Đầu tháng tư 2015, một dàn lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam tháp tùng ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Tàu ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới.
Về thành phần chuyến đi, với danh sách 4 Ủy viên Bộ Chính trị – tự nó đã cho thấy sự “ nỗ lực” cầu cạnh ở một chính thể độc tài đảng trị “thiên triều” về sự yên thân của một tập đoàn chuyên chế độc đảng “thuộc quốc” nhiều hơn là những gì hợp tác bình đẳng, phát triển cùng có lợi cho cả hai dân tộc Hoa – Việt như họ đã từng ra thông cáo.
Màn kịch hai mốt phát đại bác Bắc Kinh dành cho bầu đoàn ông Tổng Trọng chỉ làm những người Việt có tinh thần tự tôn dân tộc càng thêm bất bình bởi Biển Đông Việt Nam đang bị chính những kẻ đem trọng pháo ra nghênh tiếp ấy đang tìm cách độc chiếm bằng thứ bản đồ hình lưỡi bò láo xược. Trơ trẽn hơn nữa họ còn thách thức dư luận và luật pháp Quốc tế. Ngay những ngày họ cắm giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, trước sức ép của nhân dân và bạn bè thế giới dù chưa có nghị quyết của Đảng nhưng về mặt nhà nước cũng có phát ngôn phản đối. Bắc Kinh đã không ngần ngại cử người sang “kêu gọi đứa con hoang đàng quay trở về” với Tổ quốc(!?).Vậy mà khi nghe 21 phát đại bác ấy hầu hết thành phần trong đoàn lại “tự sướng” rằng một thời kỳ mới nồng ấm trong quan hệ với Bắc Kinh lại bắt đầu!
Một điều dư luận xã hội đang quan tâm là, sau chuyến thăm Tàu (mà thực chất là bị Tổng Bí thư họ Tập triệu sang huấn thị), liệu ông Trọng có đem cả bầu đoàn đông đảo như thế vượt Đại Tây Dương sang xứ Cờ hoa? Nếu không đem đến Mỹ thành phần tương xứng như khi diện kiến Bắc quốc thì suy nghĩ của người dân Việt về một đoàn “thượng đỉnh” của Đảng đến thăm Tàu chỉ là “nỗ lực” cầu cạnh làm sao cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với dân tộc Việt được “muôn năm” mà thôi. Và nếu đúng như vậy, thì khát vọng cháy bỏng về một nền dân chủ, bình đẳng, thịnh vượng cùng phát triển đối với dân tộc Việt mãi mãi vẫn ở phía trời xa. Còn bao giờ khát vọng ấy được thực thi thì Đảng không quyết và cũng không thể quyết vì đang nỗ lực làm “đối tác toàn diện, sâu rộng” (cứ đà này đến một ngày nào đó có thêm từ mọi mặt) với Tàu . Như thế việc thăm Mỹ tới đây của ông Trọng chỉ là thủ thuật nhằm che mắt dư luận trong nỗ lực thân Tàu mà thôi.
Người Mỹ có câu nói rất bình dị “ lựa chọn hơn nỗ lực”. Mới nghe câu nói này không có gì mới, thậm chí còn có vẻ sáo rỗng, nhàm chán, nhưng ngẫm kỹ thấy đấy lại chính là động lực thành công của nước Mỹ và người dân Mỹ thời gian qua cũng như ngày hôm nay.
Từ phương châm “lựa chọn hơn nỗ lực”, người Mỹ đã đặt tiêu chí duy trì, phát triển lợi ích Mỹ làm đầu chứ không có thói quen hiếu thắng ăn thua hơn thiệt. Thật vậy, để bảo toàn các lợi ích Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã lựa chọn con đường rút quân chứ không nỗ lực ăn thua đến cùng trong cuộc chiến. Tư duy này khác hẳn tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng bằng “mọi giá phải giành cho được độc lập” hay “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” để thống nhất đất nước. Vì sự độc lập thống nhất ấy mà mấy triệu đồng bào đã ngã xuống, trong số đó kẻ thắng cuộc thì vênh vang kiêu ngạo, cầm tù kẻ chiến bại, đẩy mấy triệu đồng bào cùng máu đỏ da vàng tha hương, còn người bị nhìn nhận là thua cuộc thì luôn ước ao dân tộc mình có tinh thần hòa giải, hòa hợp nhưng luôn bị nhìn nhận như là “thế lực thù địch”.
Cũng vì lợi ích Mỹ là trên hết, nên trước khi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, người Mỹ đã lựa chọn giải pháp chìa bàn tay bình thường hóa quan hệ trong giai đoạn Việt Nam khó khăn nhất đó là sa lầy tại Cam pu chia. Chỉ tiếc rằng thời đó các “đỉnh cao trí tuệ” của Việt Nam lại không thể, hoặc không dám nhận ra. Ngày nay “sự lựa chọn hơn nỗ lực” của người Mỹ đang giúp Myanmar phát triển, cũng như đang có dấu hiệu khởi sắc cho đất nước Cu ba – một người “anh em” truyền thống cùng ý thức hệ của Việt Nam chúng ta.
Tại sao chúng ta không vận dụng quan điểm “lựa chọn hơn nỗ lực” để phát triển đất nước, như người Mỹ đã làm, để rồi 40 năm sau khi thống nhất đất nước, được tuyên bố làm chủ cuộc đời mình và “có đảng tiền phong” dẫn đường nhưng đất nước nghèo vẫn hoàn nghèo, tiền rừng bạc bể đội nón ra đi, con dân Việt chỉ ước được xuất ngoại làm thuê, ở đợ!
