Từ năm 2001 Thái Lan luôn đề nghị Việt Nam liên minh xuất khẩu gạo.
Từ năm 2001 đến nay, Thái Lan luôn đề nghị liên minh hợp tác xuất khẩu gạo với Việt Nam.
Lý do hợp tác mà phía Thái Lan đưa ra là: “quyền lợi người sản xuất hai nước chưa được bảo đảm, hai nước chiếm thị phần lớn nhưng nay đang bị các nước nhập khẩu định giá và Thỏa thuận ( Mou) về hợp tác bán gạo chưa đi vào cuộc sống…”
Hợp tác để ấn định giá bán gạo xuất khẩu là mục đích hết sức đúng đắn vậy mà cả 3 đời bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam vẫn không hợp tác.
Phải chăng cả ba ông Bộ trưởng sợ rằng khi hợp tác với Thái Lan ấn định giá bán gạo xuất khẩu cao, thì giá mua lúa phải cao, giá lúa cao khiến CPI tăng, CPI tăng sẽ tăng lạm phát.
Ba đời Bộ trưởng Bộ Công thương ủng hộ liên minh với Thái Lan bằng miệng
Ông Cựu Bộ Trưởng Bộ Thương mại Vũ khoan biết rõ lợi ích và tính khả thi của sự hợp tác khi trả lời phỏng vấn TTXVN vào năm 2001: “ Vì Việt Nam và Thái Lan hiện chiếm khoảng 45% thị phần thế giới về xuất khẩu gạo. Nếu hai nước hợp tác với nhau thì có thể tác động làm cho giá gạo trên thị trường thế giới ở mức có lợi cho bà con nông dân”.
Thế nhưng, ông không hề hợp tác.
Đọc Công văn số: 4221/TM-CATBD ký ngày 15/10/2002 của Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển chúng ta cũng thấy ông ấy rất ủng hộ việc hợp tác xuất khẩu gạo với Thái Lan.
Vậy mà trong cả nhiệm kỳ cũng chẳng hợp tác với Thái Lan.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng không hề liên minh xuất khẩu gạo với Thái Lan, dù nhiều lần Thái Lan đề nghị hợp tác, điển hình là: “ Cuối tháng 4/2008 Thái Lan đã chính thức đề xuất về việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo (OREC) để ấn định giá mặt hàng này. Nhóm này sẽ bao gồm một số nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Lào…” như Vietnamnet Online đã đưa tin.
Thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo OREC liệu có khả thi?
Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa Opec trên 10 quốc gia chỉ khai thác khoảng 40% tổng lượng dầu thế giới, nhưng có khả năng khống chế giá dầu bằng cách điều chỉnh hạn ngạch khai thác dầu.
Việt Nam và Thái Lan hiện đang chiếm khoảng 45% thị phần thế giới về xuất khẩu gạo, vậy Việt Nam và Thái Lan hoàn toàn có khả năng khống chế giá gạo xuất khẩu bằng cách điều chỉnh việc cung cấp gạo ra thị trường thế giới.
Thế nên, chắc chắn rằng OREC sẽ hoạt động tốt hơn cả OPEC vì ít thành viên hơn.
Từ năm 2001 Việt Nam và Thái Lan đã bị các nước nhập khẩu chiếm quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu, buộc Việt Nam và Thái Lan phải đấu thầu bán gạo giá thấp gây hại cho nông dân 2 nước, vậy việc thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo OREC sẽ rất có lợi cho việc sản xuất lúa gạo.
Phải chăng cả 3 ông Bộ trưởng sợ giá lúa nông dân cao?
Từ năm 2001 đến nay Việt Nam hầu như luôn bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới, khiến cho giá bán lúa của nông dân năm nào cũng gần chạm đáy.
Cả 3 ông Bộ trưởng điều biết lợi ích khi hợp tác xuất khẩu gạo với Thái Lan, cả 3 ông Bộ trưởng điều nhìn thấy hoạt động hữu hiệu của liên minh OREC.
Cho nên, không hợp tác liên minh xuất khẩu gạo với Thái Lan ấn định giá bán gạo, hằng năm phải đi đấu thầu bán gạo giá thấp là một hành động không bình thường.
Theo tôi, chỉ có một lý do đó là: Cả ba ông Bộ trưởng đều không muốn giá lúa cao.
Một nước xuất khẩu gạo sao lại sợ giá lúa gạo cao?
“Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân”. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Online năm 2010, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên tiết lộ.
Nhìn vào cách tính CPI của Việt Nam nhóm hàng lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 40%, nên để CPI giảm cách dể dàng nhất là giảm giá lương thực, trong giá lương thực gạo là chủ yếu.
Năm 2014 có 16 mặt hàng nông sản rớt giá khiến nông dân khóc ròng, tôi đã nêu trong bài “ Giáp Ngọ năm buồn nông dân trồng cây gì nuôi con gì cũng khóc” mà Chính phủ chẳng hề bàn đến cách giúp tăng giá nông sản, có lẽ vì 16 mặt hàng mất giá này góp phần quan trọng làm giảm CPI.
Từ trước đến nay, nông dân chúng tôi được báo đài tuyên truyền rằng giá bán gạo xuất khẩu thấp là do cạnh tranh với Thái Lan, nên chúng tôi cam chịu bán lúa giá rẻ như bèo.
Bây giờ, nông dân chúng tôi mới biết phải cạnh tranh với Thái Lan, bởi vì Việt Nam không chấp nhận đề nghị hợp tác của Thái Lan, nông dân biết rằng chúng tôi bán lúa giá thấp thuộc trách nhiệm của ba ông Bộ trưởng Bộ Công thương.
Hãy trả lời cho nông dân chúng tôi biết, vì sao không liên minh xuất khẩu gạo với Thái Lan?
H.K.
Tác giả gửi BVN