HNVC: Trưa 22.9.2015, ngôi nhà số 107 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội bông nhiên sập đổ khiến 2 người chết và nhiều người bị thương, nhiều nhà dân lân cận bị hư hại. Từ Paris, Tiến sĩ Trần Thu Dung cung cấp những tư liệu quý về ngôi nhà này.
Ngôi nhà không địa chỉ. Trụ sở sinh hoạt của Hội Tam Điểm chi nhánh «Tình huynh đệ Bắc kỳ» thuộc Đại Đông Pháp.
Hè năm 2014, tôi mang tấm ảnh về một ngôi nhà không có địa chỉ được in trên bưu ảnh đề “Chi nhánh Hội Tam Điểm, Hà Nội” đi hỏi khắp nơi, nhưng không ai biết nó nằm đâu kể cả cánh lái taxi Hà Nội cũng lắc đầu. Tôi gặp nhà báo Nguyễn Văn Ba (Xuân Ba) hay viết về Hà Nội, ông cũng chịu và đưa cho tôi cuốn sách ảnh về phố phường Hà Nội, nhưng tuyệt nhiên không có ảnh ngôi nhà này. Ông Ba khuyên tôi đi gặp cụ Hữu Ngọc giám đốc Nhà xuất bản Thế giới may ra tìm được. Đến nơi, tôi kiên nhẫn ngồi chờ hơn một tiếng, vì biết cụ Hữu Ngọc đã hơn 90 tuổi đi lại khó khăn, với hy vọng sẽ tìm được ngôi nhà này vì cụ ở Hà Nội khá lâu. Cụ bảo “thấy đâu đó, quen quen, nhưng tôi không nhớ”. Tưởng thất vọng, may thay, tình cờ tôi gặp anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, đã nhiệt tình đưa tôi đến đó. Anh Bình biết ngôi nhà này rất rõ vì ông cụ thân sinh đã chỉ cho anh nơi làm tang lễ cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ngôi nhà nằm ở số 107 đường Trần Hưng Đạo, ngay gần ga Hà Nội (trước gọi là ga Hàng Cỏ).
Ngôi nhà này trước là trụ sở của Chi Hội Tam Điểm “Tình huynh đệ Bắc Kỳ” thành lập năm 1887. Thời Pháp thuộc, nước Pháp nổi tiếng là mênh mông thuộc địa. Sự vinh quang này gắn liền với thành công của Hội Tam Điểm. Các thành viên của Hội Tam Điểm hầu như nắm các vị trí chủ yếu trong chính quyền thuộc địa (22/32 vị Toàn quyền Đông Dương, 6/8 Cao ủy viên, 4/4 Tổng ủy viên, 9/16 là Thống đốc quân sự) là thành viên Tam Điểm. Như vậy đại đa số những người nắm quyền ở Đông Dương thời đó là thành viên của Hội. Hội Tam Điểm chỉ kết nạp những thành viên xuất sắc, giàu có, thành đạt trong xã hội. Nhiều giáo chức, công chức Pháp qua Đông Dương làm việc cũng là thành viên Tam Điểm. Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Tổng thống thời đó là thành viên Tam Điểm. Hội Tam Điểm vốn là hội kín, nhưng sang đến thuộc địa, hội lại tổ chức hoạt động công khai để phô trương thế lực. Nóc nhà Đông Dương hình kim tự tháp là biểu tượng cho sự thành công đi chinh phục thuộc địa của nước Pháp, đồng thời cũng là biểu tượng của Hội Tam Điểm. Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là người bản xứ đầu tiên được kết nạp một cách đặc biệt vì tài năng xuất chúng. Thời đó những người thực dân Tam Điểm không muốn người bản xứ tham gia vì tư tưởng phân biệt chủng tộc. Hội Tam Điểm vốn đề cao “Tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng lại chưa muốn áp dụng khẩu hiệu này với người bản xứ. Một số trí thức xuất sắc của Việt Nam thời đó đã biết Tam Điểm là một hội tiến bộ, có thể dựa vào hội này để tim cách lôi kéo những người Pháp tiến bộ để đòi tự do bình đẳng cho dân tộc, dần dần đòi độc lập bằng con đường hòa bình. Lo ngại những người trí thức Việt sẽ đòi “bình đẳng, giải phóng thuộc địa”, các thành viên Tam Điểm thực dân từ chối việc kết nạp người bản xứ vào hội. Một số thành viên Hội Tam Điểm người Pháp tiến bộ đã tìm cách đưa Nguyễn Văn Vĩnh qua chính quốc nhân dịp Hội chợ thuộc địa, đã kết nạp ông tại Pháp. Vì thế khi Nguyễn Văn Vĩnh mất lễ tang của ông đã được cử hành theo nghi lễ của Hội Tam Điểm.
