Theo yêu cầu của một số bạn đọc muốn nắm được các thông tin về phương diện địa lý-lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, BVN đã mời nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc trình bày những nét khái lược về hai quần đảo này nhằm đáp ứng yêu cầu đó, đồng thời cung cấp thêm một đôi nét miêu tả chính yếu về chúng rút ra từ các bộ sách cổ Việt Nam.
Dưới đây là bài viết của bạn Đinh Kim Phúc, xin trân trọng gửi đến quý bạn.
Bauxite Việt Nam
Vị trí địa-chính trị của biển Đông
Biển Đông là một biển nửa kín (bán nội hải), có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 16o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Bruinei, Thái Lan và Campuchia.
Biển Đông là nơi chứa đựng nguồi tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặt biệt là nguồn tài nguyên sinh vật biển, khoáng sản, du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển (Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, lượng dự trử dầu ở biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trử lượng dầu khí ở biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa có thể lên đến 105 tỷ thùng).
Đối với Việt Nam, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Bờ biển nước ta vừa là cửa ngõ bang giao kinh tế vừa là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn với biển như du lịch, dầu khí, thủy hải sản, giao thông vận tải, công nghiệp đóng tàu…
Biển Đông còn là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và các nước nước khác trên thế giới.
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất đó là cảng Singapore và Hongkong. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Do đó vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa-chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.
Riêng đối với Trung Quốc, các nhà phân tích Trung Quốc lo ngại về các yếu điểm của eo biển Hormuz nhưng còn lo lắng hơn nữa về eo biển Malacca, nơi mà họ gọi là “đường sinh mạng hàng hải” của vùng Đông Á. Đến 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc chảy qua ngỏ Malacca, bao gồm gần như toàn bộ số dầu Trung Quốc nhập từ Trung Đông và Châu Phi (từ Châu Phi thì chiếm khoảng 26% tổng số của Trung Quốc). Từ lý do này, một nguồn tin của Trung Quốc tuyên bố, “ … eo biển Malacca là đường sinh mạng dầu mỏ đi đường biển của Trung Quốc, vì an ninh kinh tế của Trung Quốc giống như nó phải biết tự hô hấp lấy”. Các nhà phân tích Hải quân Trung Quốc lo ngại rằng Malacca, cái mà “đã trở thành yết hầu chiến lược về an ninh năng lượng và kinh tế của Trung Quốc” thì lại cực kỳ chật hẹp, dễ bị phong tỏa”.
“Ai kiểm soát được eo biển Malacca” là “sẽ kẹp chặt có hiệu quả hành lang năng lượng chiến lược của Trung Quốc, và có thể đe dọa an ninh năng lượng của Trung Quốc bất kỳ lúc nào. Hơn thế nữa, Trung Quốc cần phải tiến ra thế giới; Hải quân Trung Quốc cần phải tiến vào đại dương, và phải đi ngang qua eo biển Malacca”. Những yếu tố này tạo ra mối quan tâm thực sự cho người Trung Quốc: Hiện có 95% dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển; trong số này có 80% quá cảnh ở eo biển Malacca. Eo biển này thì dễ bị phong tỏa … nhưng nhiệm vụ này vượt khỏi sức mạnh bảo vệ của Hải quân Trung Quốc, nên nếu việc này xảy ra thì an ninh tài nguyên của Trung Quốc sẽ bị tổn hại trầm trọng.(1)
Chính tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông đã biến những xung đột ở khu vực này không còn là nguy cơ tiềm ẩn.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa ở vào khoảng giữa vĩ tuyến 16° – 17° và kinh tuyến 111° – 113° đông, cách Huế khoảng 490 km và Yulin (Du Lâm), hải cảng phía Nam của đảo Hải Nam khoảng 350 km.
Toàn thể quần đảo Hoàng Sa có diện tích khoảng 15.000 km², gồm trên 30 đảo nhỏ và những hòn đá nhô khỏi mặt nước, chia ra làm hai nhóm chính: Nhóm Đông (Amphitrite) mà đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody Island), dài không quá 4 km, rộng khoảng 2-3 km; và Nhóm Tây (Crescent) mà đảo lớn nhất mang tên Hoàng Sa (Pattle Island), diện tích khoảng 0,3 km². Đảo Phú Lâm cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km.
Quần đảo Trường Sa ở vào khoảng 6o50’ đến 12° vĩ Bắc và từ 111°20’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 km, cách Philippines khoảng 300 km và cách Trung Quốc khoảng 1.500 km.
Toàn thể quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km², gồm trên 100 đảo và những hòn đá nhô lên mặt biển, trong đó có khoảng 26 đảo hoặc đá chính.
