Thấm thoát đã 40 năm kể từ ngày cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Khoảng thời gian dài đó dường như không đủ để hàn gắn lòng người ly tán. Tệ hại hơn, khoảng thời gian đủ dài cho bất cứ một đất nước bình thường nào cũng có thể vươn lên, lại phải chứng kiến một nước Việt Nam vẫn chìm đắm trong lạc hậu.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (The World Bank)[1] thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) của Việt Nam vào năm 2013 là 1910 Mỹ kim, xếp Việt Nam vào hạng thứ 123 trong số 169 nước trên thế giới có số liệu thu thập. Trong khi đó thu nhập trung bình của các quốc gia được liệt vào hạng trung bình thấp (lower middle income) của thế giới là 2043 Mỹ kim, và thu nhập trung bình của tất cả các quốc gia trên thế giới là 10610 Mỹ kim .
Đại Hàn Dân Quốc (Daehan Minguk, 大韓民國, Republic of Korea, trong bài này sẽ gọi tắt là Hàn Quốc) là một đất nước trong khu vực, có lịch sử và văn hoá gần giống với Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, Hàn Quốc nằm ở một vị thế không khác Việt Nam, nếu không nói là có phần bất lợi hơn: phía bắc và tây của bán đảo Triều Tiên là Trung Quốc, phía đông là Nhật Bản. Trong lịch sử, cả hai nước này đã từng nhiều lần xâm chiếm bán đảo Triều Tiên.
Sau cuộc chiến tàn phá đất nước từ năm 1950 đến 1953, Hàn Quốc trải qua một thời kỳ nghèo khó, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng hiện nay đất nước này đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu của thế giới. “Kỳ tích Hán giang” (Miracle of the Han River) là điều khiến cả thế giới ngạc nhiên và khâm phục. Vào thời điểm 40 năm sau khi cuộc chiến Hàn Quốc kết thúc, nghĩa là vào năm 1993, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 8869 Mỹ kim theo giá trị tiền tệ thời bấy giờ. Thu nhập trung bình của tất cả các nước vào lúc đó là 4653 Mỹ kim, trong khi trung bình của khối các nước có thu nhập cao nhưng không thuộc các nước phát triển (high income non-OECD countries) là 5477 Mỹ kim.[2]
Những con số trích dẫn bên trên là bằng chứng rõ ràng về sự thất bại của nhà cầm quyền Việt Nam trong 40 năm xây dựng đất nước trong thời bình (ngoại trừ một số năm chiến tranh cục bộ ở biên giới phía bắc và tây nam). Đã có những bài viết so sánh sự phát triển của Hàn Quốc và Việt Nam sau chiến tranh.[3] Bài viết này nhằm tìm hiểu sơ lược lịch sử đất nước Hàn Quốc, thu thập các dữ kiện góp phần trả lời hai câu hỏi:
- Vì sao Hàn Quốc phát triển nhanh như vậy?
- Các nước đang phát triển có thể học được bài học gì từ Hàn Quốc?
Sơ lược lịch sử Hàn Quốc đến năm 1953
Hàn Quốc, Đại Hàn, Cao Ly, Triều Tiên là các tên gọi khác nhau của đất nước nằm trên một bán đảo nơi miền viễn đông của Á châu. Vương triều đầu tiên trên bán đảo này là Cổ Triều Tiên (Gojoseon, 古朝鮮) được thành lập từ hơn 2000 năm trước Công Nguyên. Trải qua một thời gian dài phân chia và chiến tranh, vương triều Cao Ly (Goryeo, 高麗) được thành lập năm 918. Goryeo hay Cao Ly là nguồn gốc của tên tiếng Anh “Korea” dành cho bán đảo Triều Tiên.[4] Tên của vương triều cũng được dùng làm tên của vương quốc.
Năm 1392, tướng Lý Thành Quế (Yi Seong-gye[5], 李成桂) lật đổ triều đại Cao Ly để thành lập vương triều Triều Tiên (Joseon, 朝鮮) hầu gợi lại triều đại cũ Cổ Triều Tiên. Đây là triều đại lâu dài và thịnh vượng nhất của đất nước này với sự phát triển đáng kể về văn học, nghệ thuật, kiến trúc, khoa học, giáo dục.[6] Trong triều đại này, Khổng giáo được coi là hệ tư tưởng chính thay thế cho ảnh hưởng thống trị của Phật giáo được phát triển mạnh dưới triều đại Cao Ly. Năm 1897 Triều Tiên được đổi thành Đại Hàn Đế Quốc (Daehan Jeguk,大韓帝國, Korean Empire), từ đó có tên Đại Hàn hay Hàn Quốc.
