Hình minh họa.
Muốn ăn phải lăn vào bếp. Trên đời không thể cứ mãi chỉ có nhận không có cho, chỉ có được không có mất. Giới quan chức Việt đang mê đắm trong mối giành giật quyền lực sẽ chợt tỉnh ngộ vào một thời điểm rất gần: tất cả sẽ chỉ là hư không, nếu không đẩy lùi được bóng ma khủng hoảng kinh tế.
Cuba đi sau về trước?
Nếu Raul Castro đã tỏ ý sẽ trở về với giáo hội Công giáo, thì “Tin mừng” đã đến với quốc đảo xã hội chủ nghĩa này vào tháng 12/2015: Người anh em “cùng nhau canh giữ hòa bình thế giới” với Việt Nam được Câu lạc bộ Paris bất ngờ xóa khoản nợ lên đến 4 tỷ USD.
Cuba chợt nhẹ gánh. Quyết định trên xuất hiện trong một cuộc họp tại Paris. Theo ước tính của Câu lạc bộ Paris thì trong gần 30 năm qua, Cuba đã chậm trễ hoàn lại các chủ nợ hơn 6 tỷ đô la. Nhưng sau hai năm đàm phán, các chủ nợ đã quyết định xóa hẳn khoản nợ 4 tỷ cho Cuba; 2,7 tỷ còn lại sẽ được thanh toán trong thời hạn 18 năm.
Câu lạc bộ Paris cũng là tổ chức đã từng xóa nợ cho Myanmar vào cuối năm 2012, ngay sau khi Tổng thống Obama lần đầu tiên đặt chân đến quốc gia thoát thai từ ách quân phiệt này. Tại thời điểm đó, Câu lạc bộ Paris cùng Na Uy, Nhật Bản, Đức, Pháp… đã xóa nợ cho Myanmar đến 6 tỷ USD. Tránh thoát vai diễn con nợ khủng cũng có nghĩa khiến giai cấp Than Shwe và hậu duệ Thein Sein có thể ngẩng cao đầu hơn trước vòi bạch tuộc Trung Quốc.
Dù là một nhóm không chính thức, nhưng Câu lạc bộ Paris lại gồm 19 quốc gia có mối quan hệ song phương và những ảnh hưởng không hề nhỏ đối với kinh tế và cả chính trường Việt Nam: Úc, Áo, Bỉ, Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hoa Kỳ và Thụy Sĩ.
Thế nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa được quốc tế xóa nợ, dù đó là nỗi lòng tha thiết ghê gớm của đảng Cộng sản được mặc định cái tên Tham nhũng – chế độ đã đẩy đất nước vào hố đen lụi tàn kinh tế?
Ngay trước mắt, số nợ đến hạn mà Việt Nam phải trả trong hai năm 2015 – 2016 lên đến 16 tỷ USD. Nếu nằm trong bối cảnh kinh tế năm 2007, có lẽ số nợ này không hoàn toàn bế tắc. Nhưng bây giờ lại là năm 2015, sau 8 năm Việt Nam rơi vào suy thoái và đang đứng trước cơn khủng hoảng kinh tế rất lớn, cùng lúc ngân sách có nhiều dấu hiệu cạn kiệt, còn nợ xấu và nợ công tăng vượt mặt…
Đã có “thâm niên” vay mượn từ một phần tư thế kỷ qua, tính từ thời điểm “mở cửa kinh tế”, Chính phủ Việt Nam đã làm nên thành tích chúa chổm bằng rất nhiều khoản vay song phương và đa phương. Những chủ nợ tiềm năng nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á châu… Nhưng chưa chủ nợ nào muốn mở lòng để cho phép Việt Nam được “xù” một khoản nợ đủ lớn nào.
Từng tuyên bố mất khả năng thanh toán vào năm 1986, Cuba là một trường hợp quá khó khăn về kinh tế và do đó phải tìm lối thoát ngay tại “kẻ thù” người Mỹ. Hẳn nhiên tiến trình bình thường hóa khá ngoạn mục giữa Cuba và Hoa Kỳ vào tháng 12/2014, cùng việc Cuba phải thả gần như toàn bộ tù nhân chính trị từ đó đến nay theo yêu cầu của Mỹ, đã khiến các chủ nợ như Câu lạc bộ Paris mở lòng với quốc đảo này.