Là một dân tộc sống ven một bờ biển dài hơn 3260 km, với truyền thống đánh bắt thủy hải sản ngoài biển khơi xa đã có từ lâu đời, chắc chắn ngư dân Việt đã phát hiện ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ thuở bình minh dựng nước. Những tài liệu lịch sử để lại đã chứng minh việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn, vào thế kỷ thứ XVII.
Có thể nói được rằng cho đến ngày bị thực dân Pháp đô hộ, các triều đại kế tiếp trị vì nước Việt Nam đã thực sự nắm chủ quyền và cai quản hai quần đảo này mà không có nước nào cạnh tranh và xem các hải đảo này hoàn toàn thuộc lãnh thổ của nước ta. “Tuyển tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII xác nhận rằng Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo từ thế kỷ XVII. Danh từ Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) lưu truyền trong dân gian chứng tỏ rằng những đảo này đã được những người Việt Nam xa xưa sinh sống trên biển đã khám phá và khai thác từ lâu trước khi chính quyền Chúa Nguyễn chính thức tổ chức khai thác đảo.
Các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam, của triều đình Việt Nam như Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhận rất rõ ràng rằng triều đình Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa thuộc về lãnh thổ của Việt Nam.
Hoàng Sa trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (2)
Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là một cuốn sách gồm 4 quyển, trong mỗi quyển có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653.
Sử liệu này cho ta thấy danh xưng chữ Nôm “Bãi Cát Vàng” đã xuất hiện trong tài liệu xưa nhất còn lưu truyền đến ngày nay. Danh xưng Hoàng Sa về sau mới được thông dụng.
Sau đây là đoạn văn đề cập tới Hoàng Sa trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (quyển 1):
“Ở làng Kim Hồ, trên hai bên bờ sông, có hai ngọn núi mỗi ngọn đều có mỏ vàng được khai thác dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ở hải phận quốc tế, có một quần đảo dài 400 ly và rộng 200 ly có tên là ”Bãi Cát Vàng” nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa Tây-Nam, các thương thuyền từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này. Điều tương tự cũng xảy ra trong mùa mưa Đông-Bắc cho các thương thuyền qua lại trên vùng biển quốc tế. Tất cả mọi người trên tàu bị đắm ở khu vực này thường bị chết đói. Nhiều loại thương thuyền khác nhau bị đắm trôi dạt vào các đảo này. Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các vị vua nhà Nguyễn thường phái đến các đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều vàng, bạc, tiền đúc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải mất một ngày rưỡi để đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu khởi đi từ Sa Ky”.
Mặc dầu sự mô tả về địa lý của các thời xa xưa không được chính xác như bây giờ, nó cho thấy rõ ràng từ bên trên rằng bãi “cát vàng” hay đảo Hoàng Sa đã là một phần di sản kinh tế của Việt Nam ít ra là trước 1653, năm cuối cùng khi Đỗ Bá có thể đã vẽ xong bản đồ của ông.
Hơn nữa, một nhà sử học và học giả Việt Nam là Võ Long Tê, đã có thể xác định rằng xem xét những sự kiện khác trong văn tự của Đỗ Bá (nghĩa là tham chiếu lịch sử và kiểu hành văn), các cuộc thám hiểm vớt tàu được mô tả trong đó thật sự bắt đầu vào thế kỷ XV.
Hoàng Sa trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn (3)
Phủ biên tạp lục là tên một bộ sách do Lê Quí Đôn viết tại Phú Xuân (Huế), khi ông được vua Lê chúa Trịnh phái đi trấn nhậm Thuận Hóa, Quảng Nam vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 7 (1776).
Đây là một tài liệu tương đối tả thật chi tiết về quần đảo Hoàng Sa, mà trước chưa hề thấy có tài liệu nào còn được lưu truyền.
Hai đoạn văn sau đây liên quan mật thiết với Hoàng Sa:
Đoạn thứ nhất (quyển 2, tờ 78b-79a)
“… Ở ngoài cửa biển lớn thuộc địa phận xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa có 1 hòn núi mang tên là Cù lao Ré. Chiều rộng núi này có thể hơn 30 dặm. Ngày trước có dân cư phường Tứ Chính trồng các thứ cây đậu tại ruộng nương nơi đó. Người ta ra biển rồi chèo thuyền đi bốn trống canh nữa có thể đến Cù Lao Ré.
Ở ngoài núi Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa ngày trước, nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên nhà nước có thiết lập một đội Hoàng Sa để thu nhận các hải vật. Người ta phải đi 3 ngày đêm mới đến được đảo Đại Trường Sa ấy, như thế là đảo Đại Trường Sa đã gần đến xứ Bắc Hải”.
