(GDVN) – Vị trí địa chiến lược trọng yếu của Việt Nam đã khiến mình trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Người Việt đã từng khổ sở vì điều này.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6/7 đến 10/7 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nhận được sự quan tâm theo dõi rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước. Nhiều học giả quốc tế có những phân tích từ các góc nhìn khác nhau về sự kiện này, trong đó có sự tin tưởng kỳ vọng, cũng có những hoài nghi chờ đợi, nhưng nhìn chung đều cho rằng chuyến thăm này là một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ bang giao giữa hai nước.
Bình luận trên đài BBC tiếng Việt ngày 6/7, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore dẫn câu nói “không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn” để phân tích sự kiện này. Theo Tiến sĩ Hiệp, cả Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang theo đuổi lợi ích của chính mình, và khi lợi ích thay đổi thì quan hệ đồng minh hay kẻ thù cũng thay đổi theo.Không có kẻ thù hay bạn bè vĩnh viễn
Chính hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực đã kích hoạt những thay đổi địa chính trị này chứ chẳng có thế lực “thù địch”, “chống Trung Quốc” nào gây ra như họ vẫn tưởng tượng. Do đó Bắc Kinh không có lý do gì để “bất mãn” hay “trách cứ”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Ngày 26/6 vừa qua tại “Hội thảo Quốc tế Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa, thực trạng và triển vọng” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng bình luận, trong mấy chục năm qua thế giới chứng kiến những quan hệ quốc tế thay đổi liên tục, thù thành bạn, bạn thành thù, Việt – Mỹ hay Việt – Trung cũng như thế.
Tuy nhiên, trong sự thay đổi xoay chuyển không ngừng đó thì lợi ích quốc gia dân tộc là bất biến. Hiện nay, khi quan hệ Việt – Trung đang căng thẳng vì Trung Quốc leo thang ngoài Biển Đông lại là lúc quan hệ Việt – Mỹ đang ở trong thời kỳ phát triển. Hai nước có chung lợi ích duy trì hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế, tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak có cùng quan điểm này, ông cho biết Mỹ đang muốn phát triển quan hệ với Việt Nam thành “mô hình kiểu mẫu” trong khu vực.
Tại hội thảo này, Tiến sĩ Murray Hiebert, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) khẳng định trước các học giả Việt Nam, Hoa Kỳ rằng: Lật đổ chế độ ở Việt Nam hoặc diễn biến hòa bình không phải mục đích của Mỹ.
Ngược lại, Mỹ xem Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của mình. Hoa Kỳ ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam, quan hệ Việt-Mỹ phát triển có thể sẽ hữu ích với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hay xử lý quan hệ với láng giềng Trung Quốc.
Tiến sĩ Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương, Honolulu ngày 6/7 bình luận trên The Diplomat, chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước “chuyển dịch trầm lắng nhưng sâu sắc” có thể thay đổi cán cân tam giác quan hệ Mỹ – Việt – Trung và đời sống chính trị ở Việt Nam.
Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng. Đối với Hoa Kỳ nó cho thấy lợi ích chiến lược từ một mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam đã vượt qua cái giá chiến lược phải trả khi “khiêu khích” Trung Quốc cũng như cái ông Vuving gọi là “mức giá chính trị phải trả” khi hợp tác với quốc gia có thể chế chính trị khác Hoa Kỳ, từng một thời ở hai đầu chiến tuyến.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được học giả này cho là Việt Nam “đã đạt đến giới hạn trong mối quan hệ gắn kết với Trung Quốc và hiện đang cố gắng để tiếp cận với Hoa Kỳ để mở rộng sự lựa chọn cho mình.”Đối với Việt Nam, ông Vuving bình luận: Chuyến đi này sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đồng thời quan hệ hữu nghị với Mỹ sẽ có những “hệ quả chính trị và chiến lược”. Cụ thể hơn, ông Vuving cho rằng chuyến thăm này ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong giới tinh hoa của đất nước Việt Nam và nó sẽ “kích thích” Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử này, cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ đều đã có những bước tiếp cận thận trọng (và cần thiết). Câu chuyện bắt đầu vào tháng Bảy năm 2012 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội và chính thức chuyển lời mời ông thăm Hoa Kỳ.
Những hoạt động tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ đã lần lượt diễn ra trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường sang Mỹ. Nhưng cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp – PV) năm ngoái được xem như một phép thử làm thay đổi cuộc chơi.
Ông Vuving bình luận, khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái cho người Việt Nam thấy rõ mối đe dọa an ninh từ (chính sách bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông theo đuổi bởi) Trung Quốc.
Alexander L. Vuving cho rằng trong thực tế Hoa Kỳ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc và hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Việt Nam trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái. Đồng thời, những tiếng nói chỉ trích hành động “bành trướng”, “xâm lược” của Bắc Kinh đã xuất hiện, phá vỡ cục diện quan hệ Việt – Trung đã định hình và tồn tại 2 thập kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991.
