As Time Goes By…
Dễ có hàng triệu người đã xem, một lần hay nhiều lần, cuốn phim Casablanca (*). Cuốn phim đã đi vào huyền thoại, hai vai chính trở thành nhân vật huyền thoại. Tôi đã coi đi coi lại Casablanca ở Viện phim Phố Ulm (quận 5 Paris) trong thập niên 60, nghĩa hơn hai chục năm sau khi cuốn phim ra đời. Lúc đó tôi hoạt động trong hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp. Mỗi trại hè, chúng tôi thường tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ cho dân chúng các thị xã «đỏ», là những địa phương tiếp đón trại. Mở đầu chương trình, chúng tôi hát bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, sau đó là La Marseillaise. Tôi cũng chẳng nhớ có hát Tiến quân ca hay không nữa. Chúng tôi quan tâm tới công cuộc giải phóng Miền Nam nhiều hơn là tới Việt Nam dân chủ cộng hòa. (Cũng phải nói cho chính xác : tôi nói «chúng tôi» là nói vậy thôi. Tôi hát trật đến độ chẳng mấy lúc tôi được chuyển công tác từ ban hợp xướng sang ban trật tự).
Nhưng bài Marseillaise duy nhất làm cho chúng tôi xúc động là ở trong phim Casablanca, hát với giọng Mỹ. Một bài nhạc quân hành, tất nhiên, hát xong còn hô khẩu hiệu «Nước Pháp muôn năm!». Cho tới giữa thập niên 50, thế hệ cha anh chúng tôi vẫn còn phải chiến đấu chống nước Pháp thực dân. Nhưng đối với chúng tôi, trong khung cảnh quán Rick, Casablanca, Marseillaise trước hết tượng trưng cho kháng chiến Pháp. Mấy chục năm sau tôi mới có dịp thực sự đến Casablanca. Chỗ nào cũng thấy quán Rick, nhưng chẳng ai chỉ được chỗ nào đã được quay phim. Bởi một lẽ rất đơn giản: Casablanca là phim hư cấu, toàn bộ cuốn phim được quay ở California. Cảnh sân bay Casablanca chỉ là dãy cây cọ cắm trên cát California, giấy thông hành mang chữ ký của De Gaulle, người kháng chiến duy nhất mà người Mỹ biết tên.
Đôi khi tôi nghĩ Casablanca chính là chơi chữ, ám chỉ Nhà Trắng / Bạch Ốc, một chiêu PR báo hiệu Mỹ tham chiến. Hồn xiêu phách lạc bởi tài diễn xuất của Humphrey Bogart và sắc đẹp của Ingrid Bergman, chúng tôi bị những huyền thoại và biểu trưng chinh phục (hay mê hoặc ?).
Sự thật hậu trường không làm mảy may suy suyển ma lực của cuốn phim, chẳng giảm bớt những giá trị mà nó chuyển tải cũng như sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với các diễn viên.
Dường như chúng ta đã nhập tâm các giá trị và biểu trưng (không kể cái đẹp) của Casablanca, biến chúng thành một hiện thực không gì thay đổi được. Có những trường hợp mà hiện thực phải nhường bước cho hư cấu. Bởi vì xã hội nào cũng có những huyền thoại, nghi thức và tín ngưỡng tập thể của nó. Xét đến cùng, tôi dám nghĩ rằng tác phẩm hư cấu này càng thêm phần thân thiết khi ta biết rõ sự thật ra sao.
