Ngư dân Việt Nam kiện hải tặc Trung Quốc?

Trong thời gian qua, hiện tượng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm và cướp phá tại Biển Đông đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ ở trong và ngoài nước. Cách đây vài hôm, báo chí trong nước tường thuật một tàu cá ở Quảng Ngãi khi trên đường tiếp cứu một tàu cá khác gặp nạn đã bị một tàu Trung Quốc tấn công, khống chế ngư dân và lấy hết toàn bộ tài sản gồm có hai tấn hải sản, hai máy dò và một máy định vị. Họ còn dùng dùi cui đánh đập ngư dân, đập bể cửa kính cabin và cắt đứt 7 vành dây hơi lặn. Thiệt lại ước lượng lên tới 400 triệu đồng.

Câu chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc hiếp đáp không có gì mới mẻ nhưng nhà nước Việt Nam tỏ ra hoàn toàn bất lực. Do đó, có một số luật sư đang nghiên cứu tìm cách tiến hành khiếu kiện để xin bồi thường và bảo vệ cho quyền lợi của ngư dân, nhất là các ngư dân ở miền Trung Việt Nam. Bất cứ một vụ kiện nào trên tầm vóc quốc tế cũng đều rất phức tạp, chưa kể về mặt tốn kém. Vậy ngư dân Việt Nam có quyền khiếu kiện hay không? Với tòa án nào? Phán quyết của tòa án Việt Nam có hiệu lực khi áp dụng cho các bị đơn ở Trung Quốc không? Luật quốc tế chống hải tặc và bạo hành trên biển có thể áp dụng thế nào để bảo vệ ngư dân Việt Nam?

Luật Chống Hải Tặc

Theo Keyuan Zou, Giáo sư Luật Quốc Tế thuộc Viện Đại học Central Lancashire Anh Quốc thì Đạo Luật chống hải tặc đầu tiên ra đời vào năm 1698 tại Anh Quốc. Sau đó, Đức và Hoa Kỳ cũng ban lành các đạo luật tương tự. Nhưng những đạo luật này chỉ có hiệu lực trong phạm vi quốc gia. Trong khi đó, nạn hải tặc thì phổ biến trong vùng biển quốc tế. Văn bản pháp lý có tính quốc tế chống hải tặc là Hiệp ước Paris 1856 ngăn cấm sử dụng tàu hải tặc để truy lùng tội phạm. Sau đó, Công Ước Montevideo 1889 chính thức ghi nhận trách nhiệm trấn áp hải tặc là nhiệm vụ chung của nhân loại. Tiếp theo là Thoả thuận Nyon 1937 xác định mọi hình thức tấn công trong vùng Địa Trung Hải là hành động hải tặc. Tuy nhiên, văn bản quan trọng nhất hệ thống hóa luật chống hải tặc là Công Ước Geneva về Biển Cả 1958 (Geneva Convention on the High Sea). Công Ước này có 8 điều khoản liên quan tới hải tặc và các điều khoản này đã được lập lại nguyên văn trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Điều 100 của Công Ước 1982 quy định là các quốc gia phải hợp tác với nhau để trấn áp hải tặc trên biển cả hoặc ở bất cứ nơi nào ngoài phạm vi tài phán của một quốc gia. Điều 105 cho phép mọi quốc gia có quyền tài phán phổ quát (universal jurisdiction) và sử dụng mọi phương tiện để bắt giữ và truy tố hải tặc phạm pháp trên biển cả. Quyền hạn này có thể áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia vì tuy rằng quốc gia ven biển có độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng các quốc gia khác vẫn được quyền tự do hàng hải trong vùng dặc quyền kinh tế. Hải tặc là một hình thức đe dọa tự do hàng hải. Do đó, mọi quốc gia có quyền thực thi quyền tài phán bắt giữ hải tặc dựa theo Điều 105.

“Hải tặc” được định nghĩa trong Điều 101 là “bất cứ hành vi bất hợp pháp bạo động, giam giữ, cướp phá bởi thủy thủ hoặc hành khách trên một chiếc tàu tư nhân với những mục đích riêng tư và nhằm chống lại một chiếc tàu khác hoặc con người hoặc của cải trên chiếc tàu khác trên biển cả hoặc ở một nơi không nằm trong phạm vi tài phán của một quốc gia nào“. Tình nguyện tham gia hoặc xúi giục đều được coi là những hành động hải tặc.

