Việt Nam dưới chế độ độc đảng tuy đã có 40 năm hòa bình, song hiện tại vẫn đang đối đầu trước những bế tắc kinh tế và chính trị. Bối cảnh này thúc ép Việt Nam phải mở rộng hợp tác và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là cơ hội cho đất nước phát triển và cải cách kinh tế và chính trị một cách sâu rộng.
Sau ba năm thương thuyết, Việt Nam và Liên minh Âu châu (EU) đã thống nhất về mặt nguyên tắc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu ( Vietnam – EU Free Trade Agreement – EVFTA ) vào ngày 4. 8. 2015. Sắp tới, hai bên sẽ phải giải quyết nhiều yếu tố kỹ thuật còn tồn đọng, thông qua thương lượng và thỏa thuận, rà soát, hoàn thiện về mặt pháp lý để ra được một văn kiện hoàn chỉnh của Hiệp định. Dự kiến hai bên sẽ chính thức ký kết Hiệp định vào mùa Thu năm nay.
Hiệp định EVFTA được ghi nhận không chỉ tạo bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa Việt Nam – EU mà còn là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2015 hai bên sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập bang giao.
Tác động của Hiệp định EVFTA đối với EU và Việt Nam
EU là một liên minh kinh tế và chính trị gồm 28 nước châu Âu. Với hơn 500 triệu dân, EU chiếm trên một phần tư tổng sản lượng nội địa GDP của thế giới (khoảng 17.000 tỷ USD), là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong nền kinh tế thế giới và đạt một phần năm thương mại toàn cầu. Cùng với Mỹ, Liên minh EU chủ trương xây dựng các khu vực kinh tế lớn thông qua các Hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt tại Á Châu, nơi đang phát triển, Liên minh muốn sớm đạt được thỏa thuận thương mại với tất cả các nước của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN. Hiệp định EVFTA sẽ là một công cụ khai thông cho EU mở rộng ảnh hưởng kinh tế – chính trị trong khu vực Đông Nam Á.
Sau Trung Cộng, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36, 8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD (chiếm hơn 20% tổng lượng xuất khẩu của cả nước) và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD.
EU xuất cảng qua Việt Nam các sản phẩm công nghệ cao, ô tô và phụ tùng, máy móc và dược phẩm…, ngược lại nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng: giày dép, cà phê, dệt may, gạo, hải sản, đồ gỗ…
Đối với EU, Việt nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á là một thị trường đang phát triển có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ của EU. Cam kết mở cửa thị trường trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích cho hàng xuất khẩu của cả hai bên. Ngay từ ngày đầu tiên khi Hiệp định được ký kết, một tỷ trọng lớn khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được miễn giảm thuế. Về đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 37 tỷ USD.
Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, … cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau.
Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) được triển khai trong vòng năm năm với mục tiêu giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU và quốc tế như các yêu cầu tiếp cận thị trường (các quy định về vệ sinh dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)… để có thể đưa sản phẩm vào thị trường EU được thuận lợi hơn.
Theo các chuyện gia kinh tế, Hiệp định EVFTA không chỉ đưa lại những lợi ích, trái lại nó cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức.
Việt Nam có thể bị rơi vào bẫy lương thấp vì chỉ có lợi cạnh tranh ở các loại hàng hóa kém giá trị nhờ sản xuất dựa trên chi phí nhân công rẻ trong khi EU có ưu điểm cạnh tranh ở các sản phẩm công nghệ giá trị cao. Một khi Hiệp định thương mại được áp dụng, hàng hóa lưu thông tự do trên thị trường sẽ dẫn tới hậu quả các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Các chuyên gia phỏng tính một vài ngành sản xuất như điện tử, công nghiệp ô tô, máy móc… sẽ sa thải nhiều nhân công, trong khi các nghành giày dép, quần áo, dệt may lại phát triển. Lãnh vực nông nghiệp và biến chế thực phẩm cũng bị thiệt hại nặng vì cạnh tranh.
Tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau. Các ngành có lợi thế (đặc biệt là dệt, may, da giày, dịch vụ công và xây dựng) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi những ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm (như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp) sẽ bị thua thiệt trong quá trình tự do hóa thương mại. Mặt khác sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, các ảnh hưởng kéo dài của các khủng hoảng kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại luôn là những yếu tố đe dọa nền kinh tế.
Ngoài ra một khi Việt Nam thực sự phát triển và trở thành đối tác quan trọng của Mỹ và Âu châu sẽ cản trở đường lối bá quyền của Trung Cộng, nên nước này sẽ tìm đủ cách gia tăng gây rối ở Biển Đông và kích động các cuộc tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng.
Cơ hội cho Đảng trụ hay triển vọng dân chủ hóa đất nước?
Trong thời gian qua dư luận rất kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác với Mỹ và Âu châu trên mọi bình diện. Dư luận đánh giá các hoạt động này chỉ là những tính toán chiến lược tìm ngõ thoát cho chế độ độc đảng trước những áp lực nội và ngoại hầu có thể tiếp tục trụ được.
Việc tham gia các hiệp định tự do của các quốc gia dân chủ (Mỹ và Liên minh EU) giúp nền kinh tế Việt Nam có cơ hội tái cấu trúc, phát huy tiềm năng. Nhờ tự do hóa thương mại, Việt Nam có thể giảm thiểu mức độ phụ thuộc trong quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Cộng, dựa vào mối bang giao với các nước đối tác trong các hiệp định FTA để phát triển kinh tế, gia tăng GDP và cải thiện dân sinh,
Nói chung, Đảng Cộng sản hy vọng qua các Hiệp định thương mại, sẽ tạo được niềm tin ở quốc tế và tính chính danh cầm quyền vốn đã không tồn tại từ nhiều thập niên qua.
Sự tính toán có được toại nguyện hay không sẽ tùy thuộc rất nhiều vào ý chí cải cách toàn diện và quyết tâm đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi Đảng và phe phái của Đảng và nhà nước.
Nhân phẩm, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị và sự tôn trọng nhận quyền là các giá trị nòng cốt của các quốc gia dân chủ phương Tây. Vì vậy EU kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, qua đó góp phần giảm nạn nghèo đói, giảm thiểu bất bình đẳng trong sự phân chia phúc lợi kinh tế.
Nghị viện Âu Châu đã nhiều lần kết án Cộng sản Việt Nam đã lạm dụng luật pháp như là công cụ hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân (tự do tư tưởng, báo chí và tôn giáo). Hiệp định EVFTA chỉ có hiệu lực khi Nghị viện Âu Châu thông qua. Hiệp định sẽ được đàm phán lại, nếu Nghị viện xác định tình trạng ngược đãi những người bất đồng chính kiến và nhân quyền ở Việt Nam vẫn tồi tệ.
V. N. Y.
Tác giả gửi BVN.