Trong một cuốn sách viết về Claude Lévi-Strauss, có môn đệ của nhà dân tộc học kể chuyện một bộ lạc ở châu Phi. Họ bị chia rẽ nội bộ sâu sắc trên vấn đề : linh cẩu có giống cái không? Để chấm dứt cuộc tranh cãi bất tận, các trưởng lão quyết định tổ chức một cuộc săn lùng linh cẩu. Một tuần sau, đoàn người săn trở về, linh cẩu không thấy đâu, chỉ vác về được hai con nai cái. Thế là bộ lạc quyết định làm thịt hai con vật, và quyết nghị : có linh cẩu giống cái. Gần đây hơn là chuyện Liban. Sau mười lăm năm chiến tranh liên miên (1975-1990), Liban đi tới hòa giải trên cơ sở chia sẻ quyền lực giữa hai cộng đồng dân tộc và tôn giáo, là Ki-tô giáo và Hồi giáo, coi như ngang nhau về số lượng. Sự bình đẳng này hoàn toàn có tính chất hư cấu, vì không ai biết ở Liban có bao nhiêu tín đồ Islam, bao nhiêu Ki-tô hữu, vì mọi cuộc điều tra dân số ở nước này bị cấm chỉ. Như sự hư cấu giả định này cho phép đi tới đồng thuận, đó là một hư cấu cần thiết.
Thế hệ chúng tôi đã trưởng thành trong một cuộc chiến tranh triền miên, đến mức chiến tranh trở thành một sự kiện xã hội, mỗi người phải thích ứng với nó. Chung quanh tôi, người thân hay không thân, mọi người đều lựa chọn đứng về bên nào. Mỗi người đều bảo vệ chính nghĩa của mình với nhiệt tâm và tin tưởng. Nhưng tôi không nhớ có người nào phấn khích với những tai họa của chiến tranh – đây tất nhiên không kể những kẻ làm giàu vì chiến tranh. Mỗi gia đình bị chia rẽ, quá khứ tan ra từng mảnh, tương lai bị đe dọa, xác tín lung lay, những mất mát không thể hàn gắn. Ngày nay có người cho rằng Việt kiều lấy chiến tranh làm vốn liếng danh dự, thì quả là phân tích tâm lý ở tầm cao của cống rãnh, như lời bài hát Aragon.
Đơn giản thôi, chọn chỗ đứng là làm nhiệm vụ công dân, hay nói như Sartre, làm người. Không hơn, không kém. Tôi không dám nhân danh ai khác hơn là tôi, song tôi muốn khẳng định rằng ít ra có một giá trị mà mọi người tham chiến đều chia sẻ, đó là tình tự nhân phẩm. Mọi người chúng tôi đều là những người kháng chiến chống lại xâm lược – kẻ xâm lược trong con mắt của mình. Đối với cá nhân tôi, nếu phải chọn hình ảnh tiêu biểu cho cuộc kháng chiến Việt Nam, tôi chọn hình ảnh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch MTDTGP Miền Nam Việt Nam, trong bộ quân phục (không biết có phải màu xanh cỏ úa không, đó là một tấm ảnh đen trắng), choàng tấm vải ngụy trang, dáng điệu rất ư oai phong, đứng duyệt một đơn vị võ trang trong vùng giải phóng, nhân một dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng (20.12.1960).
Thời đó, chúng tôi không mấy quan tâm tới những tranh luận về ngữ nghĩa và tên gọi của Mặt trận. Mặt trận Dân tộc giải phóng (Miền Nam Việt Nam) và Mặt trận Giải phóng dân tộc (Algérie) khác nhau ở chỗ nào ? Thú thật là tôi xin chịu không nhận ra sắc thái tiểu dị giữa hai tổ hợp từ viết tắt theo tiếng Pháp FNL và FLN. Tôi còn nhớ trong một phiên họp ở Hội nghị Paris về Việt Nam, đoàn đại biểu Mỹ đã hết lời ca ngợ FLN Algérie và chỉ trích FNL Miền Nam Việt Nam. Sau đó, tất nhiên đã lời qua tiếng lại gay gắt về tính chất đại diện của hai tổ chức Mặt trận.
