Nga: cơn mộng ảo của Việt Nam.

Bài  “Bên đang thua cuộc” được viết vào cuối năm 2012/ đầu năm 2013.

https://vietbao.com/a201537/ben-dang-thua-cuoc

https://www.danluan.org/tin-tuc/20130307/thuc-quyen-ben-dang-thua-cuoc

http://danlambaovn.blogspot.de/2013/03/ben-ang-thua-cuoc.html

Từ đó tới nay Biển Đông không ngừng dậy sóng.

Việt Nam tìm đường thoát bằng cách cắm đầu vào bẫy “hợp tác quân sự-kỹ thuật “với Nga, nghĩa là trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí quan trọng nhất. Điều này được “Ủy ban về hợp tác kỹ thuật quân sự (MTC) với nước ngoài” của Nga luôn nhắc tới như một bằng chứng cho sự thành công của nền kỹ nghệ quân sự của nước này.

Trong khi đó, Nga vẫn song song bán những vũ khí tối tân hơn cho Trung Quốc và xúc tiến điều đình bán 48 chiến đấu cơ Su35, với sự tính toán phải triệt để kiếm lợi nhân cơ hội Trung Hoa cần những chiến đấu cơ này để thống trị Biển Đông. Và dù có bị Trung Hoa sao chép sau đó để tự sản xuất như Trung Hoa đã từng làm J11 (sao chép Su 27) , thì số tiền lời khi bán 48 Su35 sẽ là một bù trừ xứng đáng, nhất là trong lúc nền kinh tế Nga đang suy sụp trầm trọng. Tình trạng suy sụp này được một nhà khoa học chính trị và sử gia Đức, ông Tomas Spahn, mô tả vào đầu tháng 11/2015 như những tiếng nổ lốp bốp tại Moscow của những quả bong bóng tổng thống Putin đã thổi lên: giấc mộng Tân-Nga Novorossiya.

Giấc mộng của Vladimir Putin

Gần 25 năm sau ngày Liên Xô sụp đổ (1991), một cuộc khảo sát của Trung tâm nga Levada cho thấy chỉ có 34% số người trong nhóm nghiên cứu cho rằng việc Liên Xô sụp đổ là “đi đúng hướng”, rằng Nga có được nhiều lợi ích sau sự kiện năm 1991. Trong khi có 41% vẫn còn nuối tiếc thời oai phong trong thế lưỡng cực đối đầu với Hoa Kỳ, và cho rằng tình trạng suy sụp hiện tại là do sự sai lầm của cựu lãnh đạo Gorbachev.

Putin đã đánh đòn tâm lý, triệt để khai thác thủ thuật “Lá bài dân tộc”, kiểm soát hoàn toàn ngành truyền thông Nga để độc quyền đưa tin theo chiều hướng  khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của người dân Nga, vẽ lại hình ảnh một kẻ thù là Hoa Kỳ đang dùng mọi cách để gây bất lợi cho đất nước và dân tộc Nga, đồng thời một Putin lãnh đạo cứng rắn, có khả năng đương đầu với phương Tây,  đã vực dậy quân đội, khiến chính quyền mạnh mẽ hơn.

“Các quốc gia khác bắt đầu có chút kiêng nể chúng tôi” là câu nói thể hiện rõ ràng nhất tâm lý của 85% số người do trung tâm Levada phỏng vấn cuối tháng 11/2015 tin tưởng ở tài lãnh đạo của Putin, tuy nhiên chỉ có 54% còn tin tưởng vào chính phủ Nga. Sự khác biệt này cho thấy hai hiện thực đối chọi cần phải hiểu để tiên đoán những biến chuyển tại Nga trong thời gian tới.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ báo Gordon News Agency của Ukraina, một cựu điệp viên Liên Xô cũ, ông Yuri Shvets mô tả tình hình tại Nga hiện nay không khác Liên Xô lúc trước:

Khi đó ở Liên Xô có hai hiện thực song song tồn tại: một là sự hoang tưởng trong đầu những người lãnh đạo dựa trên các bản báo cáo mà họ nhận được về các nhiệm vụ điều tra tình hình giả dối mà chính họ đã dựng lên, còn hiện thực kia là cuộc sống thật ở ngay trong nước và nước ngoài. Đến một giai đoạn nhất định nào đó giữa hai hiện thực này có một hố sâu cách biệt: tầng lớp lãnh đạo thì chuyên tâm vào những nguy cơ ảo, còn nền kinh tế quốc gia thì phân hủy và đất nước rữa mục từ bên trong, đến 1991 thì sụp đổ hoàn toàn.

