Sinh tồn, phát triển hay tiêu vong?

1/ Loạn? Giặc? Nổi dậy? Khởi nghĩa? Cách mạng? Kháng chiến?

Một số người Việt tỉ mẩn tổng kết lịch sử đất nước cho rằng kể từ thời tự chủ (nhà Ngô – thế kỷ thứ 10) cho đến nay, dân Việt dành đến 2/3 thời gian để chống ngoại xâm (chủ yếu là từ phương Bắc) và 100/100 thời gian để “tranh bá đồ vương” với nhiều tên gọi: loạn, giặc, nổi dậy, khởi nghĩa, cách mạng… Do đó Việt Nam sinh tồn đã khó nói gì đến phát triển, tiến bộ.

Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam từ khi Ngô vương Quyền đánh bại quân Nam Hán với Bạch Đằng Giang lừng lẫy (năm 938) – nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ 18) đánh giá: “Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu” – thiết lập nền độc lập, tự chủ cho quốc gia Việt trải qua Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Hồ (Quí Ly), hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, Hồ (Chí Minh) triều đại nào cũng phải chống trả ngoại xâm. Tương ứng với các triều đại của Việt Nam, phương Bắc thì có Nam Hán, Tống, Nguyên Mông, Minh, Mãn Thanh, Mao (Đặng Tập) và cả của phương Tây (Pháp, Mỹ). Hiện nay là cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của Trung Quốc Cộng sản nham hiểm.

(Nếu phải ca tụng, vinh danh một chiến công nào đó thì bất cứ người Việt yêu nước nào cũng nói đến chiến thắng Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền. Quốc gia Việt Nam đã sinh thành từ “chiến thắng vang dội đến nghìn thu” đó.

Tính đếm các lần Việt Nam bị ngoại xâm thì họa Bắc xâm bao trùm lịch sử giữ nước của dân tộc Việt kể cả thời Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến tranh chống Pháp, Nhật, Mỹ rất khốc liệt kéo dài chỉ hơn 100 năm. Cho là Việt Nam có 4000 năm lịch sử thì có thể nói Việt Nam có 4000 năm chống xâm lược phương Bắc.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước có rất nhiều cuộc phản kháng cường quyền của người dân cùng khổ (hầu hết là bần cố nông), tùy cách nhìn được đặt tên là: loạn, giặc, nổi dậy, khởi nghĩa, cách mạng… (chỉ từ Gia Long đến cuối Tự Đức đã có gần 800 cuộc khởi nghĩa, 16 cuộc mỗi năm. Trước đó từ Đinh, Lê, Lý, Trần thì khó đếm cho xuể).

Kiểu “loạn” này từ nhà Ngô cho đến nay không triều đại nào không có, khi nhiều khi ít và mức độ tàn ác, bất nhân thì không khác nhau mấy: Trần Thủ Độ chôn sống hoàng gia nhà Lý; kiêu binh thời Lê Trịnh mặc sức đánh giết dân thường; khi Lê Trịnh sụp đổ dân thường lùng bắt đánh giết kiêu binh; nhà Tây Sơn đào mồ quật mả gia tộc chúa Nguyễn; vua Gia Long dùng đầu lâu Quang Trung làm vật chứa nước tiểu; đấu tố địa chủ giết hàng trăm ngàn người; hàng triệu người vượt biên, chết, mất tích trong các trại cải tạo, trên biển sau 1975; trước đó là Mậu Thân – 1968. Mấy dẫn chứng trên cho thấy tầm văn hóa, tầm vóc nhân cách của người Việt qua các triều đại là giống nhau: tàn bạo với đối phương để sống còn (sinh tồn).

Sau này, có thể do sức ép của phát triển và thế giới văn minh, người Việt mới có thể dần bỏ được thói đấu tranh sinh tồn chuyển sang đấu tranh để phát triển văn minh, có văn hóa. Sau này chứ hiện nay thì vẫn là đấu tranh sinh tồn (cướp bóc, tước đoạt, giết hại lẫn nhau mà ưu thế nghiêng về quyền và tiền).