Từ năm 1910 đến năm 1945, Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản. Ngày 1 tháng 3 năm 1919, cuộc biểu tình ôn hoà khắp bán đảo Triều Tiên đòi độc lập bị Nhật Bản đàn áp dã man. Sau biến cố này, Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Triều Tiên được thành lập tại Thượng Hải, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại sự cai trị của Nhật.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi, phía bắc vĩ tuyến 38 do Liên Xô quản lý, và phía nam do Hoa Kỳ kiểm soát. Tháng 11 năm 1947, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) ra quyết nghị tổ chức tổng tuyển cử tại Hàn Quốc, dưới sự giám sát của LHQ. Vì Liên Xô từ chối sự giám sát này trên vùng đất phía bắc vĩ tuyến 38, việc bầu cử chỉ được tổ chức ở phía nam vào ngày 10 tháng 5 năm 1948. Đại Hàn Dân Quốc được thành lập với Tổng thống dân cử đầu tiên Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman[7]). Một chế độ cộng sản do Liên Xô ủng hộ được thiết lập ở phía bắc, đó là nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea), dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).[8]
Ngày 25 tháng 6 năm 1950 quân đội bắc Triều Tiên bất ngờ tấn công Hàn Quốc. Cuộc chiến kéo theo sự tham gia của lực lượng LHQ (do Hoa Kỳ lãnh đạo) để bảo vệ Hàn Quốc. Quân đội Trung Cộng chiến đấu trực tiếp bên cạnh quân đội bắc Triều Tiên, với sự ủng hộ của Liên Xô. Sau 3 năm 1 tháng, cuộc chiến kết thúc ngày 27 tháng 7 năm 1953. Hai bên trở lại với vĩ tuyến 38 chia đôi đất nước. Các bên tham chiến đưa ra con số tử vong khác nhau, nhưng điều không thể chối cãi là hằng triệu binh lính và thường dân cả hai bên thiệt mạng. Đất nước bị tàn phá thảm khốc.
Những năm sau chiến tranh
Trong thời gian bị Nhật đô hộ (từ 1910 đến 1945), nền kinh tế của cả bán đảo Triều Tiên lệ thuộc hoàn toàn vào Nhật Bản, từ vốn liếng đến kỹ thuật và quản lý. Việc chia đôi đất nước mang lại hậu quả tai hại cho miền nam (Hàn Quốc). Trong khi dân số của Nam Hàn là 15,6 triệu người và của Bắc Hàn là 7,9 triệu (theo thống kê năm 1940) thì 92% nguồn sản xuất điện là từ các nhà máy ở miền bắc (do Nhật xây dựng trong thời gian chiếm đóng). Đa số các nguồn tài nguyên, các nhà máy kỹ nghệ nặng và hoá chất cũng nằm ở phía bắc.[9] Làn sóng di cư từ bắc vào nam[10] và việc hồi hương của những kiều dân Triều Tiên sống trên đất Nhật là nguyên nhân của nạn khan hiếm thực phẩm trầm trọng.
