Phía sau “người Việt ở hải ngoại được ứng cử tại Việt Nam” ẩn giấu gì?

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. 

Liệu đang tồn tại một thế lực chính trị nào trong đảng muốn mượn hơi hướng “tranh cử độc lập” của người Việt hải ngoại và giới dân chủ trong nước như một tiền đề chuẩn bị cho xu thế tách đảng và đa đảng khó tránh khỏi trong vài ba năm tới?

“Lãnh đạo rất cao cấp”

Cùng với câu chuyện muôn thuở về “tàu lạ” mang quốc tịch Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt, một hiện tượng lạ khác cũng đang len lén xâm nhập vào đời sống chính trị ở Việt Nam: người Việt ở hải ngoại có thể được tham dự bầu cử và ứng cử tại “quê hương”.

Ngày 9/11/2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, báo Nhân Dân tổ chức một cuộc hội thảo, trong đó có nói về vai trò của người Việt ở hải ngoại. Chi tiết được giới quan sát chú ý là trong cuộc hội thảo này đã có ý kiến đề nghị “cho người Việt ở hải ngoại được tham dự bầu cử và ứng cử tại Việt Nam”.

Có vẻ lần này đảng và chính quyền Việt Nam cố gắng biểu hiện thái độ “thành tâm chính trị” hơn, cho dù cơ chế “đảng cử dân bầu” vẫn không hề suy suyển trong một chế độ chưa hề hứa hẹn đa đảng.

Khối người Việt hải ngoại cũng khó quên được câu chuyện từ năm 2003 – khi Nghị quyết số 36 về “công tác người Việt Nam ở nước ngoài” ra đời – cho đến gần đây đã có khá nhiều cuộc hội thảo về “kiều bào ta” do các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội của đảng cầm quyền trình diễn, nhưng kết quả vẫn chỉ mang tính kịch nghệ.

Chỉ vào lần này – lần đầu tiên sau 12 năm qua – “khúc ruột ngàn dặm” người Việt hải ngoại mới được một bộ phận nào đó trong chính đảng Việt Nam mưu sự “cơ cấu” vào cơ thể chính thể như một biểu cảm “đồng nguyên”.

Trước hiện tượng “lạ” trên, đài RFA đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là một tín hiệu cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chấp nhận sự đa nguyên chính trị trong tương lai?”.

Đài này cũng thông tin:Cũng trong khoảng thời gian diễn ra cuộc hội thảo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện sống và làm việc ở Canada, cho biết ông nhận được điện thoại từ một lãnh đạo rất cao cấp của đảng Cộng sản Việt nam, đề nghị cho biết ý kiến về tiến trình dân chủ tại Miến Điện sau khi đảng đối lập thắng lớn. Luật sư Khanh cho biết thêm là cuối buổi nói chuyện, vị lãnh đạo Việt Nam nói rằng ông hy vọng một ngày không xa luật sư Khanh có thể ra tranh cử tại Việt Nam”.

Câu hỏi và những thông tin của đài RFA là rất đáng chú ý.

Cho tới nay và lồng trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội 12, kỷ luật nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là một chủ đề tương đối gắt gao, mà bằng chứng mới nhất là tiêu chí lựa chọn nhân sự cao cấp không được dính dáng đến “vấn đề chính trị hiện nay”. Chuyện một lãnh đạo cao cấp của chính quyền thăm hỏi người Việt hải ngoại về gia đình và sức khỏe là không thành vấn đề, nhưng việc một “lãnh đạo rất cao cấp” chủ động gọi điện cho những người như luật sư Vũ Đức Khanh – một nhà hoạt động chính trị hải ngoại mà trước đây vẫn thường bị chính quyền Việt Nam coi là “địch” – và nói sang đề tài chính trị chưa từng có tiền lệ thì lại là “diễn biến” khác hẳn. Lẽ dĩ nhiên, nhân vật lãnh đạo ấy sẽ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định có thể xảy đến với cá nhân ông ta khi vi phạm quy chế nội bộ đảng. Trong bối cảnh niềm xung khắc trong nội bộ đã lên đến đỉnh điểm, bất kỳ một nước cờ sai lệch nào cũng có thể khiến người chơi phải trả giá, thậm chí trả giá cực đắt bởi những thế lực cú vọ đối đầu.

Vế còn lại là mối lợi mà nhân vật lãnh đạo đó – có thể thu được trong mối quan hệ với một cộng đồng nào đó của người Việt hải ngoại – sẽ lớn hơn hẳn so với cái nhìn thiếu thiện cảm cùng động tác quy chụp quan điểm rất có thể xảy ra từ các đồng chí không đồng lòng trong nội bộ đảng.

Đa đảng?

Tháng 5 năm 2016 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam. “Dàn giáo” đã được sắp sẵn với ông Nguyễn Sinh Hùng – sau khi “nghỉ” Bộ Chính trị – sẽ phụ trách công tác đặc biệt quan yếu này.

Nhưng trong tất cả những lần bầu cử Quốc hội trước đây, không có bất kỳ một cánh cửa quan yếu nào dành cho khối người Việt hải ngoại.