Thực ra, người Pháp đến Việt Nam đã để lại một di sản ấn tượng: tạo cho dân Việt điều kiện nhìn ra bên ngoài và hình thành trong xã hội Việt Nam một khuynh hướng tư tưởng khác với hoặc cao hơn khuynh hướng đấu tranh sinh tồn: đấu tranh để phát triển. Đó là trong không khí kêu gọi kháng chiến vũ trang chống tay sai, ngoại xâm lại xuất hiện lời kêu gọi hợp tác Pháp Việt để phát triển: Cụ Phan Châu Trinh và Phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục. Lời kêu gọi này bị buộc tội là thỏa hiệp, đầu hàng giặc cướp. Có lẽ là do khuynh hướng giành lại không gian sinh tồn mạnh hơn khuynh hướng đấu tranh để phát triển lại “được” chủ nghĩa bành trướng kích thích.

Đấy cũng là bi kịch của Việt Nam, của phong trào đấu tranh dân chủ, của trí thức dân chủ, kể cả hiện nay.

Hiện nay, Việt Nam phải giành và giữ không gian sinh tồn hay dân chủ hóa để phát triển đất nước, hay phải tiến hành đồng thời: bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc và kiến tạo dân chủ để phát triển bền vững?

Một quan chức Đài Loan gần đây có nhận xét sau nhiều lần tiếp xúc với người Việt và người Hoa lục địa: Người Việt Nam văn minh hơn, có tầm văn hóa cao hơn, ưu việt hơn người Hoa lục địa. Nhận xét này cho rằng nguyên nhân hơn kém đó là do Việt Nam bị (hay được) phương Tây (Pháp, Mỹ) đô hộ hơn trăm năm (Thị trưởng Đài Bắc bị phê vì khen VN – BBC).

Nếu có người Việt nào nhận xét như vị thị trưởng Đài Bắc thì sẽ ra sao với búa rìu dư luận? Tuy thế có nhận xét cho là lãnh thổ Việt Nam mở rộng nhất là dưới thời Pháp thuộc và tuy có chiến tranh thì Việt Nam có những phát triển rực rỡ nhất trên nhiều lãnh vực trong lịch sử dựng nước trong thời gian có sự hiện diện của Pháp – Mỹ.

Có thể rút ra bài học từ lịch sử chống ngoại xâm và nội loạn liên miên trong hơn nghìn năm: Đó là lịch sử đấu tranh để tồn tại (sinh tồn), chưa lúc nào người Việt có cơ hội chủ động đấu tranh để phát triển. Mở rộng lãnh thổ (tiến về phương Nam) cũng để tồn tại không thể nói là để phát triển. Mở rộng lãnh thổ mà nội bộ đánh giết nhau liên miên thì phát triển thế nào được.

Hiện nay tuy có ý kiến nói Việt Nam phát triển rực rỡ nhưng thực chất vẫn là tiếp tục cuộc đấu tranh để tồn tại và xuống cấp thảm hại, không có dấu hiệu của sự phát triển bền vững, văn minh, có văn hóa. Cuộc đấu tranh để phát triển lại bị phe giành và giữ không gian sinh tồn cho riêng mình gán cho cái nhãn phản động, chống phá cách mạng.

Từ cách nói khác của khởi nghĩa nông dân là đấu tranh sinh tồn nghĩa là giành lại không gian sinh tồn đã bị các thế lực ma quỷ tước đoạt thì ta còn hiểu ra bán nước là bán không gian sinh tồn của một dân tộc, cướp nước là cướp không gian sinh tồn của dân tộc khác.

2/ “Không miếng đất cắm dùi” là nguyên nhân sinh ra “khởi nghĩa, cách mạng” và nguy cơ phụ thuộc, mất nước?