6 tháng sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, nguyên thủ Cuba Raul Castro còn khiến thế giới và đặc biệt giới lãnh đạo của những quốc gia “cộng sản” còn lại trên hành tinh phải kinh ngạc. “Nếu ngài tiếp tục đường lối như thế, sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở lại với Giáo Hội Công Giáo” – ông thổ lộ với Đức giáo hoàng Phanxicô.
Có lẽ Cuba đang ở vào thời điểm năm 1995 là lúc Việt Nam quyết định bình thường hóa với Hoa Kỳ. Nhưng cần nhớ rằng vào thời điểm ấy, chính quyền Việt Nam đã chẳng có bất cứ một thổ lộ sâu sắc nào ngoài những lời lẽ và cử chỉ xã giao đã trở nên chán ngấy qua thời gian. Cũng chẳng có một đợt thả tù chính trị nào từ phía các chấn song han gỉ… Mà phải đến 6 năm sau đó, vào năm 2001, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới tiến thêm được một bước quan trọng: Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ.
Thái độ có thể được ghi nhận là “thành tâm chính trị” của Raul Castro đang đưa Cuba vượt hơn Việt Nam khá nhanh về những lợi ích trong quan hệ đối ngoại, kéo theo cả hy vọng rút ngắn thời gian tiếp cận dân chủ hóa ở hòn đảo này. Nếu Myanmar chỉ mất 5 năm để đạt được thắng lợi áp đảo của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của Aung San Suu Kyi tại cuộc bầu cử quốc hội, thì người ta cũng hy vọng về những đột biến dân chủ ở Cuba trong vài ba năm tới.
Học vấn yếu
Cho đến giờ, ai cũng hiểu về lý do tại sao Myanmar được xóa nợ và thu hút được đầu tư nước ngoài gấp ba lần so với năm 2012. Chỉ có một sự đổi thay đặc biệt của Tổng thống Thein Sein về các quyền tự do căn bản cho người dân như tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do báo chí, thả toàn bộ tù nhân chính trị cùng chấp nhận cơ chế đảng đối lập tranh cử sòng phẳng mới có thể mang lại vận hội cho đất nước này thoát khỏi bế tắc kinh tế. Lợi ích nhóm tích tụ từ bao năm của giai cấp quân đội cũng vì thế trở nên sáng sủa bằng cơ hội chẳng mất vào tay dân chúng.
Nhưng trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại rút vốn, phép màu Myanmar lại chưa xảy ra ở Việt Nam. Gần như chưa làm bất cứ điều gì mà Myanmar và cả Cuba đã làm, Việt Nam còn lâu mới hy vọng sẽ được các chủ nợ quốc tế xóa nợ.
Thậm chí ngược lại, mới đây Ngân hàng thế giới còn tuyên bố dừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Ngay cả những quyền tự do rất căn bản của người dân và đã được Hiến pháp từ năm 1992 hứa hẹn như quyền tự do biểu tình, quyền tự do lập hội, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo…, nhưng đến tận bây giờ những quyền này vẫn chỉ giống như một bức tranh siêu thực cùng gam màu mị dân loang lổ.
Hiện hình trước mắt là các món vay mà Việt Nam chậm trả nợ đều đã đến hạn. Những dấu hiệu sụp đổ ngân sách cũng đang đến rất gần…
Thời điểm “Minsky” thanh toán nợ vay quốc tế và cả những món nợ dân đã đến!
Gần đây, không còn nghe thấy hệ tư tưởng “Việt Nam và Cuba thay nhau canh giữ hòa bình thế giới” trên cửa miệng giới lãnh đạo cao cấp, báo chí và cả hệ thống tuyên giáo đảng Việt Nam. Thế nhưng rõ ràng là những chuyến “học tập” của các nguyên thủ Hà Nội ở La Habana còn lâu mới đạt tiêu chuẩn về chất lượng học vấn để tạo ra một bối cảnh cải tạo và xóa nợ ở Việt Nam.
Sự thật là sau Đại hội XII của đảng Cộng sản, bất cứ một khung giá nhân sự cao cấp nào cũng phải bó tay trước một phương trình quá nhiều ẩn số.
Ẩn số khủng hoảng kinh tế lại bế tắc, bế tắc hoàn toàn…
P.C.D
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/viet-nam-phai-lam-gi-de-quoc-te-xoa-no/3130304.html