Lễ tang Nguyễn Văn Vĩnh theo nghi lễ Tam Điểm đăng trên báo “L’Annam Nouveau” ngày 11 tháng 5 năm 1936.
Tang lễ tổ chức ở trụ sở của Hội Tam Điểm (tức là ngôi nhà số 107 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội ngày nay). Ngôi nhà nằm trong khuôn viên rộng rất đẹp. Theo như báo chí miêu tả về lễ tang Nguyễn Văn Vĩnh, cả gần ngàn người đến viếng, đứng xung quanh khuôn viên rất đông. Bây giờ ngôi nhà đã thuộc về Tổng cục Đường sắt. Khi tôi đi qua, vào giữa trưa hè nắng chang chang, hàng rào trước ngôi nhà đầy chăn, vải bạt vắt, giăng chằng chịt. Các hàng quán lôi thôi lếch thếch chiếm hết khuôn viên xưa, hàng rào xung quanh biến mất. Ngôi nhà mốc meo và ẩm ướt dù trời Hà Nội đang mùa nóng kinh khủng.
Ngôi nhà chụp tháng 8 năm 2014
Nay ngôi nhà đã sập vì không được trùng tu. Rất tiếc nếu ngôi nhà này còn, Hà Nội sẽ còn một công trình kiến trúc tiêu biểu cho một thời hoàng kim của Pháp và sẽ làm tôn thêm chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đó là sự chiến thắng bằng tinh thần và sự thông minh tuyệt vời của người Việt. Một dân tộc nghèo, mọi phương tiện đều thô sơ, nhà tranh vách đất, gậy tầm vông nhưng đã đuổi được kẻ xâm lăng mạnh hơn cả ngàn lần, về mọi phương diện từ kỹ thuật kiến trúc, vũ khí, máy bay, tàu thủy.
Ngôi nhà này sập là một công trình văn hóa của lịch sử kiến trúc đô thị đã mất. Năm 1945, nhiều công trình do Pháp xây bị phá vì người chiến thắng vô tình muốn xóa hết dấu vết ngoại bang, nhưng quên đi giá trị lịch sử của nó, như tượng Nữ thần Tự do ở vườn hoa Cửa Nam, Hà Nội. Đó là phiên bản hiếm. Trên thế giới có năm phiên bản. Một phiên bản được Hội Tam Điểm mang sang triển lãm Đấu Xảo. Chính quyền Pháp ngoài việc xây dựng những công trình văn hóa lớn như thư viện, Nhà hát lớn, dinh thự, cầu… còn mong muốn áp đặt văn hóa Pháp lên văn hóa cổ truyền bản xứ. Bức tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội là một bằng chứng văn hóa dân tộc chống xâm lược của văn hóa ngoại bang. Đầu thế kỷ XX, Hội Tam Điểm nở rộ ở Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên, nhân ngày khánh thành triển lãm Nhà Đấu xảo năm 1902, một phiên bản Tượng Nữ thần Tự do cao 2,85 mét được kỳ công mang từ Pháp sang Đông Dương và sau triển lãm được đem tặng lại thành phố Hà Nội. Bức tuợng này được Hội Tam Điểm “Huynh đệ Bắc Kỳ” mua để làm triển lãm. Tượng thần tự do hình một bà đầm mặc váy trên tháp rùa mang nhiều ý nghĩa. Phụ nữ và tự do, giải phóng chế độ phong kiến nặng nề ở Việt Nam. Tháp rùa là nơi linh thiêng của dân tộc giờ nằm dưới lý tưởng tự do. Việt Nam thời đó còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chính quyền thuộc địa Pháp đã có công xóa bỏ tư tưởng phong kiến ảnh hưởng Trung Hoa bằng “văn hóa phủ nhận văn hóa”. Hình