Sét đánh lúc hoàng hôn ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào ngày 11 tháng 8 năm 2013. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình nhằm chống lại phe Giang Trạch Dân (Ảnh Internet)
Tin tức Phân tích
Các công ty bất động sản không nằm ngoài chiến dịch chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, chiến dịch này đang tập trung điều tra và thanh trừng những người ủng hộ Giang Trạch Dân.
Hơn 50 cán bộ cấp tỉnh và cấp Bộ đã bị sa thải trong chiến dịch trên của Tập Cận Bình, hầu hết trong số đó thuộc phe của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân. Một số công ty bất động sản liên quan đến phe của Giang gần đây cũng đã gặp rắc rối.
Sau khi chiến dịch của Tập Cận Bình hạ bệ cựu quan chức an ninh Chu Vĩnh Khang, một trong những người ủng hộ hàng đầu của Giang, các công ty bất động sản tại Trung Quốc đại lục có liên quan tới Chu Vĩnh Khang bắt đầu gặp vấn đề.
Theo các nguồn tin thông hiểu tình hình, nhiều vụ hạ bệ quan chức cấp cao có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Các nguồn tin này cho biết, Tập Cận Bình đã mở rộng chiến dịch thanh trừng phe cánh Giang đến các lĩnh vực kinh tế, và dự kiến sẽ có những điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế và sự xáo trộn trong giới người giàu.
Nguồn tin này cho biết, các công ty và quan chức liên quan đến phe Giang Trạch Dân sẽ dần dần bị thanh trừ, những hợp đồng được ký kết giữa phe Giang với các chính phủ và công ty nước ngoài cũng có thể trở nên mất hiệu lực trong tương lai
Cổ phiếu niêm yết của Kaisa bị đình chỉ hoạt động
Ngày 03/12, Công ty Kaisa Group Holdings có trụ sở tại Hồng Kông bất ngờ tuyên bố giao dịch cổ phiếu của công ty này bị đình chỉ. Lý do đình chỉ chưa được tiết lộ, nhưng công ty bị tình nghi có liên quan chặt chẽ đến Chu Vĩnh Khang.
Một ngày trước đó, chính quyền Thâm Quyến đã ra lệnh “khóa”, hoặc buộc phải ngừng bán hơn 2.000 cổ phiếu bất động sản của Kaisa tại thành phố. Các nhà phân tích cho biết việc các cổ phiếu bất động sản của công ty niêm yết bị chính quyền địa phương đình chỉ mua bán gần như chưa từng xảy ra ở Trung Quốc đại lục. Giá cổ phiếu của Kaisa đã giảm 8,54% vào hôm đó.
Chiều ngày 03/12, khoảng 900 cổ phiếu tại Kaisa Holiday Plaza được phục hồi hoạt động mua bán, nhưng vẫn còn 1.300 cổ phiếu bị khóa.
Ủy ban Kế hoạch Nhà đất Thâm Quyến cho biết họ không tiết lộ lý do và thời gian khóa các cổ phiếu này. Tuy nhiên, hãng truyền thông đại lục China Times đã trích dẫn tin tức nội bộ từ Phòng Nhà đất quận Longgang, cho biết, vào tuần trước Ủy ban Kế hoạch nhà đất Shenzhen đã yêu cầu quận Longgang khóa các cổ phiếu niêm yết bất động sản chưa được bán của Kaisa.
Nguồn tin này cho biết đây không phải do vấn đề điều chỉnh. Ông nói: “Nếu không họ đã không yêu cầu chúng tôi khóa tất cả các cổ phiếu. Theo phân tích của chúng tôi, công ty Kaisa có một số vụ việc bất thường, và việc tạm thời khóa các cổ phiếu nhằm ngăn chặn việc chuyển giao tài sản”.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Kaisa có tham gia một dự án bất động sản với Công ty Cổ phần Đầu tư Zhongxu, một công ty dưới quyền kiểm soát của Chu Bin, con trai Chu Vĩnh Khang.