Chỉ có điều lần này, tình thế lẫn cán cân lực lượng giữa một đảng cầm quyền với gần 4 triệu đảng viên ở Việt Nam với khối gần 4 triệu người Việt ở hải ngoại, kể cả với hàng chục đảng chính trị của người Việt ở nước ngoài, đã đổi khác nhiều.

Giảm số đại biểu kiêm nhiệm và tăng số đại biểu chuyên trách, trong đó chấp nhận một tỷ lệ tăng hơn của số đại biểu độc lập và không phải đảng viên Cộng sản là một xu thế gần như không cưỡng lại được, bắt đầu vào năm 2016.

Vào thời gian này, có vài thay đổi ngầm kín đang “tự diễn biến”. Không chỉ có thể “cho người Việt hải ngoại tham gia bầu cử hay ứng cử”, thậm chí vài thông tin ngoài lề còn cho biết đã có “ý tưởng” trong nội bộ về chuyện trong tương lai (chưa biết gần hay xa), chính quyền Việt Nam sẽ có thể mời vài ba nhân vật người Việt hải ngoại “có máu mặt” về Việt Nam để “tham gia chính phủ”. Chỉ cần tin tức này có một phần cơ sở, đó cũng là sự đổi khác khá lớn về quan điểm chính trị nói chung và cung cách “địch vận” nói riêng của chính quyền Việt Nam đối với khối người Việt hải ngoại so với một chục năm trước đây.

Nhưng tại sao đảng và chính quyền Việt Nam lại không “tâm tư” về vai trò của người Việt hải ngoại từ năm 2001, khi bắt đầu cụ thể hóa chính sách bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ; hay vào năm 2006 khi những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam được đặt chân vào Nhà trắng?

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà “ý tưởng” dành cho người Việt hải ngoại một chỗ đứng nào đấy trong “chính phủ hỗn hợp tương lai” được nêu ra vào thời gian này, sau chuyến công du “thành công ngoài mong đợi” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington tháng 7/2015, sau khi Bộ Chính trị Việt Nam đã phải chấp nhận gần như vô điều kiện định chế Công đoàn độc lập – một thành tố gắn liền với Hiệp định TPP, bất chấp việc chỉ mới gần đây Công đoàn độc lập còn bị giới công an trị Việt Nam gắn chặt với lịch sử “bạo loạn và lật đổ” của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Một câu hỏi khác: Vì sao chính quyền Việt Nam đột nhiên lại cần đến vai trò của người Việt hải ngoại như thế? Một sự thành tâm chính trị như Thein Sein đã bày tỏ với giới trí thức Myanmar ở hải ngoại?

Dù gì và sau quá nhiều thất vọng của lịch sử, điều duy nhất có ý nghĩa vẫn là một câu châm ngôn từ bao đời trong cộng đồng hải ngoại “hãy nhìn những gì Cộng sản làm”.

Nếu không phải xuất phát từ “thành tâm chính trị”, chỉ có thể là chính sách tiếp tục và gia tăng thu hút lượng kiều hối hàng chục tỷ đô la hoặc hơn mỗi năm. Con số này đặc biệt mang ý nghĩa “lá lành đùm lá rách” trong hoàn cảnh ngân sách chế độ đang thủng ruột do tham nhũng và chi xài vô tội vạ tiền đóng thuế của nhân dân, một loạt nước cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam, còn Ngân hàng thế giới mới đây lại tuyên bố sẽ ngừng các khoản cho vay ưu đãi đối với quốc gia đang “hóa rồng”.

Một câu hỏi nữa: Lôi kéo người Việt hải ngoại vào cuộc hôn phối chính trị bế tắc ở Việt Nam chỉ đơn thuần là một liệu pháp mị dân và qua đó dùng người Việt hải ngoại làm cầu dẫn đến các chính phủ Hoa Kỳ và Tây Âu?

Lẽ tất nhiên nếu diễn ra trót lọt, động tác trên sẽ đạt hiệu ứng hơn hẳn việc giới quan chức Việt Nam “diện kiến” trực tiếp giới chính trị Mỹ. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị tại Washington vào tháng 7 năm 2014 có lẽ xứng đáng là một ví dụ thất bại.

Hoặc… một câu hỏi thâm sâu hơn: Liệu đang tồn tại một thế lực chính trị nào đó trong đảng – những người muốn mượn hơi hướng “tranh cử độc lập” của người Việt hải ngoại và giới dân chủ trong nước như một tiền đề chuẩn bị cho xu thế tách đảng và đa đảng khó tránh khỏi trong vài ba năm tới?

Và nếu các câu hỏi trên đều hợp lý, liệu “lãnh đạo rất cao cấp” nào trong chính thể Việt Nam đang trù tính mưu đồ này?

P.C.D.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

 

Nguồn:

http://www.voatiengviet.com/content/phia-sau-nguoi-viet-o-hai-ngoai-duoc-ung-cu-tai-viet-nam-an-giau-nhung-gi/3103812.html

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.