Tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc là bóng đen bao phủ cuộc họp các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế toàn cầu tại Davos, Thụy Sĩ.
Thấp nhất 25 năm
Hàng loạt các thông tin xấu đến với nền kinh tế thế giới trong những ngày đầu năm mới: Căng thẳng leo thang ở vùng vịnh Ba Tư, trên bản đảo Triều Tiên, giá dầu thế giới lao dốc… Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà kinh tế lo ngại nhất đối với triển vọng thế giới là sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2015 thấp hơn so với dự báo của giới phân tích, chỉ đạt 6,8%. Tính chung cả năm 2015, tăng trưởng GDP của nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng trưởng 6,9%, thấp hơn mức mục tiêu 7% mà Chính phủ nước này đã đề ra.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại đáng lo ngại.
Tốc độ tăng trưởng GDP vừa được công bố là một tin xấu đối với TQ. Đây là mức tăng trưởng theo quý thấp thấp kể từ 2009, còn tăng trưởng theo năm thấp nhất trong 25 năm vừa qua, kể từ 1990.
Trên thực tế, so với thế giới, mức tăng trưởng 6,9% không phải thấp. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm tăng trưởng dần đều của Trung Quốc là một vấn đề đáng bàn. Từ mức 7,4% trong quý III/2014, tăng trưởng GDP đã giảm xuống còn 7,2% trong quý IV, rồi 7% trong quý I và II/2015 và quý cuối 2015 là 6,8%. Trước đó, trong suốt thời kỳ 1980-2012, TQ đạt mức tăng GDP trung bình 10%.
Kinh tế TQ chậm lại một cách khó kiểm soát. Hàng loạt các nỗ lực giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại như: 4-5 lần hạ lãi suất, vài lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM, phá giá đồng nhân dân tệ và phê duyệt đầu tư công trị giá hàng trăm tỷ USD… đã thất bại. Tốc độ bơm tiền khá lớn nhưng kết quả không như mong đợi.
Không những thế, TQ bị tố “bơm” số liệu tăng trưởng. Hồi cuối 2015, có khá nhiều ý kiến bảy tỏ nghi ngờ rằng chính quyền Bắc Kinh đã tô hồng số liệu tăng trưởng 6,9% trong quý III/2015.
Trước đó, hồi đầu tháng 9/2015, theo Bloomberg, TQ đã điều chỉnh GDP 2014 từ mức 7,4% xuống 7,3% do có sự điều chỉnh về tăng trưởng ngành dịch vụ. Trên thực tế, ngành dịch vụ của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,8% thay vì 8,1% trong năm 2014.
Cho dù 6,9% là mức thấp nhất theo quý kể từ 2009 nhưng trên AFP, đại diện ANZ Banking Group cho rằng, kinh tế vẫn sẽ còn suy giảm vì nhiều nguy cơ còn tồn tại. Trên Wall Street Journal, Capital Economics thậm chí còn cho rằng, TQ thực tế chỉ đạt 4,5%. Ngân hàng Barclay’s còn đưa ra con số 3%. Trước đó, nhiều chuyên gia thậm chí còn nghi ngờ con số tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015 là 7% hay chỉ 2%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cỗ xe kinh tế TQ đang chững lại và mất đà tăng trưởng. TQ phải cần đến hơn 5 ngàn tỷ USD cũng chưa chắc đã tìm lại được đà tăng trưởng trước đó. Các biện pháp bơm thêm tiền sẽ chỉ khiến núi nợ của các DNNN tại quốc gia này tăng nhanh.
Hầu hết các chỉ số vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế TQ đang đồng loạt đi xuống theo từng quý. Sản lượng công nghiệp tháng cuối 2015 chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 6,2% trong tháng liền trước.
Sự suy giảm nhanh chóng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới thế giới.
Lo ngại kinh tế toàn cầu
Trong một dự báo mới nhất ngày 19/1, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2016 xuống còn 3,4% với lý do chính là sự sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như TQ.
Sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể ảnh hưởng lớn tới thế giới.
Dự báo mới này thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng được dự báo giảm ở mức tương tự xuống còn 2,6% trong 2 năm 2016 và 2017 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TQ được dự báo chỉ còn tăng 6,3% trong năm 2016 và 6% trong năm 2017.
Nền kinh tế thế giới được cho sẽ gặp nguy vì TQ.
Trên thực tế, TQ vẫn là nền kinh tế có thặng dư xuất khẩu lớn. TQ cung cấp ròng hàng hóa cho thế giới. Do vậy, sự giảm tốc của kinh tế TQ được xem không hẳn là cú sốc cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với vai trò là một nước nhập lớn đối với các nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng tới các thị trường hàng hóa như dầu mỏ, khoáng sản… là rất lớn.
Trên WSJ, các chuyên gia cho rằng, các nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Chính phủ TQ đã không thể mang lại kết quả như mong đợi và điều này sẽ tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Quy mô của nền kinh tế TQ trong suốt 7 năm qua đóng góp tới 30%.
Trước đó, theo các nhà kinh tế học của JPMorgan Chase, cứ mỗi điểm phần trăm kinh tế TQ suy giảm, kinh tế thế giới sẽ mất 0,5 điểm phần trăm. Các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Và kinh tế thế giới có thể bước vào một thời kỳ suy thoái do TQ và một số thị trường mới nổi cắt giảm mạnh chi tiêu.
Biểu hiện rõ nét nhất của tác động suy giảm kinh tế TQ lên thế giới chính là thị trường hàng hóa. Giá dầu trong tuần thứ 3 của năm mới 2016 đã lần đầu tiên trong vòng 12 năm xuống dưới 28 USD/thùng khiến toàn cầu lo sợ. Đây là mức giá thấp hơn mức đáy xác lập trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Chỉ số hàng hóa của Bloomberg cũng đã mất 20% trong năm 2015 và tiếp tục giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới 2016. Giá dầu được dự báo sẽ xuống 20 USD/thùng, thậm chí 10 USD nếu kinh tế TQ tiếp tục suy yếu.
V.M.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/285606/trung-quoc-xuong-day-lich-su-moi-de-doa-toan-cau.html