TT – “Cần chủ động thường xuyên cung cấp thông tin, đối thoại với báo chí nhiều hơn. Không chỉ nói về những mặt tích cực, việc tốt mà còn phải nêu cả những mặt yếu kém để báo chí lên tiếng phê bình hỗ trợ TP tháo gỡ khó khăn”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Đảng bộ TP đầu năm 2010.
Công luận đang hi vọng đây không chỉ là quyết tâm của lãnh đạo một TP mà còn là chủ trương và xa hơn là những chính sách kịp thời để đưa chủ trương này vào thực tế của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Về vấn đề này, ông Phạm Quang Nghị đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Tuổi Trẻ.
– Ông Phạm Quang Nghị: Nhu cầu thông tin trong xã hội hiện đại là rất lớn, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay cho phép chúng ta thực hiện nhu cầu đó tốt hơn bao giờ hết. Hai mặt này tổng hợp lại thành một đặc điểm mà chúng ta quen gọi là thời đại bùng nổ thông tin. Vấn đề đặt ra là làm sao để thực hiện nhu cầu thông tin chính đáng của người dân một cách tốt nhất, để thông tin không những kịp thời mà còn chính xác. Việc này không chỉ đòi hỏi đối với những người làm báo, mà ngay cả những người lãnh đạo cũng phải chủ động nhận thức được tình hình để có cách ứng xử phù hợp.
Qua theo dõi dòng chảy thông tin hiện nay, tôi thấy mặc dù hoạt động của báo chí đã có được những thuận lợi hơn trước rất nhiều, nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp thông tin không kịp thời, không trung thực. Rất nhiều thông tin không nói được bản chất vụ việc, làm người tiếp nhận thông tin hiểu không đúng.
* Ông lý giải nguyên nhân của những trường hợp nêu trên như thế nào?
– Ở đây có trách nhiệm của nhiều bên. Trước hết là về phía tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin, có thể vì không đủ năng lực, không đủ điều kiện để thẩm định thông tin đúng sai thế nào trong khi lại muốn thông tin nhanh. Và cũng có những người lợi dụng phương tiện truyền thông để đưa ra thông tin có lợi cho họ nhưng không phản ánh đúng thực tế.
Để tránh những trường hợp như trên, các cơ quan nắm thông tin phải chủ động cung cấp, bởi vì hơn ai hết anh là người hiểu vấn đề, nó xảy ra ở đâu, nguyên nhân và kết quả ra sao. Chủ động cung cấp thông tin thể hiện trách nhiệm không chỉ với báo chí mà với xã hội.
“Phải quan tâm thông tin nhiều chiều”
“Yêu cầu thông tin báo chí hiện nay không chỉ tính theo 24 giờ mà tính từng phút. Trong những vụ việc báo chí bị xử lý vì đưa tin thiếu chính xác vừa qua có lỗi của nhiều bên.Lẽ ra các cơ quan chức năng phải chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin khách quan, trung thực và kịp thời.
Xã hội cần biết sự việc đó ngay khi nó diễn ra chứ không phải chờ đến khi các cơ quan chức năng tổng kết bài học kinh nghiệm rồi mới công bố” Ông PHẠM QUANG NGHỊ |
* Ông vừa đề cập việc chủ động cung cấp thông tin, nhưng thông thường các cơ quan chỉ muốn cung cấp những mặt tích cực?
– Đó là điều có thể hiểu được. Thông thường người ta chỉ thích nói mặt tốt nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ nếu làm lãnh đạo thì phải thật sự quan tâm đến thông tin nhiều chiều. Chiều tốt để động viên, khích lệ, nhưng có phải xã hội chỉ cần khuyến khích mặt tốt mà không cần chú ý đầy đủ đến mặt yếu kém?
Là người lãnh đạo thì không thể chỉ thích nói, thích nghe mặt tốt mà còn phải hướng đến khắc phục cả mặt yếu kém. Như vậy mới có một bộ máy vận hành lành mạnh. Cho nên chủ động cung cấp thông tin không phải chỉ nói mặt tốt, báo chí động viên cái tốt là cần nhưng giám sát cái không tốt, hơn nữa gây áp lực để lãnh đạo chỉ đạo giải quyết vấn đề chưa tốt cũng rất cần thiết.
* Để chủ động cung cấp thông tin, đối thoại với báo chí không chỉ về những mặt tích cực mà cả những mặt yếu kém, đòi hỏi người lãnh đạo phải có bản lĩnh?
