Rồng và Gấu: Tập-Putin, cặp bài trùng quyền lực tại APEC

Trần Ngọc Cư dịch

Bắc Kinh (AFP) – Chủ tịch độc tài Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin chia sẻ nhiều quan điểm giống nhau từ nhân quyền đến Mikhail Gorbachev, trong một mối quan hệ cá nhân ngày càng thân thiết, phản ánh những lợi ích tương hợp của Nga và Trung Quốc.

Putin

Putin sẽ đến Bắc Kinh vào hôm Chủ nhật để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và sẽ có cuộc họp lần thứ 10 với Tập kể từ khi Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc nhậm chức vào tháng Ba năm ngoái, theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo.

Sự thân thiết cá nhân ngày một gia tăng giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong khi các lợi ích thương mại, đầu tư và địa chính trị của hai nước ăn khớp nhau.

Moscow đang gặp phải sự chỉ trích gay gắt và các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây vì việc Nga chiếm giữ Crimea và vì cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine, cũng như sự nguyền rủa của thế giới về đường lối của Nga đối với các nhà bất đồng chính kiến và các người đồng tính luyến ái.

Bắc Kinh cũng có các quan hệ căng thẳng về những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, và gần đây còn hứng chịu những chỉ trích liên quan các đòi hỏi tự do tuyển cử của người dân Hồng Kông.

“Tình hình đang thúc đẩy hai nước tiến tới các quan hệ thân thiết hơn, cả hai đang đối mặt với những sức ép năng nề, Nga tại Ukraine và Trung Quốc tại Hồng Kông,” ông Vladimir Yevseyev, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Công cộng, một tổ chức độc lập có trụ sở tại Moscow, đã nói như vậy.

“Tập xuất thân từ một gia thế thân cận với thế lực phức hợp quân sự-công nghiệp [the military-industrial complex], là một người gần gũi với các cơ cấu thực thi quyền lực hơn người tiền nhiệm của mình (Hồ Cẩm Đào) rất nhiều,” Yevseyev nói.

“Putin hiểu Tập nhiều hơn, nhân sinh quan của họ hoàn toàn giống nhau,” Yevseyev nói thêm. “Tập có khuynh hướng đối đầu nếu thấy cần thiết, điều này làm hài lòng Putin.”

Hội đồng an ninh Nga-Trung Quốc

Các quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh có một lịch sử thăng trầm. Các tranh chấp lãnh thổ giữa nước Nga Sa hoàng và Đế chế Trung Hoa đã nhường bước cho sự hợp tác giữa Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào những năm đầu của chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự hợp tác này sau đó đã sụp đổ do sự chia rẽ to lớn về các vấn đề ý thức hệ liên quan tới đường lối tiến hành cách mạng, ai sẽ lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, có nên chung sống hòa bình với thế giới tư bản không, và việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Cuối cùng, một chuyển dịch to lớn trong địa chính trị toàn cầu đã mang lại hậu quả là Bắc Kinh và Washington chấm dứt mối thù nghịch giữa hai nước và Tổng thống Richard Nixon đích thân sang thăm Trung Quốc.

Liên Xô tan rã cách đây 23 năm, và kể từ đó Nga và Trung Quốc đã được thúc đẩy xích lại gần nhau do các mối quan tâm chung, đặc biệt là mối lo ngại về các ý đồ của Washington.

Hai nước thường bỏ phiếu như một cặp bài trùng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi cả hai đều có quyền phủ quyết, đôi khi chống lại phương Tây về các vấn đề như Syria chẳng hạn.

Hai nước đã thực hiện các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp trên bộ và trên biển và đều là thành viên của nhóm BRICS gồm các quốc gia đang trỗi dậy, kể cả Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.

Các quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh, nước Nga giàu tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò là nước cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế đang tăng trưởng của Trung Quốc. Sau một thập niên đàm phán, hai nước đã ký kết một hợp đồng vĩ đại với thời hạn 30 năm và trị giá 400 tỉ USD trong một chuyến thăm viếng Trung Quốc của Putin vào tháng Năm.

“Trong khi châu Âu sắp cắt giảm việc tiêu thụ khí đốt của Nga, thì Trung Quốc lại hứa hẹn một thị trường thay thế,” Yevseyev nói.

Tiếc nuối thời Xô Viết

Nhóm các nước APEC – chiếm hơn 50 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu, 44 phần trăm thương mại thế giới và 40 phần trăm dân số thế giới – đã bắt đầu cuộc họp cấp bộ trưởng vào hôm thứ Sáu trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm thứ Hai và thứ Ba.

Nga, với một lãnh thổ bao la trải rộng từ Biển Baltic đến Thái Bình Dương, là thành viên Châu Âu duy nhất của tổ chức này.

Tập hợp các nước đặt cơ sở trên sự đồng thuận này, chủ yếu nhấn mạnh hợp tác thương mại và kinh tế, thường cố gắng vá víu các bất đồng nghiêm trọng tại các cuộc họp thượng đỉnh của nó.

Nhưng Tập, quí tử của một công thần Đảng cộng sản Trung Quốc đồng thời là anh hùng thời chiến tranh Quốc-Cộng, và Putin, một cựu nhân viên KGB từng đóng tại Đông Đức khi Bức tường Bá Linh sụp đổ cách đây 25 năm vào tháng này, rất có thể có một lập trường chung trước các chỉ trích đối với chính sách của Nga và Trung Quốc phát xuất từ các nước như Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản.

Hai ông còn được gắn bó bởi một nỗi bất bình chung về sự sụp đổ của Liên Xô và bởi cùng một thái độ khinh thị dành cho người đã chịu trách nhiệm về sự sụp đổ này: Gorbachev, nhà lãnh đạo đã thi hành các cải tổ “perestroika” [tái cấu trúc] và “glasnost” [cởi mở] nhưng cuối cùng đã thất bại trong nỗ lực hà hơi tiếp sức cho hệ thống độc đảng.

Putin vào năm 2005 đã gọi sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất” của Thế kỷ 20.

“Cả Putin lẫn Tập Cận Bình tỏ ra có thể hợp tác với nhau khá hài hòa, theo tôi nghĩ, một phần vì cả hai trong những cung cách khác nhau có thể nói, “bạn biết ai đã sai phạm nghiêm trọng cách đây 25 năm không? Gorbachev,” Jeffrey Wasserstrom, Giáo sư Sử học tại Đại học California, Irvine, đã phát biểu như thế trong một buổi nói chuyện tại Bắc Kinh.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Gorbachev phạm một sai lầm, ông đã để cho mọi cơ cấu cộng sản tan rã,” Wasserstrom nói tiếp. “Putin cũng nói Gorbachev phạm một sai lầm. Đây là một dự đồng qui kỳ lạ.”

K.O.

Nguồn bản gốc: http://news.yahoo.com/dragon-bear-xi-putin-form-power-duo-apec-043124321.html

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Nga, Quốc Tế. Bookmark the permalink.