Đoạn văn thứ hai (quyển 2, từ tờ 82b-85a)
“Xã An Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa ở gần biển, về hướng Đông Bắc ngoài biên có nhiều đảo và có nhiều núi linh tinh hơn 130 ngọn. Giữa các núi là biển, cách nhau có chỗ hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trên các ngọn núi (đảo) thỉnh thoảng có suối nước ngọt. Ở trong các hòn đảo, có bãi cát vàng, dài chừng hơn ba mươi dặm, bằng phẳng và rộng lớn, nước trong nhìn suốt đáy. Ở bên các hòn đảo, có vô số tổ yến, còn các thứ chim thì kể có hàng ngàn, hàng vạn con, hễ thấy người, chúng vẫn cứ đậu chung quanh người, chứ không hề tránh né. Bên bãi, có rất nhiều hải vật lạ như ốc hoa, có thứ mang tên là “ốc tai voi”, lớn như chiếc chiếu, dưới bụng có từng hạt như ngón tay trỏ lớn, sắc đục không bằng sắc con trai châu, vỏ ốc ấy, có thể tách ra thành phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi (để quét, nề nhà cửa). Lại có thứ ốc được gọi là ốc xa cừ, người ta có thể dùng vỏ thứ ốc này để trang sức các đồ dùng. Lại còn có thứ ốc khác được gọi là ốc hương. Thịt các thứ ốc đều có thể ướp muối dùng làm đồ ăn được.
Có thứ đại mạo (hay đại mội) là con đồi mồi rất lớn.
Có con hải ba (ba ba biển), mà tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn. Mai mỏng, người ta có thể dùng trang sức các đồ dùng, trứng giống như đầu ngón tay cái, có thể ướp muối dùng đồ ăn được.
Lại có con hải sâm, tục gọi là con đồn đột. Người ta bơi lặn xuống bãi, bắt được hải sâm, rồi lấy vôi xát bỏ ruột đi, đem phơi khô. Đến khi ăn, dùng nước cua ngâm rồi nạo cho sạch sẽ, ăn như thịt heo, cá mà ăn ngon hơn.
Những thuyền lớn đi biển của người Phiên thường khi gặp gió, đều nương đậu ở đảo này.
Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo (tức đảo Hoàng Sa). Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ được những đồ hải vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong vàng, đồ chiên giạ, đồ sứ,… Họ còn lượm nhặt những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những hạt con ốc hoa thật là nhiều.
Đến kỳ tháng Tám, thì đội Hoàng Sa ấy mới trở về cửa Eo, rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được ngoài biển có khi nhiều, khi ít không nhứt định, cũng có lần họ ra đi rồi cũng trở về không.
Tôi (Lê Quí Đôn) từng tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Dức Hầu ngày trước như sau:
Năm Nhâm Ngọ (tức năm 1702), đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.
Năm Giáp Thân (tức năm 1704), lượm được thiếc 5.100 cân.
Năm Ất Đậu (tức năm 1705), lượm được bạc 126 thoi.
Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quí Tị (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy cân đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.
Họ Nguyễn còn thiết lập thêm một đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn lấy người thôn Tứ Chính (ở gần bờ biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người làng Cảnh Dương lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Quan địa phương cấp phát phó từ (tức văn bằng) và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm công tác.
Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền đi qua đồn tuần, qua đò.
Quan trên khiến những người trong đội chèo thuyền tư và thuyền nhỏ câu cá ra cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải, hoặc đi đến xứ Cồn Tự thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đại mội, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn như con heo), lực qui ngư, hải sâm.
Nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải này, vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi, còn như vàng bạc và các của cải quí báu khác thì ít khi họ tìm kiếm được.
Bãi biển Hoàng Sa ở gần địa phận phủ Liêm Châu thuộc tỉnh Hải Nam. Những người nước ta đi thuyền đôi khi có gặp những thuyền đánh cá của người Bắc Quốc (tức Trung Quốc) ở ngoài biển. Giữa biển cả, người hai nước hỏi han nhau, người ta thường thấy công văn của chính viên đường quan huyện Văn Xương thuộc Quỳnh Châu gửi cho xứ Thuận Hóa, và trong công văn viên quan ấy đề: “Năm thứ 8 (1753) niên hiệu Càn Long, 10 tên quân nhân ở xã An Bình, thuộc đội kiếm vàng thuộc huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Nghĩa, nước An Nam, ngày tháng Bảy đi ra “Vạn Lý Trường Sa” lưọm nhặt các hải vật. 8 tên trong bọn ấy lên bờ biển tìm lượm các hải vật, còn 2 tên ở lại coi giữ thuyền. Vì một trận cuồng phong thổi mạnh làm đứt neo thuyền, nên 2 tên ấy bị trôi giạt vào cảng Thanh Lan (Trung Quốc). Viên quan địa phương tra xét đích thực, nên cho áp chở 2 tên này trở về nguyên quán”.
