Từ hôm giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị khám nhà mà không có lệnh khởi tố bị can, từ hôm đó đến nay, anh liên tiếp bị mời đi “làm việc”, và ngày nào cũng như ngày nào, anh chỉ được thả về nhà vào hồi 9 giờ đêm.
Về phía tôi, mặc dù rất khó chịu, nhưng phản ứng với cách “làm việc” như thế lâu nay vẫn rất là kiềm chế.
Không phải vì tôi sợ. Nhưng vì tôi không thích làm mếch lòng anh Huệ Chi. Anh và tôi là hai cá tính: tôi dễ nổi nóng, còn anh thì điềm đạm. Tôi hay đùa (một chọn lựa để khỏi phản ứng nổi nóng), hay bóng bẩy, hay dông dài, cả khi lý luận cũng có thể dông dài, còn anh thì thận trọng, rành mạch, chặt chẽ. Anh thường trách tôi vì những khác biệt như vậy.
Chẳng hạn, trong bài Chị Hưng vợ Huệ Chi, anh không bằng lòng khi ở cuối bài tôi viết… Huệ Chi bước vào, đứng giữa nhà giơ hai tay lên trời thông báo, mặt hớn hở như cậu học trò lười: “Ngày mai được nghỉ!” Thì vưỡn! Ngày chủ nhật là ngày nghỉ. Cái lệ thường đó của nhân loại chẳng dễ gì vi phạm đâu! Anh nghiêm giọng bảo tôi qua điện thoại: “Viết thế là tếu, sai sự thật. Tôi phải trình bầy là huyết áp tôi tăng rất cao, chủ nhật tôi phải đi kiểm tra… Rất nghiêm trọng, nhưng anh lại mô tả mặt tôi hớn hở như cậu học trò lười. Bậy! Thế là bậy!”
Đây nữa là một cách dông dài, bóng bẩy nhưng rất có chủ đích của tôi. Như trong bài Phe nước mắt tôi cho đăng ngày 16 tháng 1-2010 trên trang blog boxitvn, cuối bài hết bài và nằm ngoài bài, tôi đánh dấu ngày viết bài bằng một ghi chú bâng quơ: Hôm nay, thứ bảy, biết Huệ Chi có về sớm với vợ không? Ấy là vì tôi cứ muốn những người đang “làm việc” với Huệ Chi hãy tưởng tượng về những cảnh ngộ. Tôi hy vọng họ nghĩ đến hoàn cảnh hai vợ chồng già mà sự “âu yếm” nhau hàng ngày là giục nhau uống thuốc!
Nhưng người ta sẽ cãi: chúng tôi đang còn phải làm việc mà! Vâng, “làm việc”! Nếu biết chắc Huệ Chi là tội phạm, thì làm việc cách gì cũng được. Nhưng một khi Huệ Chi chưa bị gán tội với những bằng chứng không chối cãi được, thì một gợi ý lịch sự như vậy có làm lòng họ rung cảm?
Kinh nghiệm cho thấy là sự rung cảm là một khái niệm xa vời với nhiều người trên đời này! Vì thế, trong một bài khác, tôi đã phải nói thẳng. Sau khi kể chuyện sáng thứ bẩy 16 tháng 1 có những ai đến chơi gặp tôi nhưng cốt để “thăm hỏi” (chưa thăm nuôi) Huệ Chi, tôi đã viết thẳng thừng như sau:
Tôi bảo các cô các cậu ấy rằng, hôm nay Huệ Chi vẫn được mời đi “làm việc”. Và chắc là cũng như mấy hôm vừa qua, người ta vẫn cố ý kéo dài cuộc “làm việc” cho mãi tới lúc tối sầm tối sì. Một đòn tâm lý đấy thôi, sao cho ông đồ gàn cựu Trưởng ban Văn học Cổ-Cận đại, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học ấy phải mệt mỏi tấm thân dẫn tới mệt mỏi tấm lòng. Sự mệt mỏi có dẫn đến những Sự Thật cần tìm kiếm không nhỉ? Sai lầm biết bao nhiêu khi nghĩ rằng tâm lý Huệ Chi cũng giống hệt như tâm lý kẻ thường phạm nửa đêm bị dựng dậy để yêu cầu trả lời thêm một chi tiết vô thưởng vô phạt nào đó. Liệu những đòn tâm lý thông thường đó đối với những đầu óc quen tự do và độc lập có dẫn tới Sự Thật không? Sự Thật gì? Sự Thật về những điều chỉ diễn ra trong đầu những kẻ mà nếu được tự do biểu đạt thì “cái lũ người xớ rớ” ấy sẽ tạo thành những think tank đủ sức tạo ra vô vàn giá trị cho đất nước.
Tiếc thay, văn chương hình như hoàn toàn vô tích sự trước sự vô cảm của con người. Và hôm nay, tôi buộc lòng phải nói thật: cái thói giữ người vô tội từ sáng sớm tới đêm khuya là một hình thức khủng bố chứ không phải một phương pháp đi tìm Sự Thật.
Với một công dân (tôi không nói đến một nhà khoa học), hoàn toàn có thể ngồi với nhau bên ly cà phê, thêm vài giọt cô-nhắc, và hai bên có thể trò chuyện để biết đâu là những cái cần biết. Người bị tìm hiểu cần biết rõ, nếu mình che giấu bất cứ điều gì đó mờ ám, tiên hậu bất nhất, thì đó sẽ là tự chống lại chính mình theo đúng như luật định. Còn người đi tìm hiểu thì chỉ cần thấy rõ một và chỉ một điều thôi: ấy là ít nhất mình cần phải thông minh ngang với đối tác.
Tôi xin lỗi anh Huệ Chi khi viết bài này mà không được anh biên tập và duyệt. Những ai thích lập công bằng bắt bớ xin ghi tên tôi vào bản danh sách tập trung đi. Tôi đang chán sống ở cái xã hội này rồi đây! Đến mau đi khi tôi chưa kịp đổi ý!
Nhưng trước đó, xin hãy cứ bỏ ngay đã cái thói làm việc lối khủng bố: giữ Huệ Chi dưới danh nghĩa “làm việc”, giữ một công dân không có tội, giữ mãi đến đêm rét mướt bụng đói huyết áp tăng mới được thả về nhà. Không quốc gia pháp quyền nào làm ăn như thế hết!
Hà Nội, 20-1-2010
Phạm Toàn