“Ngày 7-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 1304/QĐ-NHNN mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng/cổ phần; và chuyển đổi GP.Bank thành ngân hàng thương mại (NHTM) trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí Toàn cầu. NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GP.Bank; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP.Bank.” (Nguồn: Nhân Dân ngày 07/07/2015)
1. Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) là một doanh nghiệp phi Nhà nước hoạt động nhằm mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động của ngân hàng thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Luật doanh nghiệp 2014.
Trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu mất khả năng thanh toán thì cá nhân, tổ chức khác có thể mua lại cổ phần của các cổ đông, sử dụng bảo hiểm tiền gửi để giải quyết…hoặc thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản 2014. Nếu hoạt động của Ngân hàng phát hiện có dấu hiệu phạm pháp thì cơ quan điều tra có thẩm quyền phải khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân tham nhũng, làm mất mát tài sản của doanh nghiệp. Nếu là rủi ro trong hoạt động thương mại, đầu tư thì các đối tác liên quan là Ngân hàng và các khách hàng của Ngân hàng phải gánh chịu theo các quy định của pháp luật về “lời ăn, lỗ chịu”, bên nào vi phạm thỏa thuận hợp đồng thì bên đó phải bồi thường hoặc nộp phạt.
2. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang bộ của Chính phủ (khoản 1 điều 2 Luật NHNN 2010). Ngân hàng Nhà nước không phải là một doanh nghiệp. Chính phủ hoạt động không có nhiệm vụ tìm kiếm lợi nhuận (Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế – Luật Tổ chức Chính phủ).
Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng/cổ phần, chỉ có thể xảy ra hai trường hợp sau:
Trường hợp 01: Việc mua lại sẽ đem lại lợi nhuận cho Nhà nước.
Trường hợp 02: Việc mua lại sẽ làm cho ngân sách Nhà nước phải chi rất nhiều tỷ đồng để giải quyết các khoản nợ cho doanh nghiệp.
Nhưng bất luận là trường hợp nào thì hành vi Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) đều không có căn cứ pháp luật. Hay nói cách khác đây là hành vi vi phạm một cách nghiệm trọng hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Hà Nội, ngày 08/07/2015.
H. H. S.
Tác giả gửi BVN.