Thiệt hại gây ra bởi chiến tranh (nhà cửa, cơ sở vật chất, sản xuất, vân vân) lên đến 3 tỉ Mỹ kim, tương đương với GNP của cả hai năm 1952 và 1953. Hàn Quốc lúc đó là một trong những nước nghèo nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người (GNP per capita) vào năm 1953 là 67 Mỹ kim.[11]
Thiệt hại về tinh thần trầm trọng không kém thiệt hại vật chất. Ước tính có khoảng gần 6 triệu người (khoảng 20% dân số vào thời điểm đó) thất lạc thân nhân. Vài thập niên sau, có vẻ như “Kỳ tích Hán giang” chữa lành bề mặt vết thương của cuộc chiến, nhưng vết thương trong tâm hồn vẫn dai dẳng, cho đến ngày hôm nay. Ngày 30 tháng 6 năm 1983 hầu như cả nước Đại Hàn rơi lệ khi Đài KBS phát sóng trực tiếp chương trình đoàn tụ với thân nhân bị thất lạc trong chiến tranh. Vượt ngoài dự kiến của Đài KBS, chương trình ban đầu được dự định phát hình 1 buổi phải kéo dài 138 buổi, với hơn 100.000 người ghi tên xin tìm kiếm thân nhân. Trong số đó, chỉ hơn 10.000 người tìm lại được người thân, vì nhiều lý do trong đó có lý do là sự cứng rắn vô lý của chính phủ Bắc Triều Tiên.[12]
Người dân Hàn Quốc phải tạm quên nỗi đau tinh thần để lo phát triển đất nước. Vì mối đe doạ của Bắc Triều Tiên, Chính phủ Lý Thừa Vãn tập trung phát triển quân đội hơn là phát triển kinh tế. Tham nhũng khiến chính quyền gặp sự phản kháng mạnh mẽ từ người dân, nhất là từ giới sinh viên. Ngày 25 tháng 4 năm 1960, trước áp lực của dân chúng, Tổng thống Lý Thừa Vãn rời chức vụ và sống lưu vong. Chính phủ dân chủ do Tổng thống Doãn Phổ Thiện (Yun Bo-seon) và Thủ tướng Trương Mẫn (Chang Myon) không ổn định được tình hình. Ngày 16 tháng 5 năm 1961, Thiếu tướng Phác Chánh Hi (Park Chung-hee, 1917 – 1979) cầm đầu cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính phủ Doãn Phổ Thiện.
Phác Chánh Hi nắm quyền lãnh đạo Hàn Quốc trong suốt 18 năm, từ 1961 đến khi Ông bị giám đốc Cục Tình Báo Trung Ương Hàn Quốc Kim Tái Khuê (Kim Jae-gyu) ám sát chết ngày 26 tháng 10 năm 1979. Trong lịch sử Hàn Quốc có lẽ thời gian cầm quyền của Phác Chánh Hi là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất đối với công luận Hàn Quốc, với các chính trị gia, và các nhà nghiên cứu trong lẫn ngoài nước. Tuy cứng rắn và được xem như một nhà lãnh đạo độc tài, Ông đã giúp thay đổi Hàn Quốc, đưa đất nước này từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp.
Sáng kiến và cải cách
Sự thành công về kinh tế của Hàn Quốc gắn liền với vai trò của Tổng Thống Phác Chánh Hi. Khác với Lý Thừa Vãn, Phác Chánh Hi chủ trương xây dựng một nền kinh tế vững mạnh để làm cơ sở cho việc phát triển quân đội, kiến tạo một đất nước hùng cường, có thể đối đầu với phe cộng sản Bắc Triều Tiên. Cần nhắc lại, vào đầu thập niên 1960 Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hơn hẳn Đại Hàn Dân Quốc về sản xuất công nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, và ổn định chính trị. Quyết định kiến tạo kinh tế vững mạnh để củng cố quốc phòng có lẽ là bài học mà Phác Chánh Hi học được từ Nhật Bản trong thời gian ông phục vụ trong quân đội Nhật ở Mãn Châu.
Việc xác định một thể chế đúng đắn với đường lối công nghiệp hoá hợp lý là tiền đề cho sự thành công của Hàn Quốc. Thêm vào đó là vai trò của giáo dục để tạo ra một đội ngũ lao động thích hợp cho sự phát triển kinh tế. Hơn nữa trách nhiệm xã hội của công dân được hình thành qua giáo dục. Chính phủ đóng vai trò điều tiết một nền kinh tế vĩ mô ổn định, tỉ lệ lạm phát thấp, chi tiêu công hợp lý, đầu tư vào phát triển nhân lực.[13]
Để tạo nguồn vốn ban đầu quan trọng cho sự phát triển kinh tế, Phác Chánh Hi đã đưa ra hai quyết định quan trọng, bất chấp sự mạo hiểm về chính trị. Đó là quyết định bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản và gửi quân đội tham chiến bên cạnh quân đội Đồng minh tại Nam Việt Nam.[14] Theo Donald Gregg, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc từ năm 1989 đến năm 1993, việc bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản vào năm 1965 mang đến cho Hàn Quốc 800 triệu Mỹ kim tiền viện trợ kinh tế, và việc gửi quân tham chiến tại Nam Việt Nam mang lại cho Hàn Quốc nguồn ngoại tệ lớn nhất lúc đó. Nguồn vốn ban đầu này giúp thay đổi tình hình kinh tế của đất nước; trong khoảng thời gian cầm quyền của Phác Chánh Hi thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp hơn 10 lần.[15]
Một quyết định quan trọng khác của Phác Chánh Hi là việc thúc đẩy công nghiệp hoá đất nước theo hướng xuất khẩu (export-oriented industrialisation, EOI). Theo kế hoạch này Hàn Quốc chấp nhận nhập khẩu những mặt hàng mà họ không thể sản xuất với giá thành rẻ hơn giá nhập khẩu. Thay vào đó họ tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế so sánh (comparative advantage) để xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước.