Chúa Nguyễn Phúc Chu truyền lệnh cho chức quan Cai bạ ở Thuận Hóa là Thực Lượng Hầu viết văn thư phúc đáp viên quan huyện Văn Xương”.
Hoàng Sa trong Dư địa chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt địa dư chí (1833)(4)
Lịch triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo lớn gồm 49 quyển, ghi chép đủ mọi phép tắc của các triều đại Việt Nam từ xưa đến gần thời đại của Phan Huy Chú.
Trong quyển 5, ở phần đạo Quảng Nam, có nói đến phủ Tư Nghĩa (ở giữa đạo Quảng Nam). Hầu hết phần nói về phủ Tư Nghĩa là Hoàng Sa, chứng tỏ Hoàng Sa rất quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa (Quảng Nghĩa) hồi bấy giờ.
Sau đây là đoạn văn nói về Hoàng Sa:
“Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện:
Huyện Nghĩa Giang có 93 xã;
Huyện Bình Dương có 70 xã;
Huyện Mộ Hoa có 53 xã;
Phủ Tư Nghĩa ở giữa đạo Quảng Nam, ở thượng du núi liên tiếp đăng ngang, phía dưới đến biển lớn, chính giữa địa thế rộng rãi, thời đại Thái Vương chuyên chế đổi làm phủ Tư Nghĩa gồm có 3 huyện. Ở đây vật lực phong phú, lúa gạo không xiết kể, vàng bạc, cây gỗ, châu báu, trầm hương, tốc hương đều rất tốt, voi ngựa chăn nuôi cũng rất nhiều. Lại có đảo lớn, đảo nhỏ ở ngoài biển, cảnh vật xinh tốt, báu kỳ, vật lạ phần nhiều ở nơi này vậy. (Thôn An Vĩnh thuộc huyện Bình Dương ở ngoài biển, gần phía Đông Bắc ngoài biển có hòn đảo lớn, nhiều núi linh tinh hơn 130 ngọn, từ trong núi ra biển, ước đầy một ngày đường, hoặc vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt, giữa hòn đảo có bãi Hoàng Sa, dài độ 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào, bầy chim kể hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì tới đậu chung quanh, không hề tránh đi. Bên bãi có rất nhiều vật lạ, về ốc vằn có thứ gọi là ốc tai voi, lớn bằng tấm chiếu, trong bụng có hạt châu lớn bằng ngón tay, vỏ nó có thể đẽo thành bia; lại có thể hầm vôi để tô trét. Có thứ gọi là ốc xa cừ, có thể trang sức đồ vật; lại gọi là ốc hương. Có thứ đồi mồi rất lớn, gọi là hải ba, vỏ mỏng có thể trang sức khí mãnh, trứng như ngón tay cái. Có thứ gọi là Hải sâm, tục kêu là con đồn đột, bò chơi bên bãi cát, người ta bắt lấy, dùng vôi chà xát qua, bỏ ruột, phơi khô, khi ăn lấy nước cua đồng mà ngâm, nấu chung với tôm, thịt heo cũng ngon. Nhiều thuyền buôn gặp gió nương đậu ở đảo này.
Tiền Vương lịch triều (các chúa Nguyễn) đặt Đội Hoàng Sa 70 tên, lấy người thôn An Vĩnh luân phiên sung vào, đi thu nhặt những hải vật. Hàng năm cứ đến tháng Ba, nhận mệnh lệnh đi làm việc, đem theo đủ lương thực 6 tháng, đi 5 chiếc thuyền nhỏ ra khơi, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo này. Ở đó mặc tình tìm lấy, bắt cá mà ăn, lấy được rất nhiều đồ vật quí báu của các thuyền dạt, cùng khá nhiều hải vật, qua tháng 8 trở về, vào cửa Eo (cửa Thuận An), tới thành Phú Xuân, đưa nộp”.
Hoàng Sa trong Đại Nam thực lục tiền biên (1844) và Đại Nam thực lục chính biên (1848)(5)
Đại Nam thực lục là một bộ sử biên niên, chép từng đời Vua do các sử thần Quốc Sử Quán của Triều Nguyễn khởi sự viết từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821).
Những sự việc liên quan đến Hoàng Sa được chép vào thời các chúa Nguyễn tức phần Đại Nam thực lục tiền biên và vào thời vua Gia Long, Minh Mạng, tức phần Đại Nam thực lục chính biên.