Định nghĩa này có 5 yếu tố. Thứ nhất, hành động bất hợp pháp phải có tính bạo động ví dụ như cướp bóc hoặc hành hung. Thứ hai, tôi phạm diễn ra ở biển cả nằm ngoài lãnh hải hoặc phạm vi tài phán của mọi quốc gia. Thứ ba, tàu liên quan tới tội phạm thuộc sở hữu tư nhân nhưng tàu của nhà nước bị thủy thủ nổi loạn chiếm đoạt vượt khỏi vòng kiểm soát của nhà nước sẽ được coi như là tàu của tư nhân. Thứ tư, tội phạm có mục đích riêng tư và thứ năm, ít nhất phải có 2 chiếc tàu, một chiếc phạm tội và một chiếc khác là nạn nhân của hải tặc.

Định nghĩa này đưa ra một vài giới hạn, khó khăn. Thứ nhất là mục đích riêng tư. Điều kiện này loại trừ các trường hợp hải tặc khi tàu cướp phá thuộc quyền sở hữu của quân đội, nhà nước hoặc một nhóm phản loạn nào đó. Cũng có hai quan điểm khác nhau về ý nghĩa của cụm từ “mục đích riêng tư”. Quan điểm thứ nhất cho rằng một khi hành động bạo hành, cướp phá xảy ra với mục đích chính trị thì mặc nhiên không thể được coi là hải tặc. Có nghĩa là phải nhắm vào động cơ của đương sự. Quan điểm thứ hai thì cho là bất cứ hành động nào không có sự chấp thuận của nhà nước thì được coi là theo mục đích riêng.

Trong năm 1961, Santa Maria – một chiếc du thuyền của Bồ Đào Nha bị chiếm đoạt bởi một nhóm người trên tàu dưới sự lãnh đạo của Đại úy Galvao. Galvao tuyên bố  hành động này là bước đầu tiên trong cuộc đấu tranh lật đổ nhà độc tài Salazar. Nhà nước Bồ Đào Nha buộc tội nhóm phản loạn là hải tặc. Galvao đưa tàu đến Brazil và được nhận là tỵ nạn sau khi thả tàu cùng với du khách. Rõ ràng là Galvao cùng phe nhóm hành động vì mục đích chính trị chớ không vì quyền lợi riêng tư.

Một vụ khác liên quan tới tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace. Trong vụ Castle John v NV Babeco 1986, một vài thành viên của Greenpeace tìm cách ngăn chận 2 chiếc tàu Hòa Lan thải hoá chất trên biển cả. Họ leo lên tàu trái phép và gây một số thiệt hại với mục đích là tạo sự chú ý của dư luận quốc tế. Một tòa án Bỉ đã phán là họ có động cơ riêng tư và do đó phạm tội hải tặc.

Một giới hạn khác liên quan tới điều kiện có hai chiếc tàu, nạn nhân và tội phạm. Vào ngày 7/10/1985, 4 thành viên của nhóm Palestine Liberation Front giả làm du khách trên Achille Lauro một chiếc tàu của Ý. Sau đó, họ chiếm tàu và đòi Do Thái trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine. Vì họ đã là du khách và không có chiếc tàu thứ hai, nên hành động này không được coi là hải tặc.

Điều kiện hành vi bạo động phải xảy ra trên biển cả cũng không đáp ứng được với nạn hải tặc ngay trong lãnh hải của một quốc gia ví dụ như tại Somalia, đặc biệt là khi chính quốc gia đó không có khả năng hoặc thiện chí đối phó với tội phạm cướp biển trong phạm vi tài phán của họ. Nói chung, luật chống hải tặc dưới Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vẫn có nhiều giới hạn so với vấn nạn hải tặc trong thế kỷ 21.