Giá như Đảng đừng định hướng cho dân xây dựng CNXH, đừng lấy lý luận Mác- Lê nin làm kim chỉ nam mà hãy định hướng và cùng nhân dân lựa chọn những gì tinh túy nhất của nhân loại để phục vụ lợi ích Việt Nam thì đâu còn nỗi sợ tụt hậu hơn cả Lào và Campuchia như hiện nay!
Vấn đề Biển Đông, vì lợi ích Mỹ mà tận bên kia bán cầu Quốc hội Mỹ, lãnh đạo Mỹ đã, đang và sẽ có những nghị quyết, những tuyên bố về Biển Đông. Trong thực tế, lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nói riệng, và các khu vực khác trên thế giới cho thấy (lợi ích ấy) chưa bao giờ xâm phạm đến lợi ích của một quốc gia nào. Những nước đồng minh của Mỹ đã nhìn thấy điểm này từ rất sớm, họ đã biết kết hợp lợi ích Mỹ và lợi ích của dân tộc mình để phát triển rất thành công. Chỉ nói những nước quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan…là những ví dụ điển hình.
Lợi ích của nước Tàu cộng sản ngày nay cũng như nước Tàu phong kiến trong suốt chiều dài lịch sử của họ luôn được trù hoạch bằng gậm nhấm lãnh thổ của láng giềng, bằng duy trì sự cống nạp, bằng làm suy yếu nước khác. Họ không từ thủ đoạn nào trong 36 chước “binh pháp Tôn Tử”, có lúc bằng dương đông kích tây, có lúc bằng giấu mình chờ thời nhưng cuối cùng “cái đuôi cáo” bành trướng vẫn lòi ra. Có bao nhiêu nước chung đường biên giới thì chừng ấy nước bị nước Tàu lấn chiếm lãnh thổ. Rõ ràng việc kiếm chác lợi ích của Tàu cộng khác xa với người Mỹ. Trong quan hệ bang giao, hầu hết các nước trên thế giới đều có thái độ dè chừng món “võ tàu”, chỉ riêng Đảng CSVN là “hợp tác toàn diện” (vừa là đồng chí vừa là anh em), khăng khít theo kiểu “môi hở răng lạnh”.
Sống bên cạnh một đất nước mà tầng lớp lãnh đạo chóp bu của họ luôn nuôi dưỡng “giấc mộng Trung Hoa” thống trị thế giới, liệu nhân dân Việt Nam có đủ dũng cảm đặt niềm tin vào “16 chữ vàng” và “bốn tốt” mà “thượng quốc” đã hào phóng ban cho Đảng CSVN? Với bản chất Đại Hán như vậy, vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam cứ nỗ lực duy trì quan hệ hữu hảo để đưa đất nước, dân tộc đến bờ vực của sự phá sản? Không, họ không vì đất nước, không vì dân tộc mà vì cái ghế độc tài, toàn trị, vì quyền lợi phe nhóm, đã và đang ngồi trên đầu nhân dân từ khi lập quốc đến nay. Nói trắng ra là, họ không muốn thoát Tầu, mà ngược lại, muốn dựa vào thế lực hùng mạnh của Tầu để vinh thân phì gia theo kiểu Trần Ích Tắc, Trần Kiện trong quá khứ.
Nhìn lại chuyến thăm Tàu và trước chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng nhân chuyện chuẩn bị Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới, mong rằng lãnh đạo đất nước dù là ai, cơ cánh nào đi nữa hãy đừng lấy danh nghĩa lợi ích dân tộc để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng mình. Ai, tổ chức nào thực sự vì dân tộc Việt chắc chắn sẽ không có chuyện chuyên quyền độc đoán như hiện nay mà họ sẽ trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn để từ đó mà tìm ra con đường chấn hưng đất nước vốn đã bị những người Cộng sản làm cho suy thoái.
Trong những vấn đề quốc kế dân sinh, người lãnh đạo có quyết sách đúng sẽ giúp cho đất nước phát triển bền vững, từ đó sẽ được bạn bè thế giới, nhất là những nước đồng quan điểm nhiệt tình giúp đỡ để nhanh chóng thành công. Nhưng việc một vài cá nhân chỉ lựa chọn những cái lợi cho phe nhóm mình lại núp dưới chiêu bài ổn định để phát triển, chắc chắn chỉ làm đất nước tụt hậu mà thôi.
Nỗ lực tỏ ra thân thiện với kẻ tham lam bành trướng Đại Hán không chỉ là công “dã tràng” mà còn là nguồn tai họa muôn đời cho con cháu mai sau. Vậy các “đỉnh cao trí tuệ” hãy lựa chọn những gì nhân loại đang làm để phát triển, phù hợp với lợi ích dân tộc, đừng nên nỗ lực làm những cái mà loài người tiến bộ đã nhận ra là phù phiếm, không tưởng, siêu hình và đã vứt vào sọt rác lịch sử.
Một vấn đề đặt ra là, ngay lúc này đây, làm sao Việt Nam thoát khỏi nguy cơ “Bắc thuộc” lần thứ hai. Câu trả lời rất đơn giản. Muốn thoát Tầu, trước hết hãy thoát Cộng. Vì Cộng sản (dĩ nhiên là CS trá hình theo mô hình nhà nước J.Stalin) là nguyên nhân của mọi tai họa đối với đất nước. Nếu Đảng CSVN muốn lấy lại lòng tin của nhân dân, muốn thoát khỏi sự phán xét của lịch sử, hãy ra khỏi cơn mê sảng, đừng tự huyễn hoăc mình, thực hiện kế sách này, nếu không, sẽ đến lúc “mất cả chì lẫn chài”.
Đ.T.
Tác giả gửi BVN