Trái ngược với đường hướng phát triển kinh tế này, nhiều nước đang phát triển áp dụng chính sách công nghiệp hoá để thay thế nhập khẩu (import substitution industrialisation, ISI). Việt Nam trong nhiều năm sau năm 1975 áp dụng chính sách ISI, với những kế hoạch 5 năm công nghiệp hoá đất nước, với chủ trương tự lập, tự cung, tự cấp, bên cạnh những sai lầm khác, khiến nền kinh tế cả nước kiệt quệ.
Thật ra Phác Chánh Hi không loại trừ hẳn chính sách ISI mà Ông xem EOI và ISI là hai chính sách bổ sung nhau. Những dự án ISI nhằm hướng tới xuất khẩu cũng được khuyến khích.[16] Việc khuyến khích thành lập các tập đoàn (âm tiếng Hàn: chaebol, chữ Hán: 財閥, Hán Việt: tài phiệt) như tập đoàn LG, Hyundai, Samsung, Lotte, vân vân, cũng nằm trong sự bảo trợ của nhà nước theo hướng phát triển xuất khẩu.
Về phương diện xã hội để đối phó với sự lạc hậu của vùng thôn quê và giúp nâng cao cuộc sống người nông dân, Phác Chánh Hi phát động phong trào Saemaul Undong (Tân Hương Vận động, 新鄉運動, hay phong trào Nông thôn mới, New Village Movement). Cần nhắc lại là cho đến năm 1970, vẫn còn 80% người dân nông thôn phải sống trong nhà mái lá, không có điện thắp sáng mà phải dùng đèn dầu.
Mục tiêu của phong trào Saemaul Undong là khuyến khích người nông dân tự giúp mình, hợp tác giúp đỡ nhau để phát triển nông thôn, với sự tài trợ của nhà nước. Về tinh thần, phong trào cổ động việc phát huy mối quan hệ thân thiện với láng giềng, phát huy truyền thống của dân tộc dựa trên lòng hiếu thảo và nâng cao ý thức cộng đồng. Phong trào đề cao ba phẩm chất chính, đó là sự cần cù, tự lực và hợp tác.
Sự thành công của phong trào Saemaul Undong nhanh hơn sự mong đợi. Đến năm 1974, thu nhập ở nông thôn đã cao hơn ở thành thị; đến năm 1977, 98% các xã đã có thể độc lập về kinh tế.[17]
Phát triển kinh tế song song với phát triển giáo dục
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhận thức rõ vai trò của giáo dục trong việc phát triển đất nước. Trong bài diễn văn tại Đại hội Toán thế giới 2014 (International Congress of Mathematicians ICM 2014) tổ chức tại Seoul vào tháng 8 năm 2014, Tiến sĩ Chung KunMo (cựu Bộ trưởng Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc) nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, khoa học và kỹ thuật cùng với vai trò trụ cột của toán học trong việc phát triển kinh tế.[18]
Theo Tiến sĩ Chung KunMo, trong nhiều thập niên, Chính phủ đã nỗ lực trong việc gửi sinh viên sang học tập ở các nước tiên tiến (chủ yếu là Hoa Kỳ), đồng thời đẩy mạnh việc chiêu gọi các nhà khoa học, các giáo sư đại học gốc Hàn trở về giúp xây dựng đất nước. Điển hình là vào năm 1971, đích thân ông đã mời 50 trong số 260 giáo sư gốc Hàn tại Hoa Kỳ trở về giảng dạy tại viện KAIST (Korean Advanced Institute of Science and Technology) khi viện này được thành lập.
