Hoàng Xuân Hãn bàn chuyện đi sứ

Những lời bàn của Hoàng Xuân Hãn về chuyện xưa ông cha ta đi sứ như thế nào đáng để cho những kẻ đi sứ ngày nay phải ngẫm nghĩ. Nói như tác giả Hoàng Yên Lưu: “Đi sứ như Lê Quý Đôn và Nguyễn Biểu mới không làm nhục dân tộc, không tủi hổ là con Rồng cháu Tiên. Còn học thói Trần Di Ái đi sứ Nguyên, dù là chú vua Trần nhưng chỉ vì danh lợi và hèn nhát nên đã cam tâm làm tôi tớ Bắc đình bán rẻ quốc gia hay như Trương Quyền [đúng ra là Trương Tùng (張松) – BVN] là sứ giả của Lưu Chương, chúa Tây Thục, vì lợi riêng mà mang bản đồ quê hương hết dâng cho Tào Tháo không xong lại mang hiến cho Lưu Bị thì tránh sao không bị muôn đời mai mỉa và thóa mạ.”

Bauxite Việt Nam

Bắc đình thời nào cũng vậy từ Tần Thủy Hoàng, Hán Quang Vũ, Đường Thái Tông, Tống Thần Tông, Nguyên Thế Tổ, Minh Thành Tổ, Thanh Càn Long cho tới Mao Trạch Đông… đều lăm le xâm lăng Nam quốc nếu có cơ hội và khả năng. Lòng tham không đáy, thủ đoạn dã man của rợ Hồ (như cách nói của Trần Quang Khải: “cầm hồ Hàm tử quan”) đã khiến dân Việt lúc nào cũng phải cảnh tỉnh và mài sẵn long tuyền (như Đặng Dung từng nói: “Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma”) để trảm xâm lăng bảo vệ giang sơn Hồng Lạc.

Đối với cường địch, dân Nam vốn kiên cường và dũng cảm nhưng “bất đắc dĩ dụng quyền”. Lại vì hiếu hòa, trọng nhân ái như Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Đem chí nhân để thay cường bạo”, nên trước lúc giao tranh và sau khi thắng trận, ta vẫn thường sử dụng “lễ”, nghĩa là ngoại giao để thức tỉnh kẻ thù rằng nên sớm tỉnh ngộ, tránh thảm bại nếu xâm phạm đất của “nam đế” như Tướng quân Lý‎ Th‎ường Kiệt từng khuyến cáo bọn đồ tể từ Biện Kinh kéo sang ta: “nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

“Tiên lễ hậu binh” nên trong ngoại giao cần nhất vai trò của sứ giả. Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Lý‎ Thư‎ờng Kiệt kể chuyện sứ giả đại diện cho vua Lý‎ là Đào Tông Nguyên theo lệnh vua nước ta, vào năm 1078 sang sứ Tống, mượn cớ cống voi nhưng chủ tâm đòi lại châu Quảng Nguyên, vốn đất ta mà bọn Quách Quỳ chiếm đoạt. Ta lấy lại được Quảng Nguyên nhờ có vua hiền, tôi giỏi, lại thêm sứ giả tài ba nên Tống Thần Tông biết khó nuốt châu quận của đất Việt phải cắn răng trả Quảng Nguyên cho phương Nam. Người sau mai mỉa vua tôi nhà Tống trong sự kiện ngoại giao này:

Nhân tham Giao Chỉ tượng

Khước thất Quảng Nguyên kim.

(Vì tham voi Giao Chỉ nên mất vàng Quảng Nguyên)

Hoàng Xuân Hãn luôn luôn ca tụng chính sách ngoại giao và bảo vệ giang sơn của tổ tiên chúng ta:

“Nếu ai xét lịch sử Nam tiến của dân tộc Trung Quốc, thì không thể không ngạc nhiên trước sự ngày nay còn có nước Việt Nam tự chủ trong khi các bộ lạc “Man-di”đã bị thôn tính từ triền sông Dương Tử đến sơn tuyến từ Ấn Độ sang Đông Hải nước ta. Các nước ở phương Nam đã không bị quận huyện, chính nhờ sơn tuyến ấy, chỉ trừ đất Lạc Việt thì có năm đường thủy lục từ biên giới Bắc, châu vào trung nguyên triền sông Nhị, lớn chỉ bằng một phủ của Trung Quốc mà thôi. Sự tồn tại ấy đã nhờ vào các đức tính thông minh, bền bỉ, tự hào của con cháu Lạc dân; biết học tập văn hóa người mà không để thâu hóa; biết lợi dụng hình thế, thời tiết, khí hậu nước mình; biết thừa cơ thế yếu tạm thời của Trung Quốc mà giải phóng nước mình; biết khống chế Nam thùy không để Trung Quốc lừa gạt liên minh để phân tán thế lực ta; biết thâu hóa những dân tộc hoặc cá nhân dị chủng, kể cả những người đến đô hộ mình; và biết nhún nhường, hòa hảo đối với Trung Quốc khi họ không tỏ ý xâm lăng”.

