Nga ngày càng lo ngại các loại vũ khí “made in China”

Giới chuyên gia chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi năm 2009 Trung Quốc kiêu ngạo tuyên bố với thế giới rằng nước này đã đóng được hàng không mẫu hạm…

Chiến đấu cơ J-10 của Không quân Trung Quốc.

Chiến đấu cơ J-10 của Không quân Trung Quốc.

Thời báo Đông phương ngày 7/5 dẫn nguồn tin giới truyền thông Nga cho hay, năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga đạt 8,5 tỉ USD nhưng thời gian gần đây con số này giảm xuống một cách thảm hại vì Moscow đã gặp phải đối thủ cạnh tranh mới trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Đối thủ của Nga không phải tốn công, tốn của nghiên cứu, mua bản quyền mà chỉ đơn giản áp dụng công nghệ mô phỏng vũ khí hiện đại nhất của Nga để cho ra đời phiên bản mới “made in China” như rất nhiều mặt hàng khác mà người Trung Quốc dập khuôn hàng loạt.

Kremlin cho rằng, hoạt động hợp tác quân sự Nga – Trung thời gian gần đây chỉ có lợi cho một phía, Bắc Kinh đã bắt đầu chào hàng các sản phẩm “nhái” vũ khí Moscow đối với các bạn hàng truyền thống của Nga mà họ luôn rêu rao đó là thành quả nghiên cứu, chế tạo của người Trung Quốc.

Sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế và công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh đang phát triển mạnh là điều không thể phủ nhận, nhưng trên thực tế đến thời điểm hiện tại, trình độ kỹ thuật – công nghệ quân sự của Trung Quốc còn lạc hậu không thể tự nghiên cứu, chế tạo thành công các loại vũ khí tối tân thế hệ mới.

Chẳng riêng gì vũ khí, có rất nhiều sản phẩm hôm trước người ta vừa tung ra hôm sau đã có phiên bản mới “made in China”, chính vì vậy Bắc Kinh luôn vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về vấn nạn đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Cuộc duyệt binh quy mô lớn 60 năm quốc khánh Trung Quốc hồi cuối năm ngoái Bắc Kinh trưng ra 60 loại vũ khí mới thì có quá nửa bị dư luận cho rằng là phiên bản sao chép của Nga, châu Âu, Mỹ và Israel.

Chiến đấu cơ J-11 được trang bị cho không quân Trung Quốc được chế tạo trên nguyên mẫu Su-27SK của Nga.

Chiến đấu cơ J-11 được trang bị cho không quân Trung Quốc được chế tạo trên nguyên mẫu Su-27SK của Nga.

Năm 2003 Bắc Kinh ký kết hợp đồng mua 200 chiếc chiến đấu cơ Su-27SK của Moscow, nhưng cuối cùng chỉ nhập một nửa số này sau khi đã có trong tay công nghệ của người Nga. Giải thích lý do với nhà cung cấp, Trung Quốc cho rằng tính năng của Su-27SK không được “lý tưởng” cho lắm, họ chuyển hướng tập trung phát triển chiến đấu cơ J-11B do người Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo.

Công ty Sukhoi đã cáo buộc chiến đấu cơ J-11B của Trung Quốc trên thực tế là phiên bản đánh cắp công nghệ Su-27 và Su-30 của Nga. Bắc Kinh bác bỏ lập luận này, đồng thời giải thích J-11B của họ có 70% linh kiện do Trung Quốc chế tạo. Hệ thống ra-đa Trân Châu được lắp đặt cho J-11B rất giống với ra-đa Bọ cánh cứng trong chiếc MiG – 35 của Nga. Cục hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga cho hay, hiện tại Bắc Kinh không muốn nhập sản phẩm vũ khí của Moscow, thay vào đó họ chỉ muốn sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến nhất của người Nga.

Nga sắp bán cho Trung Quốc 100 động cơ chiến đấu cơ thế hệ mới, Moscow mong muốn thông qua hoạt động này có thể kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh bởi không có động cơ của họ thì việc xuất khẩu hàng loạt chiến đấu cơ của người Trung Quốc lúc này là điều không tưởng. “Người Trung Quốc có thể sử dụng chiêu bài mua động cơ của Nga rồi bán lại cho nước thứ 3 nhằm “phá” thị trường của Nga.

