Cuộc đi bộ…bất đắc dĩ

Nhớ 1968, tôi đã quyết đi bộ từ Thanh Xuyên, Phổ Yên, Bắc Thái (tên của thời sáp nhập lung tung các tỉnh để rồi sau lại “nguyễn như vân”, nay là Thái Nguyên), cắt ngang những ngọn đồi cuối của dãy Tam Đảo về Tam Dương,Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Thời đó, phải dùng đôi chân đi trên con đường nhiều đoạn là đất đỏ, có đôi đoạn nhựa dài chừng 40 cây số là chuyện chẳng có gì đáng kể. Vì cuộc đi bộ vô cùng an toàn của anh chàng U30 có thể nào so sánh được với cuộc “Vượt Trường Sơn về giải phóng quê hương” của các cán bộ đi B hồi thập kỷ 60 mà đa số cũng là U50. Vì lớp trẻ mười chín đôi mươi trước đấy đã từng cùng “chiếc gậy Trường Sơn” với ba lô trên vai “vượt Trường Sơn đi giải phóng miền Nam”.Tôi lên đường giữa thanh thiên bạch nhật, được bầu bạn vui cười tiễn đưa. Đi dưới trời quang, mây vẩn vơ bay trên cao, chẳng nắng cũng chẳng mưa, chỉ việc sải bước đều đều, nhắm đích đến. Đồi núi chập chùng, hết ngọn xanh này lại đến nương rẫy khác. Lãng mạn nhỉ? Đường vắng chẳng một bóng người. Đó lại là cái cớ để tôi lựa chọn. Nếu xuôi Hà Nội, rồi ngược lên bằng xe lửa, đôi chân không mỏi, song lại e những trận bom của “đế quốc Mỹ xâm lược” vãi xuống bất ngờ vào các cầu cống, đoàn tàu nghi là chở đồ của “quân đội Việt cộng”. Thôi thì, chân mỏi, mệt xác nhưng cái gáo an toàn vẫn hơn. Chuyến đi bộ đó là tự nguyện cũng được mà là BẤT ĐẮC DĨ cũng chẳng sai. Có điều, tôi chẳng được bảo vệ, kèm sát, càng không có ai ngăn cản, hạch hỏi, quấy nhiễu, đe dọa, thậm chí muốn trấn lột. Đi một mình. Đi tự do. Đi thoải mái.  Đúng là quyền tự do đi lại của tôi được chứng minh rõ, chính xác như 1+1=2.

Đấy là thời Việt Nam có quốc hiệu là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA. Còn sau gần nửa thế kỷ, loài người đã bay xa hàng ngàn năm ánh sáng, thế mà giữa thành phố  “ngàn năm văn hiến”, “thành phố hòa bình”, thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại có cuộc đi bộ …bất đắc dĩ thực sự, đúng nghĩa 100%. Đó là cuộc đi bộ của Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ quận Long Biên (xưa là Gia Lâm) sang Nhà thờ Thái Hà, quận Đống Đa (trước là vùng Thái Hà ấp) – từ đông sang tây –  của thành phố có sự giao thông bát nháo, không giống bất cứ ai trên trái đất, ở tuổi U70!

Quả thật có bị chạm chập dây thần kinh, rối loạn trí nhớ thì mới đi bộ như vậy. Không! Trăm lần không! Ông là người khỏe mạnh, bình hường, sáng suốt nữa là khác!