Trong lãnh vực quân sự và chính trị ta đã có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Quang Trung. Còn bảng vàng ngoại giao đời sau kể tới Đào Tông Nguyên, Mạc Đĩnh Chi, nhất là Nguyễn Biểu và Lê Quý‎ Đôn.

Sứ giả không những phải học rộng tài cao, có thể dùng học vấn và ngôn ngữ để khuất phục kẻ thù, khiến đối phương ở nơi tự hào là nguồn cội Khổng-Mạnh, nơi sản xuất Kinh Thi và Sở Từ cũng phải tâm phục khẩu phục. Vì phục sứ giả nên vua quan phương Bắc không thể coi phương Nam là man di mọi rợ được. Đó là Lê Quý Đôn ở tuổi ba mươi đã khiến kẻ sĩ Bắc đình nghiêng mình kính trọng.

Hoàng Xuân Hãn trong bài Lê Quý Đôn đi sứ Thanh đã cho chúng ta biết: “Trong bài Đề Từ sách Bắc Sứ Thông Lục, ông kể chuyện rằng: “Khi ta mới tám chín tuổi, học sách Luận Ngữ (Khổng Tử) với cha, đến câu “Làm việc biết điều đáng thẹn, đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh Vua, như thế có thể gọi là kẻ Sĩ”, cha tôi hỏi: “Mày có thể làm như vậy không?”. Tôi đáp: “Chỉ biết thẹn là khó mà thôi. Còn đi sứ làm vẻ vang Nước nhà, làm trọng mệnh Vua, thì có khó gì?”. Cha tôi cười mà bảo: “Thằng bé này có hào khí!” và dạy rằng: “Ý khí thì cố nhiên nên hào, nhưng không nên quá. Nên không nhún, không rời phẩm cách, nhưng phải nhã nhẵn, nhẹ nhàng, đừng để lộ ra một chút thô suất”. Tôi thưa: “vâng”.”

Sử gia nhắc lại:

“Gần cuối triều Lê, đời Cảnh Hưng, hai lễ tuế cống năm 1756 và 1759 cử hành từ kinh đô Thăng Long vào đầu năm 1760. Vả chăng ở nước ta, trước đó 20 năm, đã có chuyện đổi vua mà giấu ‘Thiên Triều’. Nguyên là, năm 1735, khi vua Long Đức (Thuần Tông) mất, chúa Trịnh Giang lập em vua lên ngôi với niên hiệu Vĩnh Hựu. Vua Thanh cũng chịu sắc phong. Nhưng đến năm 1740, có phe đảng lập kế truất Trịnh Giang để lập Trịnh Doanh và nhân đó bỏ vua Vĩnh Hựu mà lập con vua trước, với niên hiệu Cảnh Hưng. Việc này tất nhiên không để vua Thanh biết. Vậy thì vua Cảnh Hưng ở ngôi trong 20 năm mà không có sắc phong của vua Thanh. Đối với Thanh, ta vẫn phải lấy tên vua Vĩnh Hựu để giao thiệp, và đối nội thì vua này được tôn làm Thái Thượng Hoàng. Trong khi đang sửa soạn việc tuế cống này, Thái Thượng Hoàng mất (8-6 Kỷ Mão 1759). Triều đình ta nhân dịp, xin phó thêm sứ vụ: việc cáo ai và cầu phong.

