thập” mai kia sẽ có “nước Đồng Nai”. Nếu bảo vì nó cấu thành từ đá nên gọi là “đá” thì sao không nói “đá Trường Sơn” vì núi cũng cấu thành từ đá mà!

– Chữ “bức xúc” được dùng quá nhiều. Tiếng Việt ta đâu có nghèo nàn như vậy! “Bức xúc” dùng cho tất cả các trường hợp từ nhẹ như “bất bình”, “bất mãn”,cho đến nặng hơn như “giận dữ”, “căm phẫn”, “uất hận”. Thí dụ: 1. nhân viên “bức xúc” trước cách cư xử bất công của Giám Đốc. 2. người dân “bức xúc” trước hình ảnh 4-5 tên công an vạm vỡ vây đánh một cô gái yếu đuối như Đỗ Thị Minh Hạnh. 3. dân oan “bức xúc” trước việc họ bị cướp nhà, cướp đất sống cảnh màn trời chiếu đất để cho cán bộ đảng viên chia nhau mảnh đất mà tổ tiên của họ dầy công khai phái, vun bồi… Đúng là ngôn ngữ Việt đang bị “bần cùng hóa”.

-Lái xe: động từ này bây giờ lại được “sáng tạo” để dùng như một danh từ! Bây giờ người ta nói: “lái xe” để chỉ người cầm lái chiếc xe. Có cần thiết như vậy không ? Tiếng Việt có chữ “tài xế” tại sao lại bỏ đi để thay thế bằng một động từ ? Xin hỏi “lái xe của tôi” với “tài xế của tôi” câu nào chỉnh hơn ?

– Thay vì: “người mẹ cố tình dìm nước giết con” thì lại cầu kỳ, kiểu cách:“người mẹ cố tình dìm nước gây tử vong cho con”!

Còn nhiều, nhiều lắm, tôi chỉ nêu một vài thí dụ. Xin quý vị làm truyền thông hãy cố gắng bảo vệ, duy trì sự trong sáng; phong phú của tiếng Việt mình vốn đã thoái hóa một cách hết sức thảm hại.

Quý vị đừng lo nói không giống trong nước thì người ta không hiểu. Cứ cho là có những chữ có người không hiểu, nhưng nếu đó là đúng, là hay thì cũng nên học thêm thay vì cứ nhắm mắt dùng những chữ sai . Khi dùng và quảng bá chữ sai là ta vô tình tiếp tay cho kẻ muốn phá hoại tiếng nước ta.

K.N.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.