Cố lãnh đạo Việt Nam nói Khổng Tử có thể bị coi là “phản cách mạng”
Học viện Khổng Tử đã xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2014 giữa lúc một số trường đại học phương Tây quyết định chia tay với các trung tâm Khổng Tử vì lo ngại họ bị chính quyền Trung Quốc can thiệp thái quá.
Ông Nguyễn Đình Luận, Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, nơi Học viện Khổng Tử được thành lập, nói học viện sẽ “thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc, góp phần củng cố và phát triển quan hệ Việt – Trung”, theo truyền thông trong nước.
Học viện được khai trương hồi cuối năm 2014 với sự tham gia của hai Ủy viên Bộ Chính Trị từ Việt Nam và Trung Quốc, các ông Nguyễn Thiện Nhân và Du Chính Thanh.
Trong quá trình tìm hiểu về các quan niệm về dân chủ ở Việt Nam cho Ngày Dân chủ của BBC vào 20/1, tôi tình cờ đọc về những nhận định của người sáng lập ra Việt Nam hiện đại, ông Hồ Chí Minh, về Khổng Tử cũng như Mạnh Tử, học trò của ông.
Các nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong cuốn Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản chính trị quốc gia đưa ra vào năm 2008.
“Thế giới đại đồng”
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bị đánh giá là ngả về phương Tây quá nhiều và bị lãnh tụ của phe Cộng sản, Joseph Stalin, không ưa một phần vì lý do này, theo cuốn Đèn Cù của cây viết Trần Đĩnh.
Trong cuốn Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh, tư tưởng về dân chủ của ông Hồ không khác so với những nguyên tắc tự do dân chủ của lãnh đạo các nước như Anh, Pháp, Mỹ về mặt lý thuyết.
Chẳng hạn ông đề ra “đường lối nhân dân” cho lãnh đạo Việt Nam mà theo đó:
“Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
“Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”.
Về ảnh hưởng của Khổng giáo, sách Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh nói cựu chủ tịch Việt Nam tiếp xúc với hệ lý luận này trong thập niên 1920, đúng lúc “Khổng giáo và Khổng Tử đang bị phê phán ngay trên đất Trung Quốc”.
Sách dẫn những gì ông Hồ viết vào năm 1921: “Khổng Tử vĩ đại, khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản.
“Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng.
“Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn…
“Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thày và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ.
“…Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết.”
Khổng Tử có thể “phản cách mạng”
Nhưng ông Hồ cũng được cho là không coi thuyết Khổng – Mạnh phù hợp hoàn toàn với thời đại và viết “nếu Khổng Tử sống ở thời đại chúng ta và nếu ông khăng khăng giữ quan điểm ấy thì ông sẽ trở thành phần tử phản cách mạng” vì Khổng Tử bị xem là “người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức”.
Sách dẫn lời ông: “Những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”.
Ông Hồ cho rằng Khổng Tử có thể trở thành phần tử “phản cách mạng” nếu giữ nguyên quan điểm
Ông Hồ Chí Minh, theo trích dẫn của Phương pháp dân chủ Hồ Chí Minh cho rằng có bốn lý do khiến Khổng giáo không phù hợp với thời đại của ông.
Thứ nhất, thuyết của Khổng Tử trọng ý dân, coi “ý dân là ý trời”, nhưng không có cơ chế để thực hiện điều này nên ý dân thường bị làm trái khiến họ phải nổi dậy.
Thứ hai, dân được coi là gốc nhưng không phải là chủ mà vua mới là chủ.
Thứ ba, Khổng Tử bị xem là không hiểu đầy đủ về tự do. Sách tóm lược:
“Tự do dân chủ đòi hỏi được bảo vệ bằng pháp luật. Còn tự do trong lĩnh vực đạo đức theo các Nho gia thì luật pháp không thể khống chế mà cũng không thể bảo vệ.
“Có ý chí tự do trong lĩnh vực đạo đức, không có nghĩa là con người được hưởng mọi quyền lợi về chính trị”.
Và thứ tư, Khổng giáo đề cao bình quân chứ không phải là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như về chính sách và công bằng xã hội.
Ảnh hưởng của Pháp
Ngoài những nhận định của ông Hồ về Khổng giáo và “chủ nghĩa Mác – Lênin”, sách cũng nói về dấu ấn của nền dân chủ Pháp đối với cựu lãnh đạo Việt Nam.
Ông Hồ được dẫn lời nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những chữ ấy”.
Cuối tuần qua hàng triệu người đã xuống đường để tỏ tình đoàn kết với những ai ủng hộ các giá trị Pháp này.
Sách viết tiếp:
“Rõ ràng là ở nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc [bí danh của ông Hồ] đã hoạt động và đấu tranh cách mạng một cách tương đối tự do, thuận lợi hơn ở trên đất nước Việt Nam dưới chế độc thuộc địa của mình.
“Người có thể tự do hội họp, tham gia đảng phái, lập hội, ra báo, phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm của mình trước dư luận Pháp.”
Nhìn vào Việt Nam hiện nay có thể thấy những gì sách viết vẫn đúng với những người muốn chỉ trích chính quyền Hà Nội.
Và cho dù tôn vinh ông Hồ nhưng nhiều lãnh đạo cộng sản hiện tại không thực sự làm theo những gì ông nói.
Ngay cả các nhận định của ông về Khổng Tử có lẽ cũng sẽ chỉ quan trọng đối với những người nghiên cứu Hồ Chí Minh hơn là với những người thực thi chính sách liên quan tới Học viện Khổng Tử ở Việt Nam.
N.H
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/01/150113_ho_chi_minh_khong_tu