Chúng tôi biết điều này, đương nhiên chúng tôi có thể buộc Bắc Kinh phải phụ thuộc vào Moscow thông qua hoạt động cung ứng động cơ máy bay chiến đấu. Chúng tôi hoàn toàn có thể làm cho tất cả chiến đấu cơ của không quân Bắc Kinh phải “đắp chiếu”. Tuy nhiên, từ chối hợp đồng (cung cấp động cơ máy bay chiến đấu) sẽ khiến chúng tôi phải chịu tổn thất rất lớn.” – Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược và kỹ thuật liên bang Nga cho biết.

Bích kích pháo tự hành PLZ05 do Trung Quốc chế tạo.

Bích kích pháo tự hành PLZ05 do Trung Quốc chế tạo.

Trên thực tế Moscow đã giúp Bắc Kinh chế tạo chiến đấu cơ, trong đó J-10 và FC-1 của Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh của MiG-29 lại do chính công ty của Nga giúp đỡ chế tạo. Khi mọi việc đã xong xuôi, Bắc Kinh dự tính sẽ bán những chiến đấu cơ này cho Azerbaijan, Zimbabwe, đồng thời thuê nhà máy của Pakistan để sản xuất hàng loạt.

Rất nhiều khách hàng truyền thống của Nga giờ tỏ ra khá quan tâm tới sản phẩm mới “made in China” này như Bangladesh, Mianma, Lebanon, Iran, Malaysia, Morocco, Nigeria, SriLanka và Algeria. Trung Quốc đang có tham vọng sẽ sản xuất ít nhất khoảng 2000 chiếc chiến đấu cơ dòng J-10, J-10B, J-11.

Nhiều nhà phân tích dự báo, Bắc Kinh không những đang “chèn” Moscow ngay trên chính thị trường truyền thống của Nga mà rất có thể trong tương lai không xa sẽ đánh bật đối thủ này với ưu thế của người đến sau – hàng đẹp giá rẻ. Tư lệnh Không quân Malaysia vừa rồi tuyên bố Kualalumpur sẽ nhập khẩu linh phụ kiện của Trung Quốc để thay thế, trang bị cho dòng chiến đấu cơ nước này nhập từ Nga là dấu hiệu đáng chú ý.

Cũng giống như Nga, Ukraine có “đóng góp” không nhỏ đối với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc bằng việc ký hợp đồng bán cho nước này chiếc hàng không mẫu hạm Varyag vẫn còn đang trong giai đoạn chế tạo với giá 20 triệu USD với tất cả các công nghệ kỹ thuật đi kèm cộng thêm một chiếc Su-33 trang bị cho tàu sân bay. Giới chuyên gia chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi hồi năm 2009 Trung Quốc kiêu ngạo tuyên bố với thế giới rằng mình nước này đã đóng được hàng không mẫu hạm.

Và nguyên mẫu bích kích pháo 2S19 Msta-S của Nga.

Và nguyên mẫu bích kích pháo 2S19 Msta-S của Nga.

Chỉ trong 2 năm trở lại đây quy mô giao lưu hợp tác Nga – Trung trên lĩnh vực kỹ thuật công nghệ quốc phòng đã giảm 62% và hầu như không ký kết thêm bất cứ hợp đồng mới nào. Người ta sẽ nhanh chóng quên việc Bắc Kinh một thời là đối tác chiến lược quan trọng của Moscow trong lĩnh vực công nghệ quân sự trong khi Trung Nam Hải đang âm thầm tính toán, trong tương lai sẽ có khoảng trên 800 chiến đấu cơ “made in China” được tung ra thị trường quốc tế.

Nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục giữ tốc độ phát triển công nghiệp quốc phòng như hiện nay thôi chứ chưa tính đến việc tăng cường hay đẩy mạnh thì trong tương lai không xa nữa sẽ uy hiếp trực tiếp tới ngành xuất khẩu vũ khí của người khổng lồ Moscow, đặc biệt là chiến đấu cơ và các thiết bị phòng không. Tất nhiên Kremlin hiểu điều này, họ không ngồi yên mà đang tìm mọi cách để thay đổi cục diện.

Hiện tượng kỹ thuật, công nghệ quân sự của Nga bị sao chép đã xuất hiện từ thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Khẩu súng tiểu liên AK 47 huyền thoại của nhà chế tạo vũ khí nổi tiếng Mikhail Timofeevich Kalshnikov đã bị người Romania, người Ba Lan cải biên bằng cách lắp thêm một hai chi tiết nhỏ và rêu rao rằng đây là sản phẩm do họ nghiên cứu chế tạo, hơn nữa người ta còn sản xuất hàng loạt và xuất khẩu nó.

