Ngài Đại sứ nói như vậy là sai lắm

Phát biểu của ngài Đại sứ Hoa Kỳ hôm 30-4-2010 tại Thủ đô Washington, nhìn ở tầm chiến lược cho một nước Việt Nam lựa chọn hướng đi giữa nhiều mối quan hệ phức tạp tại khu vực và trên thế giới, theo chúng tôi là một phát biểu có nhiều gợi ý sâu sắc. Không có con đường nào khác ngoài con đường tìm kiếm những đồng minh đáng tin cậy và biết dựa vào thế đan cài phức tạp giữa lợi ích của  các cường quốc để tạo ra thế và lực của mình, theo chiều hướng ngày càng xây dựng một đất nước đem lại cho dân nhiều tự do dân chủ hơn, và bằng con đường đa phương hóa các vấn đề đang gây căng thẳng như vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, trong một số ý kiến cụ thể, có thể vì sự tế nhị của tư cách một nhà ngoại giao, cũng có thể vì những lý do khác, ông đã đề xuất không trúng với tâm nguyện của đông đảo người Việt, nhất là trên vấn đề đánh giá sự hiện diện của Trung Quốc, về nhiều phương diện, trong khoảng mươi năm trở lại đây có ảnh hưởng hay không đến an ninh của đất nước mà ông đang là một sứ giả. Dưới đây là một trong số những lời đối thoại với ông Michael Michalak, theo chúng tôi rất đáng cho chúng ta cùng suy nghĩ.

Bauxite Việt Nam

Ngài Michael Michalak

Ngài Michael Michalak

Trả lời phỏng vấn Đài VOA, khi được hỏi về tình hình Bauxite ở Tây Nguyên, ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, đã nói: “Tôi cho rằng tình hình thực tế tại hiện trường có nhiều khác biệt, so với những câu chuyện gieo hoang mang sợ hãi mà tôi đã được nghe. Tôi tin là những câu chuyện ấy đã được… nói thế nào nhỉ, “thổi phồng”…

Nghĩ mãi không ra tại sao ông Michael Michalak lại nói vậy. Ông khuyên mọi người nên: “Tận mắt trông thấy những gì thực sự xảy ra”, cứ làm như lâu nay các nhà khoa học, các nhà văn, nhà báo… tóm lại là trí thức Việt đều ăn ốc nói mò khi bàn đến vấn đề Bauxite. Nghe ông nói y chang mấy ông qui chụp chuyên nghiệp, quá chán. Đã cố tình xa lánh mấy món chính trị chính em nhưng nghe ông nói vậy quá bực, không thể không lên tiếng.

Thưa ngài Đại sứ.

Là một một chính trị gia chuyên nghiệp, một Đại sứ Mỹ ở Việt Nam tất nhiên ông đã có trong tay hàng chục, thậm chí hàng trăm các phản biện lớn nhỏ của giới trí thức Việt. Ông cũng thừa biết ở Việt Nam bố bảo giới trí thức cũng chẳng dám ăn ốc nói mò khi đối diện với các quyết sách của Chính phủ.

Chắc chắn ông cũng đã nghe kĩ các đại biểu Quốc hội nói về vấn đề bauxite Tây Nguyên và những gì xung quanh đó. Ông thừa biết quan quyền Việt chẳng bao giờ ngu dại dám nói bừa trước Quốc hội, nếu họ muốn giữ cái cần câu cơm. Ở đâu không biết chứ ở Việt Nam các ông nghị một khi dám nói ra một thì họ đã có trong tay sự thật một trăm.

Chắc chắn ông cũng đã biết Bản Kiến nghị của hơn ba ngàn trí thức Việt, những người khi đặt bút kí họ đã đắn đo thế nào, nghĩa là họ biết chắc sự thật thế nào thì họ mới dám kí. Bởi vì họ thừa biết chuyện gì sẽ xảy ra sau chữ kí kia, sẽ nguy hiểm thế nào nếu đó là chữ kí vô trách nhiệm.

Chắc chắn ông cũng đã có trong tay ít nhất hai bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người lính trăm tuổi, qua nghìn trận mạc sẽ chẳng bao giờ lên tiếng nếu ông không biết chắc điều ông nói là sự thật 100%. Bởi vì chỉ cần 1% sai sự thật thôi thì rất có thể sự nghiệp trăm năm của ông sẽ tan thành mây khói.

Không biết ông đi thực tế kiểu nào mà dám bảo người ta thổi phồng, gieo rắc hoang mang, đi theo cách nhà văn Phạm Viết Đào một mình lặn lội thị sát Tây Nguyên hay đi theo lối nhà văn Lã Thanh Tùng, ngựa xe dập dìu, tiền hô hậu ủng?

Cũng trong bài phỏng vấn này, khi nói về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Biển Đông, ông nói: “Tôi không biết về ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc…”. Chẳng biết đấy là lối nói ngoại giao hay là lời nói thật. Nếu ông nói thật thì ớn ông tận óc. Ông nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam từ 2007, sau ba năm trụ trì mà ông không biết Trung Quốc đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì ở Biển Đông a? Nếu đúng vậy thì ông nên xách va li về nước cho nó khoẻ, để người khác làm ông ạ.

Đọc bài phóng vấn của ông chợt nhớ cú bắt tay Trung – Mỹ năm 1972 đã khiến Việt Nam cay đắng và điêu đứng như thế nào. Bây giờ mới hiểu vì sao Mỹ cử một người thông thạo tiếng Tàu là ông về làm Đại sứ Việt Nam.

NQL

Nguồn: http://quechoablog.wordpress.com/2010/05/04/ngai-dai-su-noi-vay-la-sai-lam/

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.