Sứ bộ gồm: chánh sứ Trần Huy Mật 45 tuổi, người huyện Đông Sơn xứ Thanh Hóa, đậu tiến sĩ năm 1736; giáp phó sứ (phó sứ số 1) Lê Quý Đôn 33 tuổi, người huyện Diên Hà xứ Hải Dương, đậu bảng nhãn khoa 1752; và ất phó sứ (phó sứ số 2) là Trịnh Xuân Chú 55 tuổi, người huyện Đông Ngạn xứ Kinh Bắc, đậu tiến sĩ khoa 1748. Công chức phụ tá gọi là hành nhân, có 9 người, 3 thông sự (phiên dịch), 2 trung thư (thư kí), 2 y viện (y sĩ) và 2 người thường vụ. Các sứ lại được chọn một số tùy nhân để giúp việc riêng, số là 11 người; và có thể đem theo một người bà con thân cận gọi là môn tử. Lần này với 2 môn tử, sứ bộ gồm tất cả 25 người.

“Vì còn ít tuổi, chức tước chưa cao, cho nên ông chỉ được sung phó sứ số một, nhưng kì thật thì trong các cuộc ứng đối, ông đứng hàng đầu. Trong phần nhỏ sách ký sự của ông còn lại, ta cũng thấy người Trung Quốc để ý đến ông hơn chánh sứ nhiều. Lời ông viết nối trong Đề Từ: “Từ trước đến nay, văn thần được tuyển đi sứ là trên dưới 50 tuổi. Mà tôi vâng mệnh đi lần này, tuổi mới hơn 30, bề ngoài còn hăng hái sỗ sàng. Tự vui thích chơi bời bay nhảy, cảm tình với xưa, tò mò với nay. Đến đâu cũng đề vịnh (xướng họa với chánh sứ đến vài trăm bài). Đến những chỗ công sảnh, nhà quan, hễ thấy đối liễn, thơ đề trên quạt, ta đều nhẩm ghi để khi về thuyền sao lại. Ta lại được các bậc cao sĩ phu Trung Châu đem thi từ thân tặng. Cho nên trong lúc này có ghi nhiều văn từ thấy ở các công thự, ở phong cảnh núi sông, những lời hỏi đáp với các quan liêu”.

Sự thành tựu của sứ vụ, thì ông tự phê bình trong Đề Từ:

“Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiểm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu, bậc cả, sĩ phu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Lại có sứ Triều Tiên, quan Khâm Sai bạn tống đều là những bậc văn hào. Họ đã không coi mình là người nước ngoài mà khinh, đã tiếp chuyện nhiều lần. Tôi may nhờ hồng phúc, dùng văn tự nói chuyện, may khỏi bị khinh khi, mà còn được tán khen. Các sách Quần Thư Khảo Biện và Thánh Mô Hiền Phạm Lục là những sách tôi soạn trước 30 tuổi, được các người thích và giữ như của quí. Vậy mới biết lòng người không khác nhau. Lấy lòng thành thật chính trực đãi nhau, lấy văn tự làm quen nhau thì người bốn bể đều là anh em cả… Vả chăng nếu mình rụt rè, tự coi mình là người nơi xa vắng, ít giao tiếp, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta”.

Trí thức phương Trung nguyên đã bị Lê Quý Đôn chinh phục qua những lời hỏi đáp. Chẳng hạn khi một danh Nho nhà Thanh là Chu Bội Liên đặt một câu hỏi chê nước ta không có thành quách nguy nga, lập tức nhận được câu trả lời ngầm nhấn mạnh “chỉ vì họa ngoại xâm từ phương Bắc rình rập nên phải có kế hoạch phòng vệ thích nghi”.

“Chu nói: “Quí quốc có nhiều người tài nghệ như thế, mà tôi nghe rằng hiện nay, các trị sở tại trấn, phủ, huyện đều không có thành quách, là tại sao?”

Lê Quý Đôn đáp: “Sách Hán chí chép: Giao chỉ có hơn 60 thành. Gần đây, trong khoảng triều Minh cai trị, cũng đắp hơn 20 thành. Không phải rằng nước tôi không biết giữ nếp cũ, nhưng ban đầu, khi quốc triều (Lê) mới lập, đã san bằng hết. Chỉ ở trấn thị, đắp lũy đất mà thôi. Tôi trộm nghĩ rằng đó bởi có thâm ý…”.

Chu hỏi: “Tại sao?”.