– Thật ra không có gì cao siêu cả. Cái chính là dám vì việc chung. Nếu thật sự vì mong muốn cái chung tốt đẹp hơn thì sẽ không ngoảnh mặt với ai đó nhận xét, phê bình mặt chưa tốt của mình. Chúng ta thường nói không được chạy theo thành tích. Nhưng nếu thật sự muốn có nhiều thành tích thì phải sửa những cái yếu kém, khuyết điểm để thành tích ngày càng nhiều hơn, chứ không phải những thành tích giả tạo.
* Luật báo chí hiện hành quy định rõ quyền được cung cấp thông tin của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có lúc có nơi, không những tổ chức, cá nhân không sẵn sàng hợp tác với nhà báo theo luật định mà còn đe dọa, hành hung nhà báo. Chúng ta đã có quy định mức xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quyền cung cấp thông tin cho báo chí nhưng nhiều năm nay chưa có ai bị xử phạt vì hành vi vi phạm đó?
– Việc cung cấp thông tin hiện nay nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Thật ra cũng đã có nhiều cơ quan chủ động cung cấp thông tin, ví dụ thông qua các cuộc giao ban báo chí, các cuộc họp báo của cơ quan chức năng, kể cả Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội. Nhưng vấn đề là việc cung cấp thông tin phải thường xuyên và kịp thời.
Yêu cầu thông tin báo chí hiện nay không chỉ tính theo 24 giờ mà tính từng phút. Trong những vụ việc báo chí bị xử lý vì đưa tin thiếu chính xác vừa qua có lỗi của nhiều bên. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin khách quan, trung thực và kịp thời. Xã hội cần biết sự việc đó ngay khi nó diễn ra chứ không phải chờ đến khi các cơ quan chức năng tổng kết bài học kinh nghiệm rồi mới công bố.
Nếu sự việc đang diễn ra thì cung cấp thông tin theo diễn biến đến lúc đó. Nếu sau này diễn biến có khác với thông tin ban đầu thì mình hoàn toàn có thể nói lại. Làm được như vậy sẽ khắc phục được những sai sót là một bên quá nôn nóng đưa ra những thông tin chưa đủ căn cứ, thiếu chính xác, còn một bên thì quá lo ngại trách nhiệm mà không chủ động cung cấp thông tin. Tôi nghĩ qua những bài học như vậy, những người làm báo sẽ trưởng thành lên rất nhiều.
* Việc báo chí tiếp cận được những người có chức vụ, quyền hạn để lấy thông tin đầu nguồn cũng không hề dễ dàng?
– Tôi thấy rằng cũng có những người lãnh đạo chưa hiểu được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin. Cái này tương đối phổ biến. Có thể có người nghĩ rằng việc ai người đó làm, lãnh đạo không nên kiêm người phát ngôn. Phải nhìn nhận khách quan là những người lãnh đạo thường bận rộn công việc, không phải lúc nào cũng có thời gian dành cho báo chí. Cũng có thể có những người e ngại gặp gỡ báo chí, ngại báo chí khai thác theo hướng mình không mong muốn.
Cũng có những trường hợp mà sau khi được cung cấp thông tin thì cơ quan báo chí đã sử dụng thông tin đó theo ý mình, không truyền đạt thông tin một cách khách quan và đầy đủ. Vì những lý do nêu trên nên ai đó có thể có tâm lý “chi bằng là tránh nhà báo”. Nhưng tâm lý như vậy sẽ bất lợi cho việc chung, cho nhu cầu thông tin của xã hội.
“Nếu mình không nói thì người khác sẽ nói”
“Khi cần thiết tôi sẵn sàng gặp báo chí”
* Cá nhân ông trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội có thật sự thực hiện việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí? – Với tôi, khi cần thiết tôi sẵn sàng gặp gỡ báo chí. Tuy nhiên, việc chủ động trực tiếp cung cấp thông tin cũng không được nhiều lắm, chủ yếu vì lý do công việc. Tôi luôn yêu cầu các cấp, các ngành phải thực hiện việc chủ động cung cấp thông tin và tôi đã đưa ra thông điệp đó một cách rõ ràng. Thứ nhất là để cán bộ, công chức của Hà Nội hiểu việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí cũng là một nhiệm vụ. Thứ hai, tôi cũng yêu cầu các cơ quan báo chí của TP là không chỉ nói một chiều về mặt tốt của thủ đô. Báo Hà Nội Mới cũng phải nói những mặt chưa tốt của TP. |
* Việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thì không chỉ cần ý chí của lãnh đạo mà cần có cơ chế rõ ràng?