Ông không có xe hơi, xe  moto/gắn máy? Không hẳn! Thành phố thiếu phương tiện giao thông ư? Nói bậy! Như vậy là phủ nhận thành tích xây dựng CNXH của Nhà nước Việt Nam mà không nhìn thấy ngành giao thông vận tải hiện nay có đủ mọi phương tiện chở vật, chở người. Xích lô? Phương tiện đặc trưng của Hà nội thời “thực dân Pháp”, “anh này” nay chỉ còn  chở mấy Mr, Ms, Mrs, Miss hay ngao du khu vực phố cổ, ngắm Hồ Gươm muôn thuở, quanh năm treo cờ đỏ, băng-rôn chào mừng; ngắm nhà cửa chật chội chen chúc nơi Chợ Gạo, Tạ Hiền; ngắm cửa hàng nhỏ lẻ Hàng Đào, Hàng Ngang. Cũ kỹ quá rồi! Hiện đại hơn có đội quân thất nghiệp, phải cố công,vay mượn mua lấy một “con của Tàu”, thậm chí chấp nhận chạy ăn chia 50/50 với chủ xe đầy dẫy trên mọi nẻo bến xe, vỉa hè. Nếu ta đi bộ quãng 20m đã có tiếng vang bên tai: “Ông/bà đi đâu cháu chở?”, “Ông/bà lên xe, cháu lái cẩn thận”: Xe ôm! Dịch vụ của “nhân dân anh hùng!”, có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, có thể đưa người ta đến bất cứ ngang cùng ngõ hẻm cong queo, ngoằn ngoèo nào ở xa, ở gần, giá cả khá phù hợp với thị trường. Xe taxi thiếu gì? Nếu ông vẫy tay một cái chắc sẽ có ít nhất 2, 3 xe sà vào, sẵn sàng mở cửa; nếu kêu di động, chắc 5 phút sau sẽ có một xe 4 chỗ láng cóong, mượt mà “Mời Ông lên xe!”. Ông không chọn. Ông lo ngồi trong xe, có thể bị ném đá vào kính phía sau như nhóm người đi viếng Luật sư Trần Lâm trên đường về. Ví/bóp của TS NQA lép, rỗng ư? Không tin! Ông có tiền “mời uống cà phê, ăn phở” mấy anh khách lạ cơ mà! Ông đã chọn xe chở người to nhất thành phố –xe bus – cứ 10, 15 phút lại có một chuyến, chạy chằng chịt trên Thủ đô rộng lớn hàng “top ten” trên thế giới. Xe có máy làm mát không khí. Xe dường như được dân chúng ưu tiên, né, nhường nhịn. Xe có thông báo tận tình bên trong “Quý khách đang tham gia giao thông bằng xe bus. Xin quý khách nhường ghế cho người khuyết tật, người già… ”. Hợp tình, hợp lý quá rồi! Ấy thế mà ông bị “chặn không cho đi” tới điểm xe đậu. Ông cương quyết lắm mới tới được điểm xe đỗ, chuẩn bị bước lên“ba người lực lưỡng không cho lên”. Ông, với vóc người mảnh khảnh làm thế nào lên được xe với ba tay “lực lưỡng” cơ bắp mà trong đầu ý chí chấp hành lệnh trên còn cứng rắn gấp trăm lần cái “lực lưỡng” kia?! Ông định ra bến, đi bằng thủy! Nhưng lại nghe thấy: “Lệnh,không cho lên bất cứ phương tiện giao thông nào”. Hết cách đến điểm ông cần đến ư? Không! Ông còn đôi chân. Ông đi bộ! Vậy là Cuộc đi bộ… bất đắc dĩ “chứ còn gì nữa?”.

Cuộc đi bộ của ông vào sáng 26-11-2014 thật gian nan, Ông phải ra khỏi nhà khi “trời còn tối”, không phải ông vụng trộm gì. Ông đang là người dân, không tiền án tiền sự, có chăng là “chưa thấy biểu hiện xấu” như công an thường ghi nhận vào lý lịch bất cứ người dân thấp cổ bé họng khi cần đến họ xác minh lý lịch. Nhà ông  cách nơi ông định đến chừng 30 km thôi, nhưng ông thực hành cuộc đi bộ… bất đắc dĩ như trên với thời lượng ít nhất… hơn 3 tiếng đồng hồ, gấp rưỡi thời gian đi mây về gió của ông ngồi trên phương tiện Vietnam Airline từ sân bay Nội Bài vào Sài Ghềnh! Ông phải đi bộ đã đành, nhưng “lộ trình” của ông không “định hướng” được, lúc định ra bến tàu thủy, “hổng” đi được. Lên cầu Chương Dương cũng không xong. Ông lại phải leo lên cầu của “thực dân Pháp nó làm” cách nay hơn thế kỷ. Rồi ông phải lê gót chân qua suốt Hàng Khoai đông đúc bên hông chợ Đồng Xuân tới Phùng Hưng. Ông lấy thêm tinh thần của Lý Nam Đế, của cả hương hồn “đồng chí” TBT Trần Phú rồi qua Văn Miếu nạp đầy “năng lượng” Nguyên khí Quốc gia. Đề phòng bị đột quỵ, ông còn vòng qua bệnh viện Saint Paul, sau đó “thong dong dạo gót” trên phố Hàng Bột, nay đổi tên là Tôn Đức Thắng. Không phải ông như viên bột để người ta muốn nhào nặn thế nào cũng được mà vì đó là con đường thẳng ông đi tới đích. Gần tới nơi, “định lén qua kẽ hở”. Không thành. Ông tiếp tục “định lén qua khe giữa tường và cột điện”, thì “họ chặn ngay”. Nhưng rồi, ông cũng tới đích bằng “một kẽ hở để lén qua” với sự góp sức của bạn hữu trong và cả ngoài nước.

