Cách hành xử khó hiểu của trường Phan Bội Châu sau cái chết của 1 học sinh

Em Lê Thị Phước Hải

Bị thầy cô công khai xúc phạm danh dự, áp đảo tinh thần, và thậm chí còn bị quy là “xích động phản động” vì dám lên Facebook chia sẻ những ghi nhận và suy nghĩ về cái chết oan khuất của một bạn cùng trường sau trận đòn của cô giáo. Đó là câu chuyện của một số học sinh trường trung học cơ sở Phan Bội Châu (phường Tân Phú, TPHCM) mà Tạp chí Thanh Niên đài VOA mang đến các bạn trong chương trình hôm nay.

Tang lễ em Lê thị Phước Hải

Giữa lúc công luận còn đang bất bình về việc em Lê Thị Phước Hải, học sinh lớp 6/7 có bệnh sử động kinh, bị thiệt mạng trong khi bị cô Thảo Vy dạy môn Công Nghệ đánh phạt vì nói chuyện trong giờ học thì xuất hiện những chia sẻ từ một số phụ huynh-học sinh trong trường về cách cư xử thiếu tình người của nhà trường đối với gia đình nạn nhân và những hành vi tiêu cực của một số giáo viên đối với các học sinh bày tỏ tâm tư, chia sẻ tình cảm với người bạn xấu số.

Bà Phạm Thị Huệ Bình, phụ huynh em Phước Hải, cho VOA Việt ngữ biết:

“Trường khủng bố mấy em học sinh làm chứng cho gia đình tôi. Thầy Duyên dạy môn toán nói với học sinh lớp 6/11 rằng bé Hải bị đánh ở mông là đỡ, nếu là thầy thầy sẽ lấy cây gõ trên đầu cho chết luôn. Một bé vô đám ma bé Hải kể, tôi run người lên. Tôi dẫn bé tới trước cô Hiệu phó, tôi nói ngành giáo là phải có đạo đức, thầy nói chuyện vô đạo đức như vậy sao gọi là nhà giáo? Vậy trường cô chứa toàn những người vô đạo đức sao? Cô Tú Phương dạy môn sử vô lớp nói gia đình bé Hải là bưng bít. Còn cô Phụng dạy môn sinh lớp 6/7 thì nhắn tin chửi học sinh là ăn cháo đá bát không biết bảo vệ nhà trường, vạch áo cho người xem lưng, đạo đức giả. Tôi nói với cô Hiệu phó bây giờ cô phải có biện pháp nào giải quyết những người giáo viên này, chứ làm áp lực như vậy là không được. Nhà trường nói ngay mặt đám tang thì khác, nhưng khi về trường thì lại đối xử với các em học sinh cách khác. Một số phụ huynh nghèo không dám chống đối nhà trường nên không dám tiếp xúc với gia đình tôi nữa vì trường Phan Bội Châu này cũng lớn, nằm ngay trung tâm. Bé Hải thì coi như xong rồi. Bây giờ tôi chỉ muốn những học sinh còn lại đừng bị khủng bố để nó đến trường. Những học sinh lỡ khai (về vụ việc của Hải) bị cô lập. Người ta nghèo nên giờ làm sao dám nói. Đây là trường lớn, cũng khó khăn lắm con cái họ mới vô học được trường này chứ đâu phải ai cũng vô được”.

Trên trang Facebook cá nhân, phụ huynh Gia Hân học lớp 8/10 và Gia Bảo lớp 6/11, mấy ngày nay liên tục phản ánh việc 2 em bị giáo viên trong trường miệt thị, đả kích vì những dòng suy nghĩ các em trải bày qua mạng xã hội trách cô giáo Vy đã vô tâm bỏ qua những lời van xin của em Hải và bạn cùng lớp để ra đòn dẫn đến cái chết của Hải.

Trong một tin nhắn gửi cho Gia Hân được phụ huynh lưu lại và đưa lên Facebook, cô Phụng dạy môn sinh của trường viết: “Nhiệm vụ của các con là học tập chứ không phải xích động học sinh phản động”. Cô giáo này còn cáo buộc em “hạ uy tín nhà trường và giáo viên” vì những dòng tâm tình của em về cái chết của bạn Hải.

Bà Nguyễn Thanh Lam Phương, mẹ của hai em Gia Hân-Gia Bảo cho biết:

“Mình bất ngờ, không thể nào hình dung ra được các giáo viên mà lại hành xử như vậy. Các bé chia sẻ với bạn về cảm giác khi bạn bị nạn. Không ngờ giáo viên lại vô lớp mắng chửi các cháu. Lẽ ra cô vào lớp phải an ủi các bé rằng chuyện xui rủi không ai muốn, cô cháu mình làm lại từ đầu, gầy dựng tình cảm và uy tín. Đằng này cô Tú Phương dạy môn sử lại vô các lớp 6 nói con bé nhà mình là đạo đức giả khiến bé bị khủng hoảng không dám đến trường luôn. Còn một cô khác thì nhắn tin qua Facebook. Các cô xúc phạm bọn trẻ như vậy là quá đáng lắm rồi. Những chuyện oan ức này bữa giờ mình kêu oan hoài, cháu thì nghỉ học ở nhà thất thần. Bé Hải ra đi đã là một sự uất ức, có rất nhiều uẩn khúc ở đây rồi. Giờ đến hai con bé nhà mình bị có làm gì mà thầy cô vô lớp phỉ báng các cháu, mạt sát các cháu rất nặng”.