Sự đầu tư đúng mức này đã đưa KAIST lên vị trí một trong những trường đại học hàng đầu của thế giới. Theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Times Higher Education, năm 2014 KAIST đứng ở hạng 52 (http://www.timeshighereducation.co.uk).
Sự phát triển của nền toán học Hàn Quốc cũng là điều đáng nhắc đến ở đây. Hàn Quốc chính thức gia nhập Hiệp hội Toán học Quốc tế (International Mathematical Union, IMU) vào năm 1981, ban đầu thuộc nhóm 1. Đến năm 1993 được nâng lên nhóm 2, và đến năm 2007 được đặc cách lên nhóm 4, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của IMU.[19], [20]
Theo Giáo sư Martin Groetschel (Thư ký Ban chấp hành IMU nhiệm kỳ 2011 – 2014), vào năm 1981 các nhà toán học Hàn Quốc chỉ có 3 công trình toán học đăng trên các tạp chí toán quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay Hàn Quốc xếp hàng thứ 12 trên thế giới về tổng số công trình đóng góp.[21]
Một sự phát triển ngoạn mục khác cần nói đến là trong hai thập niên 1970 và 1980 nhiều nhà toán học Hàn Quốc phải nhờ vào sự giúp đỡ của thế giới để tham dự Đại hội Toán thế giới ICM (được tổ chức 4 năm một lần), nhưng đến năm 2014 Hàn Quốc đã tổ chức thành công ICM tại thủ đô Seoul với 5193 người tham dự, đến từ 122 nước. Người khai mạc ICM 2014 là Tổng thống Phác Cận Huệ (Park Geun-hye), ái nữ của cố Tổng thống Phác Chánh Hi.
Đáng nói thêm là với lòng biết ơn sự giúp đỡ của thế giới trước đây đối với nền toán học Hàn Quốc, quốc gia này đã tài trợ cho 1000 nhà toán học ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đến tham dự ICM 2014. Họ hãnh diện đặt tên cho chương trình này là NANUM, tiếng Hàn có nghĩa là “sự chia sẻ tử tế và vô điều kiện”. [22]
Việc giáo dục không những chú trọng kiến thức khoa học, kỹ thuật, mà cả giáo dục tinh thần, truyền thống hiếu thảo, tinh thần yêu nước.[23] Việc tìm hiểu lịch sử đất nước được chú trọng ngay từ bậc tiểu học. Vào ngày cuối tuần tại các bảo tàng viện, hình ảnh các nhóm học sinh tiểu học thăm viếng và thảo luận gây sự chú ý cho du khách (xem Hình 4).
Hình 4: Các em học sinh viếng Viện Bảo tàng Quốc gia, Seoul. Ảnh do tác giả chụp ngày 10.8.2014.
Phát huy dân chủ
Phác Chánh Hi cai trị Hàn Quốc bằng một chính sách độc tài, dẹp bỏ đối lập để có sự ổn định cho phát triển kinh tế. Có rất nhiều ý kiến chỉ trích đường lối cai trị độc tài đó, nhưng cũng có ý kiến đồng tình. Tiến sĩ William Overholt, chuyên gia về quan hệ Á Châu của Hoa Kỳ, người từng là trưởng nhóm đặc nhiệm về chính sách Á Châu của chính phủ Jimmy Carter năm 1976, có nhận định như sau. Sự thành công về kinh tế và thể chế của Phác Chánh Hi đã cứu Hàn Quốc khỏi sự xâm lăng của Bắc Triều Tiên. Nếu Hàn Quốc vẫn duy trì một chế độ dân chủ kém khả năng, như dưới thời chính phủ Doãn Phổ Thiện, thì Hàn Quốc đã là mục tiêu hấp dẫn cho Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.[24]
Khi nỗi sợ hãi về chiến tranh và nghèo đói không còn nữa, khi tầng lớp trung lưu có học thức đã trở thành nền tảng cho một nền dân chủ ổn định, thì những giá trị dân chủ và nhân quyền trở nên yếu tố quyết định về phương diện chính trị. Thể chế đã được thiết lập trong hai thập niên 1960 và 1970 xem ra không còn hợp thời. Sau cái chết của Phác Chánh Hi, Hàn Quốc đã dần dần chuyển biến lên một mức độ cao hơn về quản lý kinh tế và chính trị.
