Hết tiền

Tôi còn nhớ đọc đâu đó, bài phỏng vấn Kim Dung, tác giả của những tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh, rằng ông có một bà vợ người Việt nam, và ông biết đúng một câu tiếng Việt: “Hết tiền rồi”, do bà mẹ vợ ông thường xuyên rên rỉ như vậy.

Câu chuyện của Kim Dung thực chất là một câu chuyện vui, nhưng không ngờ, gần đây, từ hết tiền lại phổ biến trên báo chí. Tỉnh ủy Bạc Liêu hết tiền, tỉnh ủy Cà Mau hết tiền… Đến bây giờ thì 14 bệnh viện ở Daklak hết tiền trả lương cho nhân viên.

Chuyện các tỉnh ủy hết tiền thì tôi không biết tại sao, vì nghe nói Bạc Liêu tổ chức đờn ca tài tử xôm tụ lắm, Cà Mau cũng xây dựng đủ lhứ nữa. Bên cạnh nguồn tiền từ ngân sách, hình như tỉnh nào cũng có những cơ quan kinh tế của Đảng, trực thuộc sự quản lí của tỉnh. Những cán bộ của tỉnh ủy, thường có bổng lộc từ nguồn này nguồn khác, nên nếu không có đồng lương thì ảnh hưởng cũng ít thôi.

Nhưng còn nhân viên y tế ở 14 bệnh viện kia thì sao? Ngoài vài bác sĩ ở tỉnh, hay ở thành phố, có phòng mạch, dù đắt dù ế cũng có đồng ra đồng vào, còn hàng ngàn nhân viên khác, điều dưỡng, hộ lí, những bác sĩ ở những bệnh viện vùng sâu thì sao? Không có lương, họ sẽ sống như thế nào? Ở thành phố, khi bần cùng thì nhân viên y tế còn có thể biến thành đạo tặc, vòi vĩnh, o ép bệnh nhân… để sinh tồn. Còn ở những huyện nghèo ở Daklak thì vòi vĩnh ai, o ép ai? Làm sao để sinh tồn?

Hồi đó, tôi có anh bạn bác sĩ. Gia đình anh ấy mở mấy xưởng may. Chẳng biết thanh toán hợp đồng ra sao mà cứ đến cuối tháng anh ấy lại chạy mượn tiền, mỗi chỗ vài ba trăm triệu, để trả lương cho nhân viên. Giữa tháng trả, cuối tháng lại mượn. Kéo dài khoảng nửa năm thì anh ấy đóng cửa bớt, chỉ để lại 1 xưởng. Khi đó mới thấy anh ấy không phải đi mượn tiền để trả lương cho công nhân.

Nhớ năm đầu làm phòng khám. Đến Tết, hai vợ chồng chỉ còn lại hơn 1 triệu sau khi lo lương thưởng cho nhân viên. Không ai, kể cả những nhân viên gần gũi nhất, ngoài kế toán trưởng, biết là chúng tôi, chủ một cơ sở có nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, lại không có tiền ăn tết.

Câu chuyện hết tiền xảy ra chỉ sau 7, 8 tháng kể từ khi chúng ta tổ chức lễ mừng chiến thắng rầm rộ và cực kì tốn kém. Câu chuyện hết tiền xảy ra khi mà nợ công của chúng ta đã ở mức báo động, và chúng ta phải đi vay để đảo nợ. Không biết rằng Tỉnh ủy của các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, và hàng chục tỉnh khác đang sắp rơi vào cảnh hết tiền (nếu có), mở rộng ra là cả những người điều phối ngân sách quốc gia, có học tập anh bạn tôi, xem xét lại chi tiêu, cắt bớt các công trình chưa cần thiết, như tượng đài, những lễ hội rườm rà, tốn tiền và vô bổ, tập trung lo cho đời sống người dân? Dân không an thì nước sẽ không yên!

Không biết lãnh đạo tỉnh Daklak, lãnh đạo các huyện của Daklak, nơi có những bệnh viện không có tiền để trả lương cho nhân viên y tế, lãnh đạo ngành y tế và ngành tài chính Daklak, có dám đề xuất ngưng nhận lương, để tập trung nguồn tiền cho những nhân viên ở các bệnh viện hay không? Giám đốc, phó Gíam đốc các bệnh viện, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy các bệnh viện… có dám dũng cảm đồng ý chỉ nhận lương sau khi những nhân viên cấp dưới nhận đủ lương rồi hay không?

Để xảy ra việc hết tiền, chắc chắn là Đảng, người ở vị trí lãnh đạo, và Nhà nước, người ở vị trí quản lí, có lỗi với dân, với nước. Các vị lãnh đạo có dám không nhận lương trong mấy tháng, giống như Bác Hồ đã từng nhịn ăn để góp gạo cứu đói không? Các vị có dám cấm, và giám sát thi hành một cách nghiêm túc, tất cả các cuộc liên hoan, hội nghị tổng kết, ăn chơi nhậu nhẹt… của các cơ quan sử dụng ngân sách trong dịp tết sắp tới không? Các vị có dám tuyên bố và thực hiện nghiêm túc việc không nhận quà cáp, bất cứ dưới hình thức nào từ các cơ quan sử dụng ngân sách, từ các địa phương còn có người dân nghèo đói, trong dịp cuối năm và tết sắp tới hay không?

Người dân trông chờ các vị làm một “cử chỉ đẹp”, vừa như một cách tạ lỗi với dân, vừa thể hiện quyết tâm thay đổi, chào đón Đại hội Đảng sắp tới, mà nhiều người đang hi vọng sẽ xoay chuyển vị thế nước nhà. 

V. X. S.

Nguồn: FB Võ Xuân Sơn

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.