Một bạn học khác của Gia Hân, Gia Bảo là Ngọc Anh cũng trở thành nạn nhân bị giáo viên lên án vì những dòng tâm tư trên Facebook về cái chết của em Hải.

Ngọc Anh tâm sự:

“Những ngày đầu em có bị giáo viên chủ nhiệm bắt ra làm việc riêng vài lần. Cô yêu cầu em xóa những dòng chữ đó nhưng em không xóa. Em chỉ ẩn thôi. Em chỉ ghi lại sự thật mà gia đình của bé Hải nói với em và Gia Hân. Cô nói rằng em không biết gì thì em đừng nói, đừng bịa đặt ra như vậy. Em không bịa đặt, em chỉ muốn nói để cho mọi người giúp đỡ bé Hải, rằng bé Hải không phải chết vì bệnh tim. Bé bị cô giáo đánh, không phải cô đánh chết, nhưng chính sự vô tâm của cô là nguyên nhân làm bé chết. Giáo viên ở trường nói mục đích em và Gia Hân là chỉ muốn nhân dịp này đánh bóng tên tuổi bản thân để bán đồ trên mạng chứ không phải thương bé Hải gì cả. Cô Tú Phương nói với học sinh lớp Gia Bảo. Em nghe em cũng hết hồn”.

Chúng tôi liên lạc với bà Nga, hiệu phó trường Phan Bội Châu để ghi nhận phản hồi của nhà trường, nhưng bà từ chối đưa ra bình luận và vội cúp máy:

“Cái này bên phía nhà trường đã trao đổi với phụ huynh rồi, do đó xin phép không trả lời với chị nha”.

Chúng tôi gọi hỏi thăm cô giáo chủ nhiệm của em Phước Hải, nhưng cũng bị cô từ chối tiếp chuyện:

“Em xin ghi nhận ý kiến của chị. Em sẽ phản hồi với nhà trường”.

Riêng về cái chết của em Phước Hải, gia đình em cho biết dù đã nói rõ từ đầu là không có ý định truy tố hình sự đối với cô Vy vì không muốn Hải bị mổ xẻ tử thi để điều tra, nhưng gia đình vẫn bị ép phải ký vào giấy “bãi nại” trách nhiệm cho cô giáo và nhà trường.

Bà Phạm Thị Huệ Bình, phụ huynh em Hải:

“Công an kêu gia đình tôi ký đơn “bãi nại” cho cô giáo, rằng con tôi chết là vì bệnh tim, rằng cô giáo không liên can đến. Tôi không đồng ý. Tôi nói con tôi bệnh động kinh. Cô giáo đánh nó nên nó mới lên cơn co giật chết, chứ không phải bệnh tim. Thứ hai, tôi không thưa thì tại sao bắt tôi làm đơn “bãi nại”. Tôi chỉ đồng ý ký giấy không truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cô giáo và nhà trường phải có trách nhiệm dân sự với con tôi. Công an nói nếu tôi không ký “bãi nại”, bắt buộc công an phải vào cuộc và sẽ khám nghiệm tử thi. Tôi không nỡ cho con tôi mổ tử thi nên không truy cứu hình sự. Nó nhỏ quá, nó chết oan ức quá, mình không nỡ cho mổ tử thi cô ơi. Bên công an và nhà trường họ chỉ muốn mình ký cho họ tờ giấy thôi. Họ áp lực quá, cứ ngày nào cũng lại đây nói kiểu này trong lúc đang ma chay thì thôi mình ký cho nó đi về cho rồi. Tôi nói tang gia đang bối rối yêu cầu mấy anh về, khi nào xong ma chay tôi sẽ làm việc. Họ không chịu, họ bắt tôi phải ký”.

Để đi tìm công lý, phụ huynh các em nói họ chỉ biết cầu cứu công luận vì họ không tin gõ cửa các cơ quan chức năng sẽ mang lại kết quả vì chính báo đài trong nước khi đến trường Phan Bội Châu tìm hiểu vụ việc đã bị nhà trường kêu công an tới xua đuổi.

Mẹ Gia Hân-Gia Bảo trần tình:

“Việc tiếp xúc với các vị lãnh đạo đó, dân như mình không có cách nào cả. Đài truyền hình tới trường mà trường còn đóng cổng kêu công an xuống. Mình ở đây chỉ là dân đen, hổng dám nói lên tiếng nào. Vừa rồi mình nói các cô thôi thì con mình càng ngày càng đi xa cổng trường, nó đã nghỉ học cả tuần lễ nay. Bây giờ mình mà đụng chạm thêm nữa không biết số phận hai đứa bé đến đâu nữa. Công an chạy lên cả xe jeep để giải tán báo chí và đài truyền hình như vậy thì còn gì là công lý để người dân như mình la làng lên, nói được cái gì nữa đâu”?