Đáp: “Nước nhỏ tôi và nước lớn Ngài, sự thể không giống nhau. Nay may được Thánh triều ôm ấp vỗ về, hai nước thành một nhà, không phải trở lại lo nữa. Nhưng trong buổi đầu triều Nguyên và triều Minh, bị tụi biên thần tham công mà sinh sự với nước tôi. Chúng tôi sợ bị đột nhập. Nếu tụ nhau ở trong một thành, ngồi để chịu vây đánh, thì chẳng là kế hay. Dân chúng là lính, làng mạc là của. Nếu ở linh tinh phân tán, thì muốn đánh cũng không chỗ nào mà đánh, muốn cướp cũng không thấy đâu mà cướp. Trái lại, nhân chỗ họ mà phá rối, đặt phục mà cản đường. Làm như vậy mới có thể giữ nước”.

Những câu trả lời trên thật là lý thú. Một mặt, nhờ Lê Quý Đôn nhắc lại, chúng ta được biết cái cửa Thiên An Môn cùng 8 cửa khác của thành Bắc Kinh là công trình của người nước ta, cũng như doanh thự trong thành. Việc nầy người Trung Quốc đời nay vẫn biết. Một mặt khác, ông đã giải thích một cách chí lý chiến lược “của không nhà trống”, phân tán du kích, để cảnh giác người Thanh. Chu Bội Liên phải khen rằng: “Sứ quân biện cực tài! Nhưng cuối cùng, tôi cho rằng như thế không bằng xây thành quách làm hiểm trở mà tự thủ…!”.

Rồi sau khi Lê Quý Đôn lý luận bác thuyết Việt Thường hiến bạch trị cho Chu Vương và Chu Vương cho xe chỉ nam, Bội Liên mừng rỡ mà khen: “Bàn luận thật là khoái, khiến người thán phục và kính trọng!”.

Và ngày nay, đọc đến đây, cũng phải thán phục một người trẻ tuổi, học tiếng nước ngoài, phải theo đòi cử nghiệp, mà đã kiến thức mông mênh, lý luận chắc chắn, ứng đối mẫn tiệp như Lê Quý Đôn. Thật ông đã làm đúng như lời hứa với cha khi tám chín tuổi: làm vẻ vang Nước nhà”.

Trong bản dịch Nghĩa sĩ truyện của Hoàng Trừng, kể lại chuyện vị đại anh hùng thời Trần mạt là Nguyễn Biểu, Hoàng Xuân Hãn lại có cơ hội nói về một đại sứ giả của nước ta khi vận nước chông chênh trước giặc Minh tàn bạo:

“Đức Nguyễn-Biểu, người huyện Chi-la, làng Bình-hồ. Đậu Thái-học-sinh. Về đời Trần Trùng-quang làm quan đến chức Điện-tiền-thị-ngự-sử. Tính Ngài rất cương trực, gặp việc gì thì quả-quyết nói ngay. Trước hồi bấy giờ, giặc Minh sai Trương-Phụ đắp thành trên núi Nghĩa-liệt. Vua Trùng-quang đắp thành ở Chi-la về phía nam sông, cùng giặc đối lũy.

Sau vua vào Hóa-châu. Trong khoảng đời vua Minh Thành-tổ hiệu Vĩnh-lạc có xuống chiếu tìm con cháu nhà Trần. Vua bèn sai Ngài sung chức đi cầu phong. Ngài bèn lạy trước bệ vua để lĩnh mệnh; tiện đường qua thăm nhà, yết tổ-tiên và sắm sửa đồ lề, rồi mới ra đi. Khi tới trước tướng giặc Trương-Phụ, bọn giặc bảo Ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc-nhích. Nhân thế, giặc đặt tiệc thết, nấu một đầu người mà mời, cốt để dò cho rõ ý Ngài. Ngài tức thì lấy đũa, khoét hai mắt, hòa với giấm mà nuốt (trong bản chép có chua thêm rằng: Lúc tiệc bày ra, Ngài cười mà nói: đã mấy lúc mà người Nam được ăn đầu người Bắc).

Trương-Phụ than rằng: “Thực là một tráng-sĩ, thấy thế mà không kinh sợ”. Giặc biết Ngài không chịu khuất, lấy lễ phép mà mời Ngài về.

