Biết tôi là ông giáo làng năm xưa nên nhiều độc giả hỏi: Hai cái câu “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” mà ông Phó Tổng thống Mỹ nhắc đến bữa tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa rồi… là ở đoạn nào trong Truyện Kiều của ta …?
Hiểu ý độc giả, tôi xin trả lời vắn tắt và nêu một vài suy nghĩ của mình về sự kiện hy hữu này trong bang giao quốc tế.
Hai câu thơ đó ở phần cuối của Truyện Kiều có 3252 câu. Khi đó, Kim Trọng và Thuý Kiều tái hợp. Nàng Kiều than: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ / Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”. Nhưng Kim Trọng lại “thoáng” vô cùng, “hiện đại” vô song; chàng nói: “Xưa nay trong đạo đàn bà / Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”, rồi chàng Kim khẳng định: “Như nàng lấy hiếu làm trinh / Bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Tiếp đó là câu “Trời còn để có hôm nay…”.
Ông Phó Tổng thống Mỹ Biden muốn lấy cái kết có hậu của Truyện Kiều, và đó cũng là truyền thống nhân văn của tư duy Việt, để ví quan hệ Mỹ – Việt đầy sóng gió đã đến hồi “… tan sương đầu ngõ”.
Nếu đọc tiếp thì thấy người Mỹ đã “nghiên cứu” rất kỹ Truyện Kiều và mượn áng văn bất hủ này để mở lòng với Việt Nam:
“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
Nhân dân hai nước Việt – Mỹ đều mong muốn dân chủ và phồn vinh như những gì mà ông Nguyễn Phú Trọng đã nói ở Mỹ, rằng, chúng tôi đang “nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người…” trong những “phút bù giờ” của sự nghiệp chính trị ảm đạm của ông.
Nhưng ngay lập tức, sau khi về Việt Nam, ông đã đến Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 để phát biểu những điều xưa như trái đất. Người ta có cảm tưởng rằng lời lẽ của ông là lời lẽ của Tổng Bí thư ở thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, ngược hẳn 180 độ với những gì ông vừa mới nói rất bóng bảy ở Mỹ trước đó chưa lâu!
“Phút bù giờ” của ông đã hết!!!
9/2015
L. P. K.
Tác giả gửi BVN