Cũng chính điều này hiện đang xảy ra với nước Nga. http://english.gordonua.com/news/ukrainevsrussia/Putins-groupmate-a-former-KGB-spy-You-seriously-think-that-Putin-who-is-making-a-facelift-will-unleash-a-nuclear-war-His-botox-will-melt-from-the-fear-78716.html

Năm 2000 khi trở thành tổng thống, cơ hội giá dầu cao đã cho Putin hưởng lợi lớn. Nguồn thu chính của kinh tế Nga vọt mạnh, tạo một hào quang thành công cho ông khi mức sống ở Nga tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Tầng lớp trung lưu Nga lần đầu tiên có thể dễ dàng sở hữu vật chất và đi du lịch khắp thế giới. Nhưng ngân sách quốc gia của một nước mà tùy thuộc quá nửa vào ngành năng lượng (80% từ dầu mỏ và 20% từ khí đốt tự nhiên) thì nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương vì những biến động giá cả năng lượng trên thế giới.

Ba cỗ máy năng lượng khổng lồ chính phủ Nga đã quốc hữu hóa là Gazprom, Rozneft và Transneft không phải chịu sự cạnh tranh nên đã rơi vào tình trạng tụt hậu công nghệ, quản lý kém hiệu quả, và kiệt quệ vì tham nhũng. Trong khi đó, sự phát triển mau lẹ của các phương tiện nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng làm tăng khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nước cung cấp trên toàn thế giới mà không cần thông qua Nga. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ khai thác khí đốt tự nhiên phi truyền thống với trữ lượng khổng lồ từ đá phiến được phát hiện tại Mỹ, sự phụ thuộc của châu Âu, đối tượng tiêu dùng lớn nhất của Nga, giảm dần, đẩy Kremlin vào bế tắc kinh tế.

Cái vòng luẩn quẩn.

Một nền kinh tế èo uột khẩn cấp đòi hỏi một kịch bản biểu dương lực lượng “hoành tráng” để định hướng dân chúng. Không thể đảo chiều những tệ trạng gây suy sụp bên trong, ông trùm cơ hội Putin chỉ còn con đường duy nhất là cương những tuyên bố nẩy lửa ve vuốt tự ái dân tộc và đánh ván bài “giấc mơ cường quốc”. Nếu đã phải trở lại thắt lưng buộc bụng như thời Xô viết thì tâm lý người dân Nga ít nhất muốn được thế giới nể sợ như xưa.

Trước tình thế Kiev ngả dần vào EU và NATO, đe dọa chính sách đối ngoại tối cao của Putin là tạo một liên minh Á-Âu để đối trọng Liên minh châu Âu, lại thêm kích cỡ và tầm quan trọng lịch sử của Ukraina đối với Nga quá quan trọng, những lời tuyên bố nẩy lửa không đủ nữa, Putin phải hành động. Và tương kế tựu kế,  dùng ngay thời thế để củng cố hình ảnh người hùng cho mình, với lòng tin đây là một cuộc chiến dễ mang lại chiến thắng.

Đúng với sự tính toán của ông, Mỹ và châu Âu không thể nhanh chóng và cũng không muốn trực tiếp có mặt trên chiến trường. Nhưng hy vọng của Putin ở tính lưỡng lự cố hữu của các chính quyền châu Âu, không thể đồng ý với nhau lấy quyết định, đã sai. Lệnh cấm vận của phương Tây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Krim đã giáng một đòn thẳng vào yếu huyệt của Nga khiến tình trạng ngày càng tồi tệ.

Tính từ tháng 3/2014 tới tháng 12/2015 đồng Rúp mất giá tới72,2% so với Đô la Mỹ, GDP của Nga giảm 5%

Putin rơi vào cái vòng luẩn quẩn: khơi dậy giấc mơ cường quốc hầu mong lấp liếm được sự sa lầy kinh tế, nhưng chính cuộc chiến với Ukraina lại mang về cái tròng cấm vận của châu Âu và Mỹ để càng trầm trọng hóa tình hình. Sợ mất Ukraina, Nga vội thôn tính Krim. Và chính sự thôn tính này lại đưa đến dứt điểm mọi  quan hệ với Ukraina, không còn cứu gỡ. Cựu bộ trưởng bộ tài chính Nga Alexej Kudrin cho biết, cái gánh nặng Krim mỗi năm sẽ không chỉ gây tổn phí từ 6 tới 7 tỷ Đô La, mà phải kể thêm số vốn đầu tư bị tẩu tán ra nước ngoài cũng như thiệt hại vì sự mất tin tưởng của những nhà đầu tư. Theo ước tính của Kudrin, Nga sẽ phải trả tổng cộng một giá cao từ 150 đến 200 tỷ Đô la cho 4 năm đầu.

“Khó tránh được số phận bi đát. Đây là thách thức nghiêm trọng nhất tổng thống phải đối đầu”.

http://www.welt.de/wirtschaft/article138979429/Annexion-der-Krim-kostet-Putin-200-Milliarden.html

Lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn là cái đu dây

Lối thoát duy nhất, theo Putin, là xây mộng chung cùng Trung Quốc. Một quan hệ phức tạp mà luôn luôn những chính trị gia Nga đánh giá là với nhiều mâu thuẫn quyền lợi và một tương lai có nhiều mảng tối, không thể đoán định được. Trong tình thế hiện nay, những mảng tối lại có nhiều khả năng bất lợi cho Nga hơn vì đây là lần đầu tiên sau 300 năm, Nga phải giữ vai trò thành viên yếu trong đối tác song phương với Trung Quốc.

