Vô hộp – nghĩ về Bọ Lập

httpswww.facebook.competerlambui43fref=photo

Cũng dịp này năm ngoái với tư cách một độc giả hay theo dõi báo mạng tôi có gửi bài viết cho diễn đàn Quê Choa, một blog tôi thích thú vì chủ biên là một nhà văn tác giả của nhiều truyện ngắn tôi được đọc miễn phí trước đó và sau này khi nhờ con cháu mua cho cuốn ‘Ký ức vụn’ mới ra lò mà sức thu hút của nó cháu tôi từ Nha Trang vào phải ‘lục tung thành phố’ mới kiếm ra.

Đây là bài viết đầu tiên tôi gửi cho QC, vì muốn thêm tiếng nói đồng thuận của những người ở xa cho một sự kiện lịch sử vốn là trải nghiệm bi thương nhưng lại là niềm hãnh diện cho những người Việt của cả hai bên sau một thời Bắc Nam đối nghịch.

Bài viết theo dự kiến cũng khó được post vì tác giả là một kẻ vô danh và diễn đàn lại có số lượt khách vào thăm với con số trăm triệu ở thời điểm này. Tôi cứ gởi, kèm theo một e-mail thăm hỏi chủ biên như phép lịch sự với chủ nhà,

“Kính gởi Bọ Lập, Chủ biên Quê Choa

Là một fan vốn ái mộ Bọ từ nhiều năm nay, lúc nào cũng canh cánh lo Bọ bị ‘hốt’ vô hộp hoặc vui bạn bè té ngã khi đi lại. Nhưng cuối năm thấy Bọ bình an & Quê Choa vẫn trụ lại, ngày càng khởi sắc, độc giả chúng tôi ngoài này vô cùng hạnh phúc.

Nay nhân những ngày cuối năm, xin gởi Bọ một bài viết tựa đề “Biển Đông một thời sủibọt’ như một đóng góp cho sự kiện kỷ niệm Hoàng Sa bốn mươi năm.

Cũng nhân năm mới, xin chúc sức khỏe Bọ và gia đình có nhiều niềm vui & phước hạnh, Quê Choa vẫn tồn tại và tiếp tục là diễn đàn cổ võ cho những giá trị nhân bản mang lại niềm vui chung cho độc giả.

Trân trọng,

ĐXT”

Trái với dự kiến, bài viết được mau mắn chấp nhận. Cái tôi đáng phục người chủ biên là bản gốc tôi đã gửi đăng ở hải ngoại có vài chi tiết và lối viết có thể không phù hợp với diễn đàn, nên tôi hiệu đính và lược bỏ để dễ xử cho chủ biên vốn đã đổi địa chỉ cả chục lần sau nhưng ngày vượt bức tường lửa.

Không may chỉ nửa giờ sau tôi kiểm lại, bản hiệu đính không được gửi đi mà lại bấm vào… bản gốc. Vội vàng chỉnh lại và xin chủ biên vui lòng post theo bản mới.

Hai tiếng sau, bài được post lên. Đáng ngạc nhiên là chủ biên kén bản gốc, không xử dụng bản phụ, về sau được giải thích là bản gốc ‘hay hơn’, dù có một đoạn tôi đã viết:

“Nhớ lại Hoàng Sa ngày ấy cũng chỉ là hòn đảo nhỏ so với Lý Sơn (ngoài khơi Quảng ngãi), nguồn thổ sản duy nhất là phân chim chẳng ai buồn khai phá, có chăng là các đội thuyền buồm của quan quân triều Nguyễn vãng lai ra cắm cọc mốc như một hình thức minh xác chủ quyền tuần duyên quanh đảo hoặc các tàu đánh cá viễn khơi của ngư dân vùng Quảng táp vào tránh bão mỗi khi gặp nạn trên biển Đông.

Sau này, Thủ tướng của miền Bắc vì lý do nhạy cảm đã ký văn bản thỏa thuận ngầm ‘hiện trạng Biển Đông’ theo hướng của Bắc kinh vì nhà nước nghĩ rằng xá gì một đảo nhỏ xa xôi tạm thời chẳng thuộc quyền quản lý của mình khi tình hữu nghị anh em là điều kiện sống còn cho mối quan hệ quốc tế vô sản. Có ngờ đâu chỉ nửa thế kỷ sau Hoàng Sa trở thành một phần của ‘huyện đảo Tam Sa’, nối dài cho sân sau của bá quyền Đại Hán, trở thành tâm điểm cho một đường kính hàng ngàn hải lý quét đủ một vòng như một ‘lưỡi bò’ ôm trọn biển Đông!”

Nhắc lại giai thoại này để thấy người chủ biên Quê Choa có cái khí phách của người cầm bút, như chính ông vẫn khiêm tốn chỉ muốn làm ‘con thuyền nhỏ chuyên chở sự thật’. Nhưng cũng nhạy cảm, ông đã dùng cái logo cho QC, “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Mà kinh thật, Bọ Lập đã vào hộp. Một người tàn tật dù tinh thần còn lành lặn, trụ được như thế cũng đáng phục rồi. Tôi vẫn tự hỏi là người có tài, có học, có tiếng tăm trên văn đàn, lại là đảng viên và có nhiều quan hệ giao lưu với nhiều giới, sao không xử dụng các lợi điểm này để vinh thân mà lại đi tìm con đường cụt đầy rình rập mà lẽ ra con người từng bị coma nên tránh.

Sau nghĩ lại ông là người Quảng Bình đất vừa có Ngô Đình Diệm vừa có Võ Nguyên Giáp, nên chẳng cần lý giải thêm.

Cứ theo điều 88 án phạt sẽ không ngắn, và nếu bị giam ở Thanh Hóa nơi tôi từng kéo bè trên sông Mã thì Bọ sẽ chết trong tù và mặc nhiên nhà cầm quyền đã ‘phong thánh’ cho Bọ.

Ngày cuối năm 2014

Đ.X.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in báo chí, Blog. Bookmark the permalink.