Ngài về tới cầu Lam. Có tên Phan-Liêu là con Phan Quý-Hựu, người làng Bàn-thạch, huyện Thạch-hà, trước đã hàng với giặc, được làm tri-châu Nghệ-an và hay cùng giặc vào ra bàn-bạc. Nhân đó, Trương-Phụ hỏi Liêu rằng Ngài là người thế nào? Liêu vốn cùng Ngài không thích-hợp, nên nói rằng: “Người ấy là một người hào-kiệt nước An-nam. Nếu Ngài muốn lấy nước An-nam mà lại thả người ấy ra thì việc làm sao xong được”. Trương-Phụ cho là phải, tức thì sai người đuổi bắt trở lại. Ngài tự đoán chắc là phải giết, bèn lấy tay đề vào cột cầu Lam rằng: “Thất nguyệt sơ nhất nhật Nguyễn-Biểu tử” nghĩa là “ngày mồng một tháng bảy Nguyễn-Biểu mất”.

Ngài bèn trở lại. Trương-Phụ trách Ngài vô-lễ, người hầu bắt Ngài lạy. Ngài càng không chịu khuất, và nghiêm sắc mặt mà mắng Trương-Phụ rằng: “Bề trong thì lấy kế để mưu đánh lấy, bề ngoài thì phao rằng đem quân sang để làm việc nhân-nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, mà lại đặt bày ra quận huyện để cai-trị. Không những cướp của-cải quý báu, mà lại còn giết hại sinh-dân. Bay thực là tụi giặc làm càn!”

Trương-Phụ giận lắm, trói Ngài vào dưới cầu Lam, trước chùa Yên-quốc, rồi đánh chết (bản chép có chua thêm: lúc ấy, ba ngày nước thủy-triều không lên đến đó. Ngài vẫn mắng Phụ không dứt tiếng. Phụ cho là có thần giúp, bèn cởi trói và đem trói trước cửa chùa Yên-quốc rồi đánh chết). Sau lúc Ngài mất (bản chữ Hán có chép thêm rằng: Phụ vì nghĩa mà lấy hậu-lễ đem táng Ngài ở làng Bình-hồ. Bây giờ trước miếu là lăng đó). Vua nghe tin lấy làm đau-đớn và than-tiếc.

Vua Lê Thái-tổ khởi nghĩa ở núi Lam-sơn, cùng quân Minh đánh nhau ở chùa Bình-than. Ngài báo mộng rằng sẽ đến giúp. Quả thực, quân Minh thua to. Sau lúc đã đại-định rồi, vua hạ chiếu lập đền thờ ở làng cũ, sắc phong làm Nghĩa-sĩ đại-vương, sai quan mỗi năm về tế: cho cắt một người trong con cháu làm chức phúng lễ, hai người phụ-tế, sáu tên hầu rượu để thờ Ngài.

Về sau, con cháu Ngài, đời đời quý hiển người ta cho là vì lòng trung-nghĩa của Ngài mà giời báo đáp.

Ôi! lúc thời mạt, cúi đầu mà theo, bỗng nhiên không kẻ vì vua can-gián; khi gặp nạn, tiết-tháo thay đổi, ai là tôi giỏi, vì nghĩa chết trung. Chỉ có Ngài, gặp thời vận hết, nước nhà nghiêng đổ lìa tan mà hay vì nước hết lòng trung, bỏ thân giữ nghĩa. Làm như vậy, nghìn năm sau, nghe tiếng Ngài, người ta vẫn tưởng rằng sinh-khí Ngài còn rõ-ràng trước mắt. Hoặc là cuộc đời thay đổi, kẻ đã hàng giặc, thấy đó mà không thẹn lắm ru!”.

Đi sứ như Lê Quý Đôn và Nguyễn Biểu mới không làm nhục dân tộc, không tủi hổ là con Rồng cháu Tiên. Còn học thói Trần Di Ái đi sứ Nguyên, dù là chú vua Trần nhưng chỉ vì danh lợi và hèn nhát nên đã cam tâm làm tôi tớ Bắc đình bán rẻ quốc gia hay như Trương Quyền là sứ giả của Lưu Chương, chúa Tây Thục, vì lợi riêng mà mang bản đồ quê hương hết dâng cho Tào Tháo không xong lại mang hiến cho Lưu Bị thì tránh sao không bị muôn đời mai mỉa và thóa mạ.

H. Y. L.

—————–———

Tài liệu tham khảo:

– Lê Quý Đôn đi sứ nước Thanh -Hoàng Xuân Hãn- Giai Phẩm Đoàn Kết Xuân 80

– Nguyễn Biểu, một gương nghĩa liệt -Tuyển tập La sơn Yên hồ q.2, do nhóm Hữu Ngọc soạn 1998

Nguồn: http://thoibao.com/hoang-xuan-han-ban-chuyen-di-su/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.