Theo tường trình của tổ chức The Economist Intelligence Unit, vào năm 2012 chỉ số dân chủ (democracy index) của Hàn Quốc là 8,13 điểm, xếp Hàn Quốc ở vị trí thứ 20 trong số 167 nước. Na Uy dẫn đầu với chỉ số 9,93, Việt Nam ở hàng thứ 144 với chỉ số 2,89, và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở cuối bảng với chỉ số 1,08.[25]
Kết luận
Hàn Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có hoàn cảnh khá tương đồng. Sự phát triển của Hàn Quốc và sự lạc hậu của Việt Nam rõ ràng là hệ quả tất yếu của việc chọn lựa đường hướng xây dựng đất nước sai lầm của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, và sự khôn ngoan của các lãnh đạo Hàn Quốc.
Không thể tách rời sự thành công của Hàn Quốc với vai trò và đóng góp của Tổng thống Phác Chánh Hi. Ngay cả những người chống đối Ông cũng không thể phủ nhận những đóng góp đó. Điều quan trọng là, tuy là một nhà lãnh đạo độc tài, Ông đã đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết. Việc chọn lựa thể chế và đường lối đúng đắn (với chính sách EOI), khơi dậy ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội (qua phong trào Saemaul Undong) cùng với giáo dục truyền thống đã giúp đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói nhất thế giới trở nên một cường quốc công nghiệp trong thời gian kỷ lục.
Thành công của Hàn Quốc là “ước mơ và hy vọng cho các quốc gia khởi hành muộn”, đó là lời kết luận trong ngày bế mạc ICM 2014.
Phụ lục: Những con số biết nói
Các đồ thị dưới đây cho thấy sự phát triển vượt bực về kinh tế của Hàn Quốc, dựa vào thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) theo World Bank.
World Bank có số liệu của Hàn Quốc từ năm 1960 đến năm 2013, và của Việt Nam từ năm 1985 đến năm 2013. Hình 5 so sánh sự phát triển trong vòng 28 năm sau chiến tranh của hai quốc gia, đối với Hàn Quốc là từ 1960 đến 1988, trong khi đối với Việt Nam là từ năm 1985 đến 2013.
Các hình từ 6 đến 9 so sánh sự phát triển của Hàn Quốc và Việt Nam với các nước cùng nhóm. Đặc biệt Hình 7 cho thấy GDP per capita của Hàn Quốc ngày càng vượt trội so với trung bình của thế giới, trong khi Hình 9 cho thấy Việt Nam ngày càng thua sút thế giới.
Những con số biết nói này bác bỏ lập luận cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển, khi so với quá khứ. Sự so sánh hợp lý phải bao gồm cả việc so sánh với các nước khác, ít nhất là với các nước có cùng một hoàn cảnh địa lý và lịch sử phát triển.
Chú thích:
[1] Nguồn: www.databank.worldbank.org, truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2014.
2 Nguồn: như trên.
3 Xem: Phạm Quang Tuấn, “Việt Nam và Hàn Quốc: So sánh hai quá trình công nghệ hoá” trên trang mạng Bauxite Việt Nam (http://www.bauxitevn.net) ngày 08.10.2014.
4 Nguồn: Korea.net – Gateway to Korea.
5 Họ Yi, Ri, hay Rhee của người Triều Tiên là họ Lý, khác với họ Yi của người Trung Hoa 易 là họ Dịch. Tưởng cũng nên nhắc lại, Hoàng tử Lý Long Tường của triều đại nhà Lý Việt Nam, do phải trốn tránh sự tàn sát của Trần Thủ Độ và nhà Trần, đã đưa gia nhân và đoàn tuỳ tùng khoảng 6000 người sang lánh nạn tại bán đảo Triều Tiên vào năm 1226, triều đại Cao Ly. Từ đó phát sinh một dòng họ Lý tại Triều Tiên.
