Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội châu Á ở New York hôm 28/9.
NEW YORK— Ông Trương Tấn Sang hôm nay, 28/9, đã lần đầu tiên phản hồi bình luận của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trường Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”.
Khi được VOA Việt Ngữ hỏi về phản ứng đối với tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Sang nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa “thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi”.
Nguyên thủ Việt Nam nói tiếp: “Người Trung Quốc, trong những lần gặp gỡ Việt Nam, cũng thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, không gì tranh cãi. Thì người Việt Nam chúng tôi cũng nói lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam, không gì tranh cãi. Chắc các câu này các bạn đã nghe suốt”.
Vấn đề đặt ra là chúng tôi mong muốn rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và con đường duy nhất dẫn đến chỗ đó thôi, chứ không thể nói mãi như thế này được. Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói.
Ông Sang nói thêm: “Vấn đề đặt ra là chúng tôi mong muốn rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và con đường duy nhất dẫn đến chỗ đó thôi, chứ không thể nói mãi như thế này được. Một anh đứng ở bên đây sông thì nói là của tôi, và một anh đứng ở bên kia sông thì nói là của anh. Như tôi đã nói với các bạn vừa nãy, trong lúc quá độ, hai bên đều thống nhất 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo các vấn đề trên biển”.
Tuyên bố của ông Sang được đưa ra tại Hội châu Á ở New York, ít ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc trả lời tờ The Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Ông Tập nói hôm 22/9 rằng hoạt động mà Trung Quốc “thực hiện trên một số những hòn đảo và bãi cạn ở quần đảo Nam Sa không ảnh hưởng hoặc nhắm tới bất kỳ quốc gia nào khác”, và “việc này không nên bị diễn giải quá đáng”.
Trong bài phát biểu tại Hội Á châu, ông Sang cũng đề cập tới 6 nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam đồng ý với Trung Quốc để giải quyết vấn đề biển Đông trong tình thế hiện thời.
Ông Tập Cận Bình nói với tờ The Wall Street Journal rằng Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Ông cho biết: “Chúng tôi hết sức chủ động bàn với Trung Quốc rằng trong khi tìm một giải pháp lâu dài, cơ bản mà hai bên có thể chấp nhận được, thì phải kiểm soát tình hình, kiểm soát hoạt động, không thể để cho xung đột xảy ra. Ý tưởng này đã dẫn tới thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo các vấn đề trên biển đã được ký cách đây mấy năm”.
“Rất tiếc rằng trong quá trình diễn ra trên thực tế ở trên biển diễn ra không đúng như mong muốn của cả hai bên bằng thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản”, ông Sang nói. Chủ tịch Việt Nam không nói rõ điều đáng tiếc này là gì.
‘Trước sau như một’
Về các nguyên tắc trên, Chủ tịch Việt Nam cũng cho biết là chính quyền Manila cũng quan tâm.
Ông nói thêm: “Nội dung đó, khi tôi gặp các bạn Philippines, họ cũng thắc mắc và lo lắng không biết Việt Nam thỏa thuận gì với Trung Quốc. Tôi có nói rằng vấn đề song phương thì Việt Nam và Trung Quốc bàn với nhau. Còn vấn đề đa phương, chẳng hạn như Trường Sa thì liên quan tới 5-6 bên, thì rất khoát phải có hành vi liên quan để cùng với các bạn giải quyết với Trung Quốc vấn đề tranh chấp trên biển”.
Ngài Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa từ lâu là của Trung Quốc thì chúng tôi cũng nói lại rằng đối với chúng tôi, lập trường trước sau như một không thay đổi.
Ông Trương Tấn Sang nói.
Chủ tịch Việt Nam nói tiếp: “Ngài Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa từ lâu là của Trung Quốc thì chúng tôi cũng nói lại rằng đối với chúng tôi, lập trường trước sau như một không thay đổi. Chúng tôi gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa, trước sau như một thuộc về Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Trương Tấn Sang tới New York để tham dự các cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ ngày 24 – 28/9.
Hôm 25/9, ông đã đưa vấn đề biển Đông vào bài phát biểu tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Hôm nay, Chủ tịch Việt Nam sẽ rời Hoa Kỳ để đi thăm chính thức quốc gia cộng sản Cuba.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới biển Đông, hôm nay, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Barack Obama một lần nữa nhấn mạnh tới quyền lợi quốc gia của Mỹ đối với việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải và dòng chảy thương mại.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói tới quyền lợi của Washington trong việc “giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, chứ không phải đe dọa vũ lực”.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ các nguyên tắc đó, trong khi khuyến khích Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác giải quyết các khác biệt một cách hòa bình”, ông Obama nói.