Văn Đức dịch
Lời Dẫn:
Tôi đọc mấy bài của cô Nguyễn Thị Từ Huy từ blog trên RFA. Bài mới đây cô bàn về “sự dối trá” ở Việt Nam và truy nguyên từ việc nhập hệ thống Cộng sản chủ nghĩa từ Phương Tây. Trong bài của mình, cô NTTH nhắc đến một người Nam Tư (Serbien) là “người Cộng sản phản tỉnh”: http://www.rfavietnam.com/node/230một
…
Chúng ta hãy đọc câu này: “… cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại (tôi nhấn mạnh – NTTH). Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế. Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột“. Người viết đoạn văn này là một lãnh tụ cộng sản cao cấp, đã phải vào tù vì chống lại chính Chủ nghĩa cộng sản, vì đã sớm nhận thức được tính phi nhân và sự sụp đổ tất yếu của mô hình Cộng sản chủ nghĩa. Đó là Milovan Djilas, cựu Phó tổng thống Nam Tư, mà tôi từng nhắc đến vài lần.
Thay vì tìm lại bài có câu trích dẫn trên, tôi tìm ra bài phỏng vấn của Tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) của Đức với ông Milovan Djilas vào năm 1995 và dịch lại để làm tài liệu tham khảo chính. Bài có 1229 chữ, khoảng 2 trang A4; nhưng làm cho xong cũng thấy hơi oải, dù cách nói của người trả lời khá ngắn và thẳng vào nội dung đúng kiểu “Tây”. Những vấn đề đặt ra trong bài khá gần với tình hình Việt Nam và Đảng CSVN ngày nay mà cô NTTH đề cập. Lý giải nhận thức về Marx rất chân thành và đúng, khác với nhiều ý kiến của “đồng bào” ta cho “chủ nghĩa Marx đã bị vứt vào sọt rác tại chính quê hương của nó”. Không có điều đó, mà chỉ có các Đảng CS dùng nó làm nền tảng tư tưởng thì đang bị Lịch sử thải loại.
Tình hình Việt Nam đang diễn tiến, có thể và nên theo kịch bản khác/ngược với Nam Tư. Đất nước Việt Nam sẽ không “tan ra từng mảnh” mà Đảng CSVN phải biến đổi hoặc ra đi, vì chừng nào còn Đảng CSVN thì đất nước Việt Nam còn bị khốn khổ bởi kẻ thù là bọn bành trướng Bắc Kinh đầy dã tâm mà Đảng CSVN coi là “bạn” dựa trên phương châm “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt”.Văn Đức
Milovan Djilas, Nam Tư, người Cộng sản phản tỉnh
http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-9181285.html
(Bản dịch cuộc phỏng vấn 1995)
Hỏi: Thưa ông Djilas, Chủ nghĩa Cộng sản (CNCS) là một hệ thống đã phá sản, nhưng có phải nó vẫn còn lưu dấu trong tư tưởng con người?
Đáp: CNCS là một hệ thống không thể cải sửa. Điều tệ hại nhất ngày nay là sự nối kết giữa tư tưởng Cộng sản và tư tưởng cực đoan dân tộc. Nếu người Nga tìm cách phục hồi lại đế chế Xô Viết cũ thì việc đó dẫn đến chiến tranh là điều không tránh khỏi. Các dân tộc không thuộc dòng Nga sẽ phản kháng và Phương Tây không thể khoanh tay đứng nhìn, vì một nước Nga phát xít còn tệ hại hơn một nước Nga cộng sản.
Hỏi: Thưa ông Djilas, ông là một người Cộng sản, mà chính ông đã phải ngồi tù trong vương quốc CS Nam Tư, nhưng cũng chính trong thời gian bất đồng ý kiến thời Tito, ông vẫn không rời bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Marx?
Đáp: Lý thuyết chủ nghĩa Marx (CNM) có nhiều điểm nhân bản; nhưng chúng không thể thực hiện được trong bất kỳ một đất nước nào. Vì nếu muốn thực hiện nó, con người phải thật là lý tưởng. Một xã hội Xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã có thể so sánh với một xã hội của côn trùng: Tất cả đều giống nhau, không ai có được tính sáng tạo. Đó là sự tồn tại hoàn toàn sinh học. Ngược lại, cái gọi là CNXH thực tồn là kết quả kết nối chính sách quốc hữu hóa tư liệu sản xuất với hệ thống toàn trị độc đảng và độc quyền tuyên truyền (truyền thông).