Đại Nam thực lục tiền biên
Quyển 10
“Tháng Bảy, mùa Thu, năm Giáp Tuất (1754), dân đội Hoàng Sa, gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Quan Tổng Đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư gửi qua. Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 cồn cát, cách xa hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa Châu, trên có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, hoa giải, ba ba. Hồi quốc sơ [đầu Triều Nguyễn] đặt đội hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng Ba cưỡi thuyền ra đảo, 3 ngày đêm thì tới nơi, thu lượm hoá vật, đến tháng Tám trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân thôn Tư Chính, Bình Cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải thu lượm hóa vật, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn”.
Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ
Quyển 50
[tờ 6a] “Tháng giêng, năm Ất Hợi (1815)
Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đồ đạc thủy trình…”
Quyển 52
[tờ 15a] “năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816)…
… Vua ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình…”
Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ
Quyển 104 (tờ 16b-17a)
“Tháng Tám, mùa Thu, năm Quí Tị, Minh Mạng thứ 14 (1833)
… Vua bảo Bộ Công rằng: Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau, cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy”.
Quyển 154 (tờ 4a-4b)
“Tháng Sáu mùa Hạ năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (1835)
… Dựng “thần từ” ở Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bảng khắc 4 chữ “Vạn Lý Ba Bình”. (Cồn cát trắng chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật tự, bờ Đông, Tây, Nam đều có đá san hô dốc thoai thoải vây quanh mặt nước. Phía Bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô nổi cao, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái, vua định dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, vì gặp lúc sóng gió không làm được. Đến nay mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu, xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về”.
Quyển 165 (tờ 24b-25b)
“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời nhà Thanh).
Bộ Công tâu: “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ nhưng vì hình thế xa rộng, nên mới chỉ vẽ được 1 nơi, lại cũng chưa biết rõ nên làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chỗ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chi vi, và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ. Lại chiếu ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến nơi ấy, căn cứ vào thủy trình đã qua, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, ước lượng cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, đều nhất nhất phải nói rõ, lần lượt đem về, dâng trình”.
Vua y lời tâu. Sai suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi. Chuẩn bị mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân (1836), thủy quân chính đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ.”
Hoàng Sa trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ(6)
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là một bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục Bộ về điển chương, pháp luật, các công tác linh tinh khác. Các Bộ thần theo cương vị công tác của mình mà ghi chép rồi tập trung lại viết thành sách.
Đại Nam hội điền sự lệ viết từ năm 1843 đời vua Thiệu Trị đến năm 1851 đời vua Tự Đức thì hoàn tất, gồm 97 quyển chép từ thời Gia Long (1802) đến Tự Đức năm thứ 4 (1851). Sau đó bộ sách này được tiếp tục với tên Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên (1852-1889) và (1889-1949).
Trong bộ sách trên, có đoạn văn đề cập tới Hoàng Sa trong quyển 207, tờ 25b, 26a như sau:
“Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chuẩn lời tâu của Quảng Ngãi xin cho xây cất một gian miếu Hoàng Sa (theo thể chế nhà đá) ở phía Tây Nam cồn Bạch Sa, bên trái dựng bia đá. (Chiều cao 1 thước 5 tấc, mặt rộng 1 thước 2 tấc). Mặt trước xếp đá che, 2 bên tả hữu đàng sau miếu có trồng các loại cây”.
Hoàng Sa trong Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông (1876)(7)
Việt Sử cương giám khảo lược do Nguyễn Thông (1827 – 1894) biên soạn nhận khi được vua Tự Đức cử cùng với ông Bùi Ước, Hoàng Dụng Tân, khảo duyệt bộ Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục vào năm 1876.
Việt Sử cương giám khảo lược quyển 4 có đoạn nói về Hoàng Sa như sau:
“Vạn Lý Trường Sa: Từ đảo Lý Sơn (tục gọi là Ngoại Lao, người Trung Quốc gọi là Ngoại La) [tức Cù Lao Ré] đi thuyền về phía Đông ba ngày đêm thì đến. Nước Việt Nam ta ở buổi quốc sơ thường kén những người đinh tráng hai hộ An Hải và An Vĩnh mà lập đội Hoàng Sa để đi kiếm được những vật ngoài biển hàng năm cứ tháng Hai đi, tháng Tám về. Bãi cát dăng từ phía Đông mà sang phía Nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm. Ở trong có vũng sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt. Chim biển có nhiều giống không biết tên. Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biến ngạch khắc mấy chữ “Vạn Lý Ba Bình”[muôn dặm sóng êm], không biết dựng từ đời nào. Các quân nhân đến đây thường đem những hạt quả phương Nam mà vãi ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để làm dấu mà nhận. Từ khi đội Hoàng Sa bãi, gần đây không ai hỏi đến miếu ấy nữa. Truyện ký của người xưa nói nhiều về cảnh đẹp của “Thập Châu Tam đảo”. Ngày nay suy ra không thể nói là không có những đất ấy, nhưng nói là chỗ ở của thần tiên thì sai”.