Lo ngại của cựu bộ trưởng Kudrin về “số phận bi đát” của Nga được nhà khoa học chính trị Đức Tomas Spahn bổ xung với những dữ kiện trong một bài viết dài của ông sẽ được đề cập tới trong bài

“Giấc mộng trung hoa” ru Nga vào ác mộng. (1)

Cái khó bó cái khôn.

Trường hợp điển hình của sự bi đát là bước lùi của Putin trong cuộc mặc cả mua bán 48 chiến đấu cơ Su35.

Trong năm 2015, ngành công nghệ quốc phòng Trung Hoa đã tiến mạnh và thành công xuất khẩu xấp xỉ cũng như còn đe dọa cướp một số thị trường của Nga. Vì cần vực dậy ngành công nghiệp đã trở nên suy yếu và nền kinh tế đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp năng lượng, mới đây, ngày 17/12/2015, Tổng thống Putin phải lùi bước và đã ký bán, mặc dù Xu Qui Liang( Hứa kỳ Lượng) đại diện cho phía Trung Hoa chỉ nhận mua 24 chiếc Su 35, nghĩa là một nửa số lượng Nga ra điều kiện lúc ban đầu.

Chủ trương từ lâu nay của Nga tránh bán cho Trung Quốc các hệ thống vũ khí tốt hơn vũ khí bán cho khách hàng truyền thống của mình là Ấn Độ, trong cơn suy sụp kinh tế đã bị dẹp bỏ nhanh chóng. Việt Nam cần rút tỉa bài học để nhìn thấy vị thế của mình trước những thay đổi hiện nay trong quan hệ Nga-Trung Quốc. Lời tuyên bố của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, Nga chỉ có duy nhất một đối tác chiến lược toàn diện là Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, liệu có được bao nhiêu thực chất và giá trị? Khi mà Putin đang phải cắn răng làm cả những việc đưa chính nước Nga vào cuộc “phiêu lưu vàng” ?

Biết hay không biết là mộng ảo?

Nhà cầm quyền Việt Nam bấu víu  vào mộng ảo Nga cũng dễ hiểu vì người dân Việt cần thấy một thái độ tự vệ của chính phủ quốc gia mình trước hiểm họa bành trướng Trung Quốc. Người Việt bình dân không hay biết về những ký kết làm mất nước nhưng nhìn thấy thái độ trịch thượng của Trung Quốc tại Biển Đông và hàng ngày khóc cho thịt rơi máu chảy thì cũng không thể không thấy nhục. Ảo tưởng về sức mạnh của Nga như tấm bình phong che chở được thổi lên và đã thành công ru ngủ được đa số. Khảo sát của Viện nghiên cứu Pew vừa qua cho thấy người Việt Nam có quan điểm ủng hộ đối với Nga và Tổng thống Putin cao nhất thế giới.

Nhưng tại sao Nga?

Chiếu theo bảng đánh giá của tổ chức World Audit tháng 1/2016 về tự do dân chủ (Democracy) nhân quyền cũng như mức tham nhũng (Corruption), hối lộ của  các quốc gia trên thế giới, thì phải công nhận Liên bang Nga của Putin hoàn toàn thích hợp với Việt Nam của đảng Cộng Sản.

http://www.worldaudit.org/democracy.htm

Tính trên tổng số 150 quốc gia trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 130, Nga 133 về mức độ tự do-dân chủ-nhân quyền. Về quyền tự do báo chí, Việt Nam hạng 140, Nga 135. Về mức tham nhũng hối lộ thì Việt Nam mới đạt được 98, còn có thể học thêm thối nát từ Nga với hạng 113.

Cho thấy trong mọi đàm phán, ký kết, thỏa hiệp với Nga không bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam phải lo sợ đối đầu với những câu hỏi hay điều kiện liên quan đến nhân quyền, tự do hay minh bạch mà họ luôn bị Mỹ cũng như Liên minh châu Âu đem ra đối chất.

Còn lý do tại sao người dân Việt lại vẫn cả tin vào Putin và không nhận thức được sự tuột dốc của nước Nga? Có lẽ cũng không khác hiện tượng cơ chế tâm lý của người dân Nga trong một môi trường bị bưng bít, thiếu tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo chí nên khó theo dõi những biến chuyển trên thế giới, đồng thời dễ bị lừa bịp, đem mộng ảo để giải quyết những khó khăn thực tế.

Người Nga có mộng “Liên Xô cường quốc”, thì người Việt cũng có lá bùa “thắng hai đế quốc”. Để đối chọi với một chủ nghĩa Đại Hán và một chính sách bành trướng bá quyền rất thực của Trung Quốc.

____________

(1) Bài sẽ đăng.

Th.Q

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Đảng CSVN, Nga. Bookmark the permalink.