Bây giờ nghĩ lại, phải thừa nhận là khái niệm mặt trận không phải là một ý niệm trong suốt như pha lê. Ở Trung Mỹ, nơi tôi có dịp công tác, các tổ chức mặt trận có một cấu trúc ý thức hệ tương đối đơn giản. Mặt trận Sandino Giải phóng Dân tộc Nicaragua, Mặt trận Farabundo Marti Giải phóng Dân tộc Salvador là những tập hợp ý chí chung quanh một cái tên, một huyền thoại và một biểu trưng cho cuộc đấu tranh giải phóng. Không quan trọng cho lắm nếu như hai mặt trận kể trên phát sinh từ yêu cầu tập hợp những lực lượng phân tán, hay nếu như Mặt trận Farabundo Marti bị áp đặt từ bên ngoài để tập hợp lực lượng. Điều mà người ta ghi nhận từ lịch sử của hai tổ chức này là đó là biểu hiện của khát vọng tự do và nhân phẩm chân chính của nhân dân.
Trong trường hợp các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, mà số phận đã kết liễu vào tháng 11 năm 1989, mặt trận là một cái gì khác lắm. Nó được xem như sự cô đặc của khối cư dân, cũng giống như Quốc hội. Sự cấu thành mặt trận cũng không có gì phức tạp: chỉ việc lấy cấu trúc của thành phần dân số ở tuổi lao động (công nhân, nông dân, trí thức…) rồi thiết kế một định chế theo tỉ lệ tương đối chính xác các thành phần kể trên, thế là xong. Tất nhiên người ta không căn cứ vào cấu trúc dân số vì kiếm đâu ra «đại biểu» phụ nữ cho đủ 50%. Và các cơ quan mặt trận này chỉ có một nhiệm vụ độc nhất là khẳng định tính đại biểu của mình!
Ở đây, chỉ cần nói rằng cuộc tranh luận về vấn đề này chưa kết thúc. Các chính phủ thì dựa vào kết quả tuyển cứ để khẳng định tính chính đáng của mình. Còn tính chính đáng do vũ khí mang lại, hay do vai trò lịch sử ngày này không hợp khẩu vị nữa, nhưng một vài chính phủ còn bám chặt vào đó, chẳng qua vì không còn gì khác để bám vào. Những người phản kháng thì tiếp tục nhân danh công lý tự do (cuộc nổi dậy ô dù ở Hồng Kông) hay nhân danh nhân phẩm (mùa xuân A rập) để chất vấn tính chính đáng đó. Thêm vào đó là một loạt vấn đề: những sự bất cập (hay khiếm khuyết) của sự quản lý đất nước, những hạn chế trong việc thực thi các quyền cơ bản (thậm chí: sự thiếu vắng các quyền cơ bản), tình trạng nghèo khó và bất công kéo dài và ngày càng tăng. Phần tôi, tôi không tin rằng một cơ cấu «thực sự» đại diện có thể mang lại giải pháp màu nhiệm cho toàn bộ các vấn đề ấy (đó là những vấn đề thực chất, nhưng giải pháp không nằm trong những câu thần chú, như kiểu «chỉ cần…», «phải» thế này, «phải» thế kia…). Nhưng xin tạm ngừng câu chuyện này ở đây để không đi quá xa chủ đề bài này, vì tôi còn mang nặng dấu ấn của những khẩu hiệu hô vang trên đường phố những năm 60, «MTDTGP, đại diện chân chính duy nhất….», cũng như của lộ trình cá nhân của mình.
Nhiều năm sau ngày hòa bình lập lại, trong một lần về thăm Hà Nội, bạn bè chỉ cho tôi thấy tòa biệt thự của chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Mặt khác, sách vở «đúng lập trường» đã đưa ra khá nhiều tình tiết về các quyết định được thông qua ở Hà Nội trong những năm tháng đó để đối phó với cuộc chiến tranh Mỹ, «chiến tranh đặc biệt» cũng như «chiến tranh cục bộ». Người ta kể đích danh những nhà chiến lược đã vạch ra các quyết định ấy. Nhưng phải nói thực điều này: không có một tấm hình nào, của một nhân vật lịch sử nào, đã gây xúc động nơi tôi như tấm hình nhà trí thức – chiến sĩ mà tôi nói ở trên. Rất có thể, nỗi xúc động của tôi xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân: môt trí thức «đa căn cước». Tự đồng nhất với người này hay người kia trong Mặt trận, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời, chúng tôi coi họ là biểu trưng của ý chí, của khối đoàn kết dân tộc, thực sự đại diện cho khát vọng tự do của chúng tôi.