Tại sao lại có khởi nghĩa nông dân? Điều kiện nổ ra khởi nghĩa nông dân là quyền lực cai trị ngu hèn, bạc nhược nhưng hung ác, tham lam vô độ, dung túng tay chân, cường hào ác bá chèn ép, ức hiếp, nhũng nhiễu, cướp bóc, giết hại dân nghèo (chủ yếu là nông dân). Tài sản vô giá của nông dân là ruộng đất rơi hết vào tay quan lại, cường hào. Dân nghèo tán gia bại sản, đói rách, tha phương cầu thực, lưu lạc nơi đất khách quê người, bán thân nuôi miệng, con cái nheo nhóc. Mồ mả tổ tiên không người nhang khói lại bị vua quan, côn đồ xúc phạm, huỷ hoại, hài cốt ông cha bày ra mặt đất, phơi sương, phơi nắng, mặc cho quạ mổ diều tha… Trước khi mất một năm (1728), chúa Trịnh Cương than van: “Ruộng đất rơi hết vào nhà hào phú, còn dân nghèo thì không có một miếng đất cắm dùi”. Tuy chúa đã nói lên sự thật nhưng cũng tự thú là bất lực vì ngôi chúa của dòng họ Trịnh không có tập đoàn hào phú hậu thuẫn thì tồn tại thế nào được. Đấy cũng là cách lãnh đạo phủi tay, đổ vấy trách nhiệm đói nghèo, loạn lạc cho cấp dưới. Quyền lực cai trị nào cũng có thói đổ vấy sai trái cho cấp dưới trong khi chính thể chế và tập đoàn chóp bu mới là nguyên nhân chính của tai họa. Cũng đã có lúc quyền lực cai trị thấy ra mối nguy “hào phú” này như dưới triều Trần đã ban bố chính sách hạn nô hạn điền, cấp phát ruộng đất cho nông nô (giải phóng nông nô không còn làm thuê ở mướn – nông dân sở hữu tư nhân về ruộng đất). Tuy vậy cũng cần thấy triều Trần có chính sách hạn nô hạn điền không phải để phát triển mà mục đích của chính sách ấy là hạn chế thế lực của quí tộc hoặc nhằm huy động sức dân để bảo vệ cơ đồ của dòng họ (cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, bần cố nông cũng được cấp ruộng đất trong cải cách đấu tố với chủ đích là huy động dân nghèo cho cuộc kháng chiến). Khi Trần Nhân Tôn dặn dò con cháu không để mất một tấc đất cho ngoại bang thì tấc đất ấy nên được hiểu là tài sản của hoàng tộc Trần. Giữ từng tấc đất là giữ không gian sinh tồn cho dòng họ, hơn là cho quốc gia dân tộc. Từ đó suy ra quyền lực cai trị cắt đất biển đảo cho ngoại bang nhằm tiếp tục cai trị thì không phải là bán nước, bán dân mà là bán tài sản của dòng họ, của tập đoàn cai trị. Đó là quyền của ông chủ lãnh đạo. Chỉ trích hành vi “bán nước” này đích thị là phản động, chống phá.

Điều kiện tất thắng của một cuộc khởi nghĩa nông dân là gì? Trong hơn một nghìn năm độc lập tự chủ, Việt Nam có ba cuộc khởi nghĩa nông dân giành thắng lợi vang dội: Khởi nghĩa Lam Sơn (Lê Lợi), khởi nghĩa Tây Sơn (anh em Nguyễn Huệ), khởi nghĩa 1945 (Hồ Chí Minh). Điểm giống nhau góp phần cho ba cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi là “chống ngoại xâm”. Một cuộc khởi nghĩa nông dân chống cường quyền áp bức có thêm chính nghĩa chống ngoại xâm thì tất yếu sẽ chiến thắng vì khởi nghĩa nông dân đã biến thành khởi nghĩa toàn dân chống cướp nước và bán nước.

Khởi nghĩa tháng 8, 1945 còn có thêm sức mạnh khác mà Lê Lợi, Quang Trung không có: dựa vào thế lực nước ngoài (Trung, Xô).

Đặc thù khác của cuộc chiến tranh vừa qua là ở hai bên chiến tuyến, những người cầm súng phần lớn thuộc thành phần nông dân nghèo. Một bên, tầng lớp lãnh đạo tuy có đặc quyền đặc lợi nhưng vẫn còn nghèo, xã hội chưa có đại gia. Một bên thì lãnh đạo, chỉ huy cấp cao là nhà giàu, xã hội có nhiều đại gia. Đó là thế tất bại của một bên: hy sinh bản thân, giết đội quân nhà nghèo như mình để bảo vệ gia tài kếch sù cho các đại gia ư?