6Nguồn: Wikipedia dưới tiêu đề Joseon (tiếng Anh) và Nhà Triều Tiên (tiếng Việt).
7 Xem ghi chú 5. Nhiều tài liệu trên internet hiện nay đưa tin khi Tổng thống Lý Thừa Vãn sang thăm VNCH vào năm 1958, Ông cho Tổng thống Ngô Đình Diệm biết Ông thuộc dòng dõi họ Lý của Việt Nam. Tuy chưa được kiểm chứng, có nhiều ý kiến cho là Ông là con cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường. Nhưng cũng có tài liệu cho là Ông thuộc dòng dõi của Hoàng tử Lý Dương Côn (con nuôi của Vua Lý Nhân Tông), người đã lánh nạn sang Cao Ly 76 năm trước Hoàng tử Lý Long Tường để tránh bị sát hại trong việc tranh giành ngôi vua.
8 Nguồn: Korea.net – Gateway to Korea.
9 Xem “Economic Growth in South Korea Since World War II” trong phần tài liệu tham khảo.
10Theo số liệu của Korea Foundation, trong đặc san “Koreana – A Quartely on Korean Culture & Arts” số phát hành tháng 8 năm 2014 (www.koreana.org.kr) trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1953 có khoảng 1,5 triệu người di cư từ bắc vào nam. Xem bài “60 Years After the Korean War” trong số đặc san này.
1[1] Theo David I. Steinberg, 1989, “The Republic of Korea: Economic Transformation and Social Change”, Westview Press, Boulder Colorado.
[1]2 Như ghi chú 10. Xem bài “Wartime Trauma Etched Deeply in the Korean Heart”.
[1]3 Niels Hermes, New explanations of the economic success of East Asia: Lessons for developing and Eastern European countries, 1997, CDS Research Report No. 3.
[1]4 The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea, 2011, Harvard University Press.
15 Donald Gregg, “Park Chung Hee”, Time, August 23rd, 1999.
16 Như chú thích 14.
17 Korea Saemaul Undong Center (http://www.english.saemaul.com).
18 Chung KunMo “Mathematics, a fundamental pillar of Korean economic development”, www.icm2014.org.
19 Korean Mathematical Society (http://www.kms.or.kr).
20 IMU (International Mathematical Union) chia các nước thành viên thành từng nhóm, từ nhóm 1 (thấp nhất) đến nhóm 5 (nhóm các nước có nền toán học phát triển cao nhất như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, …). Nước Úc thuộc nhóm 4, đồng hạng với Hàn Quốc, trong khi Việt Nam vẫn còn ở nhóm 1. (Nguồn: http://www.mathunion.org).
21 ICM 2014 www.icm2014.org, nghe bài thuyết trình của Gs Groetschel trong lễ khai mạc.
22 ICM 2014 www.icm2014.org.
23 Một bạn đồng nghiệp Hàn Quốc cùng làm việc tại Sydney với tác giả bài viết này đã trở về phục vụ đất nước vào giữa thập niên 1990, lúc đang xảy ra căng thẳng về chính trị và quân sự giữa hai miền Nam – Bắc. Anh đã khẳng khái nói “Tôi trở về, nếu cần tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ đất nước tôi”. Hiện anh là giáo sư tại một trường đại học Hàn Quốc.
24William H. Overholt, “Park Chung Hee’s International Legacy”, 2011.
25 Democracy Index 2012 – Democracy at a Standstill, A Report from the Economist Intelligence Unit (http://pages.eiu.com/rs/eiu2/images/Democracy-Index-2012.pdf).
Sách tham khảo
- R. Frank Jr., K.S. Kim, L.E. Westphal, Economic Growth in South Korea since World War II, in Foreign Trade Regimes and Economic Development: South Korea (eds: C.R. Frank Jr., K.S. Kim, L.E. Westphal), 1975, NBER.
- K. Kim, E. F. Vogel, The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea, 2011, Harvard University Press, Cambridge.
Sydney ngày 14 tháng 1 năm 2015
T.T.
Tác giả gửi BVN
[25] Democracy Index 2012 – Democracy at a Standstill, A Report from the Economist Intelligence Unit (http://pages.eiu.com/rs/eiu2/images/Democracy-Index-2012.pdf).