Hỏi: Vì sao đến năm 1952 ông mới có nhìn nhận như thế?
Đáp: Thiên tài Marx như một nhà tư tưởng và một nhà văn thể hiện ở chỗ ông nối kết tư duy không tưởng với phương pháp luận khoa học. Việc đó làm cho CNXH có sức cuốn hút.
Hỏi: Nhiều người dân Đông Âu ngày nay ta thán rằng cuộcsống khó khăn hơn thời những người CS nắm quyền.
Đáp: Phương Tây vướng phải vấn đề là đánh giá quá mức quyền tự do cá nhân. Họ cho đấy là điều cơ bản. Có một cuốn hộ chiếu và được nói năng tự do thì không phải đã là tất cả. Ở Serbien (quê hương Djilas – ND) chúng tôi có những thứ đó; dẫu vậy vẫn chẳng có Tự do. Tự do cá nhân phải kết gắn với tự do kinh tế.
Hỏi: Bằng việc cân bằng chính trị giữa Đông và Tây, Nam Tư đã có thể bắt đầu sớm hơn với công cuộc dân chủ hóa; Tito sợ cái gì (mà không dám làm điều đó)?
Đáp: Làm như thế (dân chủ hóa xã hội – ND) thì vị trí quyền lực của ông ta bị chất vấn. Tito có trong tay tất cả các khả năng để chuyển hệ thống thành dân chủ; nhưng ông ta không muốn.
Hỏi: Hậu quả nền độc tài của Tito là cuộc nội chiến đang diễn ra ở Bosnien đã làm chết hàng chục ngàn người mà chưa nhìn thấy lối thoát.
Đáp: Lịch sử sẽ đánh giá đúng con người Tito. Ông không phân biệt các tộc người trong Liên bang Nam Tư (LBNT); như bây giờ người ta nói thế ở Sesbien. Tito cống hiến cuộc đời cho LBNT và tin có ngày nó trở thành một dân tộc. Ấy thế nhưng ngay khi ông còn sống, từng nước Cộng hòa trong LBNT đã đặc thù hóa về kinh tế và chính trị.
Hỏi: Tại làm sao sau đó, Ngài đã tách mình khỏi hệ thống (CSCN – ND) Ngài đã không thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ đảng vì công cuộc tự do hóa LBNT?
Đáp: Việc tôi tách khỏi CNCS là sự thông thái duy nhất trong đời tôi có được. Chính bản thân tôi thời đó cũng không chín chắn trong tư duy Dân chủ, nhưng tôi chống lại đảng CS kiểu Bolshevik. Dẫu vậy, tôi cũng đã chẳng đạt được gì với ý tưởng cải cách của mình trong phạm vi một nhóm nhỏ hẹp.
Hỏi: Nhà nước đa dân tộc LBNT đã tan vỡ; từ 3 năm nay chiến cuộc nổ ra ở Bosnien. Liệu những người Serbien có tin rằng người “anh lớn” sắc tộc slave ở Moscow cuối cùng có chìa tay giúp sức người anh em?
Đáp: Chính phủ serbien mong ngóng sự sụp đổ của Yeltsin. Từ lâu, họ chăm chút cho những quan hệ với những người dân tộc chủ nghĩa Nga. Các tướng lãnh Nga đi đi lại lại tới Belgrad và ca ngợi tình thân hữu chính thống giáo (orthodox). Nếu những dòng dân tộc chủ nghĩa (DTCN) này chiếm thượng phong ở Nga, họ sẽ kết nối ngay với Serbien. Việc đó sẽ đánh đòn quyết định cho tình thế ở vùng Balkan..
Hỏi: Đám lửa đốt đồng (chiến tranh – ND) trên bán đảo Balkan còn tiếp tục cuộn cháy?
Đáp: Mỗi nhà nước trên bán đảo Balkan đều chỉ biết đến quá khứ huy hoàng và chăm chăm lo lãnh thổ của riêng họ đã chiếm giữ trong quá khứ. Các nước láng giềng chỉ nhìn nhau như những tội đồ. Một thứ phát xít chủ nghĩa kiểu Balkan đang nảy nở.
Hỏi: Với bấy nhiêu chất liệu bùng nổ, thì về lâu về dài có thể có được nền hòa bình trên bán đảo Balkan?