ảnh tượng Nữ thần Tự do chính là tượng trưng cho văn hóa Phương Tây đang lấn át dần văn hóa cổ truyền Việt Nam. Nhưng sau đó bức tượng bị dời qua Vườn hoa Cửa Nam. Người Việt Nam không thấy đó là hình ảnh giải phóng phụ nữ, mà cho đó là một sự phỉ báng dân tộc, nên gọi nôm na là “Bà đầm xòe”. Việc tháo gỡ Bà đầm xòe khỏi tháp rùa cũng là thể hiện sức mạnh tâm linh của người Việt đề kháng văn hóa ngoại bang. Sự không đồng thuận của người Việt buộc chính quyền thuộc địa phải hạ xuống mang đi chỗ khác. Tượng Nữ thần Tự do bị di chuyển sang Cửa Nam là một bằng chứng sức mạnh trường tồn của văn hóa tín ngưỡng dân tộc Việt. Tháp rùa và Hồ Hoàn Kiếm đã gắn sâu trong niềm tự hào của người Việt Nam chống xâm lăng. Lê Lợi sau khi chiến thắng đã đến đây trả lại gươm cho Thần Kim Quy. Sự kéo đổ bức tượng ở Cửa Nam là không cần thiết, vì đó cũng là một di tích lịch sử trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp để chứng minh người Việt không chịu khuất phục cho kẻ xâm lăng động đến hồn thiêng dân tộc. Tượng thần tự do ở Mỹ ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nếu phiên bản này còn ở Việt Nam chắc chắn sẽ là một điểm thu hút đáng kể khách du lịch.
Ngôi nhà sập đổ ngày 22 tháng 9 năm 2015
Các công trình xây dựng đẹp, hoành tráng cũng là di tích văn hóa. Bảo vệ di tích văn hóa cũng là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vì thế chính quyền thuộc địa Pháp đã cho xây rất nhiều công trình, như Nóc nhà Đông Dương, Cột mốc Hoàng Sa, các dinh thự ở những nơi nhạy cảm gần biên giới Trung Quốc để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Khi có sự tranh chấp biên giới, hải đảo, các quốc gia đều tìm cách dùng các công trình văn hóa xưa trong sử sách để chứng minh chủ quyền lãnh thổ. Xây dựng và bảo tồn những công trình văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và ngôn ngữ là một hình thức bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách văn minh, hữu hiệu và lịch sự với láng giềng. Văn hóa cũng là hình thức giáo dục cần thiết giúp hình thành nhân cách con người, hướng con người tới sự hoàn thiện trong xã hội văn minh.
Khi các công trình biến mất vì thiên tai hay chiến tranh thì văn học, nghệ thuật (hội họa, nhiếp ảnh), ngôn ngữ, tư liệu lịch sử đều là những bằng chứng sống động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Một số người do không hiểu biết, và quá khích, sau khi đất nước giành được độc lập đã muốn xóa bỏ tất cả dấu vết ngoại bang, vô tình làm mất đi một công trình kiến trúc độc đáo, một di tích lịch sử quý giá mà ngôi nhà số 107 Trần Hưng Đạo là một trong số đó.
T.T.D.
Nguồn:
https://hoingovanchuong.wordpress.com/2015/09/23/ve-ngoi-nha-107-tran-hung-dao-mot-cong-trinh-van-hoa-thoi-phap-thuoc-bi-sap-do/