Có lẽ một đội võ trang nhà giàu (bản thân người cầm súng là nhà giàu), trang bị hiện đại, cho phép bắn vào người gây rối, chống người thi hành công vụ sẽ không có tâm trạng băn khoăn, ngần ngại. Đội vũ trang này chiến đấu cho chính của cải của mình (không gian sinh tồn) nên sẽ rất hăng hái bắn giết nhân dân.

Trước nguy cơ xảy ra khởi nghĩa nông dân và nguy cơ mất trắng, quyền lực cai trị làm gì? Trấn áp, hãm hại bất đồng, cầu viện ngoại bang, dẫn đến lệ thuộc, mất nước kiểu Lê Chiêu Thống?

Cũng cần tìm hiểu tại sao thường có nhiều trí thức tham gia trong các cuộc khởi ghĩa nông dân. Là cuộc khởi nghĩa có yếu tố chống ngoại xâm thì lại càng nhiều trí thức tham gia. Nhưng cũng không khó hiểu, nếu là trí thức chân chính thì không quay lưng với bất công áp bức, nước mất nhà tan. Đó là động cơ của những Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Cao Bá Quát, các trí thức, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… trong các cuộc khởi nghĩa nông dân và trong hai cuộc chiến tranh vừa qua.

3/ Hiện trạng

Thực trạng nổi bật:

-Đại bộ phận dân Việt bị đe dọa thu hẹp, đánh mất không gian sinh tồn do cấu kết của “hào phú” hiện đại tức là liên minh quyền – tiền.

-Lãnh thổ quốc gia bị teo tóp dần do ngoại bang xâm chiếm bằng nhiều cách, dùng vũ lực, dùng kinh tế, văn hóa, tôn giáo, di dân cắm chốt, cài cắm tay trong…

-Đang có hoài nghi một bộ phận người Việt có chức quyền rước voi giày mả tổ, làm chỗ dựa để giữ vững không gian sinh tồn cho dòng họ, phe nhóm do cuộc kháng chiến vừa qua mang lại.

-Cả khi có ai đó bắt tay với phương Tây để chặn bàn tay giặc cướp phương Bắc thì cũng có hoài nghi: chủ trương, hành động đó vẫn là mượn tay người ngoài bảo vệ không gian sinh tồn của tầng lớp trên, không phải vì độc lập, dân chủ, phát triển, thịnh vượng của đất nước. Mà có phát triển thịnh vượng thì miếng to hơn, thơm hơn, nhiều hơn vẫn không thuộc về người dân.

Có người vận dụng học thuyết không gian sinh tồn (có từ trước Thế chiến 2, là cơ sở lý luận cho Đức Quốc Xã dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ) để giải thích động cơ của các cuộc khởi nghĩa nông dân (cách mạng Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba…).

Hiểu thế nào về không gian sinh tồn của cá nhân, gia đình, quốc gia? Đó có thể là mảnh đất để dựng một mái nhà, túp lều, sở hữu tiền bạc, của cải phòng khi trái nắng trở trời, được học hành, chữa bệnh, không bị côn đồ bức hại, người dân được bảo vệ, cuộc sống vật chất, tinh thần không bị đầu độc vì lợi nhuận  không có cấu kết quyền – tiền đẩy dân đến bước đường cùng phải liều chết, là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống xâm lược (vùng đất, vùng trời, vùng biển – không gian sinh tồn của dân tộc…), v.v.

Một số người rất dị ứng với nhà nước tư sản kiểu Mỹ. Một số lại tán thành nói: loại nhà nước này không những tôn trọng và bảo vệ không gian sinh tồn của người dân, lại nhận biết những hạn chế của bộ máy công quyền không thể luôn có mặt khi người dân gặp bất trắc nên cho phép người dân sở hữu vũ khí để người dân tự bảo vệ không gian sinh tồn của mình. Tại Mỹ cũng đang tranh cãi chính sách cho người dân được sở hữu vũ khí để tự bảo vệ mình.

Là cuộc khởi nghĩa nông dân, nên chiến thắng nào cũng là sự tước đoạt của cải từ tay tầng lớp cai trị cũ sang tay tầng lớp cai trị mới. Nhân dân, nhất là dân nghèo (giai cấp vô sản) vẫn trắng tay từ chính trị, kinh tế, văn hoá… Có cuộc khởi nghĩa nông dân nào (Nga, Trung Quốc, Việt Nam…) khi thành công lại giao lãnh thổ (cụ thể là ruộng đất), của cải, tài sản cho người dân làm chủ? Đất đai là của vua, không phải của dân!