Trong khi gia đình em Hải mong muốn trường học và ngành giáo dục có biện pháp thỏa đáng để xử lý và ngăn ngừa thảm cảnh chết người trong học đường trong tương lai, những phụ huynh-học sinh bị xúc phạm, tổn thương mong các giáo viên liên quan có hành xử thích hợp hầu giải tỏa tâm lý hoảng loạn, lo sợ của các em để các em được yên tâm cắp sách trở lại trường.

“Con tôi đẻ ra tôi không dám đánh mà nó đánh con tôi. Đánh con tôi xỉu rồi thì đỡ lên dùm đi. Nó cũng không đỡ. Con tôi xin đánh tay đi cô, nó cũng không chịu, nó đánh vào mông. Nó kêu lớp tập trung thước lại. Con nhỏ mới sợ, mới lên cơn. Con tôi có bệnh gia đình đã dặn dò nhà trường rất kỹ. Lỡ đánh rồi, thấy nó xỉu thì cô đỡ nó lên ôm nó vô lòng, đằng này cũng không đỡ. Con nhỏ nấc lên rồi chết. Gia đình tôi không muốn bỏ qua, nhưng nó ép gia đình tôi không ký biên bản thì buộc nó phải mổ tử thi. Ý tôi muốn nói cô đánh một đứa học trò mà nó đã xin “Cô ơi đánh tay được không cô”, một người đạo đức khi nghe đứa bé nói vậy, nó có thù hằn gì với mình đâu, đánh tay nó cũng được mà?! Đánh xỉu rồi cũng không chịu đỡ. Bé tiểu ra quần, lăn xuống đất luôn mà nó cũng không chịu tin là con tôi chết. Tôi nói với Hiệu trưởng và Hiệu phó rằng đồng ý là cô không giết, nhưng phải có như vậy thì mới dẫn tới cái chết của bé. Gia đình tôi đạo đức không thưa, nhưng làm ơn còn những đứa học trò kia, người ta nghèo không dám lên tiếng. Con tôi không còn nữa, tôi không sợ, nhưng những đứa làm chứng cho gia đình tôi thì bỏ qua cho nó đi, đừng làm phiền những học sinh này”.

Không biết trường Phan Bội Châu nói riêng và những người được xã hội tin tưởng giao trọng trách “trồng người” dìu dắt thế hệ mai sau có suy nghĩ thế nào khi nghe lời ca thán thống thiết của vị phụ huynh bất hạnh này. Riêng nhà cải cách giáo dục Phạm Toàn, người lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, tác giả của nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới, trăn trở:

“Tôi ước mơ xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt trẻ em. Nền giáo dục với việc đào tạo giáo viên như hiện nay thì gây cái chết cho học sinh cả trong tâm trí lẫn thể xác”.

Phụ huynh em Hải giãi bày ưu tư, bức xúc của mình:

“Phải có biện pháp và trách nhiệm như thế nào chứ để năm ngoái cô này đánh một em, năm nay một em, rồi năm sau sẽ có một em nữa. Không xử lý nghiêm khắc cô giáo này sẽ làm chết thêm học sinh nữa”.

Dẫu cái chết của em Hải là một tai nạn ngoài mong muốn và cô Vy không phải đánh chết em, nhưng trận đòn của cô và sự vô tâm của cô trước những lời van xin của học trò là tác nhân gây tử vong cho em học sinh 12 tuổi có bệnh sử động kinh.

Báo Dân Trí nói phòng Giáo dục Đào tạo quận Tân Phú đang chờ kết luận của công an để có hình thức xử lý đối với cô giáo liên quan đến vụ việc.

Trong lúc công luận đang trông chờ biện pháp chung cuộc đối với cô Vy, cách hành xử khó hiểu của trường Phan Bội Châu và một số giáo viên trong trường sau cái chết của em Hải đã khiến người ta đặt câu hỏi liệu cách “bảo vệ uy tín nhà trường” như các cô yêu cầu có phù hợp với đạo đức và sự trung thực mà nhà giáo cần phải làm gương và dạy bảo cho các học sinh hay không.

Trong một dòng chia sẻ trên Facebook, phụ huynh Gia Hân-Gia Bảo viết: “Mong rằng các vị đừng cư xư thiếu văn hoá như thế với trẻ nhỏ. Các vị đứng lớp dạy những mầm non xã hội mà chúng học theo các vị thì thế giới này ra cái gì”!

T.M

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/cach-hanh-xu-kho-hieu-cua-truong-phan-boi-chau-sau-cai-chet-cua-1-hoc-sinh/2602463.html

 

This entry was posted in Giáo dục, Tin Tức. Bookmark the permalink.