Nợ công Việt Nam nghiêm trọng tới đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một dịp đến thăm và thảo luận về Xã hội Dân sự tại RFA. Photo: RFA

Trong một báo cáo của Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDPF) mới đây cho biết, chỉ trong vòng 15 năm nợ công Việt Nam đã tăng gấp đôi và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyên gia tài chánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS để biết tìm hiểu thêm mức nghiêm trọng của nợ công hiện nay có ảnh hưởng gì tới việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chi tiêu quá mức

Mặc Lâm: Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Theo bản báo cáo của ADB cho biết năm 2016 nợ công của Việt Nam có thể tăng lên 65% GDP và con số này cho thấy tình trạng nợ công Việt Nam ngày càng tiến gần hơn mức an toàn cho phép. Ông có nhận định gì về dự báo này?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng nợ công của Việt Nam tăng rất nhanh trong mấy năm vừa qua và khi nhìn vào cách chi tiêu của Việt Nam thì rất dễ hiểu khi mức tăng là 60% so với năm trước. Người ta đặt ra cái ngưỡng là dưới 65% của GDP thì an toàn còn vượt quá số đo là mất an toàn.

Tôi nghĩ rằng nợ công tăng nhanh chóng như thế nó báo hiệu một nguy cơ rất lớn. Vấn đề không phải là nó đạt ngưỡng 65% của GDP trên đấy thì mất an toàn còn dưới đấy thì không mất an toàn.

Thực sự ở những nước mà nợ công của người ta lên đến trên 100% cúa GDP nhưng vẫn an toàn và có thể dưới mức 50% cũng không an toàn.

Quan trọng là khả năng của nền kinh tế, khả năng thu của chính phủ có đủ bù chi hay không. Có thể trả nợ lãi và gốc đến hạn hay không. Nếu việc ấy mà không thực hiện được thì dẫu ngưỡng có bao nhiêu chăng nữa thì đất nước cũng lâm vào cảnh vỡ nợ cho nên tôi thấy chuyện nợ công tăng nhanh như thế thì rất đáng lo ngại.

Mặc Lâm: Theo như TS vừa mới giải thích thì vấn đề bội chi ngân sách đang rất trầm trọng và đồng tiền thuế của người dân đóng góp để giải quyết vẫn là điều thiết yếu để trả các món nợ công. Tuy nhiên lĩnh vực dầu thô thì đồng tiền thuế không còn nhiều như xưa cộng với việc khi vào TPP sắp tới Việt Nam phải chịu bỏ các khoản thuế nhập khẩu như quy định của định chế này. Theo ông nhà nước phải sửa đổi cách thu thuế như thế nào để bù vào các khoản trống này?

TS Nguyễn Quang A: Nguồn thu của nhà nước Việt Nam dựa vào đầu tiên là thu từ dầu. Có thời nguồn thu từ dầu khí có thể lên tới 35% tổng thu của ngân sách.

Sau đó là thuế xuất nhập khẩu, có thời thuế xuất nhập khẩu đã chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu ngân sách.

Cũng may trong những năm gần đây thì tỷ lệ đó càng ngày càng giảm và bây giờ nó chỉ còn 17 hay 18% gì đó.

Khi mà TPP bỏ hết các khoản thuế đó thì tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhưng có lẽ cũng không phải không khắc phục được bởi vì ở Việt Nam người ta dựa chủ yếu vào thuế giá trị gia tăng, tức là thuế bán hàng mà chưa dựa nhiều lắm vào thuế tài sản, thuế thu nhập cá nhân cũng bắt đầu tăng lên một chút.

Nếu họ cơ cấu lại nguồn thu và tích cực thu nhiều hơn vào thuế tài sản, thuế thu nhập cá nhân thì tôi nghĩ rằng dần dần Việt Nam sẽ tiến dần đến một cơ cấu lành mạnh hơn, nhưng chắc chắn trong thời gian tới thì còn phải điều chỉnh nhiều.

Tiền đâu để phát triển?

Mặc Lâm: Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế thì nợ công của Việt Nam đã cán mức 110 tỷ đô la và chính phủ đã phải liên tục phát hành trái phiếu trong cũng như ngoài nước. Liệu động thái này có kềm lại được cơn khát ngân sách đang ngày một tăng hơn hay không và nó nói gì về sức khỏe của nền tài chính Việt Nam?

TS Nguyễn Quang A: Một chính phủ phát hành trái phiếu trong nước hay nước ngoài, vay cái mới để trả cái cũ hay nói nôm na gọi là đảo nợ là chuyện rất là bình thường, tôi nghĩ không có gì đáng lo ngại.

Đáng lo ngại là ở chỗ thu có đủ bù chi hay không mà trong cái chi này phải tính cả chi trả lãi và một phần gốc của món vay trước kia.

Rất đáng tiếc ngân sách Việt Nam mà nhất là Luật ngân sách chẳng hạn thì suốt mấy chục năm qua từ Quốc hội cho tới tất cả các quan chức Việt Nam người ta không có khái niệm về bội thu ngân sách mà chỉ có việc bội chi mà thôi.

Như thế là vì luôn luôn có bội chi trong suốt mấy chục năm qua tức là thu không đủ chi, mà thu không đủ chi thì phải đi vay. Vay từ năm nay cho tới năm sau cứ thế nó tích tụ lên. Đến một lúc nợ vay quá lớn khó vay được nữa thì dễ dẫn đến chuyện vỡ nợ.

Tôi luôn luôn nhấn mạnh là thu có đủ bù chi hay không và cái chi đấy phải tính cả trả lãi vay và một phần gốc vay.

Mặc Lâm: Đa số nợ công tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở, khi không còn vay được nữa thì việc xây dựng cũng ngưng lại và từ đó hạ tầng cơ sở không theo kịp đà phát triển kinh tế sẽ kéo theo sự trì trệ không thể tránh khỏi. Theo TS thì biện pháp nào sẽ giải đáp cho câu hỏi này?

TS Nguyễn Quang A: Đấy là vấn đề thực sự nan giải. Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam vừa mới khánh thành một đoạn cao tốc Hà Nội Hải Phòng với vốn của dự án BOT nên tổng công ty nhà nước phải đi vay các ngân hàng và người ta dự tính sẽ phải bán quyền thu phí ở đường cao tốc đề lấy tiền đi làm các đoạn đường cao tốc khác.

Cách làm như thế cũng làm được cái gì đó nhưng cuối cùng thì nền kinh tế phải có sự đầu tư nhưng các ngân hàng thương mại lấy đâu ra tiền để cho ông Tổng công ty đường cao tốc vay? Cũng lại là tiền huy động của dân hoặc là tiền vay của nước ngoài. Không tính toán được như thế mà cứ nói là xã hội hóa, thế này thế kia thì rất là khó giải quyết nguồn vốn đó.

Trong cuộc họp với các nhà tài trợ vừa rồi bà Victor Kwakwa hỏi Việt Nam lấy nguồn vốn ở đâu mà phát triển thì ông Thủ tướng trả lời một câu rất là chung chung và tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức nan giải, phải liệu cơn gắp mắm và nếu mà không vay được những khoản vay dài hạn với lãi suất thấp như là ODA, nhưng mà ODA không khéo thì vướng vào cái bẫy của ODA và đó là chuyện lẩn quẩn mà Việt Nam vẫn còn khó trong thời gian tới.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông!

M.L

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-critical-of-vn-public-debt-ml-12082015104609.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.