Chính xác : “TQ không nên lo lắng “! Tại sao ? Vì ĐCSVN vẫn giữ vững cái chính sách “ba không”: 1) Không tạo điều kiện thoát Trung về chính trị lẫn kinh tế. 2) Không tạo điều kiện có đồng mình quân sự với “niềm tin chiến lược”. 3) Không tạo điều kiện lấy lại biển đảo đã bị cướp và giữ biển đảo đang còn. Hãy ngủ yên đi, các đồng chí ơi, mình ngoan ngoãn !
Ngoại trưởng Việt Nam cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận mà nước này áp đặt lên Việt Nam trong nhiều năm qua là ‘điều bình thường’ khi mà hai nước đã bình thường hóa quan hệ gần 20 năm.
Trong khi đó, một nhà quan sát nhận định rằng khả năng Mỹ sớm nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn giữa Washington và Hà Nội’.
‘Bắc Kinh không nên lo’
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã đưa ra lời bình luận này tại một phiên chất vấn tại Hội châu Á ở New York, nơi ông Minh đang có mặt để tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Tư ngày 24/9.
“Gần 20 năm trước, chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và hồi năm 2013 chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ,” ông Minh được hãng tin Anh Reuters dẫn lời nói.
“Do đó mối quan hệ giữa hai nước là bình thường và lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là không bình thường,” ông nói thêm.
Ngoại trưởng Việt Nam cũng gửi lời nhắn đến Bắc Kinh là ‘không nên lo lắng’ về việc Việt Nam mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Nếu chúng tôi không mua vũ khí của Mỹ thì chúng tôi cũng mua của nước khác,” ông được dẫn lời nói, “Vậy tại sao Trung Quốc phải lo chứ?”
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh
“Nếu chúng tôi không mua vũ khí của Mỹ thì chúng tôi cũng mua của nước khác,” ông được dẫn lời nói, “Vậy tại sao Trung Quốc phải lo chứ?”
Theo hãng tin Mỹ AP thì ông Phạm Bình Minh cũng đề cập đến ‘nguy cơ xung đột quân sự chưa từng thấy ở các vùng biển châu Á’ nhưng ông tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.
Lâu nay Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho chính phủ cộng sản ở Hà Nội mà họ vẫn chỉ trích về nhân quyền do lo ngại Hà Nội sẽ dùng vũ khí này để cho việc đàn áp người dân.
Cho đến giờ Washington vẫn chưa loan báo sẽ dỡ bỏ hay nới lỏng lệnh cấm này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nước đang xích lại gần nhau hơn.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ như Thượng nghị sỹ John McCain hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đều lên tiếng ở Việt Nam về việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm này.
Tướng Dempsey nói rằng việc nới lỏng lệnh cấm sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân của mình.
‘Vận hội lớn’
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và hiện đang nghiên cứu những chuyển động trong khu vực, nhận định rằng khả năng Mỹ có thể nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam ‘nằm trong tổng thể diễn tiến quan hệ Việt-Mỹ đang có chuyển biến nhanh hơn dự kiến’.
Ông Thắng dẫn chứng là trong vòng hai tháng đã có ‘biết bao nhiêu đoàn kể cả dân sự, quân sự, kinh tế thương mại giữa hai nước thăm viếng nhau’.
Ông cũng cho rằng ‘có sự liên đới nhất định giữa việc cải thiện kinh tế thương mại và an ninh chính trị trong quan hệ Việt-Mỹ’ trong bối cảnh hai nước ‘đang cố gắng vượt qua nút thắt TPP’.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý Mỹ cũng đang rất thận trọng chỉ muốn ‘dỡ bỏ một phần’ lệnh cấm này đối với Việt Nam.
“Hoa Kỳ phải tiến hành động thái ngoại giao này sao cho phù hợp với xu thế tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương,” ông phân tích.
“Việc nới lỏng lệnh cấm này phải nhịp nhàng với các chuyển động khác trong quan hệ Việt-Mỹ với nhân quyền và xã hội dân sự là các tham số mà Mỹ không thể bỏ qua,” ông nói thêm và dự đoán Mỹ sẽ chính thức dỡ bỏ một phần lệnh cấm này ‘vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau’.
Khi được hỏi liệu Việt Nam đã trao đổi những gì để nhận được hành động này từ phía Mỹ, ông Thắng nói rằng nếu những vấn đề dân chủ nhân quyền được đặt lên bàn đàm phán thì ‘Việt Nam cũng sẽ có quan ngại rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nội bộ của Việt Nam’.
Cả Việt Nam và Mỹ phải nhìn từ lợi ích chung thì tất cả những vấn đề chi tiết khác hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, sẽ vượt qua những trở ngại trong đó có vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan
Tuy nhiên ông cho rằng việc trao đổi của Hà Nội với Mỹ ‘có mục đích lâu dài’ với ‘biện pháp tổng thể’ chứ ‘không chỉ phụ thuộc vào một hai việc cụ thể là thả người này hay bắt người kia’.
“Cả Việt Nam và Mỹ phải nhìn từ lợi ích chung thì tất cả những vấn đề chi tiết khác hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, sẽ vượt qua những trở ngại trong đó có vấn đề dân chủ và nhân quyền.”
Về triển vọng quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng hai nước đang đứng trước vận hội lớn vào thời điểm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ trong bối cảnh Việt Nam đang mong muốn có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Ông dự đoán ‘trong vài năm tới’ Việt Nam sẽ xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Khi được hỏi liệu quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển đến mức thành một liên minh quân sự để đối phó với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông hay không, ông Thắng nhắc lại việc ở New York ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh chính sách ‘ba không’ của Việt Nam.
Tuy nhiên, vị cựu đại sứ này cho rằng khi trong khu vực đang tồn tại những cấu trúc an ninh của các cường quốc lớn như Mỹ, Nhật, Ấn và Úc và những cấu trúc này bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực thì ‘chắc chắn sớm hay muộn Việt Nam sẽ có những hưởng ứng ở mức độ này hay mức độ khác’.
Nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/09/140925_vn_fm_asia_society