Khi lực lượng bảo vệ không có phương án nào chống lại những kẻ cướp hung hãn ngoài “tuyên truyền”, “vận động” hay “giao thiệp” thì đừng nói chi là cây hoa anh đào mà rừng vàng biển bạc rồi cũng đến bị hủy hoại cả thôi.
Được tin Lễ hội hoa anh đào (Hà Nội) năm 2010 sẽ đổi tên thành Lễ hội tháng Năm (Satsuki) và sẽ không có hoa thật nữa mà chỉ trưng bày hoa giả, lòng ta bỗng thấy man mác buồn… Buồn, nhưng lại ý thức rất rõ rằng chuyện xảy ra là đương nhiên, không thể tránh được. Trong một chừng mực nào đó, như thế có khi lại hay.
Còn nhớ trong những lần tổ chức trước, nước bạn Nhật Bản đã mang sang ta những cây hoa anh đào (Sakura) thật đẹp như một món quà văn hóa dành tặng Việt Nam (tất nhiên ai cũng biết phía sau đó là quảng bá văn hóa Nhật Bản). Những cánh hoa tội nghiệp, yếu đuối, mỏng manh, không có khả năng tự vệ đã tan nát dưới bàn tay cướp phá của người dân kinh đô ngàn năm văn hiến đến mức ở lần tổ chức sau người ta phải trưng bày hoa thật kèm hoa giả và… dựng hàng rào bảo vệ. 500 công an được huy động và… những cánh hoa lại tiếp tục tả tơi. Thế mới biết sức mạnh của kẻ cướp lớn lao dường nào.
Giờ thì chắc không cần phải dựng hàng rào và cũng chẳng cần phải phiền đến công an bởi hoa giả thì cướp làm chi. Chẳng lẽ lại mang về nhà làm rác? Quả báo nhãn tiền. Không bảo vệ được hoa thì thôi coi hoa giả đi nhé! Khi nào văn hóa của quý vị cao hơn một chút thì chúng tôi sẽ lại mang hoa thật sang cho mà ngắm.
Nghĩ, một cành hoa anh đào vốn chẳng có nhiều giá trị kinh tế, cùng lắm chưng trong nhà được vài ngày, mà người ta còn có thể cướp phá thì những cái có nhiều giá trị kinh tế hơn người ta sẽ sẵn sàng cướp phá đến mức nào?
Biển Đông Việt Nam, nơi được đánh giá là có nhiều tài nguyên dầu mỏ, khí đốt chắc chắn quý hơn (trị giá cao hơn) chỉ vài cây anh đào. Quặng bauxite khu vực Tây Nguyên Nam phần hẳn cũng có nhiều người khao khát hơn. Và rừng đầu nguồn đương nhiên là tài sản quý mà hễ ai nắm giữ được thì oai lực sẽ càng tăng. Lạ lùng thay (mà cũng chẳng hề lạ gì cả), chẳng ai có phương án bảo vệ chúng, thậm chí người ta còn dễ dàng gật đầu giao chúng cho người khác.
Chỉ hai cây anh đào còn không bảo vệ nổi thì nói chi đến đảo, đến rừng.
Ngày qua ngày, ngư dân ta vẫn bị cướp bóc, bắt giữ, đánh đập, bỏ đói, đòi tiền chuộc bởi lực lượng cướp biển. Và trong khi quân đội một nước ta vẫn thường xem là nhỏ như Malaysia vẫn hiên ngang điều tàu chiến ra đuổi cổ hải tặc thì ta lại tiếp tục “đề nghị”, “yêu cầu” và… “giao thiệp”. Cướp biển nào sẵn sàng thả người, trả tài sản chỉ vì ta yêu cầu, đề nghị? Có chăng là băng cướp biển… Caribê của thuyền trưởng Jack Sparrow.
Khi những ngư dân không còn bám biển vì quá nhiều tổn thất họ phải chịu đựng. Khi biển quê hương giờ chỉ toàn bóng người lạ người quen thì chứng cứ chủ quyền sẽ ngày càng yếu ớt. Và phải chăng đó chính là lúc chúng ta mất về tay hải tặc cái thuộc về mình? Nếu điều đó xảy ra há chẳng phải là quả báo sao?
Nguồn: blog Mắt Việt