Thưa GS Lê Xuân Khoa, thưa TS Phùng Liên Đoàn và các anh các chị.
Tôi rất ủng hộ sáng kiến và tấm lòng của anh Đoàn cho một mục tiêu lớn là nâng cao dân trí. Bản thân tôi sức khỏe và khả năng rất có hạn, nên không rõ có đóng góp được gì không?
Nhưng, nhân bàn về mục tiêu “Nâng cao dân trí” này, tôi có một mối băn khoăn khác, xin nói ra đây để mọi người đóng góp:
Hồi tháng 10 năm ngoái, tôi được nghe bà Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar trình bày một buổi về lịch sử và quyết tâm của dân tộc Do Thái đã vượt qua hoàn cảnh bất hạnh của dân tộc mình để đạt tới những đỉnh cao của trí tuệ. Sau hàng ngàn năm bị mọi điều bất hạnh, nhưng tỷ lệ thành công của người Do Thái đã chiếm lĩnh hàng đầu trong mọi lĩnh vực kể từ nông nghiệp đến các công nghệ tiên tiến khác.
Tiếp theo đó, ngày 11/11/2014, tại Hội trường Bộ kế hoạch đầu tư ở Hà Nội, TS Trần Lương Sơn TGĐ VietSoftware đã mời GS Shlomo Maital, người Israel, một học giả nổi tiếng thế giới, đến từ nước Mỹ, trình bày về Bài học từ Israel trong hội thảo “Nền kinh tế trên cơ sở sáng tạo và khởi nghiệp“. Nội dung của bản trình bày có những kinh nghiệm thật quý giá, nhưng có một đoạn ông GS nói đại ý: Dân tộc Việt Nam và dân tộc Do Thái có những đặc điểm rất giống nhau là đều cùng thông minh và trong lịch sử đều cùng bị chèn ép. Hiện nay dân tộc Do Thái có 12 triệu người, thì có 8 triệu người ở lại trong nước, còn 4 triệu người nữa phải ra nước ngoài để bán trí tuệ, bán phát minh sáng kiến, vì đất nước Do thái nhỏ bé không có thị trường cho các phát minh sang kiến kia được ứng dụng… Còn Việt Nam có 90 triệu dân, cũng có 4 triệu người ở nước ngoài, phần đông trong số họ là những người tài giỏi thông minh nhất, nhưng họ đã bỏ ngỏ thị trường VN và họ đi làm thuê cho người nước ngoài…. Rồi ông GS nói nếu VN và Israel hợp tác với nhau thì quá tốt, tuổi trẻ VN cần được học hành, nhưng cần hơn cả là họ được trở về VN và khởi nghiệp thành công tại VN.
Tôi nghe tới đoạn này, thấy thâm thúy và xót xa quá các anh các chị ạ.
Giúp đỡ được các cháu ở vùng sâu vùng xa, các cháu nghèo khổ có cuốn sách, cái bút, tới trường để nâng cao dân trí là điều quá tốt. Nhưng mặt khác đang có bao nhiêu gia đình, vất vả tằn tiện, chạy ngược chạy xuôi lo cho con đi du học, nhưng ra nước ngoài, học thành tài rồi, chúng không trở về VN nữa.
Thế là cha mẹ mất con, đất nước mất nhân tài. Hiện nay có rất nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng đó. Bản thân tôi cũng lo mình bị rơi vào tình trạng đó.
Vậy dân trí có thực sự được nâng cao không?
Làm thế nào tránh được tai họa đó?
T.T.V.
Tác giả gửi BVN