Công Ước Trấn Áp Hành Vi Bất Hợp Pháp Đe dọa An ninh Hàng hải (Convention for the Suppression of Unlawful Acts against the Safety of Maritime Navigation) gọi tắt là Công Ước SUA 1988

Công Ước SUA 1988 ra đời vì những giới hạn từ vụ Achille Lauro. Dưới Công Ước này, không có sự phân biệt giữa mục đích riêng tư hay mục đích chính trị, cũng như không cần phải có hai chiếc tàu nạn nhân và tội phạm. Mục đích của Công ước SUA 1988 là truy tố và xử phạt bất cứ ai có hành vi bạo động trên tàu, chiếm đoạt tàu, gây thiệt hại ảnh hưởng tới sự an toàn hàng hải của tàu khi đang trên đường di chuyển từ, ngang hoặc vào vùng biển ngoài lãnh hải của một quốc gia. Công Ước không áp dụng đối với tàu chiến hoặc tàu hải giám thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Sau vụ tấn công khủng bố 9/11, Công ước được nới rộng trong năm 2005 và áp dụng cho mọi trường hợp khủng bố trên tàu. Công ước này cho phép các quốc gia thành viên có quyền lên tàu mang cờ của quốc gia khác để khám xét nếu có dấu hiệu phạm pháp. Nhưng trước tiên phải xin phép quốc gia mà tàu liên hệ mang cờ (flag State). Quốc gia yêu cầu khám xét có thể thông báo cho Tổng Thư Ký Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế IMO là sẽ tiến hành khám xét. Nếu không có sự phản hồi từ flag State trong vòng 4  giờ thì coi như flag State đã chấp thuận. Tuy nhiên, Công Ước SUA không quy định quyền tài phán phổ quát mà chỉ quy định các quốc gia thành viên có trách nhiệm tiến hành dẫn độ và truy tố tội phạm trong phạm vi thẩm quyền của họ.

ReCAAP 2004, Thoả Thuận Hợp Tác Khu vực chống Hải tặc và Cướp có Vũ khí tại châu Á (Regional Cooperation Agreement on Combating Piracy and Armed Robbery against Ships in Asia 2004)

ReCAAP 2004 là một thỏa thuận giữa 16 quốc gia châu Á gồm có Bangladesh, Brunei, Cam Bốt, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Nhật, Lào, Mã lai, Miến Điện, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Singapore, Nam Hàn, Thái Lan và Việt nam vào ngày 11/11/2004 và có hiệu lực từ ngày 4/9/2006. Dưới Thỏa Thuận này, các quốc gia thành viên có trách nhiệm bắt giữ và truy tố hải tặc và cứu giúp tàu bị hải tặc đánh cướp. Các thành viên có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin liên quan tới hải tặc cho Trung Tâm ISC (Information Sharing Centre) có trụ sở tại Singapore.

Tóm lại, luật chống hải tặc và bạo hành trên biển có hai đặc điểm chính là bình diện quốc tế và bản chất hình sự. Hải tặc được coi là một hành vi phạm pháp bạo động chống lại cả nhân loại đáng bị trừng phạt nặng nề. Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Công Ước SUA 1988 và Thỏa Thuận ReCAAP 2004. Để đối phó với vấn nạn ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công và cướp bóc thì nhà nước việt Nam phải tận dụng quyền hạn và trách nhiệm dưới các Công Ước và Thỏa Thuận này đối với Trung Quốc. Cá nhân của những nạn nhân ngư dân liên hệ không có tư cách sử dụng các Công Ước. Chương XXIV của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam 2009 có đề cập tới một số tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh nhưng không có phần nào liên quan tới trấn áp hải tặc. Việc đầu tiên cần làm là tu chính bộ luật hình sự để lắp lại khiếm khuyết này. Tiếp theo là tích cực gửi báo cáo các vụ tấn công ngư dân Việt nam của tàu Trung Quốc về Trung Tâm ISC. Dưới Công Ước SUA 1988 và Thỏa Thuận ReCAAP 2004, Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc bắt giữ và truy tố chủ tàu cùng với những người liên quan tới tội phạm hải tặc tấn công ngư dân Việt Nam trên biển. Nếu Trung Quốc không thực thi cam kết của họ dưới các Công Ước, Việt Nam nên lên tiếng cho thế giới biết và tiến hành các biện pháp chế tài ví dụ như đình chỉ hoặc trục xuất tư cách thành viên của Trung Quốc dưới các điều khoản và cơ chế của các Công Ước đó. Còn nếu Trung Quốc biện bạch là các Công Ước không có cơ sở áp dụng vì tàu tấn công là tàu hải giám hoặc thuộc quyền sở hữu của nhà nước thì chính Trung Quốc tự nhận là họ một quốc gia hải tặc trên Biển Đông, không hơn không kém.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.