Các công ty khác
Chen Zhuolin, Chủ tịch hội đồng quản trị của Agile Property Holdings, người được cho là con đỡ đầu của Chu Vĩnh Khang, đã bị giám sát cư trú từ ngày 30/9. Việc kinh doanh chứng khoán của công ty Agile đột nhiên bị đình chỉ vào ngày 03/10, ngay trước khi mở cửa giao dịch cổ phiếu.
Khi giao dịch của công ty được khôi phục vào ngày 13/10, giá cổ phiếu đã giảm nghiêm trọng, giá trị thị trường của công ty bị sụt giảm 3,4 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương khoảng 439 triệu đô la Mỹ) chỉ trong một ngày. Hoạt động kinh doanh công ty tại Trung Quốc đại lục cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Fantasia Holdings, một công ty khác có liên quan tới Chu Bin, là một doanh nghiệp của gia đình Tăng Khánh Hồng, cựu phó chủ tịch ĐCSTQ và là người ủng hộ phe Giang Trạch Dân. Người sáng lập công ty này là Tăng Bảo Bảo, cháu gái Tăng Khánh Hồng, cũng đang bị điều tra.
Xu Wu, chủ tịch công ty bất động sản Hyupshin Group, đã bị bắt vì liên quan đến Song Lin, chủ tịch tập đoàn China Resources, một quan chức khác bị lật đổ vì tham nhũng.
Wang Shi, chủ tịch công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc Vanke, cho biết: “Những thương gia bất động sản Trung Quốc đại lục rất dễ bị đi tù; hối lộ là chuyện thường xảy ra. Vì tôi không hối lộ người ta, nên tôi không thể kiếm được khu đất có vị trí tốt”.
Phe cánh Giang và các nhóm lợi ích của phe này đã kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế Trung Quốc. Họ tích lũy một khối lượng tài sản khổng lồ thông qua hoạt động kinh doanh bất động sản và tham nhũng đất đai.
Tháng 10 vừa qua, trang web Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã tuyên bố rằng bất động sản là khu vực bị tham nhũng nặng nề nhất. Việc các quan chức chính phủ và các doanh nhân thông đồng nhằm chiếm thêm nhà ở và văn phòng là hiện tượng phổ biến, có 20 trong số 21 tỉnh, thanh tra đã phát hiện có tham nhũng bất động sản.
Rủi ro cho các nhà đầu tư
Lawrence Ye, phó Chủ tịch Công ty Tài nguyên đầu tư bất động sản IPD thuộc tập đoàn MSCI, cho biết với tình hình thị trường bất động sản Trung Quốc đại lục, “rủi ro chính trị sẽ là yếu tố quan trọng nhất để các nhà đầu tư nước ngoài xem xét”.
Ye nói rằng ngành bất động sản đại lục có liên quan đến đất đai và cần được chính phủ phê duyệt, vì vậy các doanh nhân bất động sản và các quan chức chính phủ có mối liên hệ rất chặt chẽ. Vì vậy có rất nhiều những tin đồn về việc tham nhũng bất động sản.
Các nhà đầu tư nước ngoài không hiểu thị trường Trung Quốc, thông thường họ cần phải làm việc với các công ty đại lục để được vào thị trường đại lục. Tuy nhiên, họ ngày càng nhận ra nếu họ không hiểu được môi trường chính trị của Trung Quốc, họ có thể phải gánh chịu thiệt hại khi chọn nhầm đối tác làm việc.
Ye nói rằng bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lợi nhuận giảm mạnh, và các yếu tố khác đã dẫn tới sự suy giảm dòng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đại lục.
L.Z.
Nguồn: http://vietdaikynguyen.com/v3/25664-thanh-trung-tai-cac-cong-ty-bat-dong-san-thuoc-phe-giang-trach-dan/