Hoạt động xây dựng, bồi lấp (bất hợp pháp) đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) cũng mang ý nghĩa và tác động tương tự tới trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung như vụ giàn khoan 981.
Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc là bất biến
Lịch sử biến thiên, bạn thù vẫn luôn thay đổi theo thời cuộc, nhưng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam thì độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc luôn bất biến.
Trong Chiến tranh Việt Nam, người Việt và người Mỹ ở hai đầu chiến tuyến. Lúc đó Trung Quốc đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong công cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Mặc dù sự hỗ trợ này không hoàn toàn vô tư trong sáng vì có những động cơ chiến lược phục vụ cho lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi của họ mà thời điểm đó người Việt khó có thể nhận ra, mãi sau này thời gian, lịch sử mới bóc dần bí mật.
Khmer Đỏ bị đánh tan tác thì đến lúc ông chủ của chúng, Trung Nam Hải quyết định xua quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gây ra cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc đẫm máu. Việt Nam và Trung Quốc từ bạn thành thù cũng chỉ bởi độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa. Người Việt đã buộc phải đứng lên bảo vệ từng tấc đất của cha ông trước sức tấn công tàn phá ghê gớm của láng giềng từng là đồng chí anh em.Và khi không đạt được mưu đồ lợi ích vị kỷ hẹp hòi, bành trướng đại Hán của mình, Bắc Kinh kích động lực lượng diệt chủng Pol Pot do họ nuôi dưỡng chống phá biên giới Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh đất nước và dẫn đến cuộc Chiến tranh Biên giới Tây Nam tiêu diệt Khmer Đỏ, cứu người dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng man rợ.
Năm 1991 Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, đến năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ cũng bình thường hóa quan hệ bởi hòa bình, hợp tác là xu thế của thời đại, mong muốn của người dân bất kỳ quốc gia nào. Không quên quá khứ nhưng biết vượt qua nó để hướng tới tương lai đã giúp Việt Nam phục hồi và phát triển từ đống tro tàn của mấy chục năm chiến tranh liên miên.
Sở dĩ quan hệ Việt – Trung ngày nay xuất hiện những căng thẳng, có lúc leo thang thành khủng hoảng như trong vụ giàn khoan 981 năm ngoái là bởi tham vọng bành trướng lãnh thổ lại trỗi dậy trong những người cầm quyền ở Trung Nam Hải.
Hàng loạt hành động leo thang bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã trực tiếp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Đồng thời hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực cũng như tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông, xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ. Lúc này lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ lại hội tụ ở Biển Đông, đó là ngăn chặn bá quyền bành trướng, giữ gìn bảo vệ luật pháp quốc tế.
Theo Tiến sĩ Alexander L. Vuving thì trong cách ứng xử với Việt Nam, Trung Quốc đang chơi trò 2 mặt. Bắc Kinh một mặt nhấn mạnh hợp tác trong khi các yếu tố mang tính cưỡng chế, mưu đồ xâm hại ngày càng tinh vi hơn.
Ngay cả việc đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh cũng dành những nghi lễ long trọng mà ông Vuving cho rằng vượt qua cả những gì người Việt Nam “có thể mong đợi trong chuyến thăm Hoa Kỳ” lần này của Tổng bí thư. Bắc Kinh cung cấp một gói tín dụng lớn cho các dự án nhằm gây ra sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào họ.
Trong tháng 5 Trung Quốc khởi xướng một cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước trên biên giới đất liền trong khi Bắc Kinh vẫn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Khoảng 1 tuần trước khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, Trung Quốc một lần nữa kéo giàn khoan 981 ra khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế giữa 2 nước, chưa được phân định ở cửa vịnh Bắc Bộ, gần vị trí hạ đặt bất hợp pháp năm ngoái. Động thái này được xem như một thông điệp “nhắc nhở” của phương Bắc.
Độc lập tự chủ trong quan hệ đối ngoại là lựa chọn đúng đắn, dựa nước này chống nước kia là tự sátDo đó, nói như Tiến sĩ Murray Hiebert từ trung tâm CSIS, tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ cũng có ích cho Việt Nam trong vấn đề (bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của mình ở) Biển Đông hay xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam từ lâu đã khẳng định chủ trương đối ngoại nhất quán: Đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, cùng phát triển thịnh vượng.
Việt Nam không chủ trương dựa vào nước này chống lại nước kia, không liên minh liên kết quân sự, không cho nước này dùng lãnh thổ Việt Nam tiến hành các hoạt động chống lại nước kia. Đó là phương châm chính sách đối ngoại chính xác, chỉ có độc lập tự chủ mới giúp Việt Nam không trở thành con tốt trong tay các nước lớn trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Vị trí địa chiến lược trọng yếu của Việt Nam đã khiến mình trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Người Việt đã từng khổ sở vì điều này. Quay trở lại với câu nói “không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”, có quá nhiều ví dụ lịch sử minh chứng cho điều này.