Khởi nghĩa nông dân giành được thắng lợi vẻ vang mà không gian sinh tồn của người dân bị thu hẹp là vì sao? Trong khi tầng lớp cai trị sau thắng lợi chiếm được không gian sinh tồn rộng hơn, đầy đủ hơn là tại sao? Có phải vì chính quyền (bộ máy cai trị, quân đội, công an, nhà tù… không nằm trong tay nhân dân (do không có bầu cử tự do, đa đảng chẳng hạn)?

Nhà nước hình thành từ cuộc khởi nghĩa nông dân dù có khoác chiếc áo màu gì thì vẫn là nhà nước nông dân truyền thống. Nhà nước nông dân truyền thống coi việc chiếm đoạt đất đai, làm chủ lãnh thổ là mục đích. Nó không có mục đích xây dựng một nhà nước pháp quyền, nhà nước dân chủ. Mục đích của nhà nước ấy không phải là kiến tạo không gian sinh tồn cho mọi người và làm cho không gian ấy ngày trở nên phong phú, đa dạng, văn minh. Mục đích của loại nhà nước ấy là tước đoạt lại không gian sinh tồn mà ông cha đã bị tước mất rồi truyền lại cho con cháu (phụ thừa tử kế – cha truyền con nối), phe nhóm. Do đó đã xuất hiện nhận định: cuộc khởi nghĩa nộng dân nào (hay cách mạng) cũng là sự lừa đảo hoặc bị phản bội ngay sau khi “chính quyền đã về tay nhân dân”. Là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hoá nhưng nhà nước nông dân lại thực hiện chính sách dân tộc như là một quốc gia độc chủng có chung một ông tổ, gây ra sự kỳ thị, hoài nghi ngấm ngầm, mãnh liệt có nguy cơ xảy ra xung đột sắc tộc. Rồi vì những nguy cơ ngày càng lớn thì quyền lực cai trị ngày càng quân phiệt, công an trị bằng súng đạn, nhà tù, côn đồ…

Từ cách nói “kiên định và sáng tạo chủ nghĩa” có thể hiểu: “chủ nghĩa xã hội” là tên gọi khác của khởi nghĩa nông dân khi chưa tước đoạt được của cải từ tay tầng lớp thống trị. Khi đã tước đoạt được thì “chủ nghĩa xã hội” là tên gọi khác của truyền thống cha truyền con nối của tầng lớp thống trị sau khi khởi nghĩa nông dân thành công.

Các nhà nước hình thành từ thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa nông dân như Nga, Trung Quốc, Cuba… thì sao? Nhà nước Nga của ông Putin, nhà nước cộng hoà nhân dân của Tập Cận Bình hay nhà nước Cuba của anh em ông Fidel Castro cũng có khối thuốc súng chờ nổ trong lòng chế độ.

Khởi nghĩa nông dân là nguy cơ hay đã thành hiện thực ở Việt Nam và cả ở nước đàn anh Trung Quốc? Các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Việt Nam có thêm tính chính nghĩa, tăng thêm sức mạnh chính trị do “các điểm cho thuê đất” mọc lên khắp nơi (nhất là khi ý thức hệ, mô hình nhà nước, mô hình tổ chức bộ máy quản lý xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động kinh tế, chế độ sở hữu, hình thái chiếm hữu của cải xã hội… đã bị nước ngoài lũng đoạn thì đấu tranh dân sinh nhất định sẽ biến thành kháng chiến chống xâm lược và tay sai bán nước).

Một số nhận định cho rằng Việt Nam đang bị đô hộ bởi thứ chủ nghĩa thực dân cũ (di dân, khai thác tài nguyên, lấn chiếm kiểu xôi đỗ không gian sinh tồn của dân tộc Việt) lẫn thực dân mới (bộ máy cai trị là người bản địa phục tùng lợi ích của chính quốc). Phải đánh giá ra sao về nhận định này?

Có cách nào để ngăn ngừa xảy ra khởi nghĩa nông dân? Nhìn vào lịch sử xa và gần của nhiều quốc gia có kiểu nhà nước nông dân thì biện pháp hàng đầu là trấn áp tổng lực (Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam… đang làm như vậy).

