Hãy để Uranium nằm yên trong lòng đất!
Thục Quyên (SaveVietnam´sNature)
Urani hay uranium là một nguyên tố hóa học kim loại.
Hiện tại, các ứng dụng của urani chỉ dựa trên các tính chất hạt nhân của nó.
Urani tự nhiên bao gồm 3 đồng vị chính: ¨Urani-238 (99,28%), Urani-235 (0,71%) và Urani 234 (0,0054%). Tất cả 3 đồng vị này đều phóng xạ và có xác suất phân hạch tự nhiên.
Uranium phát ra tia alpha, beta và gamma. Các kim loại Urani hiện diện trong trái đất có độ phóng xạ cụ thể là 40 Bq/kg. Nằm sâu trong lòng đất Uranium không gây hại gì cho con người và các loài động vật. Trong khi một lớp đất dày chỉ 1cm cũng đủ để bào vệ chống lại các tia alpha và beta thì phải cần nhiều mét đất mới ngăn được những ảnh hưởng tai hại của tia gamma.
Khai thác mỏ, đưa Uranium và các đồng vị lên mặt đất để sử dụng vào ngành công nghệ hạt nhân, là chuyển đổi toàn vùng thành một nơi sống đầy nguy hiểm cho sức khoẻ của mọi sinh vật, kể cả con người.
Hiệp hội Y sĩ Quốc tế phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (1)
Theo Hiệp hội Y sĩ Quốc tế phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (International Physicians for the Prevention of Nuclear war, IPPNW, giải Nobel Hòa bình 1985) Uran/chất đồng vị có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua không khí hay nước nhiễm xạ.
Từ phổi, chúng đi đến các hạch bạch huyết rồi vào máu, bài tiết qua thận hoặc đường ruột.
Uranium có tính gây hại về mặt phóng xạ cũng như độc hại hoá học. Một khi được lưu trữ trong cơ thể con người, nó tập trung ở xương, trong gan, thận, hạch bạch huyết, não và tinh hoàn.
Uranium chủ yếu tác động dưới dạng khí radon, sinh ra từ sự phân rã của Uranium, và gây ung thư phổi. Ngoài ra cũng còn gây các loại ung thư khác như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư hạch, ung thư máu và các bệnh về máu khác. Trong thận, nó là một kim loại độc hại và gây tổn thương thận nặng. Tác dụng trên thai nhi, Uranium gây dị tật bẩm sinh, làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, gây thai nhi chết lưu và hội chứng Down.
Để đẩy mạnh mục đích bảo vệ sức khỏe con người lên hàng đầu, Đại hội thế giới thứ 19 của Hiệp hội Y sĩ Quốc tế phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân năm 2010 tại Basel đã đưa ra nghị quyết
“Phải cấm khai thác Uranium trên toàn thế giới”.
Chiến dịch Quốc tế chống khai thác Uranium(2)
Tiếp nối nghị quyết, một chiến dịch quốc tế chống khai thác Uranium được một số rất lớn (cho tới nay là 25 và còn đang tăng) các tổ chức quốc tế cùng phát động, để nhắm vào tận gốc rễ của chuỗi công nghệ hạt nhân.
Lý do đưa tới nghị quyết là “Không có cách gì biện minh cho việc khai thác Uranium và sản xuất urani ôxít (bánh vàng/yellowcake) vì đây là một mối đe dọa nghiêm trọng cho sức khỏe con người và môi trường. Cả hai quá trình là một vi phạm cơ bản Nhân quyền, và sử dụng chúng đưa tới một rủi ro khôn lường cho nền hòa bình thế giới cũng như làm trở ngại cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Trước cũng như sau đại hội của IPPNW, đã có những lời kêu gọi mạnh mẽ từ nhiều nơi khác:
Năm 1987 tại Hội nghị Nạn nhân Bức xạ đầu tiên ở New York.
Sau đó vào năm 1992 tại Buổi Điều trần Thế giới về Uranium tại Salzburg, mà tuyên bố cuối cùng đã được Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Geneva chấp thuận vào năm 1994.
Năm 2006, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bản địa về Uranium tại Window Rock , bản doanh của dân tộc Navajo tại Hoa Kỳ.
Và mới đây, tháng 4 năm 2015 tại Hội nghị chuyên đề Thế giới về Uranium tại thành phố Quebec (www.uranium2015.org), tháng 11 năm 2015 tại Đại hội Quốc tế về vấn đề Hạt nhân hóa châu Phi nhóm họp tại Johannesburg.
Kể từ năm 2015 tổ chức Nuclear-Free Future Award Foundation (NFFA Foundation) “Giải thưởng Tương lai phi Hạt nhân” đã nhận lãnh, phối hợp và phát huy Chiến dịch Quốc tế chống khai thác Uranium.
Tổ chức NFFA Foundation được thành lập vào năm 1998 và từ đó hàng năm phát giải thưởng “Tương lai phi Hạt nhân”. NFFA Foundation có nối kết trong mạng lưới toàn cầu và một trong những nhiệm vụ của tổ chức là hỗ trợ công việc của những người đã đoạt giải. Một số lớn những người này đã và đang đấu tranh chống lại sự tàn phá cuộc sống con người và môi trường thiên nhiên bởi sự khai thác uranium.
Tổ chức NFFA Foundation nhận trách nhiệm thành lập một văn phòng điều phối tại thành phố Munich (Cộng hoà Liên bang Đức) và đồng thời mở một trang web đa ngôn ngữ cho tất cả các thành viên tham gia Chiến dịch sử dụng, cũng như để liên tục thông báo về tiến trình của Chiến dịch. Chiến dịch sẽ theo nhiều mục tiêu từng giai đọan, quốc gia và quốc tế, để từ đó xây dựng và phát triển động lực cần thiết.
Trang web đa ngôn ngữ đang được thiết lập với tập “Bản đồ kỷ nguyên hạt nhân” tương tác và đa phương tiện, để trình bày về hoàn cảnh lịch sử và hiện tại của vấn đề khai thác Uranium. Trang web này sẽ là rường cột và đồng thời là nơi giới thiệu Chiến dịch (Phần đóng góp tiếng Việt do nhóm SaveVietnam´sNature đảm nhiệm).
Những tổ chức phi chính phủ đã hoạt động nhiều năm trong lãnh vực này được mời và khuyến khích tham gia. Sự tham gia từ khắp nơi trên thế giới là điều không thể thiếu để đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Vì nạn nhân khai thác mỏ Uranium thường là những cộng đồng bản địa, chiến dịch sẽ tích cực trong các vùng miền của các dân tộc bản địa.
Vào đầu mùa hè 2015 một số nhà hoạt động trẻ đến từ châu Phi, Ấn Độ và châu Âu đã cùng nhau leo lên đỉnh núi Kilimanjaro và từ điểm cao nhất châu Phi, họ đã gửi một thông điệp đến toàn thế giới: Hãy để Uranium nằm yên trong lòng đất!
T.Q.
Chú thích
(1) http://www.ippnw2010.org/
(2) http://u-ban.org/; http://u-ban.org/partners/
(3) https://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-dokumente/weitere-dokumente/wevn;https://sites.google.com/site/networksavevietnamsnature/5-bai-vo-lien-he/5-1-nang-luong-hat-nhan/b20130523-thq-nangluonghatnhantrongngocut
Tác giả gửi BVN