Quan hệ Việt – Trung ngay cả khi đang là “đồng chí, anh em” dù phần nào mang tính danh nghĩa thì năm 1974, Trung Quốc vẫn thừa cơ lợi dụng tình hình nội bộ Việt Nam, cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Mỹ với chế độ Việt Nam Cộng hòa có quan hệ đồng minh, bảo trợ nhưng hạm đội 7 nhắm mắt làm ngơ để hải quân Trung Quốc gây chiến, xâm lược trắng trợn nửa phía Tây Hoàng Sa từ quân lực Việt Nam Cộng hòa, một ví dụ đau đớn nữa về đồng minh và lợi ích.
Năm 1988 khi hải quân Liên Xô còn đóng tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam đã không có một phản ứng nào khi Trung Quốc cất quân xâm lược 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mặc dù Liên Xô là một đồng minh và vẫn được người Việt xem như “anh Cả”.
Ngày nay người Nga vẫn thực hiện chính sách “ngậm miệng” ở Biển Đông, không công khai phản đối những hành động leo thang gây hấn và cũng không công khai ủng hộ chính nghĩa hay góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nga đứng giữa và âm thầm bán vũ khí hiện đại cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Tất cả cũng chỉ xoay quanh 2 chữ lợi ích.
Do đó những quan điểm từ bất cứ phía nào cho rằng Việt Nam nên liên minh với bất kỳ quốc gia nào, dù Nga hay Mỹ để chống Trung Quốc cũng sẽ chỉ đẩy Việt Nam vào thế kẹt, thành quân cờ trong tay nước lớn và có thể bị đổi chác, mua bán ngay trên lưng mình bất cứ lúc nào. Đó là một sai lầm – PV.
“Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam không dại gì mà đề nghị Mỹ giúp Việt Nam trong những tình huống như thế. Tôi không nghĩ là có chuyện như thế xảy ra. Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam cần hiểu rõ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ nằm ở đâu.Ngay cả người Mỹ cũng khẳng định điều này. Trả lời câu hỏi của đài BBC tiếng Việt ngày 5/7 rằng Hoa Kỳ ứng xử ra sao nếu không may Việt Nam lại bị Trung Quốc tấn công, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Fred Brown bình luận:
Chúng tôi không phải là đồng minh ký hiệp ước với Việt Nam và tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc là về sau nữa. Còn Trung Quốc luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu điều đó.”
Trong buổi hội thảo ngày 26/6, Tiến sĩ Murray Heibert cũng khẳng định, sẽ không có chuyện người Mỹ đem Hạm đội 7 ra ngăn chặn giàn khoan 981 khi nó xâm phạm vùng biển Việt Nam hoặc Mỹ sẽ can thiệp nếu xảy ra tình huống đối đầu trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hoa Kỳ chỉ có thể lên án những hành động gây hấn leo thang và gây sức ép quốc tế buộc Trung Quốc xuống thang. Ngay cả với 2 đồng minh khác nhau của Mỹ hiện nay là Nhật Bản và Philippines, mức độ cam kết đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ cũng khác hẳn nhau, phụ thuộc vào lợi ích những gì mang lại cho người Mỹ từ mối quan hệ này – PV.
Bởi vậy mục đích chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rõ ràng là nhằm nâng cao, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, không nhằm chống lại bất cứ ai – PV.
Tất nhiên, mọi xu thế khu vực và quốc tế có lợi cho Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích hợp pháp ở Biển Đông người Việt phải tận dụng tối đa, nhưng không có nghĩa là liên minh với nước này chống lại nước khác. Tự lực cánh sinh, tăng cường nội lực kết hợp tối đa hóa các trợ lực từ xu thế khu vực và quốc tế mới có thể giúp Việt Nam bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia. Dựa dẫm vào bất kỳ nước nào đều không phải là lựa chọn khả dĩ.
Cũng chẳng có quốc gia nào sẵn sàng tạo ra một liên minh đối đầu, xung đột với Trung Quốc chỉ vì để “giúp Việt Nam”, mọi hoạt động hợp tác đều phải trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích chung từ hai phía. Hãy xem xét Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, ASEAN có những lợi ích chung nào với Việt Nam ở Biển Đông để tận dụng nó trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp mới là việc Việt Nam nên làm.
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo và còn quá nhiều ràng buộc không thể bỏ qua giữa các nước này với Trung Quốc, nên không có chuyện Việt Nam liên kết với Mỹ hay Nga để chống Trung Quốc. Ngược lại, Mỹ hay Nga cũng chẳng thể hy sinh lợi ích của họ chỉ vì “nghĩa hiệp” với Việt Nam.
H. T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Truc-quan-he-MyVietTrung-dich-chuyen-am-tham-ma-sau-sac-post159852.gd