Tại sao ông phải đi bộ? Ai, bộ phận nào đã gây khó khăn, buộc ông phải dùng đôi chân của mình làm phương tiện giao thông đường xa, trên con đường dích dắc, mọi xe cộ chuyển động như mắc cửi mà rất nhiều ông bà mũi lõ mắt xanh rất ngại ngùng? Ai, bộ phận nào đã ngăn cản ông đi bằng các phương tiện mà thành phố ê hề, thừa thãi? Những “viên” của ngành “chỉ còn Đảng còn mình” – Công an viên – với cấp trên chỉ đạo, ra lệnh của ngành, tất nhiên là của cả chính quyền. Đó là điều không chối cãi được!

Ông đi đâu mà ngành Công an phải “ngăn chặn”, kèm cặp dữ vậy? Ông đi dự “Hội thảo” tại Nhà thờ Thái Hà.

Một cuộc Hội thảo, ông đã đường hoàng có thư mời, báo trước mong Chính quyền/Công an cùng tham gia. Một cuộc Hội thảo có “8 đại diện của 7 Sứ quán” tham dự với hơn “70 người tham gia” (nếu không o ép, cản phá, tôi nghĩ sức chứa 100 người của hội trường sẽ quá chật), dù trong sự kèm cặp của Chính quyền/Công an từ đêm hôm 25-11 và sáng 26  với “một xe Công an”, chừng “ba chục” công an viên, dân quân. Ông cũng đã phân tích, cho điểm các khả năng xảy ra, các cách ứng xử của Chính quyền/Công an. Thế mà ông vẫn bị làm khó, chặn ngăn, đày ải đến vậy. Tại sao hai ông cao nhất của Chính quyền Hà Nội và Công an không ngồi cùng với  TS Nguyễn Quang A ở chiếc bàn Tam giác như các cuộc VTV diễn trong mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”?  Tại Sao? Tại sao?  Phải chăng TS Nguyễn Quang A là phản động? Nếu vậy Công an bắt giam, điều tra, truy tố, đem ra Tòa xét xử. Không phải thế ư? Vậy chính quyền/Công an coi khinh TS NQA, nên phải đối xử như một kẻ phạm pháp? Chẳng phải ư? Vậy họ đã sợ TS Nguyễn Quang A! Không phải họ sợ cái thân thể ốm nhom NQA! Họ sợ tư tưởng và cả việc làm của NQA! Họ sợ những gì đã nói ra, thảo luận, trao đổi công khai ở Nhà thờ Thái Hà sáng 26-11. Họ sợ thật đấy. Họ Sợ mất thể chế, mất chính quyền, mất chế độ. Họ sợ mất “bao nhiêu lợi quyền trong (ắt) qua tay mình” rồi. Họ sợ mất sự độc quyền, mất độc tài, mất độc đảng. Họ sợ người dân được dân chủ, tự do thực chất. Họ sợ một Xã hội Dân sự, một nhà nước Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp độc lập, kiềm chế, quản lý nhau.

Một xã hội mà Nhà nước sợ dân và (nói thực) dân cũng sợ phải ngồi tù, dù cho là tù một cách phi lý, oan sai, hỏi xã hội ấy văn minh chưa, trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam nêu Văn minh là một tiêu chí của nước Việt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình? Xin các đảng viên làm sáng cái đầu đất của tôi, nhân dịp chuẩn bị cho Đại hội 12 đảng của các vị!

Sài Gòn, Đầu mùa khô 2014-2015

Đ.N.L

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.