Bà Phạm Chi Lan: “Ngân sách đã khó khăn đến mức tận diệt DN”

Theo chuyên gia kinh tế  Phạm Chi Lan, ngân sách hiện nay đã không còn tiền để đầu tư và đây là điều nguy hiểm. Ngân sách khó khăn đến mức “tận diệt” doanh nghiệp chứ không phải là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp không còn sức để làm ăn.

 Ngân sách hết tiền đầu tư

Ngày 23.10, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2015.

Theo đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã chỉ ra những vấn đề bất cập về kỷ luật ngân sách Nhà nước (NSNN).

Cụ thể, báo cáo cho  biết, Nhà nước chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi NSNN và đầu tư, chưa có kế hoạch trả nợ cụ thể, chưa quan tâm đến việc giảm “chèn lấn” đối với khu vực tư nhân. Trong khi đó lại loay hoay trước áp lực tài khóa, áp lực nợ công gần chạm trần.

Theo ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), chúng ta nói nhiều đến vấn đề giảm chi nhưng rất nhiều dự án đầu tư công trong thời gian qua có hiệu quả kinh tế rất thấp. Thay vì đầu tư vào những dự án đạt hiệu quả kinh tế thì lại đầu tư vào cái không hiệu quả.

Ông Dương cho hay, về nợ công, cuối năm 2012, Việt Nam đã nâng trần lãi suất lên 5,3% nhưng khi quyết toán xong thì con số lên cao hơn nhiều.

“Như vậy, con số của năm nay liệu có đúng như báo cao hay lại tiếp tục tăng cao?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Còn theo chuyên gia kinh tế  Phạm Chi Lan, ngân sách không còn tiền để đầu tư, đây là điều nguy hiểm. Ngân sách khó khăn hiện nay đã đến mức “tận diệt” doanh nghiệp chứ không phải là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp không còn sức để làm ăn. Hội nhập đến cửa nhưng các cơ quan quản lý vẫn bình chân như vại.

“Nhà nước tận thu như thế này thì làm sao có được tăng trưởng bền vững bởi vì nguồn thu của ngân sách là các doanh nghiệp lại không được chăm sóc, tạo điều kiện phát triển” – bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan nói thêm, năm nay cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô nhưng số lượng doanh nghiệp “chết” rất nhiều, không thua kém năm 2011. Đây là điều phải xem lại. Quan hệ giữa Nhà nước với thị trường cần phải thay đổi rất nhiều.

Bà Lan cũng băn khoăn rằng, tình hình trên cứ tiếp tục thì liệu các nhà đầu tư nước ngoài có khai thác mãi thị trường Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng què quặt và kém phát triển không?

“Trong bối cảnh thế này đáng ra phải giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân thuận lợi hơn trong phát triển thì Nhà nước lại thắt chặt và tăng thu”, bà Lan nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cũng cho hay, Việt Nam đang vay đồng nào, làm ra đồng nào tiêu hết đồng đó, không có cái để dành cho đầu tư phát triển. Ngân sách hết tiền, thế giới không ai cho vay mãi nên tình trạng này rất nguy hiểm.

Ngoài ra, ông Bá cũng nói thêm điều mà theo ông, ít quan chức dám nói. Đó là chúng ta hơi thái quá về chi tiêu xã hội trong điều kiện kinh tế như thế này.

“Thường có 10 đồng thì chi xã hội khoảng 2 đồng. Cứ mạnh tay chi tiêu xã hội coi chừng rơi vào bẫy xóa đói giảm nghèo, cứ có đồng nào xóa đói giảm nghèo hết thì sẽ không còn cái mà xóa đói giảm nghèo nữa”, ông Bá nói.

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cũng cho hay, hiện nay trong ngân sách không có đầu tư phát triển. Chúng ta đang vi phạm nguyên tắc vàng trong đầu tư phát triển.

“Hội nhập, cả thế giới nâng thị trường lên, thúc đẩy, khuyến khích còn Việt Nam cứ đè thị trường xuống với tư duy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thì không ổn. Tư duy như thế cần phải  thay đổi, nếu Nhà nước không thay đổi thì thị trường không lên được, sẽ không kết nối được với thị trường các nước. Thay đổi này là cốt lõi của cải cách. Điểm này là điểm chúng ta ít nói đến”, ông Cung cho hay.

Nguyên nhân và giải pháp

Ngoài nguyên nhân do sức ép thông qua quyết toán và dự án đầu tư công tràn lan, còn có một nguyên nhân sâu xa khác là chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi NSNN và đầu tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kế hoạch trả nợ cụ thể và chưa quan tâm đến giảm “chèn lấn” đối với khu vực tư nhân.

Trên cơ sở đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những kiến nghị về chính sách.

Cụ thể, về cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, chúng ta cần tạo thuận lợi hóa cho môi trường kinh doanh và cả thiện năng lực cạnh tranh (chuyển tinh thần Nghị quyết 19 thành kết quả thực tiễn trong quý IV). Hướng dẫn các luật DN, đầu tư có chất lượng và kịp thời. Theo dõi, rà soát diễn biến và hành vi cạnh tranh trên thị trường.

Về Chính sách tiền tệ cần phải ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Mục tiêu ưu tiên là tập trung xử lý nợ xấu.

Về chính sách tài khóa, báo cáo cho rằng khó giảm tính chi phối của chính sách tài khóa trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều hành tài khóa cần cân nhắc hơn đến hệ lụy, thách thức khi điều hành các công cụ chính sách như tiền tệ, tỷ giá, tín dụng…

Bên cạnh đó là xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn. Cân nhắc việc khống chế trần thâm hụt NSNN trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 4% GDP.

Song song với đó, báo cáo kinh tế này cũng đưa ra triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2015.

Cụ thể: tăng trưởng GDP quý IV sẽ đạt 6,83%, cả năm 2015 là 6,61% so với cùng kì năm 2014. Mục tiêu lạm phát quý IV và cả năm lần lượt là 0,28% và 0,68%.

Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm lần lượt là 10,38% và 9,66%. Cán cân thương mại -0,5 tỷ USD và -4,5 tỷ USD.

H.L.

Nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te/ba-pham-chi-lan-ngan-sach-da-kho-khan-den-muc-tan-diet-dn-246998.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.