“Tái cơ cấu  ngân hàng”: Bom nổ chậm đã được kích hoạt

(VNTB) – Việc “Tái cơ cấu  ngân hàng” thực tế không khác gì gửi những quả bom nổ chậm đã được kích hoạt, vào những  ngân hàng lớn là tiềm lực cuối cùng của nền kinh tế đất nước.

Thủ thuật trấn an dư luận

Theo  số liệu đáng tin cậy từ các chuyên gia tài chính về hoạt động mua bán nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tính đến tháng 8-2014, VAMC đã mua 60.000 tỉ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150.000 tỉ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC mới chỉ xử lý được 1.200 tỉ đồng, tương đương 2% tổng số nợ xấu đã mua.

Đất nước Việt Nam ‘thống nhất Nam Bắc’ 40 năm nhưng người dân VN vẫn không thoát được nghèo khổ, hàng ngày vẫn đối diện với nhiều bất công, uất nghẹn trong cuộc sống; chế độ hiện chỉ có các nhóm  lợi ích, phe cánh là trở nên giàu có bất thường.

Đứng trước sự sụp đổ của các  ngân hàng, Nhà nước tạm yên lòng người dân với mỹ từ “Tái cơ cấu  ngân hàng”, bằng việc chỉ định gần như ép buộc một vài  ngân hàng thương mại lớn, mua lại các  ngân hàng đang đứng trên bờ vực hoặc đã lao xuống vực phá sản, với giá 0 đồng, nhưng âm vài chục ngàn tỉ đồng để giữ “ổn định” lòng dân và nền kinh tế. Việc mua  ngân hàng giá 0 đồng nhưng thực chất  ngân hàng đó đã âm hàng nghìn, thậm chí vài nghìn tỷ cần được làm rõ thêm, hiệu quả của VAMC như thế nào cũng cần được bổ sung.

Dù không có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về  ngân hàng, người dân bình thường cũng có thể hiểu, “Tái cơ cấu  ngân hàng” chỉ là thủ thuật làm an lòng dư luận, trốn tránh việc xem xét trách nhiệm của những quan chức quản lý tài chính đã làm thất thoát tiền thuế của dân, làm mất hết vốn Nhà nước và các cổ đông. Mong muốn tái cơ cấu theo kiểu này, để tìm cách hồi phục những thương hiệu  ngân hàng vang bóng một thời, làm mới và tung trở lại thị trường, vô hình trung chỉ là ảo tưởng của những quan chức quản lý tài chính kém cỏi và chiêu bài mị dân của Nhà nước.

Những con số nợ xấu, được kéo giảm sau Tái cơ cấu  ngân hàng, chỉ là cách phù phép biến hóa, che đậy trên sổ sách báo cáo của người và cơ quan có trách nhiệm theo sự chỉ đạo của cấp trên, ví như những đống “rác thối” không có đất để chôn được, phải chuyển từ nhà kho này sang nhà kho khác. Việc “Tái cơ cấu  ngân hàng” thực tế không khác gì gửi những quả bom nổ chậm đã được kích hoạt, vào những  ngân hàng lớn là tiềm lực cuối cùng của nền kinh tế đất nước. Đến thời điểm khi tài nguyên và mọi nguồn lực trong nước hoàn toàn cạn kiệt, không còn khả năng vay trả, hết phương cứu chữa thì những quả bom nổ chậm ấy sẽ nổ tung.

“Rác thối”

Một dàn các tập đoàn, tổng công ty 90 – 91, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, đã làm nên những Vinashin, Vinaline, cùng nhiều tên tuổi bất hủ khác. Giờ lại có thêm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – Một siêu tập đoàn, tổng công ty được thành lập năm 2005. Na ná giống cái kho “rác thối” của  ngân hàng Nhà nước ?

Với hy vọng những người đứng đầu SCIC, sẽ tài năng hơn ban lãnh đạo các tổng công ty 90 – 91, chỉ nhận mua lại các khoản nợ xấu để kinh doanh.

Liệu có là quá ảo tưởng, hay cũng chỉ là một thủ thuật di chuyển “rác thối” từ nhà kho này sang nhà kho khác, vì không chôn được?

Hãy nghe và làm theo lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa nêu một ngày sau hội nghị TƯ 12 trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ vừa qua: “Nhưng đổi mới không nên chệch hướng, phải đúng quỹ đạo. Không thể nói đổi mới không có tính toán. Đây là việc liên quan cả hệ thống chính trị. Người dân chúng ta dẫu có biết rõ, quỹ đạo ấy sẽ đưa dân tộc ta đến đâu nhưng vì đó là “hướng”, là “quỹ đạo” mà Đảng CSVN đã lựa chọn và quyết giữ, bằng mọi giá, cho cả dân tộc này nên phải chấp nhận.

“Tái cơ cấu  ngân hàng” đã trở thành một quả bom nổ chậm khổng lồ đối với nền kinh tế Việt Nam, mà không ai có thể biết rõ mãnh lực cũng như mối nguy hiểm thực sự của nó sẽ gây nỗi kinh hãi như thế nào cho người dân và sự tồn tại của đất nước Việt Nam.

Tất cả hậu quả kinh tế do những quan chức tham nhũng, khả năng quản lý yếu kém gây ra không ai chịu trách nhiệm mà lại đổ trên vai những người dân đất Việt khốn khổ.

40 năm sau ngày ‘đất nước thống nhất’, người dân đã khổ lại càng khổ hơn!!!

Đ.Đ.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-tai-co-cau-ngan-hang-bom-no-cham.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.