Hoàng Sa trong Đại Nam nhất thống chí(8)
Nguyên bộ Đại Nam nhất thống chí đã được vua Tự Đức chỉ thị soạn năm 1865, và được soạn xong vào năm 1882, nhưng chưa được khắc in. Đến đời vua Thành Thái, các triều thần ở quốc sử quán lại được lệnh khởi thảo soạn lại, vẫn lấy tên là Đại Nam nhất thống chí. Nhưng mà đến năm Duy Tân thứ 3 (1910) mới soạn xong được 17 quyển (17 tỉnh Trung Việt).
Đây là một bộ sách của triều đình Việt Nam trong thời Pháp thuộc, một lần nữa đã xác nhận việc hành sử liên tục chủ quyền Việt Nam trước khi xảy ra sự tranh chấp về Hoàng Sa, vốn diễn ra từ thời Pháp thuộc, nhưng sau thời gian soạn thảo bộ sách Đại Nam nhất thống chí này.
Trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí thời vua Duy Tân, quyển thứ 6: Tỉnh Quảng Ngãi, có chép 2 đoạn văn nói về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Đoạn thứ 1:
Phần Hình thể (Quảng Ngãi)
“… Phía Đông có đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo), liền với biển xanh làm trì (hào bao che), phía Tây khống chế vùng sơn nam, có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng; phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh sa thổ làm giới hạn”.
Đoạn thứ 2:
(quyển 6 tỉnh Quảng Ngãi, phần Sơn Xuyên)
“Ở phía Đông đảo Lý [Ré] huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió, 3, 4 ngày đêm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt, tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc vài trống canh. Giữa đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng), bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi “Vạn Lý Trường Sa”(bãi cát dài muôn dặm), trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó.
Lúc mới lập quốc đặt ra đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, mỗi năm cứ tháng Ba ra khơi lấy hải vật, tháng 8 theo cửa biển Tư Hiền trở về dâng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải, khiến Đội Hoàng Sa kiêm quản, ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải, tìm lấy hải vật.
Phía đông hòn đảo gần phủ Quỳnh Châu, Hải Nam nước Thanh (Trung Quốc). Đầu đời Gia Long, phỏng theo phép cũ, đặt Đội Hoàng Sa, rồi lại bỏ. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai quan thuyền đến đó dò thám đường biển. Có một chỗ cồn cát trắng chu vi 1070 trượng, cây cối xum xuê tươi tốt, giữa cồn cát có giếng nước, phía Tây Nam có ngôi cổ miếu, không biết kiến thiết vào thời đại nào, bia khắc 4 chữ “Vạn Lý Ba Bình” tên cũ gọi là “Phật Tự Sơn”, hai bên bờ đều là đá san hô dốc thoai thoải vây quanh mặt nước. Phía Tây Bắc đột nhiên nổi lên một cồn, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước, bằng với đống cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm thứ 16, sai quan thuyền chở gạch, đá đến cất chùa, ở phía tả chùa dựng bia đá làm dấu. Thời đó các binh lính, dân phu tham gia công việc, đào được đồng lá, đồng sắt hơn 2000 cân”.
Hoàng Sa trong Quốc triều chính biên toát yếu (1909)(9)
Quốc triều chính biên toát yếu là một bộ sử trích các phần quan yếu của bộ Quốc triều chính biên hay Đại Nam thực lục chính biên của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Sử chép bằng bằng chữ Hán theo lối biên niên từ đời Gia Long trở về sau. Quốc Triều chính biên toát yếu trên được Bộ Học vâng chỉ dụ vua Khải Định vào năm thứ 9 (1924) thực hiện và dịch ra chữ quốc ngữ, để ấn hành ban cấp cho các trường học với nhan đề chữ quốc ngữ: “Sử Quốc Triều chánh biên toát yếu”.