Phải chăng tôi dành vị trí ưu tiên cho sự liên minh tư tưởng, liên minh các ý thức hệ trong sự biểu hiện tính chất đại diện chân chính? Có thể lắm. Bởi vì, nếu ta không có những công cụ đáng tin cậy để đo tính đại diện (những cuộc bầu cử với 5% cử tri tham gia không được coi là chính đáng, thì những cuộc bầu cứ với 99% cử tri tham gia lại còn kém chính đáng hơn nữa), thì tinh thần cởi mở, sự khoan dung, và các cuộc thảo luận nghiêm túc, có lý có lẽ, và tôn trọng lẫn nhau là những chỉ dấu quan trọng của tính đại diện, theo ý tôi. Tôi không hề có ý so sánh Bà Nguyễn Thị Bình với Ingrid Bergman, và chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Humphrey Bogart. Điều tôi muốn nói, là 54 năm sau ngày thành lập MTDTGP, biểu tượng của họ là những biểu tượng chân chính, bất luận những sự thật lịch sử đã được công bố. Đó là những sự thật mà nhiều người trong chúng tôi đã biết, nhưng do yêu cầu của thời điểm ấy, chúng chỉ được phổ biến kín đáo. Ngày nay, khi chúng được đưa ra ánh sáng công khai, tôi nghĩ chúng không thể làm thay đổi thái độ của chúng tôi, không để đặt lại sự chọn đường sống của chúng tôi thời đó. Có lẽ vì chúng tôi có may mắn là đã có thể suy nghĩ về sự dấn thân của mình, để chọn lựa với đầy đủ ý thức và tỉnh táo, vượt qua những khó khăn và giằng xé. Thảo luận, lý luận và chọn lựa trong tỉnh táo về những sự kiện cũng như về những biểu tượng, đó là con đường tôi đã chọn đi, không đơn độc, mà cùng với khá đông bằng hữu. Một người bạn ấy đã nói với tôi : những chọn lựa mù quáng và những quyết định do áp đặt, thì phải xem xét lại, những quyết định tự do thì không.
Có lẽ vì vậy mà hôm nay, dường như đã qua rồi cái thời của sự đoàn kết, nhường chỗ cho những tranh luận, khi những cuộc xung đột mới cật vấn chúng ta, chia rẽ chúng ta, tôi muốn mượn lời bài ca trong phim Casablanca : As Time Goes By… Mặt trận sống mãi. Mặc dù, chúng ta hiểu rõ rằng, bài giải của những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt không nằm ở sự về nguồn, mà từ sự đổi mới các cuộc thảo luận và tư duy.
N.H.Đ.
Mexico, 12.201
Bản dịch của Kiến Văn
Nguyên tác tiếng Pháp : As Time Goes By
(*) Một trong những tác phẩm điện ảnh được coi là kinh điển, với bài ca As Time Go By… (Thời gian cứ trôi...) qua giọng của ca sĩ kiêm nhạc sĩ jazz Dooley Wilson (đóng vai Sam). (xem/nghe trường đoạn này ở đây)
You must remember this
A kiss is just a kiss, a sigh is just a sigh.
The fundamental things apply
As time goes by…
Em/Anh hãy nhớ điều này
Hôn nhau chỉ là hôn nhau, thở dài chỉ là thở dài
Dòng thời gian vẫn cứ trôi đi
Điều cốt yếu vẫn còn mãi mãi
Ngồn: http://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/dong-thoi-gian-troi-di..