Seeking Loyalty Amongst the Four Key Groups – The Tactics of Xi’s Domestic Politics (Jamestown 8-3-16)
China Brief quyển 16: số 5
Phan Văn Song dịch
“Siết chặt kỷ luật” “Trung thành với mục tiêu phấn đấu của Đảng” – Những yêu cầu cho lãnh đạo đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đặc điểm thường xuyên của chính trị Trung Quốc, nhưng cuộc vận động mới nhất của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình [bộc lộ] một số đặc điểm quan trọng.
Những yêu cầu mới đây về lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đặc biệt là với lãnh đạo chóp bu, đã gây sự chú ý mới đối với hiện tượng thông tin nội bộ quan trọng này. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh vào lòng trung thành không phải là một hiện tượng mới ở Trung Quốc, và bối cảnh lịch sử cùng việc xem xét các cuộc vận động về lòng trung thành gần đây cho ta nền tảng hữu ích để hiểu một loạt các chuyến thăm viếng long trọng và các phát biểu mới đây dính dáng tới lòng trung thành với Đảng của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Trở ngược lại các thế hệ lãnh đạo trước, chẳng hạn, trong thập niên 2000, thời Hồ Cẩm Đào, đã có nguyên tắc “3 tối thượng” (三个至上: tam cá chí thượng) – sự nghiệp của ĐCSTQ, lợi ích của nhân dân, và Hiến pháp cùng luật pháp là tối thượng. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, việc đòi hỏi lòng trung thành, các nhóm nhắm tới trong cuộc vận động, và những cách mà lòng trung thành được diễn tả lại khác biệt.
Sự xuất hiện của Tập Cận Bình tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào ngày 16 tháng 2 được coi là bằng chứng về sự quay trở lại với chính trị kiểu Mao. Một bản tin chính thức của Tân Hoa Xã bằng Tếng Anh chỉ đơn giản nêu rằng “[Tập Cận Bình] khuyến khích họ gắn bó với cơ sở hơn và nói về các chủ đề mà công chúng quan tâm” (Xinhuanet, ngày 19 tháng 2). Tuy nhiên, bản Tiếng Trung về cuộc họp đó còn thẳng tuột hơn, nêu rằng thông điệp chính mà ông chuyển tải trong khi gặp các nhà báo là phổ biến tốt hơn “những thông điệp của chủ nghĩa Mác, việc ủng hộ Đảng, và sứ mệnh cải cách” qua việc nói rằng truyền thông nhà nước là “sự phản ánh tiếng nói của người dân” và phải “bảo vệ quyền lực của Đảng và bảo vệ sự thống nhất của Đảng”. Cuối cùng ông cũng thúc giục truyền thông phải “trung thực” (Xinhuanet, ngày 19 tháng 2).
Viếng các trụ sở truyền thông nhà nước để thúc đẩy những “yêu cầu” này phải luôn được chuyển tải chỉ là một phần của tiến trình thương thảo mà Tập Cận Bình đã can dự vào kể từ khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Các nhóm mà ông chuyên chú nhất trong việc truyền đạt các đòi hỏi khác nhau về lòng trung thành trước nhất là các đảng viên cộng sản, các nhóm dân chủ, những người tạo ra dư luận (bao gồm giới truyền thông) và kế đó là quân đội. Trong mỗi trường hợp, cách tiếp cận là khác biệt, giọng điệu đa dạng, nhưng nền tảng chủ yếu cho lời kêu gọi là như nhau: Trung Quốc đang trong giai đoạn có khả năng khủng hoảng, đang đối mặt với những thách thức rất lớn, tình hình quốc tế bấp bênh, do đó việc ủng hộ, phục vụ và sát cánh với Đảng là vì lợi ích quốc gia Trung Quốc.
Đối với đảng viên, đặc biệt là các đảng viên cấp cao, thông điệp này không bao giờ ngưng nghỉ. Trong năm 2013, phát biểu tại nhiều cuộc họp khác nhau trong Đảng, Tập Cận Bình đã quay trở lại chủ đề trong những lời đầu tiên khi trở thành Tổng bí thư hồi tháng 11 năm 2012: khoảng cách giữa đảng và những người mà đảng lãnh đạo đang tăng lên. Nhưng tới tháng 4 năm 2013, ông giải thích vì sao điều này lại xảy ra — đó là kết quả của các cuộc cải cách và thị trường hóa, những phiền nhiễu mà điều này đem lại, và các cách thức mà cán bộ “mua bán quyền lực” ở Trung Quốc thị trường và bị thị trường hoá, (CCTV.com, 19 tháng 4 2013). Cần phải có sự rõ ràng. Thị trường là ổn thoả cho của cải vật chất chứ không phải cho tài sản của Đảng (quyền lực và trách nhiệm cốt lõi của Đảng). Đó là sự phỉ báng vai trò đặc quyền của Đảng trong xã hội. Tập Cận Bình nói, “Đảng phải quản lí tốt chính mình”. Gốc gác là vấn đề các quan chức Đảng, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo đảng (领导 干部: lãnh đạo cán bộ) có “nhiều vấn đề trong niềm tin, tư tưởng, và trong công việc” (CCTV.com, 23 tháng 11 năm 2014).