– Hiện nay cơ chế để ràng buộc cả hai bên đều chưa đủ. Ràng buộc người cung cấp thông tin chưa đủ mức, nhưng ngược lại chưa đủ cơ chế ràng buộc người phản ảnh thông tin sai sự thật. Cả hai mặt này đều có phần lỏng lẻo.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng thực tế báo chí đã có lúc đưa những thông tin sai rất nghiêm trọng, ví dụ như ăn bưởi gây ung thư, vụ dùng axit tẩy trắng trứng gà… gây thiệt hại rất lớn cho xã hội nhưng chịu trách nhiệm rất nhẹ nhàng.
* Trên cương vị bí thư Thành ủy, ông thấy báo chí giúp ích được việc điều hành của lãnh đạo TP nhiều hơn hay gây phiền phức nhiều hơn?
– Tất nhiên là mặt giúp ích nhiều hơn. Với tôi, không ít lần có những quyết định xử lý công việc bắt nguồn từ thông tin của báo chí.
* Tỉ lệ thông tin sai trên mặt báo mà ông nhìn thấy có nhiều?
– Dù có vụ việc báo chí thông tin sai khá nghiêm trọng, nhưng so sánh thì cái được vẫn nhiều hơn rất nhiều. Và cũng vì lẽ đó mà báo chí được nhân dân yêu quý.
* Đã có những chất vấn của đại biểu Quốc hội được lấy thông tin từ báo chí nước ngoài, ví như việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn Thủ tướng về vụ PCI. Như vậy ngày nay nếu không chủ động cung cấp thông tin chính thống thì lập tức trận địa thông tin sẽ bỏ ngỏ cho bên ngoài?
– Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Đơn giản là nếu mình không nói thì người khác sẽ nói. Tôi muốn nhấn mạnh, báo chí Hà Nội phải chủ động thông tin cả những mặt tốt và chưa tốt cũng bởi là như vậy. Nếu TP thật sự còn những mặt yếu kém, báo chí Hà Nội không nói thì sẽ có những tờ báo khác nói.
Tất nhiên, yêu cầu của thông tin là phải khách quan, trung thực và mang tính xây dựng. Chúng ta cần những thông tin phản ánh thực tế, những thông tin phê phán mặt chưa tốt của mình, nhưng lại càng cần hơn những thông tin mang tính định hướng, giải pháp.
* Vậy ông nghĩ sao về chức năng phản biện của báo chí?
– Chúng ta phải thống nhất về khái niệm này trước đã thì mới thực thi nó có hiệu quả. Phản biện với hàm nghĩa thẩm định xem nó đúng sai như thế nào, thông qua thẩm định đó mình phản ảnh, đề xuất, kiến nghị việc khắc phục những việc chưa đúng. Nếu thụ động, chỉ phụ họa nói theo thì dứt khoát không phải là phản biện. Nhưng phản biện không có nghĩa là chống đối, chỉ tìm cách nói trái, nói ngược mà thôi.
Tiêu chí của phản biện là phải đạt tới cái đúng và chỉ phản biện những cái chưa đúng. Như vậy sự phản biện dù của đoàn thể hay của báo chí, cá nhân nào mà dựa trên tiêu chí đó thì đều cần thiết và có lợi.
* Trong trận lụt kỷ lục ở miền Bắc năm 2008, khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại của phóng viên một tờ báo về tình hình chống lũ, ông đã có sự lỡ lời về sự ỷ lại của người dân. Ba ngày sau, ông đã đưa ra lời xin lỗi: “Tôi thật sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”?
– Tôi nghĩ là bất cứ ai cũng mong muốn mọi điều mình nghĩ, mình nói, mình viết, mình làm đều đúng. Nhà báo cũng vậy mà người làm lãnh đạo cũng thế. Nhưng không phải bao giờ giữa cái muốn và cái kết quả đều song hành. Trong trường hợp không đúng thì mình phải cầu thị, nhận ra cái không đúng đó để làm lại, nói lại cho đúng.
* Như vậy lời xin lỗi bạn đọc của một ủy viên Bộ Chính trị cũng là cần thiết?
– Tôi tin rằng xã hội sẽ nhìn nhận, đánh giá một con người nào đó không phải chỉ qua một lần nói, một lần làm.
VÕ VĂN THÀNH – THU HÀ thực hiện