Tại sao quyền lực cai trị buộc cho Xã hội dân sự, đấu tranh dân chủ là phản động, chống phá cách mạng? Thực chất của ổn định chính trị là ổn định gì? Ổn định chính trị là giữ nguyên trạng chiếm hữu không gian sinh tồn của các thứ quyền lực cai trị? Làm mất ổn định chính trị là thù địch vì có mục đích tước đoạt lại không gian sinh tồn trong tay tầng lớp trên?

Khi các tầng lớp xã hội ngóc đầu lên, đứng lên không chịu làm tôi mọi cho “hào phú” và ngoại bang nữa thì đó có phải là khởi nghĩa nông dân?

4/ Công bằng xã hội và gì nữa?

Theo thiển ý, nếu không nhìn xa trông rộng, không thực lòng, cứ tham lam vô độ thì bất cứ thứ quyền lực cai trị dù tàn bạo đến đâu cũng sẽ phải đối mặt với “thù địch” ngày càng tăng và bạo loạn, khởi nghĩa, cách mạng ngày càng nhiều ở tầm quốc gia, không lẻ tẻ, cục bộ, ô hợp (đám cháy nhỏ) như đang thấy, vì mâu thuẫn đối kháng giữa nhà nước và nhân dân có sẵn trong chế độ chính trị, trong hệ thống cai trị ngày càng phát triển gay gắt, lại do có thêm yếu tố “bán nước buôn dân”. Mâu thuẫn đối kháng mất còn chủ yếu là giữa quyền lực cai trị và nhân dân (chính là thể chế) không phải do âm mưu chống phá, thù địch, phản động nào từ bên trong hay bên ngoài.

Và nếu coi hoà hợp hoà giải là giải pháp chủ yếu, cấp bách thì phải coi hoà hợp hoà giải giữa quyền lực cai trị và người dân mất quyền làm chủ là ưu tiên số một, hàng đầu: thủ tiêu mâu thuẫn đối kháng, xoá bỏ các yếu tố “bạo loạn” nằm vùng trong hệ thống chính trị, xã hội của kiểu nhà nước nông dân truyền thống.

Có thể do không đủ năng lực, trí tuệ, thiếu dũng khí, tầm nhìn ngắn, tham mà hèn, lại phục tùng lợi ích của ngoại bang, quyền lực cai trị đã bỏ qua nhiều cơ hội rất tốt để hoà hợp hoà giải: vẫn kiên định chủ nghĩa, vẫn toàn diện tuyệt đối, vẫn quốc doanh chủ đạo, vẫn sở hữu toàn dân… Tức là quyền lực cai trị vẫn kiên định tước đoạt mọi quyền và lợi ích cơ bản (không gian sinh tồn) của người dân, vẫn ngấm ngầm cấu kết với người ngoài làm chỗ dựacho vị thế cai trị độc tôn.

Nếu còn ý chí chính trị vì một Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn, tự chủ, phú cường, văn minh, dân chủ thì nên thủ tiêu mâu thuẫn đối kháng, mất còn giữa nhà nước và nhân dân, thoát ly sự khống chế của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Đó là bốn không trong đối nội:

  • Không kiên định chủ nghĩa
  • Không toàn diện tuyệt đối
  • Không quốc doanh chủ đạo
  • Không sở hữu toàn dân

Thực hiện “bốn không” thì người Việt Nam sẽ phá vỡ truyền thống tranh đoạt không gian sinh tồn của nhau để đất nước phát triển ổn định, văn minh, hiện đại, có văn hóa (liên kết với phần nhân loại văn minh, tiến bộ). “bốn không” còn là phép thử “ai vì lợi ích của ai” trong bộ máy cai trị kể cả đối nội, đối ngoại.

Trung Quốc muốn ổn định và phát triển bền vững, được thế giới tôn trọng thì cũng phải thực hiện “bốn không” như Việt Nam.

Nhưng mối họa Việt Nam bạo loạn, khởi nghĩa, nô dịch, tiêu vong vẫn là nỗi canh cánh trong lòng người viết, mặc cho ai đó chụp cho cái mũ phản động, chống phá cách mạng. 

T. M. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.