Trên thế giới, tình trạng đánh cắp bí mật công nghệ quân sự diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là vũ khí của các tập đoàn nổi tiếng như Winchester, Browning, Gewehr, Ruger, Stoner cũng bị “nhái”, vũ khí Liên Xô trước đây và Nga sau này cũng không ngoại lệ với những sản phẩm điển hình như súng máy Makxim, súng tiểu liên PPS-43 và thậm chí là AK-47 danh tiếng. Những vũ khí này ban đầu được lắp thêm một số chi tiết mà cho đến nay người ta vẫn chưa rõ nguồn cung, nhiều chuyên gia cho rằng nó được lấy từ súng bộ binh STG-43/44 của Đức.

Giám đốc trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Liên bang Nga đánh giá: “Tôi cho rằng căn bản không có biện pháp nào hữu hiệu để bảo vệ thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự. Chúng ta nên nhìn về phía trước, chế tạo vũ khí mới để bọn ăn cắp bản quyền công nghệ phải tụt lại phía sau, đương nhiên lúc đó chúng sẽ đánh mất thị trường tiêu thụ. Công nghệ, kỹ thuật quân sự hiện đại là bí mật, không thể xin chuyển giao từ nước khác được. Trên thực tế các bên (các nhà sản xuất vũ khí, các nước) đang nhòm ngó lẫn nhau”.

Giới chuyên gia Nga cho rằng tất cả các nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới đều đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nạn đánh cắp bản quyền kỹ thuật công nghệ quân sự và họ cũng nỗ lực tìm mọi cách để chống đánh cắp. Hình thức “nhái” vũ khí phổ biến nhất hiện nay là một số nước đang phát triển mua vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự của các nước xuất khẩu vũ khí lớn với số lượng không lớn nhưng cam kết sẽ mua chiến đấu cơ hoặc tàu chiến trong tương lai của nước xuất khẩu đó.

Khi có các phiên bản vũ khí hiện đại trong tay, các nước này thường chỉ mất khoảng 2 năm để hoàn thiện quy trình công nghệ hàng nhái và bước vào sản xuất hàng loạt. Lúc này những nhà sản xuất vũ khí chính hãng đến các triển lãm quân sự mới giật mình phát hiện, sản phẩm của mình bị kẻ khác “xào xáo”, đổi tên và biến thành của họ. Từ một nước nhập khẩu vũ khí, sau 2 năm đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí và có giá cả khá cạnh tranh, chất lượng so với hàng chính hãng không khác nhau là mấy.

Đấu tranh chống nạn “hàng giả, hàng nhái” trong lĩnh vực quân sự vô cùng gian nan, rất nhiều nước đặt hàng ăn cắp bản quyền bởi họ có thể tiết kiệm từ 7 – 10 triệu USD. Ngành công nghiệp vũ khí châu Âu thì đối phó với vấn nạn này bằng cách kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động xuất khẩu các loại vũ khí tối tân, ngụy trang chiến đấu cơ thành máy bay dân dụng để giao hàng là một ví dụ.

Công nghệ kỹ thuật quân sự Nga đã trở thành mỏ vàng thực sự cho nhiều nước lợi dụng chứ không riêng Trung Quốc. Belarus xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S – 125, hệ thống chỉ huy tự động cơ động chiến trường thế hệ mới đều là bản sao của Nga; Bulgaria “nhái lại” hệ thống tên lửa chống tăng của Nga rồi bán cho Georgia.

Ngay cả Bắc Triều Tiên vốn dĩ tỏ ra khá dè dặt và kín kẽ trong chuyện này cũng là tay cừ khôi chuyên cung cấp vũ khí “nhái” của Nga. Trong hai năm 2007, 2008 Bình Nhưỡng đã xuất khẩu tên lửa Taepodong sang Iran, đó là phiên bản của tên lửa Scud do Liên Xô chế tạo nhưng được Bình Nhưỡng nhân bản với công nghệ ngụy trang khá hiện đại.

BN (Theo Thời báo Đông Phương)

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1983/201005/Nga-ngay-cang-lo-ngai-cac-loai-vu-khi-made-in-China-1753149/

This entry was posted in Nga, Trung Quốc, Vũ Khí. Bookmark the permalink.