Báo Nhân dân số ra ngày 06/05/2010: Một bản tin nhỏ nhiều câu hỏi lớn

Phóng ảnh bài báo đăng trên trang mạng của báo Nhân Dân.

Phóng ảnh bài báo đăng trên trang mạng của báo Nhân Dân.

Báo Nhân dân hôm nay (6/5/2010) đăng tin Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc do Ðoàn công tác của TƯ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức ở khu vực Ba Kè ngày 5/5 vừa qua. Cạnh đó là tin Quảng Ninh tiếp nhận Đá chủ quyền Trường Sa do Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.

Đọc hai mẩu tin ngắn này thấy nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Thứ nhất, tại sao chỉ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam trong những năm 1990, 1996, 1999 và 2000 ? Các thời điểm 1990, 1996, 1999, 2000 có ý nghĩa như thế nào không thấy bài báo nhắc đến? Vậy người đọc có thể tạm hiểu vào những năm đó có các sự kiện tranh chấp lãnh thổ lãnh hải hoặc vì các lý do khác khiến nhiều chiến sỹ của chúng ta trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã hy sinh anh dũng?

Thế nhưng cách đối xử với những người con nước Việt hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ biển đảo năm 1974 (những người lính Việt Nam Cộng hòa) và 1988 (những người lính CHXHCN Việt Nam) có ổn thỏa không? Tại sao đối với họ lại làm thinh đến thế? Họ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc và dù dưới chế độ nào họ vẫn là người thực hiện đến hơi thở cuối cùng nhiệm vụ thiêng liêng nhất của người công dân – người lính: bảo vệ Tổ quốc.

Vậy tại sao Nhà nước không tổ chức lễ tưởng niệm cho họ lại né tránh khi nhắc đến họ? Tại sao cả một nền báo chí luôn được gọi là “tiến bộ” và phục vụ nhân dân phải sợ hãi khi nhắc đến những sự kiện oanh liệt này, sợ hãi đến mức khôi hài khi chỉ dám sử dụng các từ “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”, “quân đội nước ngoài”… trong khi biết rõ chúng nó là ai. Tinh thần yêu nước và sự hy sinh vì Tổ quốc tuyệt đối không thể đánh đồng với những động cơ và lợi ích chính trị cục bộ nào đấy, bởi thế phải khách quan thừa nhận họ đáng được tri ân trước tất cả những người ngã xuống sau họ không phải trong những cuộc chiến khốc liệt. Xứng đáng xếp ngang hàng với họ chỉ có thể là những người lính dám đánh đổi tính mạng của mình trong các cuộc chiến vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong những năm trước đây mà thôi.

Vì vậy, nếu ai đó cố tình quên lãng hoặc né tránh và cho mình có quyền lựa chọn đối tượng trong việc tổ chức tưởng niệm các liệt sỹ thì sẽ biến hành động vốn rất cao đẹp này thành một chuyện không còn hoặc giảm hẳn nghĩa, thậm chí sẽ xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sỹ và người dân cả nước. Hãy thử nghĩ đến tâm trạng của những người là cha, mẹ, vợ con, anh em đồng chí của các liệt sĩ – cả người được nhắc và người bị bỏ quên – khi thấy cách đối xử lạ lùng như trên.

Một khi sự hy sinh không được ghi nhận dù với bất cứ lý do gì thì sẽ không thể khơi dậy sức mạnh toàn diện của dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai xa hoặc gần mà Nhà nước tuyệt không nên chủ quan rằng bây giờ mình đã có “cách làm” khác chứ không cần đến nữa. Và như thế, dù Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa có tổ chức trao tặng bao nhiêu viên đá chủ quyền đi nữa thì có lẽ trong trái tim sâu thẳm của đông đảo dân chúng có lương tri, việc làm ấy chưa chắc đã phát huy được những tình cảm cao đẹp nhất.

LTP

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in báo chí, Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.