Để khắc phục nhược điểm của Đảng, Tập Cận Bình đòi hỏi, “đảng viên … phải có kỷ luật nghiêm ngặt về chính trị”. Một số cán bộ có thái đô rằng miễn họ nghĩ rằng bản thân mình đã hành xử tốt thì việc chẳng cần biết đến người khác nhắm đến cái gì là điều chấp nhận được. Việc thông đồng tự bảo vệ nhau như vậy trong tầng lớp quản lý đã gieo nọc độc vào trong công chúng (CCTV.com, 23 tháng 10 năm 2014). Sự giàu có, thành công kinh tế, và dáng vẻ bề ngoài tư bản đã ăn vào đầu một số cán bộ. Điều hợm hĩnh này và việc đánh mất mối liên lạc với người dân đích xác là những triệu chứng mà các nhà lãnh đạo chủ chốt và các nhà phân tích Trung Quốc đã xác định là nguyên nhân chính của sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Lãnh đạo Đảng, ngay trên chóp bu của ĐCSTQ, cần phải biết lợi ích tốt nhất của họ được phục vụ vào chỗ nào. Họ cần phải hiểu, như Tập Cận Bình nói trong một cuộc họp Bộ Chính trị vào giữa năm 2015, rằng họ có thể “có lên có xuống”. Họ không có quyền bất khả xâm phạm nào để giữ rịt vị trí đang có. Tác động là rõ ràng. Tập Cận Bình nói “Cán bộ tốt phải gần gũi với người dân”. Nhưng họ cũng đang bị đúc nắn bởi sự sợ hãi và lo lắng, bởi vì thời của kỷ luật và thêm một lớp phán xét đang phủ lên họ, không chỉ là về đem lại GDP cao mà còn về chứng minh tính chân thực, trung thành với sự nghiệp của Đảng (Xinhuanet, ngày 26 tháng 6 năm 2015).
Nhóm dân chủ được coi như nhóm thứ hai cho cuộc vận động về lòng trung thành. Về chiến thuật, do tính bên lề về chính trị của mình họ chỉ có thể có vai trò một khi các viên chức đảng và các đảng viên đã nhận được điều muốn nhắn gửi. Với họ, lời kêu gọi của Tập Cận Bình đặt nặng hơn trên ý tưởng rằng đảng cộng sản có khả năng quản lý tốt chính mình cũng là vì lợi ích của họ. Nhưng cũng giống như họ, điều muốn nhắn gửi cơ bản dựa trên những lo lắng và băn khoăn về giai đoạn cốt yếu mà Trung Quốc hiện đang bước vào. Phát biểu với một nhóm các đảng viên Đảng Dân chủ yêu nước, người ngoài đảng, và nhiều nhân vật của các nhóm xã hội hồi tháng 7 năm 2015, Tập Cận Bình nói rằng mục tiêu chính bây giờ là ủng hộ sự ổn định, và “cải thiện chất lượng kinh tế”. Đây là mục tiêu chiến lược của Đảng. Ủng hộ nó là vì lợi ích của các nhóm này, Tập Cận Bình nói (Xinhuanet, ngày 30 tháng 7).
Đối với nhóm thứ ba, đặc biệt là giới truyền thông, và những người được coi là có vai trò trong việc hình thành công luận, chuyến viếng thăm CCTV hồi tháng 2 tiêu biểu cho cách tiếp cận này. Ở đây lòng trung thành được nhấn mạnh nhiều hơn ở ý tưởng về trách nhiệm, về việc truyền thông “phản ánh tiếng nói của nhân dân”, và về việc có một loạt các nhiệm vụ bảo vệ, chủ yếu thông qua Đảng tới nhân dân. Trong ý kiến do Tập Cận Bình đưa ra vào cuối năm 2015 cho giới truyền thông, cũng có đòi hỏi thêm rằng họ phải hành động một cách yêu nước, và phải “yêu nước” (Xinhuanet, 31 Tháng 12 2015). Vì vậy, trong khi giới truyền thông và những người có ảnh hưởng không bị chê trách về hành xử sai trái trong tài liệu, về sử dụng sai đơn giản các ý tưởng và phản bội các giá trị cốt lõi, như họ đang bị Đảng lên tiếng phê phán, là một loại tham nhũng.