Đoạn thứ nhất
(quyển 3, tờ 97b-98a)
“Dựng đền thờ Hoàng Sa ở tỉnh Quảng Ngãi. Hoàng Sa hải phận Quảng Ngãi có một chỗ có cồn cát trắng cây cối xum xuê tươi tốt. Ở trong cồn cát có một cái giếng. Phía Tây Nam có một ngôi miếu xưa, bia đá khắc bốn chữ “Vạn Lý Ba Bình” (nghĩa là muôn dặm sóng yên). Cồn cát trắng trước kia có tên là Phật tự sơn. Các bờ Đông, Tây và Nam đều có san hô. Có một đồi đá nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với đồi cát, gọi là Bàn Than Thạch. Ra lệnh xây miếu và dựng bia ở chốn này. Trước miếu có xây bình phong.”
Đoạn 2:
(quyển III, tờ 104a)
Tháng giêng, năm Bính Thân thứ 17 (1836)…
“… Khiến thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới miền Hoàng Sa, không nệ cù lao nào, cồn cát nào, phàm chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, châu vi và bốn phía gần đó có cát ngầm đá mọc hay không; hình thể hiểm dị thế vào từ cửa biển ra đó đường thủy ước bao nhiêu dặm; bờ biển thuộc địa phương nào nhất nhất ghi chép rõ ràng. Lại chuẩn bị mang theo thẻ gỗ đến nơi dựng lên làm dấu, vẽ đồ bản đem về dâng lên ngài ngự lãm”.
Đoạn 3:
(quyển III, tờ 110a)
“Năm Bính Thân thứ 17 (1836)
Tháng 12, tàu buôn nước Anh Cát Lợi qua bãi Hoàng Sa, bị cạn ghé vào bãi biển Bình Định hơn 90 người. (Vua) sai tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục tỏ ra rất cảm kích. (Vua) sắc cho phái viên đi Tây. Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước.”
Mãi đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, trước sự đe doạ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Hoa mới bắt đầu chú ý tới quần đảo Hoàng Sa và sau này, trong những năm 1928, 1932, biểu hiện ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp – chỉ biểu hiện ý đồ chứ không có hành động chiếm hữu thực sự.
Cũng cần nhấn mạnh là lúc bấy giờ cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất, đòi hỏi của nhà đương cuộc Trung Hoa chỉ nhằm vào quần đảo Hoàng Sa chứ không đả động đến quần đảo Trường Sa.
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách là quốc gia kế thừa, Pháp không hề khước từ chủ quyền trên hai quần đảo, tiếp tục khẳng định quan hệ chủ quyền và phản đối những yêu sách của phía Trung Hoa.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã chiếm một số đảo trên dãy Hoàng Sa và Trường Sa (gọi là Shinnan Shoto) để làm căn cứ quân sự.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật Bản, năm 1947, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (Itu Aba) của quần đảo Trường Sa, trong khi đó, quân đội Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (thuộc Nhóm Tây của quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo khác của quần đảo Trường Sa.
Chính phủ Bảo Đại chính thức cho quân đội thay thế Pháp ở quần đảo Hoàng Sa năm 1950 và chính quyền Ngô Đình Diệm ở quần đảo Trường Sa năm 1956.
Sau khi chiến thắng ở đại lục, quân đội Trung Quốc thay thế quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).
Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, đẩy quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, chiếm cứ bất hợp pháp, và năm 1988, đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Sau hơn 50 năm (1956-2010) hoạt động xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngày nay Trung Quốc lại bắt đầu một cuộc bành trướng mới đe dọa an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt nam.
Vào giữa năm 2007, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Trường Sa, giết chết một ngư dân và làm bị thương 6 người khác, trong khi hãng dầu khí BP của Anh đã phải tạm ngưng hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Việt Nam trị giá 2 tỉ USD sau lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Trung quốc. Kế đến cuối năm 2007, Trung Quốc cũng đã phản đối công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đang thăm dò 2 lô 127 và 128 ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa dẫn đến công ty này phải tam ngưng tìm kiếm dầu mặc dù đã đầu tư 100 triệu USD. Đặc biệt, cũng vào tháng 11 năm 2007 Trung Quốc lại tổ chức diễn tập quân sự để củng cố cho yêu sách lãnh thổ của mình xung quanh quần đảo Trường Sa.
Đỉnh điểm của những động thái mới của Trung Quốc là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc vào ngày 2 tháng 12 năm 2007 cho thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác, mặc dù chỉ có tính tượng trưng nhưng đây là một hành động khiêu khích đặc biệt. Khi các sinh viên Việt Nam tụ tập bên ngoài Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tp.HCM vào trung tuần tháng 12 năm 2007 để biểu tình phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng lãnh thổ đang tranh chấp tại Biển Đông, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Tần Cương, đã lớn tiếng tuyên bố rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Nam Trung Hoa”.
Ngoài Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei cũng đã tuyên bố chủ quyền ở một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa.