Đáp: Nền hòa bình chỉ có thể được bảo đảm bằng việc can thiệp của các nước lớn hoặc của Liên hợp quốc. Ngược lại, cứ để mặc các tộc người Balkan xoay xở thì máu còn phải đổ nhiều. Những cuộc thanh lọc chủng tộc ở Serbien đã được những người nắm quyền lập kế hoạch chi tiết. Đây không phải cuộc chiến vì mục tiêu kinh tế và chính trị mà là cuộc chiến để thiết lập các nhà nước DTCN, tức là các dân tộc ít người không có chỗ đứng trong đó.
Hỏi: Chính các nước này, trước khi cuộc chiến bùng phát năm 1991, cũng đã đưa ra một Liên bang các quốc gia với quyền tự quyết riêng, đề xuất như thế có thể cứu vãn LBNT ?
Đáp: Khi Kroatien và Slowenien lúc đó đề xuất thiết lập “Liên bang” thì chắc chắn trong suy tư, họ đã nghĩ đến bước kế tiếp là việc tách biệt nhà nước. Tuy nhiên, đối với tôi, Tổng thống Serbien Slobodan Milosevic là một trong những người đã phá tan LBNT. Ông ta tuyên bố tranh đấu vì LBNT, nhưng muốn thâu tóm quyền lực thông qua Đảng Cộng sản và quân đội lúc đó còn khá mạnh. Nếu ý đồ đó thành công, ông ta đã nắm được toàn bộ LBNT.
Hỏi: Vì thế phương Tây lúc đó đã không nhanh chóng cộng nhận Slowien và Kroatien để có thể ngăn chặn Milosewic hành tiến tới dãy Alpen?
Đáp: Không có những sự công nhận đó thì chiến cuộc vẫn diễn ra như nó đã. Quân đội quá yếu nên không thể tiến vào hai nước Cộng hòa phía Bắc. Khi việc Milosewic tìm cách thâu tóm hết LBNT thất bại, ông ta tháo dỡ tấm băng rôn “Đại Serbien” khỏi mũ miện của mình, dù chính thức vẫn nói đến việc bảo toàn LBNT.
Hỏi: Từng là một chiến sĩ du kích, ông có cho rằng địa khu Bosnien là vùng không thể kiểm soát nổi? Những đội quân Mũ nồi xanh của Liên hợp quốc có thể bảo đảm hòa bình, nếu họ được phép toàn lực hành động?
Đáp: Can thiệp quân sự là việc không có ý nghĩa, nó chỉ làm cho phong trào kháng chiến của Serbien mạnh lên. Phương Tây không hiểu điều là tại đây, đặc biệt ở Bosnien, vấn đề chỉ xoay quanh việc thiết chế các nhà nước dân tộc chủ nghĩa, như nhà nước Đại Sesbien hay Đại Kroatien. Ngay cả phái Moslem cũng muốn biến Bosnien thành đất nước Hồi giáo. Ý đồ của Tổng thống Izetbegovic muốn chuyển đổi Bosnien thành nhà nước dân chủ cũng không thể thành tựu với một đảng mang ý thức hệ toàn trị và bất bao dung; đường lối này nhằm thống trị các dân tộc khác. Tuy nhiên rõ ràng là phái Moslem đã hành động vô đạo lý nhất.
Hỏi: Cả những người Serbien sống ở Bosnien cũng áp đặt ý tưởng của mình cho các dân tộc khác, cuối cùng thì họ có giữ những vùng đã chiếm được?
Đáp: Tất nhiên là những người Serbien đã chiếm giữ quá nhiều đất đai, lãnh thổ. Họ biết chính xác điều đó và tiếp tục củng cố. Giải pháp tốt nhất cho Bosnien-Herzegowina là được Liên hiệp quốc bảo trợ lâu dài. Nhưng trông chờ vào thế giới Phương Tây một sự bảo trợ cùng những phí tốn tài chính là một điều khờ khạo.
Hỏi: Còn có thể tái thiết một Liên bang Nam Tư thống nhất?
Đáp: Không được; giấc mơ này đã là dĩ vãng. Cái còn lại chỉ là những nhà nước độc lập nhỏ bé có những mối quan hệ kinh tế và văn hóa với nhau. Chiến tranh lạnh đã biến mất cùng với sự sụp đổ của (phe) Cộng sản chủ nghĩa. Nay chúng ta quay trở lại thời kỳ các nhà nước nhỏ cùng bay trong đàn với đôi cánh của mình.
V.Đ.
Nguồn:
http://hoangthu3-1403.blogtiengviet.net/2014/11/26/p5667078#more5667078