Đối với nhóm thứ tư, quân đội, đường hướng đơn giản hơn. Ở đây lòng trung thành không phải được yêu cầu, cũng không phải thương lượng — nó là bắt buộc. Phát biểu với các lãnh đạo PLA vào ngày 11 tháng 1 năm 2016, Tập Cận Bình khẳng định rằng họ phải sát sao với Đảng, rằng họ cần phải phục vụ sự lãnh đạo thống nhất, trong đó nhiệm vụ có tính nguyên tắc của họ là để phục vụ quyền lực của Đảng, nghe lệnh của đảng, và có ý thức phục vụ cao (Tân Hoa Xã, 11 tháng 1 năm 2016). Họ có vai trò quan trọng trong phương trình “nước giàu, quân mạnh” (富国强军: phú quốc cường quân), nhưng điều thú vị là Tập Cận Bình trong bài phát biểu của ông không đưa ra bối cảnh theo chủ đề cho lý do tại sao quân đội cần phải trung thành — chỉ việc họ phải trung thành.
Đáng chú ý là trong ba năm qua, có một nhóm mà Tập Cận Bình dường như tác động với các đòi hỏi, yêu cầu và gợi ý về lòng trung thành tối thiểu nhất là các doanh nghiệp nhà nước và giới thương mại. Một ví dụ là bài phát biểu của Tập Cận Bình ngày 28 tháng 4 năm 2015 trước ngày lễ lao động (劳动节: lao động tiết; 1 tháng 5), trong đó ông đã yêu cầu công nhân cần đào sâu các giá trị xã hội chủ nghĩa, và các hiểu biết về văn hóa Trung Quốc, nhưng không đòi hỏi cụ thể về lòng trung thành (Xinhuanet, 28 tháng 4 năm 2015). Theo cái nhìn về chức năng của họ như một động lực tăng trưởng kinh tế hết sức quan trọng, đây là một sự khác biệt thú vị trong đối xử. Có phải vì vận mệnh kinh tế của họ được coi như là gắn liền với Đảng và sự kiểm soát của Đảng trên không gian kinh tế đến nỗi họ không cần phải được nói và trao truyền thẳng thừng một cách chính thức? Hay chỉ đơn giản là vì họ, với tư cách là các chủ thể kinh tế và thương mại (bao gồm cả các công ty nhà nước và ngoài nhà nước), không có vai trò quan trọng trong thế giới nhận thức của Đảng, và chỉ đơn giản là nằm vào nhóm thứ hai thuộc về các lực lượng phi chính trị. Hoặc cuối cùng là vì trên thực tế Đảng không có cách nào để yêu cầu sự trung thành của họ về ý thức hệ hay về thứ khác, bởi vì điều tốt nhất mà đảng có thể làm là cho phép họ có khoảng trống để làm ra nhiều sản phẩm để rồi sau đó hưởng các lợi ích do họ mang lại?
Chiến lược kiểm soát không gian chính trị trong nước ở Trung Quốc trong ba năm qua được vạch ra theo hướng tìm kiếm lòng trung thành này. Đối với một số nhóm (các đảng viên) đó là kỷ luật nghiêm khắc thông qua việc săn lùng tham nhũng và xây dựng đảng; đối với những nhóm khác (ngoài Đảng) thông qua lời kêu gọi yêu nước và các mối đe dọa bị che khuất; thông qua truyền thông, đó là các đòi hỏi về trách nhiệm và “sự trung thực”, và đối với quân đội chỉ đơn giản là ra lệnh. Đảng thông qua Tập Cận Bình đã nói đủ rõ ràng. Câu hỏi đặt ra bây giờ là các đối tượng được nhắm tới có lắng nghe, và, quan trọng hơn là có hiểu được hay không?
Kerry Brown là Giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc và Giám đốc Viện Trung Quốc Lau tại Đại học King, London. Trước đó, ông là Giáo sư Chính trị Trung Quốc và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney. Quan tâm chính của ông là chính trị, xã hội và quan hệ quốc tế của Trung Quốc hiện đại.
Li Linxi là một sinh viên Tiến sĩ tại Viện Trung Quốc Lau.
P.V.S.
Người dịch gửi cho viet-studies ngày 12-3-16
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/ChinaFourGroup_KerryBrown_trans.htm