– Trung Quốc chiếm đóng trái phép hoàn toàn trên quần đảo Hoàng Sa và một số đảo trên quần đảo Trường Sa
Đá Xubi (Subi Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef), Đá Lạc (khác với đá Vành Khăn), Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef/Northwest Investigator Reef), Đá Ken Nan (Kennan Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Ba Đầu (Whitsun Reef/Whitson Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef, Trước kia gọi là Đá Lạc, nhưng hiện nay Đá Lạc được đặt cho bãi đá khác), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), và có thể một số vị trí khác như Bãi Trăng Khuyết (Half Moon Shoal), Cồn san hô Jackson (Jackson Atoll/Reef), Bãi Chóp Mao (Bãi Cạn Sa Bin, Sabina Shoal), cũng như thực tế kiểm soát các bãi đá gần điểm đang chiếm đóng.
– Đài Loan chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa
Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) và bãi Bàn Than (Ban Than Reef). Tên gọi Bàn Than dựa theo ghi chép của Lê Quý Đôn về Bàn Than Thạch trong Phủ biên tạp lục.
– Philippines chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa
Song Tử Đông (North East Cay), Thị Tứ (Thi Tu Island), Loại Ta (Loaita Island), Bãi/Cồn An Nhơn (Cồn San hô Lan Can, Lankiam Cay), Đá Cá Nhám (Irving Reef), Đá Công Đo (Commondore Reef), Đảo Bình Nguyên (Flat Island), Đảo Vĩnh Viễn (Nanshan Island), Đảo Bến Lạc (Đảo Dừa, Đảo Bến Lộc, West York Island), Bãi Cỏ Rong (Bãi Cỏ Rồng, Reed Bank/Tablemount), Bãi Cỏ Mây (2-nd Thomas Shoal/Reef), ngoài ra thực tế Philippines kiểm soát nhiều bãi đá ngầm ở rất gần bờ biển Philippines.
– Malaysia chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa
Bãi/Đá Kỳ Vân (Mariveles Reef), Bãi/Đá Kiệu Ngựa (Asdasier Reef/Ardasier reef,Asdrasier Bank, Đá Kiệu Ngựa là một phần của Bãi Kiệu Ngựa), Bãi Hoa Lau (Swallow Reef), Đá Suối Cát (Đá Đa Lát, Dallas Reef), Đá En Ca (Erica Reef/Enloa Reef), Đá Louisa (Đá Lu xi a, Louisa Reef), Bãi Thám Hiểm (Đá Sâu, Investigator Shoal/Reef), ngoài ra Malaysia kiểm soát các bãi đá ngầm ở trong vùng biển Malaysia.
Đến nay, Việt Nam đã ký 5 hiệp định và thỏa thuận với các quốc gia để giải quyết một phần những tranh chấp liên quan đến biển: Campuchia (1982), Malaysia (1992), Thái Lan (1997), Trung Quốc (2000), Indonesia (2003).
Kết luận:
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia đó. Quốc gia bao hàm trong nó 3 vấn đề lớn: dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ. Biên giới luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm.
Ngày xưa:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Bản dịch của học giả Trần Trọng Kim:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Trần Nhân Tông (1258-1308)
Ngày nay:
Ngày 1/4/2010, đến thăm trung đoàn HQ 953 đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ và tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh hải quân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn muốn cùng các nước láng giềng giải quyết các vấn đề biên giới, nhất là biên giới trên biển, bằng con đường thương lượng hòa bình.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.
Việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết, hi vọng những dòng nầy sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.
Chú thích:
(1) Gabriel Collins, Andrew Erickson and Lyle Goldstein, Chinese Naval Analysts Consider the Energy Security Question, American Political Science Association
(Nguồn: http://www.allacademic.com/meta/p211779_index.html)
( Nguồn: http://bauvinal.info.free.fr/)
(2) – Ly là một đơn vị đo lường cổ (1 ly: 483 mét).
– Đại Chiêm: bây giờ có tên là Cửa Đại, thuộc tỉnh Quảng Nam; Sa Vinh: bây giờ tên là Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Những sử gia người Việt, một cách trực tiếp hay gián tiếp, góp phần vào việc xác định ngày tháng của tài liệu Đỗ Bá. Trong số đó có Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Trương Bửu Lâm. Những chi tiết liên quan đến vấn đề này có thể tìm thấy ở Võ Long Tề, Les Archipels de Hoang Sa et Truong Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’Histoire et de Geographie. – Sài Gòn, 1974.
(3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Xem tập san Sử Địa Số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa. Trích trong bài “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Hãn Nguyên. TS Nguyễn Xuân Diện hiệu đính và bổ sung một số đoạn.